Đằng sau tuyên bố cứng rắn của ông Macron
Trước số ca nhiễm COVID-19 hằng ngày tăng kỷ lục, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã không ngần ngại cho biết sẽ không để yên cho hàng triệu người đến nay vẫn kiên quyết không chịu tiêm ngừa COVID-19, dù nước Pháp không thiếu vaccine.
Những phát biểu gay gắt của ông Macron đã làm rung chuyển chính trường Pháp và bị phe đối lập chỉ trích nặng nề. Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra phản đối tuyên bố này. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng những lời lẽ gây tranh luận của ông Macron có những ý đồ chính trị đằng sau.
Chỉ trong ngày 9-1-2022, nước Pháp ghi nhận thêm 303.000 ca nhiễm mới. Lần thứ ba số ca nhiễm vượt quá 300.000/ngày. Bất chấp số lượng ca nhiễm tăng vọt, Chính phủ Pháp vẫn không quyết định phong tỏa hay giới nghiêm mà chủ yếu dựa vào việc tăng tốc tiêm chủng, với hy vọng số lượng người phải nhập viện và người bị thể nặng sẽ không quá lớn, nhờ tác dụng bảo vệ của vaccine. Tính đến ngày 9-1, đã có 77% dân số Pháp tiêm chủng đủ, 28 triệu người được tiêm liều nhắc lại.
Trước tình hình dịch bệnh lây lan đáng lo ngại, trao đổi với nhật báo Le Parisien, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không ngần ngại cho biết sẽ không để yên cho hàng triệu người đến nay vẫn kiên quyết không chịu tiêm ngừa COVID-19, dù nước Pháp không thiếu vaccine. Tổng thống Macron khẳng định sẽ “gây phiền nhiễu” cho những người không tiêm chủng và nhấn mạnh đó là chiến thuật của ông. Ông Macron gay gắt chỉ trích những người bài vaccine là vô trách nhiệm, thiếu đạo đức và ngầm phá hoại tình đoàn kết quốc gia. Theo Le Parisien, Tổng thống Pháp muốn hạn chế ở mức tối đa việc những người không chịu tiêm phòng COVID-19 tham gia vào các hoạt động xã hội. Đối với tổng thống, tỉ lệ 85% số bệnh nhân tại các khoa hồi sức là những người không tiêm ngừa là điều lý giải tốt nhất cho việc là tại sao Chính phủ Pháp lại chọn chiến lược đó.
Cùng lúc đó, ngày 6-1, Quốc hội Pháp đã thông qua dự luật chuyển chứng nhận y tế thành chứng nhận tiêm chủng (theo yêu cầu của chính phủ). Khẩn cấp chích ngừa cho bộ phận còn lại của dân cư là biện pháp chủ yếu mà Chính phủ Pháp đề ra để hy vọng chống chọi được đà lây nhiễm ghê gớm của biến thể Omicron. Ngày 9-1, hơn 100.000 người xuống đường biểu tình trên khắp nước Pháp chống giấy thông hành y tế và dự luật chuyển giấy thông hành y tế thành giấy chứng nhận đã tiêm chủng COVID-19.
Theo nhật báo lớn nhất của Pháp, Le Monde, những lời lẽ gây tranh luận của tổng thống chống lại những người chưa tiêm chủng, có những ý đồ chính trị đằng sau. Le Monde mô tả những “tính toán” đằng sau thái độ bị coi là thô bạo của tổng thống. Phát biểu của Tổng thống Macron trên thực tế được đưa ra cùng lúc với việc ông thông báo quyết định tái tranh cử. Nếu như, với tư cách của một tổng thống, ông Macron phải thể hiện là một “vị tổng thống đoàn kết” người Pháp (điều mà cho đến trước đó ông liên tục khẳng định), thì ngược lại, với tư cách một ứng cử viên, ông Macron đã chọn một thái độ hoàn toàn khác, tấn công trực diện một bộ phận dân cư. Thủ tướng Jean Castex khẳng định ông “đã nghe thấy khắp nơi những phát biểu giống như của tổng thống”.
