Haiti trong cơn “lũ quét” chính trị

Thứ Ba, 03/08/2021, 09:34

Không chỉ thiên nhiên và môi trường bị đe dọa, đất nước từng được mệnh danh là “mẹ của tự do” này đang phải trải qua một trong những thời khắc ảm đạm nhất.

Haiti là đất nước da màu đầu tiên trên thế giới giành được độc lập thông qua đấu tranh vũ trang vào ngày 1-1-1804 và cũng là quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên giành được độc lập từ tay thực dân châu Âu. Tại thời điểm độc lập, Haiti có dân số khoảng 500 nghìn người và 80% lãnh thổ quốc gia được bao phủ bởi rừng tự nhiên. Hiện nay, dân số Haiti đã vượt ngưỡng 12 triệu người và rừng tự nhiên chỉ còn chiếm 1% diện tích lãnh thổ. Nhưng không chỉ thiên nhiên và môi trường bị đe dọa, đất nước từng được mệnh danh là “mẹ của tự do” này đang phải trải qua một trong những thời khắc ảm đạm nhất.

Haiti từ lâu được cho là đã ở trong tình trạng khủng hoảng về cấu trúc. Trong khoảng 10 năm qua, tình trạng này đã biến thành một cuộc khủng hoảng toàn diện, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tất cả các thành phần xã hội trong giai đoạn cầm quyền của đảng Người Haiti không tóc (PHTK), một tổ chức chính trị do cựu Tổng thống Joseph Martelly, người lên nắm quyền năm 2011 và được Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS), hậu thuẫn.

Khi kết thúc nhiệm kỳ của mình, với sự “hỗ trợ” của người Mỹ, ông Martelly đã chuyển giao quyền lực cho ông Jovenel Moise với không ít tai tiếng. Ông Moise đã đắc cử chỉ với 500 nghìn phiếu thuận trong một cuộc bầu cử có tới hơn 6 triệu cử tri đăng ký đi bỏ phiếu trên toàn lãnh thổ.

nhieu.jpg -0
 Nhiều người dân Haiti khốn đốn vì tình trạng bất ổn liên miên.

Nói cách khác, ông Moise được cho là một tổng thống không chính danh ngay từ đầu. Thêm vào đó, mặc dù nhiệm kỳ hiến định của ông kết thúc vào ngày 7-2-2021, nhưng ông vẫn bất chấp quy định bầu cử mà tiếp tục cầm quyền. Do đó, đối với đa số người dân Haiti, tại thời điểm bị sát hại ngày 7-7 vừa qua, ông Moise chỉ còn là một Tổng thống tiếm quyền.

Trong những ngày qua, đã có nhiều thông tin về vụ sát hại này nhưng công chúng vẫn chưa hiểu rõ ông Moise đã thiệt mạng ra sao. Chính phủ đã đề cập đến một nhóm biệt kích đến từ Colombia với 28 cựu quân nhân, trong đó có 2 hoặc 3 công dân Mỹ gốc Haiti. Nhóm biệt kích này đã đột nhập tư dinh Tổng thống từ cổng chính và sát hại ông. Không ai hiểu được vì sao nhóm vũ trang này có thể sát hại ông Moise mà không vấp phải trở ngại gì từ phía đội ngũ an ninh của ông. Không một ai thiệt mạng hay bị thương trên đường vào ngôi nhà, cho dù có ít nhất 3 chốt an ninh. Người ta buộc phải đặt câu hỏi về sự tiếp tay của đội ngũ an ninh cũng như nội bộ chính phủ của ông Moise.

Mặc dù có không ít giả thuyết, song vụ sát hại ông Moise được nhắc đến nhiều hơn liên quan đến quyết tâm duy trì quyền lực của PHTK. PHTK đã chia thành 2 phe chính tranh giành quyền lực với nhau: phe của ông Moise và phe của người đỡ đầu ông, Martelly. Đó là chưa kể những thành phần đứng đằng sau các vụ bê bối biển thủ công quỹ lên tới hàng tỷ đô. Haiti là đất nước có khá nhiều tội phạm tài chính, nằm trong nhiều lĩnh vực và ở nhiều địa phương cả ở trong và ngoài nước.

