Cảnh báo về "cơn ác mộng nhân đạo" tại Rafah

Thứ Năm, 09/05/2024, 06:11

Tình hình nhân đạo tại dải Gaza hiện nay được giới chức châu Âu đánh giá là "vô cùng tồi tệ và nguy cấp" khi cửa khẩu chính Rafah - nơi tiếp nhận hàng hoá viện trợ đã tê liệt, sau khi bị lực lượng phòng vệ Israel chiếm quyền kiểm soát. Trước những diễn biến khó lường, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres và cộng đồng quốc tế đang hy vọng vào những nỗ lực ngoại giao con thoi của các bên có ảnh hưởng, nhằm can thiệp, gây sức ép làm giảm căng thẳng tại khu vực này.

The Guardian ngày 8/5 đưa tin, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi Israel và Hamas nỗ lực nhằm đạt thỏa thuận ngừng bắn, đồng thời cảnh báo Israel rằng cuộc tấn công vào thành phố Rafah ở phía Nam Gaza sẽ gây ra "cơn ác mộng nhân đạo".

Ông Antonio Guterres nêu rõ: "Sẽ thật bi thảm nếu nhiều tuần hoạt động ngoại giao căng thẳng vì hòa bình ở Gaza không mang lại lệnh ngừng bắn, con tin không được thả và xảy ra một cuộc tấn công tàn khốc vào Rafah. Một lệnh ngừng bắn cần đạt được ngay lập tức, để ngăn chặn cuộc đổ máu, giải thoát các con tin và giúp ổn định một khu vực vốn nhiều bất ổn. Rõ ràng, tấn công vào Rafah là một sai lầm chiến lược, một thảm họa chính trị và một cơn ác mộng nhân đạo. Tôi kêu gọi tất cả những người có ảnh hưởng đối với Israel hãy làm mọi thứ trong khả năng của họ để giúp ngăn chặn thảm kịch hơn nữa".

Lời kêu gọi của Tổng Thư ký LHQ được đưa ra sau các cuộc đụng độ nhỏ, lẻ giữa Israel và Hamas ở Rafah và khu vực lân cận hôm 7/5. Trong đó, Israel đã điều quân và khí tài quân sự, đánh chiếm cửa khẩu Rafah tại dải Gaza nối với Ai Cập, ngừng mọi hoạt động di chuyển của người và hàng hóa tại đây. Người Phát ngôn Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo LHQ (OCHA) Jens Laerke xác nhận, cửa khẩu Rafah đang nằm dưới quyền kiểm soát của Lực lượng phòng vệ Israel.

Cảnh báo về
Sau 7 tháng xung đột, khoảng 75% số công trình xây dựng và nhà cửa ở Gaza đã bị hư hại hoặc phá hủy. Nguồn: Reuters

Theo The Guardian, khoảng 1 triệu người trên khắp Gaza đang trú ẩn ở Rafah, sau khi phải rời bỏ nhà cửa trong các cuộc tấn công trước đó. Nhiều người đang sống trong những căn lều hoặc những nơi trú ẩn đông đúc trong trường học lo sợ họ sẽ lại phải rời đi. Có người đã phải sơ tán 5 đến 6 lần do giao tranh lan rộng. Bà Ghada Lubad (46 tuổi) đang ở trại tị nạn Jabaliya chia sẻ: "Chúng tôi rất mệt mỏi vì đã phải chuyển đến 8 nơi kể từ khi rời khỏi nhà vào đầu cuộc xung đột. Bây giờ, chúng tôi sẽ đi về phía Bắc để tìm nơi an toàn".

Còn ông Jihad Ahmed (62 tuổi), một sĩ quan cảnh sát đã nghỉ hưu ở Rafah, cho biết không nơi nào ở Gaza đảm bảo an toàn cho gia đình 9 người của ông. "Tôi rất lo lắng vì không có nơi nào an toàn để đi. Tôi sơ tán gia đình đến trung tâm Rafah nhưng bất chấp cảnh báo, tôi và con trai vẫn ở nhà vì sợ bị cướp phá". Hiện tại, Gaza đang thiếu nhiên liệu nghiêm trọng, việc cửa khẩu chính Rafah bị đóng làm cản trở các hoạt động phân phát hàng cứu trợ nhân đạo, trong khi nhà máy sản xuất nước sạch chính ở Gaza có nguy cơ đóng cửa và hàng chục cửa hàng làm bánh mỳ gặp rất nhiều khó khăn.

