Rạng danh phường đúc đồng
Đời nối đời, tiền nhân truyền lại cho hậu thế hơn 400 năm những giọt đồng đỏ au trong lửa rực, để rồi lớp hậu nhân không chỉ giữ được cơ nghiệp trăm năm, mà còn làm rạng danh cho xứ sở.
Những lò lửa miệt mài
Hơn 400 năm rồi, những lò lửa nơi này vẫn rực đỏ cùng sức nóng ngàn độ của những nồi đấu đồng và đúc ra muôn vạn dạng hình. Làng cổ ấy, và nghề cổ ấy còn hiếm hoi mãnh liệt sống và phát triển bất chấp những nghịch lý hay bất ổn của thiên thời địa vận. Mấy trăm năm tạo tạc nên danh tiếng, những sản phẩm chủ yếu là đồ thủ công truyền thống làm từ đồng như chuông, tượng, phù điêu, lư hương, đồ thờ, đặc biệt là cồng, chiêng... với hoa văn tinh xảo, âm thanh vang, vọng, bền đã tồn tại mãnh liệt với thời gian, để định danh chắc chắn cho một làng nghề.

Theo đoàn người thiên di trên hành trình Nam tiến mở nước thời Vua Lê Thánh Tông, nơi Dinh trấn Thanh Chiêm (phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam cũ, nay là phường Điện Bàn, TP Đà Nẵng) đã lập nên một phường nghề do tổ nghề Dương Tiền Hiền tạo dựng. Đến cuối thế kỷ 18, ở đây đã hình thành hai khu vực là phường tạc tượng Đông Kiều và phường chú tượng Phước Kiều. Đến đầu thế kỷ 19, triều Nguyễn sát nhập hai phường lại thành “xã hiệu Phước Kiều”, còn được gọi là phường đúc đồng Phước Kiều. Trên con đường thiên lý Bắc - Nam bây giờ nơi Quốc lộ 1A đi qua, vẫn đầy rẫy những cửa hàng bày bán các loại đồ đồng là sản phẩm của làng nghề đúc đồng Phước Kiều từng vang danh khắp miền nằm liền kề nhau với muôn hình, muôn vẻ.
Dưới triều nhà Nguyễn, các nghệ nhân giỏi từ làng đúc đồng Phước Kiều nhiều lần được mời về kinh đô Huế để đúc các tác phẩm nghệ thuật trang trí và nhiều đồ gia dụng khác. Làng xưa giờ đã thành phố thị, nhưng nghề đúc đồng vẫn nhộn nhịp. Dòng họ làm nghề đúc đồng ở Phước Kiều chủ yếu là dòng họ Dương nối tiếp truyền đến 7-8 đời. Cứ thế đời sau tiếp nối đời trước, cùng với con cháu dòng họ Dương, làng quy tụ được thêm nhiều người yêu nghề đúc đồng của các tộc họ khác, mang đồ đồng Phước Kiều đến với nhiều vùng trên cả nước. Chừng đó dường như cũng đã đủ cho sự hưng thịnh của một làng nghề hàng trăm năm tuổi tồn tại và phát triển.
Tỉ mỉ đắp đất tạo khuôn đúc, ông Dương Ngọc Minh (62 tuổi) chia sẻ: “Người đúc đồng phải có nhiều kiến thức về kỹ thuật từ luyện kim, hội họa, tôn giáo. Ngoài cái tâm của người làm nghề còn đòi hỏi sự khéo léo, chăm chỉ và hết sức cẩn trọng mới có thể tạo ra những sản phẩm mang cái hồn, cái thần của chính nó”. Chính vì thế, các vật dụng thờ cúng như đèn đồng, lư hương, mâm đồng khắc cá chép vượt vũ môn đến những nhạc cụ truyền thống như chiêng, cồng, mã la... mỗi sản phẩm đều được chế tác thủ công tỉ mỉ mang dấu ấn riêng, thể hiện chiều sâu văn hóa và bản sắc dân tộc.
