“Bí mật” về nhà truyền thống của người K’ho ở Tây Nguyên
Một điều khá thú vị, dù đã xây được nhà mới kiên cố với tường gạch, mái ngói khang trang nhưng hầu hết các gia đình người K’ho ở Lâm Đồng vẫn không phá bỏ căn nhà gỗ truyền thống dù đã rất cũ kỹ, xuống cấp.
Với bà con, nhà gỗ hoặc nhà dài truyền thống không chỉ là nơi để trú ngụ, tránh nắng, che mưa, mà hơn cả thế là hồn cốt gia đình, nơi “thần linh” trú ngụ, gắn kết các thành viên và khởi nguồn của sự sống.
Nhà truyền thống - nơi linh thiêng
“Có nhà mới to đẹp rồi, sao không bỏ căn nhà gỗ này đi!..” - tôi hỏi bà K’Rơi, ngụ thôn Riông Tô, xã Phi Tô, huyện Lâm Hà. Ở tuổi 75 nhưng sức khỏe của bà K’Rơi thì chắc chắn mọi người đều phải mơ ước, ngưỡng mộ. Ngoài tới nhà thờ làm lễ, cầu nguyện an lành và dành thời gian sum vầy bên con cháu, hằng ngày bà vẫn thoăn thoắt lên rẫy làm cà phê. Câu hỏi của tôi khiến bà K’Rơi bật cười.
Có lẽ trong thâm tâm của bà cũng như hầu hết người K’ho bản địa, chưa có ai nghĩ tới việc vô cớ tháo dỡ căn nhà gỗ cũ kỹ năm xưa hay bán nó đi theo kiểu “có mới nới cũ”. Vì thế, bà lắc đầu, xua tay: “Mình không bán, cũng không muốn dỡ căn nhà này. Tổ tiên nhà mình vẫn ở đó mà!..”.

Quả thực, trong tâm thức của người K’ho ở Lâm Đồng, căn nhà gỗ truyền thống dù có tồi tàn tới đâu, đây vẫn là nơi linh thiêng, không thể phá bỏ. Nhà gỗ của bà con đồng bào K’ho cư ngụ ở phía Bắc tỉnh Lâm Đồng (các huyện Lạc Dương, Lâm Hà, Đức Trọng…) thường không rộng, diện tích mỗi căn chỉ từ 50-70m2, rất ít căn nhà được dựng lớn hơn diện tích trên. Tuy nhiên, đồng bào K’ho sinh sống ở các địa phương phía Nam (như huyện Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai…) nhà truyền thống được làm dưới dạng nhà sàn, thường được thiết kế theo hình chữ Nhất với kết cấu khá đơn giản. Diện tích căn nhà cũng lớn hơn để đáp ứng nhu cầu sử dụng của các thành viên trong gia đình vốn nhiều thế hệ cùng chung sống, thường dao động trên 100m2.
Với người K’ho ở phía Bắc tỉnh Lâm Đồng, kiến trúc nhà gỗ phổ biến nhất là một trệt và một gác, có ban công phía trước. Lan can ban công và cầu thang lên gác được trang trí bằng một số hình thù, họa tiết thủ công và tương đối thô sơ. Loại gỗ phổ biến nhất để làm nhà là thông, được khai thác tại địa phương. Đó là những cây thông già, cho chất liệu gỗ tốt. Phần lớn nhà gỗ truyền thống của người K’ho còn sử dụng tới ngày nay được làm sau năm 1975. Xưa kia, người K’ho dùng cỏ tranh để lợp nhà. Chất liệu này sẵn có ở địa phương, có khả năng tránh nóng, giữ nhiệt tốt. Thế nên, khi bước vào căn nhà truyền thống của đồng bào K’ho sẽ toát lên không khí mát mẻ vào mùa hè, ấm áp khi đông tới.
Bà Ka Đệt (sinh năm 1947), ngụ thôn Riông Tô, xã Phi Tô, huyện Lâm Hà cho biết, căn nhà gia đình bà đang ở được làm cách đây hơn 40 năm. Để cất được căn nhà này, với sự hỗ trợ của những thanh niên trai tráng trong buôn, mất 1 tháng gia đình bà mới chuẩn bị đủ vật liệu để làm nhà. Khâu chọn gỗ của người K’ho xưa thường không cầu kỳ. Đó không phải là những cây gỗ cổ thụ, quý hiếm, thuộc sách đỏ Việt Nam như một số dân tộc khác mà chính là những cây thông, mọc phổ biến quanh buôn, trên núi.
