Đà Nẵng đón hai đoàn tàu Thống Nhất mừng 50 năm ngày non sông liền một dải

Thứ Tư, 30/04/2025, 14:39

Lúc 12h40 ngày 30/4, giữa tiếng trống, tiếng nhạc và hàng nghìn tràng vỗ tay vang dội, hai đoàn tàu Thống Nhất SE1 và SE4 từ Hà Nội và TP HCM đã cùng tiến vào ga Đà Nẵng – tái hiện hình ảnh của đất nước 50 năm trước, ngày Bắc – Nam liền một dải.

Gặp nhau tại “khúc ruột miền Trung” đúng ngày lịch sử

Chưa đến trưa, sân ga Đà Nẵng đã chật kín người. Cựu chiến binh, học sinh – sinh viên, cán bộ ngành đường sắt, người dân địa phương và cả du khách nước ngoài đều có mặt từ sớm để chứng kiến giây phút đặc biệt: hai đoàn tàu Thống Nhất gặp nhau tại ga Đà Nẵng – điểm giữa của tuyến đường sắt xuyên Việt.

Biểu tượng của non sông liền một dải sống lại giữa lòng thành phố bên sông Hàn -0
Cả sân ga Đà Nẵng đỏ rực khi du khách mặc áo đỏ sao vàng.
Biểu tượng của non sông liền một dải sống lại giữa lòng thành phố bên sông Hàn -0
Đoàn tàu Thống Nhất lăn bánh vào sân ga Đà Nẵng trước sự chào đón nồng nhiệt của hàng nghìn người dân và du khách. 

Trên hành trình dài hơn 1.700km, đoàn tàu SE1 khởi hành từ Hà Nội tối 29/4 và SE4 rời ga Sài Gòn gần như cùng lúc. Cả hai đều được khoác lên mình lớp áo rực rỡ với khẩu hiệu “Đường sắt Thống Nhất – Non sông liền một dải”, mang theo gần 900 hành khách cùng tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc và những câu chuyện xuyên suốt ba miền đất nước.

“Đây không chỉ là một chuyến tàu. Đây là một hành trình trở về với ký ức dân tộc, để nhớ rằng đất nước mình đã đi qua chiến tranh, qua chia cắt, để có được ngày hôm nay,” ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), xúc động chia sẻ tại buổi lễ đón.

Biểu tượng của non sông liền một dải sống lại giữa lòng thành phố bên sông Hàn -0
Biểu tượng của non sông liền một dải sống lại giữa lòng thành phố bên sông Hàn -0
"50 năm thống nhất – vững bước tương lai" và cuộc gặp gỡ đầy xúc động của các cô chú cựu chiến binh khi đoàn tàu Thống Nhất đến ga Đà Nẵng đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025).  

Giữa sân ga rực rỡ cờ hoa, lễ đón hai đoàn tàu diễn ra trong không khí trang trọng nhưng gần gũi. Dưới nắng trưa tháng Tư, tiếng trống mở màn vang lên, hàng chục nghệ sĩ trình diễn tiết mục văn nghệ đặc biệt: ca khúc cách mạng, hợp xướng “Đất nước trọn niềm vui”, các bản hùng ca từng đi cùng năm tháng.

Hành khách bước xuống tàu được chào đón bằng vòng hoa, nụ cười và những cái bắt tay nồng hậu. 400 người xuống ga Đà Nẵng, 500 người khác tiếp tục hành trình về Bắc, vào Nam. Mỗi người được tặng một phần quà kỷ niệm, riêng các thương binh, cựu chiến binh, người có công với cách mạng nhận thêm một vé mời đặc biệt từ ngành đường sắt.

Cụ Phạm Văn Tình, 85 tuổi, nguyên cán bộ ngành đường sắt, bật khóc khi thấy dàn trống lễ vang lên đúng lúc hai đoàn tàu dừng bánh: “Tôi đã sống đủ lâu để biết rằng không gì quý hơn giây phút đoàn tụ. Cả đời làm ở Đề pô xe lửa Đà Nẵng, hôm nay chứng kiến cảnh tượng này, tôi thấy đời mình trọn vẹn.”