Tuy nhiên, cũng theo Le Monde, chiến thuật nói trên của ứng viên tái cử Macron có thể lợi bất cập hại. Trước hết các phát biểu của ông Macron gây tranh luận dữ dội tại quốc hội, thứ hai là một bộ phận đảng cầm quyền cũng không đồng tình với những lời lẽ khi chọn việc tấn công một bộ phận dân cư này để lấy lòng bộ phận dân cư kia.
Báo Le Monde cho rằng thái độ làm trầm trọng hóa của ông Macron là con dao hai lưỡi. Về thực chất vấn đề, việc tổng thống gia tăng áp lực lên những người chưa tiêm chủng là đúng. Những người lớn tiếng lên án chính quyền khi thúc đẩy tiêm chủng, đã “giả bộ không hiểu rằng trong nền dân chủ tự do cá nhân phải dừng lại nơi nó gây nguy hiểm cho tính mệnh người khác”. Tuy nhiên, về mặt hình thức, một vị tổng thống - người có nghĩa vụ bảo đảm đoàn kết quốc gia - không thể có những lời lẽ loại trừ một bộ phận dân cư, để làm hài lòng quan điểm của đa số. Hành xử như vậy đi ngược lại phương hướng mà chính Tổng thống Macron đã làm trong những tháng gần đây, là làm dịu bớt các căng thẳng, tìm cách mở rộng khối dân cư đi theo “tiếng nói của sự tỉnh táo”.
Le Monde đưa ra lời khuyên: ông Macron nên xem kỹ vì sao cho đến nay, một bộ phận rất nhỏ dân cư kiên quyết chống tiêm chủng đến cùng, "bất chấp các kết quả rõ ràng, cũng như các lập luận đầy đủ lý lẽ", trước khi quyết định tấn công họ. Kết quả điều tra dư luận của Odoxa-Backbone Consulting, cho thấy 59% người Pháp đồng ý với chính phủ về việc cần gây áp lực với những người lưỡng lự nhưng có đến 65% người Pháp cho rằng một tổng thống không nên phát biểu như vậy. 70% muốn “lẽ ra tổng thống nên tìm cách thuyết phục hơn là ép buộc”.
Hiến pháp nước Pháp hiện để ngỏ khả năng áp dụng chính sách tiêm chủng bắt buộc, nếu điều này là cần thiết “để bảo đảm sức khỏe cá nhân và cộng đồng”. Chứng nhận tiêm chủng thực ra cũng là một dạng bắt buộc tiêm chủng nhưng không nói thẳng. Báo chí Pháp nói chung nhấn mạnh là, không nên vì cuộc bầu cử tổng thống sắp tới mà tránh việc thảo luận công khai về vấn đề này, về những vấn đề như có đặt ra đòi hỏi tiêm chủng bắt buộc tùy theo nhóm tuổi hay tình trạng bệnh tật hay không...
Nhật báo Libération cũng ủng hộ một cách phát biểu tạo hòa khí hơn là làm căng thẳng thêm tình hình, cùng lúc đó nhấn mạnh đến việc, để chuẩn bị cho phương án để Omicron lây lan tự nhiên, không phong tỏa, chính phủ cần gấp rút điều động các phương tiện phòng dịch đến đúng nơi cần, đặc biệt là các trường học, nơi rất cần đến khẩu trang, máy hút khí, xét nghiệm tự làm...
Chính sách thả lỏng không phong tỏa, thiết quân luật của nước Pháp, để hướng đến nhanh chóng có được “miễn dịch cộng đồng” (tiếp nối kinh nghiệm của Anh) được đánh giá là có thể thành công nhưng cũng đầy nguy cơ thất bại. Theo chuyên gia mô hình hóa dịch bệnh Samuel Alizon (CNRS), nước Pháp có thể phải đón nhận kịch bản 20 nghìn bệnh nhân hồi sức do COVID. Bên cạnh đó, trong quá trình dịch bệnh lây lan mạnh, một biến thể nguy hiểm mới xuất hiện có thể khiến cuộc chiến phòng chống dịch phải “khởi đầu lại từ số không”.