Nghệ nhân ưu tú Dương Ngọc Thắng, 72 tuổi, truyền nhân đời thứ 4 làng Phước Kiều bộc bạch, người thợ đúc Phước Kiều tạo ra nhiều chủng loại sản phẩm phục vụ cho việc tế lễ, hội hè và vật dụng sinh hoạt hàng ngày và một số nhạc cụ bằng đồng, đặc biệt là cồng, chiêng. Các nhạc cụ này có âm thanh riêng biệt, rất đặc thù. Đó là ở kỹ thuật pha trộn tỷ lệ kim loại khác nhau trong quá trình đúc đồng mà chỉ có những người thợ lành nghề mới có thể làm được. Trước đây, phần lớn cồng chiêng Tây Nguyên được đưa từ Lào sang (chiêng Lào), tuy nhiên đến thời nhà Nguyễn, giao thương giữa nhà Nguyễn và các vương quốc Thủy Xá, Hỏa Xá (nước Nam Bàn, vùng cao nguyên hiện nay), thì cồng chiêng được đúc từ đồng bằng và đưa lên. Ngoài Phước Kiều, dọc các làng nghề khu vực miền Trung chỉ có làng Bằng Châu (tỉnh Bình Định cũ) chuyên đúc cồng chiêng cung cấp cho các buôn làng vùng cao nguyên. Hiện tại, trong số 7 nghệ nhân của làng đúc đồng Phước Kiều, chỉ có 3 nghệ nhân đúc và thẩm âm được cồng, chiêng Tây Nguyên.
Nghệ nhân Ưu tú Dương Ngọc Thắng chia sẻ, để làm ra một chiếc cồng hay chiêng chuẩn, không chỉ cần đôi bàn tay khéo léo mà còn cần đôi tai tinh tường. Việc thẩm âm đòi hỏi nghệ nhân phải có kinh nghiệm và cảm âm tốt để điều chỉnh độ dày, độ cong sao cho tiếng vang ra vừa đúng sắc âm mà người đặt hàng yêu cầu. Có những chiếc cồng chiêng dành riêng cho thang âm của từng cộng đồng người với những bài chiêng khác nhau. Người Êđê, Bana hay Gia Rai mỗi vùng miền đều có sự khác nhau trong âm thanh cồng, chiêng. Không thể nào lấy một âm chiêng của riêng một cộng đồng để sản xuất đại trà được, sẽ sai cả về cảm xúc lẫn giá trị nghi lễ. Chính vì thế, ngoài sự khéo léo đúc sản phẩm, còn cần có đôi tai, kinh nghiệm, kỹ năng và vốn văn hóa sâu mới có thể làm được cồng chiêng. Theo các nghệ nhân, Phước Kiều có thể đã đúc ra hơn 35 ngàn bộ chiêng với 200 ngàn chiếc, chủ yếu tiêu thụ ở Trường Sơn và Tây Nguyên.

Hiện nay đã có công nghệ hiện đại với máy móc tiên tiến phục vụ sản xuất, giúp giá thành giảm, nhưng phương pháp đúc đồng truyền thống vẫn luôn được ưa chuộng. Vì những người thợ thủ công của làng nghề luôn tỉ mỉ, cẩn thận trong từng chi tiết mới tạo ra những sản phẩm có hoa văn tinh xảo, kiểu dáng độc đáo. Tuy giá thành cao hơn sản phẩm công nghiệp, nhưng điều làm nên “hồn cốt” của sản phẩm thủ công thì không có máy móc tối tân nào thay thế được. Trong làng bây giờ vẫn còn có nhiều nghệ nhân, người đã tóc bạc da mồi, người cũng xấp xỉ 40-50 năm với nghề, nổi tiếng như ông Dương Nhi, Dương Ngọc Sang, Dương Ngọc Tiển, Dương Ngọc Thắng, Dương Ngọc Minh... đã nối nghiệp cha ông, dày công làm cho nghề đúc đồng khởi sắc trở lại.
Rạng danh nghề cũ
Hơn 400 năm làng nghề đỏ lửa nồi nấu đồng cho tới tận bây giờ, trải qua bao thăng trầm của đời người, của nghề cha ông, dù cuộc sống có những lúc bộn bề khó khăn, có lúc sản xuất bế tắc nhưng những người con của làng như ông Thắng, ông Minh, ông Tiển, ông Sang... và nhiều người nữa vẫn đắm đuối với cái nghề mà cha ông đã mất bao công sức tạo dựng và gìn giữ. Những năm đầu sau khi thống nhất đất nước, để vực dậy làng nghề vốn rệu rã do chiến tranh, ông Dương Ngọc Sang đã kêu gọi người dân trong làng tập trung về làm HTX với trên 50 hộ tham gia. Nhưng chỉ được một thời gian thì HTX tan rã, nhiều người bỏ nghề, kiếm công việc khác. Riêng ông Sang và một vài bậc cao niên vẫn gắn bó với nghề.
Những người thế hệ sau là ông Dương Ngọc Tiển, Dương Ngọc Thắng cũng tiếp nối. Để chọn hướng đi riêng, năm 2000, ông Dương Ngọc Thắng đã thành lập Công ty TNHH Làng đúc đồng truyền thống Phước Kiều. Còn lão nghệ nhân Dương Ngọc Tiển cũng dành hết vốn liếng và đam mê nghề nghiệp cho Công ty TNHH Du lịch - Thương mại Đồng Phước Kiều (thành lập năm 2004).
