Nhiều vụ mất tích bất thường bởi những chiêu lừa mới

Thứ Bảy, 05/07/2025, 10:19

Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh mới đây xảy ra nhiều vụ mất tích bất thường, một số thanh niên, học sinh bỗng nhiên “biến mất” khiến người thân không hiểu nguồn cơn.

Chưa kể một số trường hợp bị kẻ gian giả danh Công an, gọi điện đe dọa người dân có liên quan đến một vụ án ma túy, rửa tiền, yêu cầu nạn nhân tuyệt đối giữ bí mật, nạn nhân phải tự giam lỏng trong khách sạn, rồi buộc người nhà chuyển tiền chuộc… Đây được xem là thủ đoạn lừa đảo rất mới và tổ chức bài bản của các đối tượng tội phạm ẩn náu trên không gian mạng…

“Ai hỏi em đi đâu cũng đừng nói đi bán thận em nhé”

Anh Tạ Tuấn Phúc (sinh năm 2005, ngụ ở tỉnh Gia Lai) về TP Hồ Chí Minh chơi với anh trai rồi mất tích nhiều ngày nay. Theo anh trai của Phúc thì vụ mất tích này có nhiều dấu hiệu liên quan đến một đường dây mua bán thận ở nước ngoài…

1.jpg -0
Hình ảnh Tạ Tuấn Phúc.

Theo anh Tạ Tuấn Lộc (đang sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh), Phúc - em trai anh trước khi mất tích sinh sống tại Pleiku (cũ). Sáng sớm ngày 22/6, Phúc vào nhà trọ của anh Lộc tại đường Lê Thị Hồng, phường Gò Vấp chơi. Tại đây, Phúc nói với anh trai mình là đi theo phụ lên xuống hàng xe tải từ Gia Lai vào TP Hồ Chí Minh.

Đến khoảng 7h45 cùng ngày, anh Lộc đi làm và để máy tính xách tay ở nhà cho em trai sử dụng vì Phúc không có điện thoại để dùng. Khoảng 14h, sau khi đi làm về, anh Lộc không thấy em trai nên đã gọi điện về quê để báo tin cho gia đình, mới biết em trai đã đi xe khách giường nằm của nhà xe Trường Thành từ Gia Lai vào TP Hồ Chí Minh (chứ không phải như lời Phúc nói là đi phụ xe lên xuống hàng).

Nghi ngờ có điều bất thường, anh Lộc tìm cách đăng nhập vào tài khoản Facebook của em trai tên “Tuấn Phúc” thì phát hiện em trai có nhiều đoạn tin nhắn trao đổi với một người có tài khoản Facebook tên là Trúc Lịch trao đổi về nội dung sẽ sang Thái Lan bán thận trái phép. Tài khoản này nói với Phúc là tùy vào nhóm máu sẽ mua thận với giá từ 1 tỷ đến 1,5 tỷ đồng. “Nhóm máu AB giá 1,1 tỷ đồng; Nhóm máu A hoặc B giá 1,3 tỷ đồng; Nhóm máu O giá 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra còn có khoản bồi dưỡng sau mổ từ 200 đến 350 triệu đồng…”, tài khoản Facebook Trúc Lịch chat dẫn dụ với “Tuấn Phúc”…

Đọc tiếp đoạn tin nhắn, anh Lộc thấy tài khoản Facebook Trúc Lịch nói sẽ sắp xếp xe cho Phúc di chuyển từ nhà trọ của anh Lộc đến một quán cà phê nào đó không rõ bằng xe ôm công nghệ sau đó sẽ có xe ô tô tới đón. “Mọi hành trình đường đi của em đã được lo lót và sắp xếp cho em rồi. Khi em di chuyển vào Sài Gòn, tới nơi thì chị sẽ gửi thông tin số điện thoại của em cho tài xế chị thuê, họ sẽ tới chỗ đón em và đưa em đi bằng đường Mộc Bài, Tây Ninh.

2.jpg -1
Một số đoạn chat của tài khoản Facebook Trúc Lịch với Tạ Tuấn Phúc.

