TTXVN trong hành trình viết tiếp bản hùng ca của đất nước

Thứ Năm, 24/04/2025, 16:33

Chiều 24/4, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tổ chức chương trình Gặp mặt, tọa đàm với chủ đề “Viết tiếp bản hùng ca”, nhằm tri ân đội ngũ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên và nhân viên của TTXVN đã từng tham gia các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế ở Lào và Campuchia.

Tham dự sự kiện có đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam; đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cùng lãnh đạo ngành qua các thời kỳ.

Chương trình được kết nối trực tuyến tại 3 điểm cầu: Trung tâm Thông tấn quốc gia tại Hà Nội; Trung tâm Thông tin TTXVN khu vực miền Trung - Tây Nguyên tại Đà Nẵng và Trung tâm Thông tin TTXVN khu vực phía Nam tại TP. Hồ Chí Minh, với sự tham dự của 430 cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên và nhân viên của TTXVN đã tham gia kháng chiến chống Mỹ, các cuộc chiến bảo vệ biên giới và làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào, Campuchia; cùng thế hệ các phóng viên thông tấn hôm nay.

Phát biểu tại chương trình, Tổng giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang cho biết, lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam ghi nhận dấu ấn sâu đậm của TTXVN với vai trò một cơ quan thông tin chiến lược, tin cậy của Đảng và Nhà nước trong suốt các cuộc kháng chiến vĩ đại. Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, với lòng yêu nước, tinh thần quả cảm và ý chí kiên trung, các nhà báo Thông tấn đã có mặt ở khắp các chiến trường, phản ánh sinh động cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

TTXVN trong hành trình viết tiếp bản hùng ca của đất nước -0
Tổng giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang.

Đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các phóng viên Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) ở miền Bắc luôn bám sát thực tiễn sản xuất, chiến đấu. Tại miền Nam, ngày 12/10/1960, bản tin đầu tiên của Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) đã đánh dấu sự ra đời của tiếng nói chính thức từ chiến trường, góp phần quan trọng trong việc truyền tải thông tin, cổ vũ phong trào cách mạng.

Trong suốt 15 năm tồn tại (1960–1975), TTXGP đã nhận được hơn 450 lượt cán bộ, phóng viên chi viện từ VNTTX, sát cánh cùng các lực lượng vũ trang, liên tục phát đi những bản tin khẩn, tiếp thêm ý chí cho đồng bào, chiến sĩ ở cả hậu phương và tiền tuyến.

Đỉnh cao là ngày 30/4/1975 – một dấu mốc lịch sử thiêng liêng khi VNTTX đã vinh dự phát đi những hình ảnh, dòng tin đầu tiên về thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do và thống nhất đất nước.

"Để có mùa xuân lịch sử ấy, gần 260 cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của TTXVN đã hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời. Những mất mát đó mãi mãi được khắc ghi trong lịch sử vẻ vang của ngành", Tổng giám đốc TTXVN thông tin.

TTXVN trong hành trình viết tiếp bản hùng ca của đất nước -0
Giao lưu các thế hệ người làm báo Thông tấn.

Bước sang thời kỳ đổi mới và hội nhập, kế thừa truyền thống hào hùng, các thế hệ Thông tấn hôm nay tiếp tục xông pha ở những điểm nóng, sự kiện trọng đại của đất nước và thế giới, với tinh thần đổi mới, sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, tạo nên các sản phẩm báo chí hiện đại, chất lượng cao, được vinh danh ở các giải thưởng lớn.

TTXVN đang từng bước đổi mới mô hình hoạt động, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18-NQ/TW, vận hành hiệu quả với 22 đơn vị và mạng lưới cơ quan thường trú phủ khắp trong và ngoài nước. 

Tại chương trình toạ đàm “Viết tiếp bản hùng ca”, các phóng viên chiến trường của TTXVN đã chia sẻ, kể lại những câu chuyện của chính mình và đồng đội về những năm tháng gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi tự hào của những người làm thông tấn cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cũng là để tưởng nhớ các liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên VNTTX và TTXGP (sau khi đất nước thống nhất, hợp nhất thành TTXVN) đã trực tiếp chiến đấu và cũng chịu hy sinh như những người lính thực thụ, góp phần đưa những bản tin, bức ảnh nóng hổi tính thời sự từ chiến trường đến với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, trong đó có bản tin đầu tiên về ngày thống nhất đất nước 30/4/1975. Tiếp nối truyền thống ấy những phóng viên thông tấn hôm nay đã vững vàng vượt qua khó khăn, nguy hiểm trong mọi hoàn cảnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ như đưa tin về vụ bạo loạn khủng bố xảy ra tại Đắk Lắk, tác nghiệp tại Trường Sa…

TTXVN trong hành trình viết tiếp bản hùng ca của đất nước -0
Chương trình được kết nối trực tuyến tại 3 điểm cầu Hà Nội- Đà Nẵng- TP Hồ Chí Minh.

