Nam Phi: ANC suy yếu sau 30 năm cầm quyền

Thứ Tư, 05/06/2024, 08:32

Tại Nam Phi, kết quả bầu cử chính thức đã được công bố vào ngày 2/6. Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC), nắm quyền từ năm 1994, biểu tượng của phong trào đấu tranh cho quyền lợi của người da đen ở Nam Phi, lần đầu tiên mất đa số tuyệt đối. Do đó, ANC sẽ phải tìm một hoặc nhiều đảng đối tác để thành lập liên minh cầm quyền.

Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống sắp mãn nhiệm Cyril Ramaphosa, người tỏ ra thoải mái một cách đáng ngạc nhiên, đã hoan nghênh các cuộc bầu cử diễn ra “tự do, công bằng, đáng tin cậy và hòa bình”. Nguyên thủ quốc gia đồng thời là Chủ tịch ANC phát biểu: “Người dân của chúng ta đã lên tiếng, dù có muốn hay không, chúng ta phải tôn trọng sự lựa chọn của họ”.

Theo thứ tự, ANC vẫn là đảng chính trị dẫn đầu với 40% số phiếu bầu - 159 ghế trên tổng số 400, so với 230 nghị sĩ mà đảng này có trong quốc hội sắp mãn nhiệm. Tiếp theo là Liên minh Dân chủ (DA), đảng đối lập và đảng tự do đầu tiên, với 22% số phiếu bầu (87 đại biểu), sau đó là MK của Jacob Zuma - đảng uMkhonto weSizwe - nhận 15% số phiếu bầu (58 nghị sĩ). EFF của Julius Malema, một đảng cực tả, giành được 9% phiếu bầu.

Nam Phi: ANC suy yếu sau 30 năm cầm quyền -0
27,6 triệu người dân Nam Phi đã được kêu gọi tham gia bỏ phiếu để bầu ra 400 đại biểu quốc hội, những người này sẽ chỉ định Tổng thống tiếp theo của nước Cộng hòa.

Vì sao người Nam Phi thất vọng với ANC?

30 năm sau khi chế độ phân biệt chủng tộc kết thúc, đa số người da đen vẫn phải chịu sự bất bình đẳng nặng nề. Đây là nguyên nhân chính khiến đảng cầm quyền thất bại trong cuộc bầu cử vừa qua. Năm nay, Nam Phi vẫn sẽ là nền kinh tế lớn nhất lục địa châu Phi xét về GDP theo dự báo mới nhất của IMF. Đây là danh hiệu duy nhất mà Tổng thống Ramaphosa có thể tự hào. Với các hoạt động đa dạng và nền công nghiệp phát triển, Nam Phi đứng đầu châu Phi về mức độ giàu có, nhưng lại nhạt nhòa về tốc độ tăng trưởng, sau Angola, Zambia và thậm chí thua cả Zimbabwe trong 30 năm qua.

Nếu so sánh với các nước lớn mới nổi như Trung Quốc hay Ấn Độ thì thấp hơn nhiều, bởi tốc độ tăng trưởng thực tế của nước này nếu không có lạm phát là yếu, thậm chí là âm. GDP của nước này đạt đỉnh vào năm 2011. Kể từ đó, GDP bình quân đầu người đã giảm 23% và bất bình đẳng bùng phát. Nam Phi là quốc gia bất bình đẳng nhất thế giới theo Ngân hàng Thế giới. Phần lớn dân số da đen phải chịu nhiều thiệt thòi.

Khoảng cách giữa người da đen và người da trắng đặc biệt lớn trên thị trường việc làm, bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ thất nghiệp trên 30%. Tỷ lệ này chiếm 40% ở người da đen và chỉ 7% ở người da trắng. 60% đất đai vẫn do nông dân da trắng canh tác, chỉ 16% do người da đen canh tác sau cuộc cải cách nông nghiệp nhằm tái cân bằng khả năng tiếp cận quyền sở hữu đất đai. Điều tương tự cũng xảy ra với việc nắm giữ cổ phần của các công ty niêm yết: 70% công ty vẫn thuộc về người da trắng. Trong bối cảnh nghèo đói hiện nay, số người sống phụ thuộc vào trợ cấp xã hội đã bùng nổ, ảnh hưởng tới 1/3 dân số.