Điều kiện thỏa mãn để tuyển hạ thông làm nhà thường cây đã đạt ít nhất 20 năm tuổi, lõi và vân có màu hồng. Loại gỗ này thường chứa rất nhiều nhựa. Trong điều kiện bình thường, không tiếp xúc trực tiếp với mưa nắng, môi trường ẩm ướt, hầu như không xảy ra mối mọt hoặc mục nát. Gỗ thông già dùng để làm nhà có thể tuổi thọ kéo dài lên tới cả trăm năm mà vẫn chưa hư hỏng.

Bà Ka Đệt cho biết, khi đã chuẩn bị đủ cột và ván, gia chủ phải phơi gỗ thông ngoài trời nắng trong vòng 2 tháng cho thật khô. Thợ mộc dựng nhà cho người K’ho ở Lâm Đồng năm xưa thường là người Kinh, tới từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi… Nhóm thợ này thường có khoảng 5 người, phần lớn là thợ lành nghề. Chỉ với một số dụng cụ thủ công là cưa, đục, rìu, búa… trong khoảng 2 tháng, gia chủ đã được chuyển vào sinh sống trong căn nhà mới thơm phức mùi gỗ thông và cỏ tranh rừng già.
Tùy theo sở thích của gia chủ, thợ mộc sẽ ngăn các phòng có kích thước phù hợp với công năng sử dụng khác nhau. Gian giữa tầng trệt nhà gỗ truyền thống của người K’ho thường dùng để tiếp khách, sinh hoạt chung. Hai bên và gác trên là nơi bố trí phòng ngủ cho các thành viên trong gia đình. Thời kỳ người K’ho còn ở nhiều thế hệ trong một nhà, mỗi gia đình thường được bố trí một phòng để ngủ chung.
Thần N’Đu dạy người K’ho làm nhà
Với người K’ho sinh sống phía Nam tỉnh Lâm Đồng, nhà sàn truyền thống lại mang dáng dấp của một con thuyền. Trong mỗi căn nhà đều có một nơi thiêng liêng để thờ các dụng cụ, nhiều khi chỉ là một con dao, hòn đá, chiếc sừng trâu, tù và, cồng chiêng... Bên cạnh giá trị vật chất, nhà sàn của người K’ho được quan niệm là nơi ẩn chứa những điều tâm linh với linh hồn là bếp lửa ngày đêm đỏ rực. Nếu như kiến trúc nhà gỗ truyền thống của người K’ho ở phía Bắc tỉnh Lâm Đồng có phần cầu kỳ, tinh xảo hơn thì nhà sàn của dân tộc này cư ngụ ở phía Nam lại có kết cấu khá đơn giản.
Thi công những căn nhà này chủ yếu là cộng đồng địa phương cùng hỗ trợ lẫn nhau thực hiện. Các cột kèo nhà được buộc bằng dây mây, trông rất thô sơ nhưng lại vững chãi tới bất ngờ. Nhà sàn của đồng bào K’ho không cao lớn, bề thế như một số dân tộc khác. Sàn cách mặt đất chỉ khoảng 1 tới 1,5m. Chỉ có kèo cột được làm bằng gỗ, phần lớn vật liệu còn lại như sàn, vách, cửa… được làm bằng tre nứa, lồ ô sẵn có trong rừng. Do kết cấu vật liệu dựng nhà tương đối đơn giản, dễ kiếm, kiến trúc lại thô sơ nên mỗi khi có một thành viên trong gia đình kết hôn, nhà sàn của người K’ho phía Nam tỉnh Lâm Đồng lại được nối dài ra để đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Vì thế, người K’ho gọi đây là nhà dài truyền thống.

Theo một số gia đình người K’ho sinh sống ở xã Đạ Sar và Đạ Nhim, huyện Lạc Dương, sở dĩ nhà gỗ truyền thống của họ thường có tầng trệt và gác trên là để đề phòng thú dữ tấn công, nhất là vào ban đêm khi mọi người đã ngủ say. Xa xưa, đồng bào K’ho ở Lâm Đồng thường sinh sống, canh tác ngay bên những cánh rừng già nguyên sinh. Đây chính là nơi nhiều loại mãnh thú trú ngụ, săn mồi. Con người không nằm ngoài danh sách “thực đơn” của hổ, báo, voi rừng quấy phá, rắn độc tấn công. Vì thế, nhà gỗ truyền thống của người K’ho nhất định phải có gác. Sống ở trên cao mới có thể phòng trừ được những hiểm họa từ thiên nhiên rình rập. Ngoài các giá trị về mặt tinh thần, ngôi nhà sàn của người K’ho là biểu tượng của sự giàu có và quyền uy của một gia đình, dòng họ hay cả buôn làng.