Thực tế này một lần nữa được Cao uỷ về An ninh và Đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell nêu lên trong cuộc phỏng vấn báo chí ngày 8/5. Ông Josep Borrell cho rằng, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bất chấp mọi yêu cầu của quốc tế để tiến hành một cuộc tấn công vào Rafah, khiến dải đất Gaza không còn nơi nào an toàn, đồng thời cảnh báo về số lượng thương vong lớn trong thời gian tới. Bộ trưởng Bộ Phát triển Bỉ Caroline Gennez thì cho rằng, cuộc tấn công này sẽ vượt qua "ranh giới đỏ và gây ra nạn đói cho hàng triệu người vốn đang sống phụ thuộc vào hàng viện trợ qua cửa khẩu". Do đó, EU cần cân nhắc các biện pháp trừng phạt, đồng thời kêu gọi các đối tác của khối nhất trí về quyết định ngừng xuất khẩu vũ khí sang Trung Đông, tới Israel và các bên xung đột. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel cùng ngày đã giải thích rằng, một áp lực quân sự lớn mới có thể buộc Hamas thả con tin.

"Cuộc chiến chống lại Hamas vấn tiếp tục. Việc chiếm cửa khẩu ở Rafah là một bước đi rất quan trọng trên con đường tiêu diệt những tiềm lực quân sự còn sót lại của Hamas, trong đó có việc tiêu diệt 4 tiểu đoàn còn lại ở Rafah. Đó là một bước nhằm làm tổn hại đến khả năng của Hamas, cắt đứt lối đi cần thiết để Hamas thiết lập lại quyền kiểm soát ở Gaza", ông Netanyahu nhấn mạnh. Giới quan sát nhận định, tuyên bố của Thủ tướng Israel Netanyahy cho thấy khả năng về việc đạt được một lệnh ngừng bắn tương đối thấp. Dẫu vậy, hàng loạt quan chức Mỹ, Ai Cập và Qatar vẫn đang làm việc ngày đêm, để tìm kiếm thỏa thuận ngừng bắn cho dải Gaza, cũng như tìm thêm lối thoát cho hàng hóa nhân đạo.

Trong một diễn biến mới nhất, Chính quyền Mỹ vừa quyết định dừng chuyển 3.500 quả bom thông minh cỡ lớn cho Israel gồm 1.800 quả bom loại 907kg và 1.700 quả bom trọng lượng 226kg. Một quan chức Mỹ tiết lộ, quyết định dừng chuyển giao được đưa ra do Israel đã không thông báo một cách đầy đủ cho Mỹ về hoạt động tác chiến lớn tại Gaza. Đây là lần đầu tiên kể từ đầu cuộc chiến của Israel vào dải Gaza hồi tháng 10/2023, chính quyền Mỹ quyết định dừng chuyển giao vũ khí cho đồng minh Israel theo kế hoạch. Động thái được tiến hành trong bối cảnh giới chức Mỹ thời gian qua liên tiếp bày tỏ sự không hài lòng về cách thức điều hành cuộc chiến của Israel tại Gaza khiến quá nhiều dân thường Palestine thiệt mạng. Liên quan đến thiệt hại tại dải Gaza sau 7 tháng xung đột, phân tích hình ảnh vệ tinh vừa công bố của Đại học New York (Mỹ) cho thấy, khoảng 75% số công trình xây dựng và nhà cửa ở Gaza đã bị hư hại hoặc phá hủy, trong đó có 408 trên tổng số 563 trường học.

Nhà phân tích Corey Scher đánh giá mức độ tàn phá tại Gaza thậm chí còn nặng nề hơn tại thành phố Dresden của Đức giai đoạn cuối thế chiến thứ II. Trước đó, báo cáo của Cơ quan hành động bom mìn LHQ nhận định, cần khoảng 14 năm để dọn dẹp đống đổ nát lên tới hơn 36 triệu tấn ở Gaza.

Kim Khánh
.
.