Cuộc bạo loạn và thử thách của ông Macron

Thứ Hai, 24/07/2023, 10:33

Vụ việc bắt nguồn từ một sự cố ở Nanterre, Haute-Seine, Pháp. Một sĩ quan cảnh sát khi yêu cầu chiếc ôtô dừng lại, đã nổ súng giết chết thanh niên 17 tuổi đang lái xe. Vụ việc đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ mọi tầng lớp xã hội ở Pháp. Những cuộc bạo động đã liên tục xảy ra với mức độ khác nhau ở nhiều thành phố, đưa nước Pháp vào một cơn hỗn loạn nhất kể từ vụ việc tương tự năm 2005 đến giờ.

Tháng 11/2005, 3 nam sinh ở ngoại ô Paris hoảng hốt chui vào trạm biến áp vì chạy trốn sự truy đuổi của cảnh sát và bị điện giật khiến 2 em tử vong, 1 bị thương nặng. Vụ việc sau đó kéo theo cuộc bạo loạn với quy mô lớn trong thời gian dài.

Cuộc bạo loạn và thử thách của ông Macron -0
Ông Macron điều hành cuộc họp nội các khẩn cấp khi bạo loạn bùng phát cuối tháng 6/2023.

Khi đó, đa số phương tiện truyền thông quốc tế và nhà bình luận đều cho rằng nguyên nhân của các cuộc bạo loạn là do khoảng cách quá lớn về mức độ giàu nghèo, điều kiện giáo dục và môi trường việc làm của những người nhập cư và thế hệ thứ 2 của những người nhập cư sống ở vùng ngoại ô, cũng như sự đối đầu do chính sách dân tộc, tôn giáo và văn hóa lâu nay gia tăng. Truyền thông Pháp cho rằng, bạo lực từ lâu đã không còn là chuyện hiếm xảy ra, nguyên nhân sâu xa dưới sự chỉ đạo của “đúng đắn chính trị”, một kiểu nói ám chỉ sự che đậy, né tránh nhìn thẳng vào sự việc, với một trong những yếu tố dẫn đến đó là nhà nước pháp quyền phải khuất phục trước dư luận, giới tinh hoa chính trị đã từ bỏ sứ mệnh của mình để lấy lòng cử tri, giành phiếu bầu... Tranh chấp giữa các đảng phái lúc ấy cũng khiến Bộ trưởng Nội vụ khi đó là ông Sarkozy bị cả trong và ngoài đảng chỉ trích vì đã “thanh trừng đám dân ô hợp” ở ngoại ô.

Còn đối với vụ việc xảy ra cuối tháng 6/2023 vừa qua, sự kiện kèm theo đó là cảnh tượng bạo lực leo thang ở nhiều thành phố được đăng tải trên mạng xã hội. Xe buýt, tàu điện và nhiều loại xe cộ khác bị phóng hỏa, đồn cảnh sát và tòa thị chính là mục tiêu bị tấn công, nhiều tòa nhà bị đốt phá, cửa hàng bị cướp, nhà tù ở thị trấn Fresnes bị tấn công. Tối 30/6, một chiếc xe buýt chở du khách Trung Quốc cũng bị những kẻ bạo loạn bao vây và tấn công ở Marseille, một vài du khách bị thương nhẹ. Nhóm du khách này sau đó đã thoát sang Thụy Sĩ và kết thúc chuyến du lịch sớm để về nước.

Theo các nhà phân tích, các cuộc bạo loạn lần này có sự tương đồng với năm 2005: Cái chết của người thuộc cộng đồng thiểu số đã gây ra làn sóng dư luận và một lần nữa xảy ra bạo loạn ở vùng ngoại ô trong thời gian dài. Nhân cơ hội này, một số thanh niên bất mãn với nhiều chính sách cải cách của chính quyền tiền nhiệm đã thể hiện sự bất bình bằng hình thức bạo lực. Nhất là với xã hội Pháp hiện nay, đang tồn tại nhiều mâu thuẫn xã hội và chính trị nổi cộm.