Trao quyền kinh tế cho người da đen, một chính sách hành động tích cực có lợi cho người da màu, đã không đạt hiệu quả như mong đợi. Nhiều người không ngần ngại gọi đó là sự thất bại của một hệ thống bị bóp méo. Chỉ có một thiểu số người da đen trở nên giàu có. Về cơ bản, các thành viên ANC đã được mời vào bàn của các nhà lãnh đạo da trắng. Thế nhưng nó lại trở thành cái nôi của tham nhũng.

Tham nhũng tràn lan là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của Công ty Điện lực quốc gia (Eskom). Những thất bại của Eskom, nơi không còn khả năng cung cấp điện liên tục, là tổn thương nặng nề nhất đối với nền kinh tế Nam Phi. Tình hình đã được cải thiện trong những tháng gần đây, nhưng vẫn còn quá sớm để nói về việc trở lại bình thường. Tăng trưởng của Nam Phi sẽ dưới 1% trong năm nay. Theo IMF, tỷ lệ này có thể tăng lên 3 hoặc 5% nếu nguồn điện được khôi phục bền vững. Sự cố mạng lưới này, cùng những hậu quả tiêu cực đối với vận tải đường sắt, là một trong những yếu tố khiến một số nhà đầu tư nước ngoài phải trì hoãn các dự án của họ.

14 ngày để thành lập một liên minh

Kể từ bây giờ, các đảng chính trị có 14 ngày để thống nhất và thành lập liên minh cầm quyền. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cũng kêu gọi tất cả các lực lượng chính trị “cùng nhau hợp tác” sau khi công bố kết quả chính thức. “ANC cam kết thành lập một chính phủ ổn định, có khả năng điều hành hiệu quả”, Tổng thư ký Fikile Mbalula tuyên bố, đồng thời nêu rõ rằng đảng sẽ tổ chức các cuộc thảo luận nội bộ cùng các đảng khác.

Nghị viện sẽ phải mở phiên họp mới trong vòng 2 tuần và bầu ra nguyên thủ quốc gia. Nhưng, 2 tuần để thành lập liên minh là khoảng thời gian rất ngắn đối với một quốc gia mới thành lập chính phủ liên minh trên quy mô toàn quốc. Các cuộc đàm phán giữa các bên sẽ tăng cường từ tuần này. Không còn thời gian để lãng phí, người dân Nam Phi muốn biết ai sẽ cai trị họ.

Sau cơn địa chấn chính trị này, ANC phải xây dựng liên minh và tìm kiếm đồng minh trong số 3 lực lượng đứng đầu phe đối lập. Đảng có thể thành lập một liên minh cánh hữu, với DA, để trấn an giới kinh doanh nói riêng, hoặc bên cánh tả cấp tiến, với MK của ông Jacob Zuma hoặc EFF của ông Julius Malema, hai nhân vật cũ của ANC đã ly khai. Tuy nhiên, MK đã thông báo rằng họ sẽ không tổ chức các cuộc thảo luận với ANC chừng nào ông Cyril Ramaphosa vẫn đứng đầu nhà nước.

“Có 2 kịch bản: ANC với Liên minh Dân chủ. Có một phe trong ANC ủng hộ liên minh với đảng tự do cánh hữu. Kịch bản thứ hai: ANC với EFF và MK, nhưng 2 đảng này không mấy thoải mái với Tổng thống mãn nhiệm Cyril Ramaphosa. Ông Jacob Zuma đứng đầu MK về mặt kỹ thuật vẫn là thành viên của ANC và cũng đã nói rằng ANC dưới thời ông Ramaphosa không phải là ANC thực sự, và Zuma phải thành lập phong trào của riêng mình dựa trên những đường lối chính trị mà Ramaphosa đã đưa ra cho đảng này”, nhà nghiên cứu, phân tích Harlan Cloete, từ Đại học bang Tự do, cho biết.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.