Châu Âu cân nhắc đưa 100.000 quân tới Ukraine đồn trú

Thứ Năm, 19/12/2024, 06:20

Trong bối cảnh các lực lượng Nga tăng đà tiến quân, dồn dập tấn công và giành được quyền kiểm soát nhiều thành trì chiến lược trên các mặt trận ở Ukraine, thì tại các nước phương Tây, đằng sau những cánh cửa đóng kín, các cuộc thảo luận về khả năng đưa quân tới Ukraine đang được dẫn đầu bởi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Reuters hôm 18/12 đưa tin, hiện tại, các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn đang tập trung tăng cường hỗ trợ kinh tế và quân sự cho Ukraine. Nhưng một số nguồn thạo tin cho biết, các nước gồm Pháp, Đức, Italia, Anh và Ba Lan đã có những thảo luận về việc triển khai lực lượng lên tới 100.000 quân tới Ukraine đồn trú, trong trường hợp có lệnh ngừng bắn hoặc thỏa thuận hòa bình.

Quy mô của lực lượng này được cho là sẽ phụ thuộc vào các nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể nhằm cung cấp đảm bảo an ninh với Kiev. Tờ Kyiv hôm 18/12 dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Estonia Margus Tsahkna nhấn mạnh, điều quan trọng nhất chính là sự sẵn sàng của châu Âu trong việc gửi quân đến Ukraine để hỗ trợ bất kỳ thỏa thuận hòa bình tiềm năng nào có được giữa Kiev và Moscow. 

Châu Âu cân nhắc đưa 100.000 quân tới Ukraine đồn trú -0
EU xem xét việc đưa quân đồn trú tại Ukraine. Ảnh: Justin Tallis/PA

Theo chuyên gia Franz-Stefan Gady thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế, một lực lượng như vậy có thể được thành lập nếu một số quốc gia châu Âu cắt giảm các nhiệm vụ khác, chẳng hạn gìn giữ hòa bình Balkan. Ông Franz-Stefan Gady lưu ý: "Điều này chắc chắn sẽ khiến lực lượng trên bộ của châu Âu phải căng mình".

Tuy nhiên, việc này sẽ nhằm đảm bảo các đồng minh châu Âu không bị gạt ra khỏi các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng Nga - Ukraine do Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump làm trung gian.

Trong lịch sử, các lực lượng châu Âu thường dựa vào sự hỗ trợ đáng kể của Mỹ ở các hoạt động quân sự lớn. Để so sánh, châu Âu, Mỹ và các đối tác khác đã triển khai khoảng 60.000 quân ở Bosnia và 50.000 quân ở Kosovo trong những năm 1990. Sau này, các nhiệm vụ đó đã bị thu hẹp đáng kể.

Tổng thống đắc cử Donald Trump mới đây đã loại trừ khả năng quân đội Mỹ tham gia vào các nhiệm vụ như vậy. Trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp Macron hôm 7/12, ông Trump khẳng định rằng các nước châu Âu cần phải hành động độc lập. 

Được biết, hồi đầu tháng 12, cơ quan tình báo Nga cũng cho rằng các nước phương Tây đang lên kế hoạch "đóng băng" xung đột Ukraine bằng cách triển khai 100.000 quân gìn giữ hòa bình đến Kiev.

Đóng băng xung đột sẽ cho phép phương Tây khôi phục lại sức mạnh cho quân đội Ukraine sau 3 năm chiến đấu. Đây cũng là cơ hội giúp Ukraine khôi phục lại ngành công nghiệp quân sự vốn thường xuyên bị tên lửa và máy bay không người lái của Nga tấn công.

Kim Khánh
.
.