Sau khi đến biên giới Mộc Bài, em sẽ xuống xe và đổi 2 lần xe máy để qua biên bằng đường tiểu ngạch khoảng 10 đến 15 phút. Hết đoạn đường biên thì sẽ có xe ô tô đón em và đưa em đi theo đường Quốc lộ xuyên Campuchia sang tới biên giới Thái Lan. Tới đây thì chị sẽ trực tiếp ra đón em. Mọi vấn đề chi phí đi lại, ăn uống, thủ tục khám, xét nghiệm, tiền viện phí, chị sẽ hỗ trợ em toàn bộ từ Sài Gòn sang tới viện, mổ xong bác sĩ cho em xuất viện quay ngược lại Sài Gòn…”, tài khoản Facebook Trúc Lịch chỉ dẫn cho Phúc chi tiết mọi đường đi nước bước.

Hơn nữa, tài khoản Facebook Trúc Lịch còn cho biết sẽ hỗ trợ Phúc “lên ca” (với ý là phẫu thuật bán thận) tại một bệnh viện quốc tế ở Thái Lan vì “chỉ duy nhất có bệnh viện này mới mua được hồ sơ giả từ người khác để làm bệnh án cho em lên ca”.

Tài khoản Facebook Trúc Lịch tiếp tục chỉ dẫn: “Khi bệnh viện tiếp nhận hồ sơ thì em sẽ được tạm ứng 50% số tiền; 50% số tiền còn lại em sẽ nhận đầy đủ trước khi lên ca 3 tiếng. Khi em lên ca, bác sĩ sẽ gây mê em từ 3 đến 4 tiếng em sẽ tỉnh lại và được đưa ra phòng hồi sức…”.

Trong đoạn chat cuối cùng, tài khoản Facebook Trúc Lịch còn dặn dò Phúc: “Ai hỏi em đi đâu cũng đừng nói đi bán thận em nhé, để đảm bảo an toàn cho em và cho chị nha em!”.

Anh Lộc đã xin trích xuất camera an ninh của khu trọ thì phát hiện hình ảnh cuối cùng của em trai mình đã lên một xe gắn máy BKS 83H1-13701 do một người lạ điều khiển đến nơi không rõ. Sau khi thu thập đủ thông tin, tối ngày 24/6, anh Lộc đã tới Công an phường 17, quận Gò Vấp (hiện là Công an phường Gò Vấp) trình báo vụ việc, đồng thời gửi thông tin lên Công an TP Hồ Chí Minh qua phần mềm VneID… Từ đó đến nay anh Lộc cũng chưa có thông tin gì về em trai của mình.

“Đến ngày 28/6, số điện thoại 0528877385 gọi điện và cung cấp thông tin là thấy em trai tôi ở dưới Vũng Tàu tại địa chỉ: 35 Bến Nôm, phường Rạch Dừa, Vũng Tàu (cũ). Nghi ngờ lừa đảo nên tôi đã không đi và chờ tin từ phía Cơ quan Công an. Hiện tại gia đình và người thân rất buồn và hoảng loạn. Hy vọng em trai tôi có thể quay về”, anh Lộc chia sẻ.

Một vụ mất tích bất thường khác, khi một nam học sinh lớp 10 ở TP Hồ Chí Minh cũng bỗng nhiên mất liên lạc sau khi lên xe taxi công nghệ từ ngày 22/6. Bà Bùi Thị Ngọc Bình (sinh năm 1978, cư trú ở hẻm 101 đường Trần Văn Ơn, phường Tân Sơn Nhì, TP Hồ Chí Minh) cho biết, con trai bà là em Nguyễn Văn Bảo (sinh năm 2009) đã mất tích từ ngày 22/6 đến nay…

Bà Ngọc Bình buồn bã cho biết, con trai bà vừa học xong lớp 10, đang trong thời gian nghỉ hè thì đột nhiên mất tích từ ngày 22/6. Theo bà Bình, ngày 20/6, Bảo có nói mẹ xin đi làm trong thời gian nghỉ hè, nhưng bà Bình nói rõ là không đồng ý vì Bảo còn quá nhỏ và khuyên nên chú tâm chuyện học hành.