Một hành trình không chỉ để nhớ, mà để tiếp nối

Không chỉ dừng lại ở lễ đón tại sân ga, từ Huế đến Đà Nẵng (đối với SE1) và từ Tam Kỳ đến Đà Nẵng (đối với SE4), hành khách trên đoàn tàu Thống Nhất được thưởng thức những chương trình biểu diễn trực tiếp do các nghệ sĩ và đội văn nghệ xung kích trình diễn ngay trên tàu.

Không gian toa tàu bỗng biến thành một sân khấu nhỏ – nơi nghệ sĩ biểu diễn, hành khách vỗ tay theo điệu nhạc, và những người xa lạ bắt đầu chia sẻ câu chuyện, ký ức. “Tôi chưa từng đi chuyến tàu nào mà cảm giác như cả toa là một gia đình. Có bác kể chuyện chiến tranh, có bạn trẻ đọc thơ về đất nước, có người ôm nhau khóc. Thật sự xúc động,” chị Trịnh Lệ Quyên (giáo viên, quê Quảng Trị) kể lại.

Biểu tượng của non sông liền một dải sống lại giữa lòng thành phố bên sông Hàn -0
Cả sân ga Đà Nẵng chào đón hành khách của đoàn tàu Thông Nhất rực rỡ áo đỏ sao vàng. 
Biểu tượng của non sông liền một dải sống lại giữa lòng thành phố bên sông Hàn -0
Biểu tượng của non sông liền một dải sống lại giữa lòng thành phố bên sông Hàn -1
Chuyến tàu Thống Nhất, mang theo cả ký ức và hy vọng vào thế hệ tương lai. 

Tại Đà Nẵng, buổi lễ còn bao gồm các hoạt động ý nghĩa như dâng hương tưởng niệm Chi bộ Đề pô xe lửa Đà Nẵng, tặng quà tri ân cho người có công và thả chim bồ câu – biểu tượng hòa bình, đoàn tụ. Đúng 11h30, bản tin chiến thắng vang lên từ hệ thống loa của nhà ga, đưa tất cả trở lại khoảnh khắc lịch sử 1975.

Chương trình “Đoàn tàu Thống Nhất” không chỉ là một hoạt động kỷ niệm. Đó còn là nỗ lực “giáo dục truyền thống yêu nước” và tri ân các thế hệ đi trước, như lời khẳng định từ lãnh đạo ngành đường sắt.

Từ ngày 24/4 đến 9/5, ngành Đường sắt Việt Nam triển khai chính sách giảm 40% giá vé cho các đối tượng chính sách như thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ... Tổng cộng, đã có hơn 1.000 vé tri ân được phát hành cho người có công với đất nước.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng (cựu chiến binh, quê Thái Bình) – một trong những hành khách trên chuyến SE1 – cho biết ông đã đi xuyên Việt nhiều lần, nhưng “chưa bao giờ cảm nhận được chuyến đi nào nhiều cảm xúc như lần này”.

Biểu tượng của non sông liền một dải sống lại giữa lòng thành phố bên sông Hàn -0
Biểu tượng của non sông liền một dải sống lại giữa lòng thành phố bên sông Hàn -0
Đoàn tàu Thống Nhất đưa hàng nghìn du khách đến TP Đà Nẵng bắt đầu kỳ nghỉ lễ 30/4 -1/5. 

Trên sân ga, khi đoàn tàu rời đi tiếp tục hành trình, người ở lại vẫn còn đứng rất lâu. Không ai nói gì nhiều. Chỉ có ánh mắt dõi theo, và tiếng vẫy tay nối dài như sợi chỉ xuyên suốt từ quá khứ tới hiện tại.

Cô Phạm Thị Hoài (đến từ Nghệ An) dắt tay cháu nhỏ lên tàu, vừa đi vừa quay lại: “Tôi muốn con, cháu tôi nhìn thấy điều này – để sau này khi lớn lên, nó không chỉ học lịch sử qua sách vở, mà từng chứng kiến lịch sử đi ngang qua đời mình”.

Hoài Thu
.
.