Nhà Trắng lần đầu công khai việc gỡ rào ATACMS cho Ukraine

Thứ Ba, 26/11/2024, 05:38

Đây là lần đầu tiên Nhà Trắng công khai xác nhận việc gỡ bỏ hạn chế, cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do Washington viện trợ để tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga.

CNN hôm 25/11 (giờ địa phương) dẫn lời Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby nêu rõ, Washington đã thay đổi hướng dẫn liên quan đến hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) tầm xa đối với Ukraine, nhấn mạnh rằng họ có thể sử dụng loại vũ khí này để tấn công những mục tiêu cụ thể. 

Xác nhận với báo giới, ông John Kirby nói: "Hiện tại, họ có thể sử dụng ATACMS để tự vệ khi cần thiết. Chúng tôi đã thay đổi hướng dẫn và cho phép họ sử dụng chúng để tấn công các loại mục tiêu cụ thể. Điều đó đang diễn ra trong và xung quanh tỉnh Kursk của Nga".

Nhà Trắng lần đầu công khai việc gỡ rào ATACMS cho Ukraine -0
Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby. Ảnh: CNN

Ông John Kirby cũng thêm rằng, phía Mỹ sẽ để Ukraine tự nói về việc sử dụng tên lửa ATACMS, trình tự xác định mục tiêu và cách mà Ukraine sử dụng loại vũ khí này. Đây là lần đầu tiên phía Mỹ công khai xác nhận đã gỡ bỏ hạn chế, cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do Washington viện trợ để tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga.

Về phần mình, hôm 25/11, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, động thái của Nhà Trắng khiến các thỏa thuận hòa bình trở nên khó khăn hơn, cản trở nỗ lực của ông Donald Trump trong việc giải quyết xung đột Nga - Ukraine.

Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết nước này có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm phản ứng với các hành động của Mỹ. "Các bước tiếp theo, bao gồm những gì liên quan đến phản ứng về mặt kỹ thuật quân sự của Nga, sẽ phụ thuộc vào việc triển khai các hệ thống tương ứng của Mỹ tại bất kỳ nơi nào trên thế giới", TASS dẫn lời ông Ryabkov.

Tuần trước, Ukraine đã lần lượt sử dụng các loại tên lửa tầm xa gồm ATACMS do Mỹ sản xuất và Storm Shadow do Anh viện trợ để tấn công tỉnh Bryansk và các mục tiêu ở tỉnh Kursk thuộc Nga. Dù phía Anh không xác nhận nhưng khẳng định đang tăng cường sự ủng hộ đối với Ukraine và quyết tâm làm nhiều điều hơn nữa.

Nhà Trắng lần đầu công khai việc gỡ rào ATACMS cho Ukraine -0
Tên lửa siêu vượt âm Oreshnik tấn công thành phố Dnipro của Ukraine hôm 21/11. Ảnh: east2west

Đáp lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông qua học thuyết hạt nhân sửa đổi theo hướng hạ ngưỡng sử dụng các biện pháp răn đe hạt nhân. Ngoài ra, Moscow đã sử dụng tên lửa siêu vượt âm Oreshnik phóng từ bãi thử tên lửa thứ 4 ở Kapustin Yar thuộc vùng Astrakhan để tấn công cơ sở của tập đoàn tên lửa và vũ trụ Yuzhmash - một doanh nghiệp tên lửa và quốc phòng của Ukraine tại thành phố Dnipro.

Vụ tấn công này đánh dấu việc Nga lần đầu tiên thử nghiệm trong môi trường chiến đấu một loại tên lửa với đầu đạn phân hướng độc lập MIRV thông thường. Tổng thống Vladimir Putin khẳng định những cuộc thử nghiệm như vậy sẽ tiếp tục trong tương lai.

Hồi tháng 9, Tổng thống Vladimir Putin từng cảnh báo việc Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa sẽ thay đổi tính chất của cuộc xung đột, khiến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trở thành bên trực tiếp tham chiến. Ông Putin lập luận rằng Ukraine không thể triển khai các loại vũ khí như ATACMS hay Storm Shadow nếu không có sự tham gia của quân nhân NATO.

Nhà Trắng lần đầu công khai việc gỡ rào ATACMS cho Ukraine -0
Một tên lửa JASSM được phóng từ máy bay ném bom hạng nặng Lancer của Không quân Mỹ trong một cuộc tập trận. Ảnh: US Air Force

Trước những diễn biến khó lường như hiện nay, theo Reuters, Mỹ sắp đạt được thỏa thuận cung cấp tên lửa JASSM với tầm bắn 300km cho Ukraine, nhưng Kiev sẽ phải đợi một thời gian để Washington giải quyết các vấn đề kỹ thuật trước khi chuyển giao bởi JASSM hiện chỉ được tích hợp trên máy bay do Mỹ phát triển. Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho hay, đã có những nỗ lực để tích hợp tên lửa JASSM trên các máy bay chiến đấu không phải của phương Tây mà Ukraine đang sở hữu.

Giới chức Mỹ cho rằng việc cung cấp tên lửa JASSM có thể thay đổi đáng kể cục diện chiến lược của cuộc xung đột, vì một phần đáng kể lãnh thổ Nga sẽ nằm trong tầm bắn của các loại vũ khí dẫn đường chính xác cực mạnh của họ. Nếu được phóng gần biên giới miền Bắc Ukraine và Nga, chúng có thể tấn công các mục tiêu quân sự xa như Voronezh và Bryansk. Ở phía Nam, chúng có thể được sử dụng để tấn công các sân bay hoặc cơ sở hải quân ở bán đảo Crimea.

Trong một diễn biến có liên quan, mới đây, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot khẳng định các đồng minh phương Tây không nên đặt ra “giới hạn đỏ” trong việc hỗ trợ Ukraine, nhấn mạnh cam kết của Pháp trong việc cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine miễn là còn cần thiết. Ông Barrot xác nhận Ukraine có thể sử dụng tên lửa tầm xa của Pháp để tấn công vào lãnh thổ Nga, với điều kiện đó là hành động tự vệ.

Kim Khánh
.
.