Nhưng tới chiều 22/6, khi vợ chồng bà Bình đi làm về thì không thấy Bảo ở nhà. Vợ chồng bà Bình đã gọi điện, nhắn tin vào số điện thoại của con và đi tìm nhiều nơi đều không thấy Bảo đâu và không liên lạc được với con. Bà Bình cũng đã hỏi thăm qua bạn bè của con trai và lên cả trường THPT nơi con trai theo học để hỏi thăm nhưng các thầy cô cũng không rõ thông tin về Bảo…

7.jpg -0
Camera an ninh ghi lại cảnh Bảo lên taxi công nghệ biển số 50H-73330 vào buổi sáng 22/6.

Tới khi xem nhờ camera hàng xóm thì bà Bình thấy hình ảnh con trai đã lên một chiếc taxi công nghệ biển số 50H-73330 vào buổi sáng 22/6 và sau đó thì không còn thấy tung tích nữa. Qua hình ảnh camera, gia đình bà Bình đã liên hệ và tìm được người tài xế đã đón Bảo đi sáng hôm đó. Người tài xế này cho biết, anh được một người đặt xe qua app đến đón Bảo hôm đó (chứ không phải Bảo là người đặt xe) và anh đã chở Bảo đi đến Tây Ninh nhưng anh này không nhớ rõ địa điểm mà Bảo đã xuống xe…

Ngay sau đó, gia đình bà Bình đã đến Công an phường Tân Sơn Nhì trình báo vụ việc, đồng thời gửi thông tin lên Công an TP Hồ Chí Minh qua phần mềm VNeID, nhưng từ đó đến nay cũng chưa có thông tin gì về con trai của bà.

Bà Bình cho biết thêm: “Hiện phía Công an đang phối hợp với gia đình để tìm con trai tôi… Những ngày qua khi nhận được cuộc gọi thông báo từ các số điện thoại lạ, tôi đều tất tả đi tìm con. Trưa 27/6, có người gọi thông báo thấy con tôi ở Vũng Tàu (giống như trường hợp em trai anh Lộc kể trên), nhà tôi đã vội vã đón xe đi tìm nhưng ra tới nơi mới biết đó chỉ là cuộc gọi đùa cợt…”.

Chiêu trò lừa đảo tinh vi với kịch bản đưa nạn nhân vào thế tự cô lập

Cũng vào thời điểm cuối tháng 6 vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh đã liên tục phát hiện, giải cứu nhiều nạn nhân mất tích bất thường do bị “bắt cóc online”. Theo đó, vào khoảng 23h ngày 24/6, Đội 2 - Phòng Cảnh sát hình sự nhận được tin báo khẩn từ một gia đình tại quận 3 (cũ), TP Hồ Chí Minh về việc nam sinh (sinh năm 2006) mất liên lạc bất thường sau khi nhận được cuộc gọi từ nhóm đối tượng lạ.

Vào cuộc điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự xác định một nhóm đối tượng đã giả danh Công an, gọi điện đe dọa nam sinh rằng nạn nhân liên quan đến một vụ án mua bán ma túy, buộc phải chuyển khoản 600 triệu đồng để “giải quyết vụ việc”. Đồng thời, nạn nhân bị yêu cầu tự bắt xe công nghệ đến khách sạn, tự cách ly và không liên lạc với ai ngoài số điện thoại của nhóm đối tượng.

Đến 1h30 rạng sáng 25/6, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đội 2 đã nhanh chóng xác định vị trí và giải cứu thành công nạn nhân tại phòng một khách sạn trên đường Hoàng Sa, quận Phú Nhuận (cũ). Đáng chú ý, nạn nhân đã chuyển khoản 51 triệu đồng đến tài khoản ngân hàng mang tên người lạ trước khi được giải cứu.

Trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã giải cứu thành công một nạn nhân trong vụ “bắt cóc online” khác với thủ đoạn tương tự kể trên. Cụ thể, ông M.Đ.C.Q (sinh năm 1976, trú tại quận 4 (cũ)) đã làm đơn trình báo về việc con trai là M.Đ.C.T (sinh năm 2007) nghi bị một nhóm đối tượng bắt cóc và đòi tiền chuộc. Các đối tượng liên tục liên lạc qua điện thoại, khẳng định con trai ông đang bị bắt giữ, yêu cầu gia đình chuyển ngay 200 triệu đồng.

Vì quá lo sợ, ông M.Đ.C.Q đã chuyển số tiền trên vào tài khoản ngân hàng của con trai theo yêu cầu của nhóm đối tượng. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền, gia đình vẫn không liên lạc được với T., trong khi các đối tượng tiếp tục dùng nhiều số điện thoại khác nhau liên lạc với gia đình để đòi thêm tiền, sau đó cắt liên lạc.

Theo Phòng Cảnh sát hình sự, cháu M.Đ.C.T không bị bắt cóc theo nghĩa thông thường mà là nạn nhân của một chiêu trò lừa đảo tinh vi của các đối tượng hoạt động trên không gian mạng. Cụ thể, nhóm lừa đảo đã giả danh Công an, gọi điện thoại đe dọa cháu T. có liên quan một vụ án ma túy, yêu cầu tuyệt đối giữ bí mật và làm theo hướng dẫn để giải quyết vụ việc.

Nhóm này đã ép cháu T. phải gọi xe công nghệ đến khách sạn, thuê phòng ẩn náu và không nghe bất kỳ cuộc gọi nào khác ngoài cuộc gọi của nhóm. Lợi dụng trạng thái hoảng loạn và cách ly nạn nhân khỏi người thân, nhóm này tiếp tục dẫn dụ T. chuyển toàn bộ số tiền 200 triệu đồng vào tài khoản chỉ định.

Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh đã khẩn trương triển khai truy xét, giải cứu nạn nhân. Chỉ sau 50 phút, Công an đã xác định cháu T. đang ở tại một khách sạn trên địa bàn quận 7 và tiến hành giải cứu, bàn giao cháu về gia đình.

Qua các vụ việc kể trên, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh nhận định, “con mồi” mà tội phạm mạng nhắm đến gần đây là học sinh, sinh viên, hoặc những người trẻ ít kinh nghiệm sống. Ngay cuộc gọi đầu tiên, chúng đã đe dọa trấn áp tinh thần, cáo buộc họ liên quan đến vụ án (thường là ma túy, rửa tiền...). Nhóm tội phạm tiếp tục gây áp lực tâm lý, đe dọa “sẽ bắt giam” nếu không hợp tác. Từ đó, chúng ép nạn nhân tự cô lập, thuê phòng ở khách sạn, không tiếp xúc hoặc nghe điện thoại từ bất cứ ai, kể cả người thân. 

Khi đã khống chế, điều khiển từ xa, chúng hướng dẫn nạn nhân chuyển tiền để giải quyết vụ việc hoặc kiểm tra tài khoản nhằm minh oan cho mình. Từ thông tin có được, khi đe dọa người thân của nạn nhân, nhóm này sẽ dùng chính tài khoản ngân hàng mang tên thật của “người bị bắt cóc” để tăng độ tin tưởng khi chuyển tiền.

Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, người dân lưu ý Cơ quan Công an không làm việc qua điện thoại và không bao giờ yêu cầu chuyển tiền để giải quyết bất kỳ vụ việc nào. Khi nhận được cuộc gọi đe dọa, giả danh cơ quan chức năng, người dân hãy bình tĩnh, kiểm chứng thông tin và liên hệ ngay Công an địa phương. Phụ huynh cần chủ động trang bị kỹ năng phòng tránh lừa đảo cho con em, nhất là thanh thiếu niên đang độ tuổi học sinh - sinh viên...

Phú Lữ
.
.