Những bí mật hạt nhân của Thụy Điển

Thứ Sáu, 18/04/2025, 20:27

Thật khó tưởng tượng rằng Thụy Điển vốn nằm bên cạnh Đan Mạch, nơi Niels Bohn, nhà khoa học tham gia dự án dự án Manhattan, từng sống và làm việc, lại không nảy ra ý tưởng chế tạo quả bom nguyên tử của riêng mình. Hơn nữa, quốc gia trung lập này đã trở nên vô cùng giàu có trong suốt hai cuộc thế chiến, có lẽ, chỉ đứng sau Hoa Kỳ.

“Đường dây bí mật”

Tuy nhiên, tham vọng hạt nhân của người Thụy Điển xuất hiện sớm hơn nhiều, dưới ảnh hưởng của chương trình hạt nhân của Đức  khởi động từ năm 1939. Chỉ như vậy mới có thể lý giải một sự thật là ngay trong Thế chiến II, Thụy Điển đã tiến hành các nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực vật lý vì mục đích quân sự. Năm 1941, Thụy Điển thành lập Viện Vật lý quân sự (Military Institute of Physics), nơi quy tụ nhiều nhà khoa học hàng đầu của đất nước.

Đến tháng 10/1946, Viện Nghiên cứu quốc phòng  (FOA) yêu cầu tài trợ thêm cho việc phát triển vũ khí hạt nhân. Ngay lập tức, trong nước, xuất hiện một chương trình nghiên cứu bài bản, được ngụy trang dưới cái tên “các nghiên cứu phòng thủ dân sự”.

Những bí mật hạt nhân của Thụy Điển -0
Máy bay Saab J 32D Lansen.

Chương trình này được chia thành 5 lĩnh vực riêng biệt: nghiên cứu, sản xuất plutonium, xây dựng lò phản ứng và cơ sở làm giàu quặng, phát triển hệ thống vận chuyển, lắp ráp và thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Hơn 40 nhà khoa học danh tiếng của Thụy Điển đã tham gia vào các lĩnh vực này. Mối liên kết chặt chẽ giữa các dự án hạt nhân quân sự và dân sự ở Thụy Điển chủ yếu xuất phát từ nguồn nguyên liệu sẵn có, quốc gia này sở hữu trữ lượng uranium tự nhiên rất lớn, nhưng ở dạng đá phiến, khó khai thác.

Kể từ năm 1948, công ty AB Atomenergi của Thụy Điển tập trung vào việc tách plutonium khỏi uranium và các sản phẩm phân rã phóng xạ, nhằm sử dụng plutonium làm nhiên liệu cho lò phản ứng. Mục tiêu là tối ưu hóa hiệu quả sử dụng uranium tự nhiên. Cùng với đó, chính phủ Thụy Điển cũng đã thực hiện một loạt nỗ lực để tiếp cận các công nghệ hạt nhân của Hoa Kỳ, bao gồm cả công nghệ làm giàu uranium, nhưng họ đã nhận được lời từ chối lịch sự. Cuối cùng, Thụy Điển quyết định dồn lực vào dự án phát triển vũ khí hạt nhân riêng  mang tên “Đường dây bí mật”.

Những bí mật hạt nhân của Thụy Điển -0
Nhà vật lý Đan Mạch Niels Bohn.

Dưới đôi cánh của Saab A32

Trong khuôn khổ chương trình “Đường dây bí mật”, Thụy Điển dự kiến sản xuất từ 5 đến 10 đầu đạn hạt nhân mỗi năm, dựa trên sản lượng dự báo là 1 kg Pu-239 mỗi ngày. Tuy nhiên, do ban đầu ước tính quá cao về khối lượng tới hạn (số lượng plutonium cần để gây nổ hạt nhân), nên Thụy Điển thực sự có thể sản xuất tối đa khoảng 60 đầu đạn hạt nhân mỗi năm.

Ở giai đoạn đầu, Thụy Điển dự định chế tạo các đầu đạn hạt nhân plutonium dưới dạng bom bay nặng khoảng 400-500 kg, đường kính 35 cm. Với kích thước và trọng lượng như vậy, máy bay tiêm kích-ném bom Saab A32 Lansen (Ngọn giáo) có thể mang theo loại vũ khí này. Dự kiến, Lansen được trang bị một kho vũ khí gồm 100 quả bom có sức công phá khoảng 20 kiloton mỗi quả.