Tiếp đó, là thông tin chia sẻ về thời kỳ đất nước thống nhất và bước vào giai đoạn mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện nghĩa vụ quốc tế “giúp bạn là giúp mình” tại Lào và Campuchia. Đan xen sẽ là những câu chuyện về sự hy sinh thầm lặng và nhiệt huyết của những người làm báo thông tấn hôm nay trong những hoàn cảnh đầy thử thách như: Đại dịch COVID, cơn bão Yagi...

Trong hành trình viết nên những bản hùng ca của đất nước, TTXVN luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phối hợp chân tình và hiệu quả các bộ, ban, ngành, địa phương, đặc biệt của Sư đoàn 304 với mật danh sư đoàn Vinh Quang – đơn vị kết nghĩa thủy chung, son sắt với TTXVN trong hơn sáu thập kỷ và cơ quan Thông tấn Quân sự.

TTXVN trong hành trình viết tiếp bản hùng ca của đất nước -0
Các phóng viên chiến trường của TTXVN chia sẻ về những câu chuyện của chính mình và đồng đội khi tác nghiệp.

"Qua cuộc gặp mặt ngày hôm nay, TTXVN xin thể hiện lòng biết ơn đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ đặc biệt của các tổ chức và cá nhân dành cho những người làm báo TTXVN qua các thời kỳ", bà Vũ Việt Trang bày tỏ.

Tại buổi gặp mặt và tọa đàm đã diễn ra Lễ trao tặng kỷ vật chiến trường cho phòng Truyền thống của TTXVN. Những kỷ vật giản dị ấy đã theo dấu chân của các phóng viên, kỹ thuật viên trên các chiến trường từ Nam ra Bắc, minh chứng cho sự hy sinh, cống hiến và tình yêu Tổ quốc, yêu nghề của các thế hệ đi trước.

Nhân dịp này, Nhà xuất bản Thông tấn đã ra mắt cuốn sách ảnh song ngữ Việt –Anh “80 năm Thông tấn xã Việt Nam”.

Ra mắt cuốn sách ảnh song ngữ Việt –Anh “80 năm Thông tấn xã Việt Nam”

 Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống của Thông tấn xã Việt Nam (15/9/1945 - 15/9/2025), Nhà xuất bản Thông tấn đã ra mắt cuốn sách ảnh song ngữ Việt –Anh “80 năm Thông tấn xã Việt Nam”. 

Bằng những bài viết ngắn gọn, cô đọng cùng hơn 670 bức ảnh, tư liệu, được sắp xếp, trình bày theo dòng chảy lịch sử, cuốn sách ôn lại những dấu mốc, sự kiện chính, tiêu biểu trong quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của TTXVN gắn với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ và thống nhất đất nước (1945-1975); trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đổi mới, hội nhập quốc tế, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển, vươn lên phồn vinh, hạnh phúc (1976-2025).

Cuốn sách “80 năm Thông tấn xã Việt Nam (1945-2025)” là một công trình tư liệu báo chí có giá trị, ghi dấu chặng đường 80 năm hình thành, xây dựng và phát triển của TTXVN. Những bức ảnh, bài viết, dòng tin đi cùng năm tháng mang giá trị lịch sử ghi dấu sự dấn thân, trung thành, tận tụy, hy sinh và cống hiến của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cán bộ kỹ thuật, nhân viên các thế hệ thông tấn để dòng thông tin chủ lưu của TTXVN không ngưng nghỉ. Việc xuất bản cuốn sách thể hiện sự tri ân đối với các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cán bộ kỹ thuật, nhân viên qua các thời kỳ, các thương binh, gia đình liệt sỹ đã đóng góp công sức, xương máu xây dựng TTXVN không ngừng lớn mạnh như ngày nay. 

Lưu Hiệp
.
.