Hàng loạt tình trạng không thay đổi trong gần 20 năm qua, sự chia rẽ các tầng lớp xã hội, ngôn ngữ lập lòe kiểu như “sự dúng đắn về chính trị”, sự “khuất phục” của giai cấp thống trị trước dư luận và “lòng dân” không có tiến triển gì. Về phía chính phủ, mặc dù bề ngoài Tổng thống Emmanuel Macron và bà Thủ tướng Elisabeth Borne thể hiện thái độ cứng rắn nhưng lại được đánh giá là thiếu dũng khí để thực hiện các giải pháp mạnh. Bộ trưởng Nội vụ Darmanin, người lẽ ra phải chịu trách nhiệm trực tiếp về vụ việc đã không thể tỏ thái độ cứng rắn để duy trì luật pháp giống như Bộ trưởng Nội vụ Sarkozy trước đây.

Từ góc độ xã hội, hậu quả của các cuộc biểu tình do cải cách hệ thống hưu trí gây ra vẫn chưa được loại bỏ; lạm phát tăng cao do hậu của đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng Ukraine; tình hình tỷ lệ việc làm của lớp người trẻ tuổi, đặc biệt là thế hệ thứ 2 và thứ 3 của những người nhập cư sống ở vùng ngoại ô đã không được cải thiện nhiều đều khiến sự chia rẽ không thể hàn gắn trong xã hội Pháp. Ở góc độ nào đó, mạng xã hội đã làm gia tăng tình trạng chia rẽ này: Phong trào BLM (Black Lives Matter - Tính mạng người da đen cũng quan trọng) của Mỹ đã tạo tiền lệ cho sự phản kháng của các cộng đồng thiểu số tại Pháp; sự khuyến khích đối với các hành động bạo lực tràn ngập trên mạng xã hội chưa được kiểm soát hiệu quả. Ngược lại, hành động của cảnh sát trong quá trình thực thi pháp luật bị tuyên truyền thái quá, làm gia tăng khoảng cách giữa dân chúng với người thực thi pháp luật.

Để dập tắt bạo loạn và duy trì luật pháp và trật tự, Pháp đã triển khai 45.000 cảnh sát và nhân viên an ninh trên khắp cả nước. Cảnh sát đặc nhiệm, xe bọc thép và trực thăng được điều động gấp đến Paris, Marseille và Lyon, đồng thời các sự kiện công cộng quy mô lớn đã bị hủy bỏ trên toàn quốc, lệnh giới nghiêm đã được áp dụng ở một số thành phố và thị trấn và mới chỉ dịu đi vào trung tuần tháng 7.

Theo các nhà quan sát, đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà ông Macron phải đối mặt kể từ phong trào “Áo vàng” năm 2018. Giới phân tích cho rằng, cùng với cuộc biểu tình gay gắt về cải cách tuổi nghỉ hưu đầu năm 2023 vừa qua, các cuộc bạo loạn mới nhất đã tạo ra những rào cản mới cho nhiệm kỳ thứ 2 của ông Macron, đồng thời có thể tạo thành áp lực cho chính sách đối nội và đối ngoại của ông.

Về đối nội, thử thách của ông Macron sẽ là làm thế nào để khôi phục trật tự. Tờ Le Monde của Pháp bình luận rằng ông Macron cần giữ cân bằng giữa việc duy trì trật tự và ngăn chặn các hành động bạo lực của cảnh sát. Ngăn không để đất nước rơi vào vòng tuần hoàn của bạo lực thông qua việc tăng cường trao đổi giữa lực lượng thực thi pháp luật và chính trị là cách làm khả thi. Bên cạnh đó là việc làm thế nào để giải quyết tận gốc vấn đề giúp người nhập cư hòa nhập xã hội bản địa là một thách thức lớn. Vụ bạo động cũng sẽ châm ngòi cho những đả kích phe phái mà lực lượng của ông Macron phải vượt qua.

Về đối ngoại, các hoạt động liên quan đến nước ngoài hoặc các chương trình nghị sự liên quan đến ngoại giao như tổ chức Thế vận hội Olympic 2024 hay nỗ lực hòa giải xung đột Nga - Ukraine cũng sẽ bị ảnh hưởng từ cuộc bạo loạn. Nó ít nhiều đã làm lu mờ hình ảnh của nước Pháp, đồng thời gây tổn hại đến hình ảnh lãnh đạo và uy tín quốc tế của người đứng đầu nước Pháp.

bao

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.