Đồng thời, Thụy Điển cũng bí mật khởi động Dự án “1300” chế tạo máy bay ném bom siêu thanh mang vũ khí hạt nhân. Tầm ngắm của nó dự kiến là 500 km, vừa đủ để tấn công thành phố Kaliningrad của Liên Xô, cũng như các hải cảng và sân bay quân sự ở vùng Baltic.

Một phiên bản của Saab 36 Vargen  (Con sói) có hai động cơ phản lực dòng thẳng, trong khi phiên bản khác có một động cơ tuabin phản lực với cửa hút khí ở dưới thân máy bay. Tuy nhiên, đến năm 1957, dự án “Vargen” bị hủy bỏ. Lý do chính thức là chi phí quá đắt đỏ, hơn 400 triệu krona Thụy Điển.

Trong khi đó, máy bay Saab 32 Lansen cất cánh vào ngày 3/11/1952 và trở thành máy bay Thụy Điển đầu tiên vượt tốc độ âm thanh. Năm 1955, Lansen chính thức được đưa vào trang bị, tổng cộng có 449 chiếc. Phi hành đoàn gồm 2 người; trọng lượng cất cánh tối đa 13,5 tấn; tốc độ tối đa 990 km/h; tầm bay 2000 km.

Những bí mật hạt nhân của Thụy Điển -0
Lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của Thụy Điển.

Đổi mảnh vỡ tên lửa lấy máy bay tiêm kích

Chế tạo tên lửa, yếu tố không thể thiếu để triển khai vũ khí hạt nhân, chưa bao giờ là thế mạnh công nghệ của Thụy Điển. Người Thụy Điển vô tình được người Đức "giới thiệu" về tên lửa có điều khiển. Ngày 15/11/1943, những mảnh vỡ của một tên lửa hành trình V-1 của Đức đã được tìm thấy tại hạt Blekinge của Thụy Điển, cách thành phố Karlskrona khoảng 20 km về phía đông nam. Và ngày 30/11, một tên lửa khác được phát hiện tại hạt Skane, cách thành phố Ystad 7 km về phía đông. Tổng cộng, có 7 tên lửa hành trình V-1 bị lệch hướng đã rơi xuống lãnh thổ Thụy Điển.

Ngày 13/5/1944, một tên lửa đạn đạo V-2 của Đức cũng rơi xuống tỉnh Smaland. Nhận thấy cơ hội làm ăn, phía Thụy Điển đã gửi 12 thùng chứa mảnh vỡ tên lửa sang Vương quốc Anh để đổi lấy một lô máy bay tiêm kích Supermarine Spitfire. Việc trao đổi này có thực sự mang lại lợi ích cho Stockholm, vốn đang đặt cược vào công nghệ tên lửa hành trình, là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Đáng chú ý là Hải quân Thụy Điển là lực lượng đầu tiên đặt hàng công ty Saab chế tạo “ngư lôi bay” dựa trên thiết kế của V-1. Thực chất, đây chính là những tên lửa hành trình trang bị động cơ xung phản lực do các kỹ sư Thụy Điển cải tiến. Năm 1945, sau khi chiến sự ở châu Âu kết thúc, một phái đoàn Thụy Điển đã đến Anh để thu thập thêm thông tin về V-1.

Việc chế tạo tên lửa đầu tiên Saab RB 310 bắt đầu ngay trong năm 1945, và các cuộc thử nghiệm đầu tiên được tiến hành vào tháng 6/1946. Xét về mặt khí động học, tên lửa của Thụy Điển có ưu điểm vượt trội so với V-1 vì động cơ được bố trí bên trong thân máy bay. Từ đó, Thụy Điển phát triển dòng tên lửa hành trình loại “Robot” như RB-04, RB-08 và RBS-15, được trang bị cho các máy bay Lansen, Saab 37 Viggen (Tia chớp), cũng như các tàu khu trục.

Những bí mật hạt nhân của Thụy Điển -0
Vận chuyển tên lửa V-2 của Đức.

Ngoài ra, Thụy Điển cũng cân nhắc đến kế hoạch chế tạo tên lửa mặt đất với tầm bắn lên tới 500 km, đạn pháo hạt nhân cỡ nòng 155 mm, tên lửa chống hạm và ngư lôi mang đầu đạn hạt nhân.

Tên lửa hành trình chống hạm và ngư lôi mang đầu đạn hạt nhân chủ yếu được sử dụng để tấn công các tàu vận tải-đổ bộ và tàu chở hàng, chứ không phải tàu chiến. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả tối đa sẽ đạt được khi tấn công vào các cảng nhà của hạm đội đối phương.