Trong 10 năm cầm quyền của PHTK, Haiti đã rơi vào tình trạng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử. Khi Martelly lên nắm quyền vào năm 2011, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này ở mức 13,1 tỷ USD/năm với thu nhập bình quân đầu người là 1.200 USD/năm. Tới cuối năm 2020, GDP của Haiti rơi xuống mức 8,3 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người chỉ còn 756 USD. Trong khi đó, dân số Haiti mỗi năm tăng khoảng 200 nghìn người.

Năm 2010, thu nhập bình quân mỗi ngày của người lao động Haiti là 250 gourde, tương đương 6,25USD. Đến năm 2019, con số này tăng lên mức 500 gourde, nhưng quy đổi ra chỉ bằng 4,66USD. Tóm lại, người lao động Haiti đã rơi vào tình trạng bị bần cùng hóa cấp tính trong thập kỷ qua, khi giá trị đồng gourde của Haiti sụt giảm 140% so với đồng USD.

Những người nông dân còn cực khổ hơn. Tình trạng di dân ồ ạt khỏi nông thôn diễn ra như một thảm kịch. Đa phần thanh niên nông thôn di cư tới các thành phố để tìm kiếm cơ hội. Họ bỏ mặc hoạt động sản xuất lương thực. Chỉ trong vòng 2 năm, đã có 300 nghìn thanh niên Haiti rời bỏ quê hương tới Chile, chưa tính những điểm đến khác. Chính những người nông dân di cư mỗi ngày đã gia tăng số lượng người lang thang, vô gia cư tại các khu ổ chuột của thủ đô Port-au-Prince và là nguồn nhân lực màu mỡ cho các băng đảng.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ của ông Moise sẽ vẫn tiếp tục điều hành đất nước với tuyên bố tiếp tục các dự án của cố Tổng thống, cũng như kế hoạch bầu cử tổng thống và nghị viện mới vào tháng 9 năm nay. Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tuyên bố Washington ủng hộ lịch trình bầu cử dự kiến vào tháng 9 tới. Đại diện của Liên Hiệp Quốc tại Haiti cũng khẳng định sự ủng hộ đối với kế hoạch bầu cử và chuyển giao quyền lực cho tổng thống mới vào tháng 2-2022.

Trong bối cảnh đất nước hỗn loạn hiện nay, với hiện trạng chia rẽ của PHTK, xem ra rất khó để có được một thỏa thuận chính trị với sự tham gia của đa phần các đảng phái, hội nhóm chính trị và tổ chức xã hội dân sự để hình thành một chính phủ giải cứu dân tộc mang tính chuyển tiếp. Và ngay cả khi đạt được điều đó, thì chính phủ này sẽ phải đối diện với những nhiệm vụ cấp bách và đầy thách thức như triệt phá các băng đảng tội phạm có tổ chức, quy định và đảm bảo quyền tự do đi lại của người dân, thanh lọc và tái tổ chức bộ máy hành chính công, nhanh chóng tạo công ăn việc làm, thúc đẩy nông nghiệp sinh thái để đảm bảo an ninh lương thực, triển khai chương trình khẩn cấp để bảo vệ và phục hồi môi trường… và các nội dung quản trị quan trọng mà một chính thể cần phải làm.

Rõ ràng, việc người dân Haiti không ủng hộ ông Moise là một chuyện, nhưng vụ sát hại vị tổng thống tiếm quyền này cũng không giúp thúc đẩy mọi việc trở nên tốt hơn trong một sớm một chiều. Và cũng chỉ có người dân Haiti mới có thể chấm dứt được vòng xoáy hỗn loạn ngay trên chính mảnh đất của họ, mặc dù đó là việc không thể dễ dàng.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.