Nghề đúc đồng là một nghề khó, yêu cầu cao về kỹ thuật và kinh nghiệm. Song, phải có một niềm say mê với nghề truyền thống của cha ông truyền lại thì người thợ mới có thể gắn bó với nghề, tạo ra những sản phẩm có tính thẩm mỹ và giá trị nghệ thuật cao. Để làm ra một sản phẩm đúc đồng phải trải qua rất nhiều công đoạn, gồm: chọn đất làm khuôn và nhồi đất, lên khuôn, nung khuôn, nấu đồng, rót đồng và cuối cùng là khâu làm nguội. Tuy nhiên, một điều làm nên thương hiệu của Phước Kiều chính là bí quyết pha hợp kim riêng như đồng đỏ, đồng thau (đồng pha thiếc), đồng xanh (đồng pha kẽm), đồng thòa (đồng pha vàng) và nhiều loại khác để đúc sản phẩm.

Ngoài những sản phẩm truyền thống như cồng, chiêng, lư đồng…, trong xu thế hội nhập thời đại mới, làng đúc đồng Phước Kiều cũng đang nỗ lực làm mới mình, sáng tạo ra nhiều mẫu mã mới, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của khách hàng với các mặt hàng nội, ngoại thất mỹ nghệ tinh xảo, lạ mắt như đèn lồng, khay đồng chạm trổ hoa văn, gạt tàn thuốc hình búp sen, tượng Phật, lân, sư, rồng…. Thị trường của phường đúc này không chỉ ở trong nước mà đã có nhiều đơn đặt hàng từ các nhà hàng, khách sạn lớn ở các quốc gia như Anh, Úc, Canada…
Cùng với đó, có những sản phẩm xác lập kỷ lục Việt Nam như cặp súng thần công theo nguyên mẫu thời Nguyễn, chiếc đồng hồ nước bằng đồng cao 2,5m với tổng trọng lượng 500kg, hay nồi lư đồng nặng tới 1.500 tấn, đây là sản phẩm tiêu biểu mang hình ảnh những sản vật trong cung đình Huế. Đặc biệt, đại hồng chung (chuông đồng lớn) đặt tại Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Điện Bàn (2017) do ông Dương Ngọc Thắng huy động hơn 40 nghệ nhân giỏi chung tay góp sức làm trong 4 tháng. Quả chuông lớn cao 2,3m, dày 50mm, đường kính 1,3m và nặng hơn 2 tấn, thân chuông còn đúc những hình tượng văn hóa và lịch sử của vùng đất Điện Bàn cùng hình ảnh mẹ anh hùng Nguyễn Thị Thứ, quê ở Điện Bàn, có 11 người con và cháu đã hy sinh cho cuộc chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
Hiện nay tính cả làng nghề có trên 20 hộ làm nghề với khoảng 50 lao động đáp ứng đủ yêu cầu về tay nghề. Làng đúc đồng Phước Kiều cũng đã trở thành một địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng với vị trí địa lý thuận lợi, nằm kề bên Quốc lộ 1A và trên trục nối hai Di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn. Du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những sản phẩm chế tác tinh xảo, còn được tận mắt chứng kiến các công đoạn sản xuất, đúc đồng truyền thống. Bây giờ, những nghệ nhân của làng đúc Phước Kiều không những sống được với nghề, mà còn đóng góp quan trọng trong việc nâng tinh hoa nghề lên một tầm cao mới, khôi phục, bảo tồn, phát triển thương hiệu đúc đồng Phước Kiều, làm rạng danh nghiệp tổ của cha ông. Phước Kiều với những bộ cồng chiêng được đúc ra cũng góp phần để gìn giữ Di sản văn hóa phi vật thể cồng chiêng Tây Nguyên.
Với những nghệ nhân đeo đuổi một đời nghề, và cả những người trẻ mới chập chững, đúc đồng không đơn thuần là nghề kiếm sống mà còn là cách để giữ gìn linh hồn văn hóa dân tộc. Giữa nhịp sống hiện đại, khi nhiều làng nghề dần mai một, Phước Kiều vẫn kiên trì giữ lửa. Ngọn lửa không chỉ rực cháy trong từng lò đúc mà còn trong tinh thần của những người con làng nghề, những người đã và đang nỗ lực không ngừng để bảo tồn và phát triển một di sản quý giá. Nghề đúc đồng vất vả là thế nhưng những người con của Phước Kiều vẫn luôn tìm thấy được những vinh quang sau bùn bụi để hun đúc tình yêu với cái nghề đã ăn vào máu thịt. Dù có trải qua bao thăng trầm, câu chuyện của làng nghề vẫn luôn được các thế hệ con cháu Phước Kiều viết tiếp.