Đối với đạn pháo hạt nhân, do đặc điểm thiết kế, chúng có sức công phá nhỏ nhưng lại đòi hỏi lượng plutonium tương đương với các loại vũ khí có sức mạnh lớn hơn nhiều. Và vì Thụy Điển chỉ có thể trông cậy vào một lượng plutonium hạn chế dùng để chế tạo vũ khí, nên nhiều khả năng nước này ưu tiên phát triển bom hàng không.

Những tảng đá dữ dằn…

Để bảo vệ lực lượng hạt nhân của mình trong trường hợp kẻ thù tấn công bất ngờ, Thụy Điển đã phát triển một hệ thống phân tán phần lớn các đầu đạn hạt nhân vào các hầm trú ẩn ngầm kiên cố. Đạn dược dành cho mục đích tác chiến thì được lưu trữ tại các căn cứ không quân và liên tục di chuyển từ căn cứ này sang căn cứ khác. Hệ thống này được gọi là “Agasfer” và hoàn toàn phù hợp với học thuyết “đòn trả đũa”. Hiển nhiên, Liên Xô được xem là “kẻ xâm lược chính” trong kịch bản này.

Nỗi ám ảnh về sự xâm lược của Nga được thể hiện rõ trong bộ phim truyền hình nhiều tập “Những nơi ẩn giấu của Thụy Điển”, phát sóng hai năm trên kênh truyền hình SVT của Thụy Điển. Trong bộ phim này, nhà báo Melker Becker đã giới thiệu một số công trình quân sự được bảo vệ nghiêm ngặt và độc đáo, nơi người Thụy Điển hy vọng có thể sống sót qua Thế chiến thứ ba.

Sau đây là vài ví dụ: một ngọn núi bình thường, nhưng bên trong là một hầm trú ẩn có trần cao tới 20 mét. Để đảm bảo khả năng tác chiến, các máy bay quân sự Thụy Điển phải được bố trí trong các đường hầm. Hàng chục căn cứ không quân như vậy đã được dự định xây dựng, nhưng đến cuối thời kỳ Chiến tranh lạnh, chỉ có 4 căn cứ được hoàn thành. Năm 1999, một trong những sân bay ngầm như vậy “Nya berget” (Ngọn núi mới) tại thị trấn Svar đã được chuyển đổi thành bảo tàng “Aeroseum”.

Những bí mật hạt nhân của Thụy Điển -0
Một sân bay ngầm được chuyển thành bảo tàng.

Boong-ke quốc gia Riksbunkern, được mệnh danh là  “Thủ đô dự phòng của Thụy Điển”, nằm dưới những lớp đá núi. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân, đây sẽ là nơi trú ẩn cho Hoàng gia, Quốc hội, Chính phủ và cả các kho dự trữ của Ngân hàng Trung ương Thụy Điển. Boong-ke này nằm gần pháo đài Karlsborg.

Đặc biệt thú vị là căn cứ hải quân ngầm Musk, được xây dựng trong lòng một tảng đá nguyên khối trên hòn đảo cùng tên. Tổng khối lượng đá bị thải ra trong quá trình xây dựng vượt quá 1.500.000 mét khối, biến Musk - thành một trong những công trình quân sự ngầm lớn nhất thế giới.

Bên trong khối đá này có hơn 20 km đường hầm, đủ sức chứa cả một hạm đội tàu nổi và tàu ngầm. Trừ các tàu tuần dương, bất kỳ loại tàu nào của Thụy Điển, kể cả tàu sân bay lớp “Halland” có lượng choán nước lên tới 3.400 tấn, đều có thể đi vào đường hầm này.  Khu phức hợp này được xây dựng từ năm 1950 đến năm 1969 với tổng chi phí khoảng 294 triệu krona Thụy Điển.

Việc xây dựng lực lượng vũ trang ở quy mô quá sức đối với một quốc gia nhỏ  như vậy cho thấy, trong giai đoạn từ năm 1945 đến 1960 - khi thế giới vẫn còn đang “tiêu hóa” hậu quả của Thế chiến II - Thụy Điển thực sự đã ấp ủ những kế hoạch nhất định. Tuy nhiên, chi phí khổng lồ cho các chương trình tên lửa- hạt nhân, cùng với sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng lẫn chất lượng của vũ khí chiến lược ở Mỹ và Liên Xô, đã buộc Thụy Điển phải thay đổi học thuyết quân sự- chính trị của mình, và cuối cùng là gia nhập NATO - dưới chiếc “ô hạt nhân” tập thể. Cách này rẻ hơn.

Trần Đình
.
.