Ngôi nhà là nơi cất giữ các vật quý hiếm, thiêng liêng nhất mà người K’ho sở hữu, như chiêng, ché, các chiến lợi phẩm của các “chiến binh” K’ho sau chuyến đi săn (đầu bò rừng, đầu sơn dương, sừng hươu, nai...), những công cụ sản xuất hay vật dụng để tế thần trong các dịp lễ hội. Nhà dài gắn bó với người K’ho không chỉ trong đời sống hằng ngày. Muốn đánh giá sự giàu có của ai đó, bà con thường bắt đầu bằng việc mô tả ngôi nhà mà người giàu đang sở hữu gắn liền với chiêng ché, gia súc, đầy tớ và những vật thiêng.
Người K’ho ngày nay vẫn tin rằng, chính thần N’Đu (thần sáng tạo) đã dạy họ cách làm nhà. Ngoài nhà truyền thống để ở, bà con còn dựng nhà để chứa lúa, nhà tế thần, nhà cho người phụ nữ khi sinh... Mỗi căn nhà đều có một Yàng (gọi là Yàng Hiu) riêng cai quản và chăm sóc cho phần “hồn” của ngôi nhà. Nhà có thịnh vượng hay không một phần phụ thuộc vào thiện chí của gia chủ đối với nghi thức cúng tế Yàng Hiu. Có thể, đây cũng là nguyên nhân khiến dân tộc K’ho ở Lâm Đồng không bao giờ tự ý phá bỏ hoặc dỡ bán nhà gỗ truyền thống mặc dù ngày nay không còn nhu cầu sử dụng khi đã xây dựng được nhà mới với kết cấu bê tông cốt thép khang trang, vững chãi hơn.

Với người K’ho, nhà gỗ và nhà sàn (nhà dài) truyền thống đã gắn liền với nhiều thế hệ trong một đại gia đình theo chế độ mẫu hệ. Nó không còn đơn thuần là nơi trú ngụ, tránh mưa, che nắng. Hơn thế, căn nhà chính là nơi các vị thần linh sinh sống, nơi khởi nguồn của giống nòi sinh sôi nảy nở, cộng đồng phồn thịnh. Mỗi đồ vật, dụng cụ lao động đều có linh hồn, sức sống, gắn bó cộng sinh và che chở cho các thành viên trong gia đình, ban phát sức khỏe, duy trì giống nòi. Vì thế, ngày nay, dù đã xây được nhà mới to lớn, khang trang với đầy đủ các vật dụng tiện nghi, hiện đại, nhưng người K’ho ở Lâm Đồng không bao giờ tự ý tháo dỡ, phá bỏ nhà gỗ hoặc nhà dài truyền thống khi vẫn còn sử dụng được.
Hằng năm, căn nhà ấy vẫn được gia chủ lựa chọn để tổ chức một số sự kiện quan trọng, mời anh em họ hàng và thực khách tới tham dự. Đương nhiên, các vị thần linh đang trú ngụ trong nhà cũng được gia chủ gọi tên để đáp lễ, thể hiện lòng thành kính, dù “có mới” nhưng không bao giờ “nới cũ”.
Theo ông Trần Thanh Hoài, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng, trong quá khứ, người ta thường đánh giá sự hùng mạnh, trù phú của một bon, làng của đồng bào K’ho qua hình ảnh về căn nhà dài. Nhà dài chỉ gắn với gia đình và bon làng, bởi nó gắn với sinh hoạt và tín ngưỡng của một gia đình, một cộng đồng cư dân nhất định. Trong nhà dài của người K’ho, hai nơi quan trọng nhất là vị trí cất giữ vật thiêng và bếp lửa. Khoảng sân rộng trước nhà dùng để dựng cây nêu, địa điểm tổ chức các nghi thức mang tính cộng đồng cao như lễ mừng lúa mới, thôi nôi, lễ ăn trâu...