15 ngày đầu thực hiện Nghị định 168: Mỗi ngày giảm một người không trở về

Thứ Tư, 15/01/2025, 10:38

Các cơ quan chức năng, lực lượng thực thi nhiệm vụ bảo đảm TTATGT đều xác định “mục tiêu không phải để tăng mức thu tiền phạt nộp ngân sách Nhà nước mà để quyết tâm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ của người tham gia giao thông".

Theo số liệu của Cục CSGT, 15 ngày đầu tháng 1/2025, cả nước xảy ra 814 vụ TNGT, làm chết 422 người, bị thương 542 người. So với 15 ngày liền kề, giảm 88 vụ (giảm 9,8%), giảm 14 người chết (giảm 3,2%), giảm 103 người bị thương (giảm 16%).

Thực hiện Nghị định 168, lực lượng CSGT toàn quốc đã huy động 43.392 lượt tổ công tác, với 53.858 ca tuần tra, đã phát hiện, xử lý 174.653 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT); tước quyền sử dụng GPLX, chứng chỉ chuyên môn 17.595 trường hợp; tạm giữ 955 ô tô, 49.649 mô tô; số GPLX bị trừ điểm là 12.691 trường hợp. So với thời gian trước liền kề, xử phạt giảm 22.786 trường hợp, (bằng 11,54%).

Cụ thể, đã xử lý 36.055 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, so với thời gian trước liền kề giảm 6.796 trường hợp; xử lý 2.888 trường hợp vi phạm quá tải trọng, quá khổ, cơi nới thành thùng, giảm 1.629 trường hợp; xử lý 37.337 trường hợp vi phạm tốc độ, giảm 4.411 trường hợp; xử lý 339 trường hợp người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, giảm 178 trường hợp; xử lý 3.279 trường hợp không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông, giảm 487 trường hợp…

ch.jpg -0
chấp 1.jpg -1
Người dân chấp hành nghiêm quy định dừng trước tín hiệu đèn đỏ.

Như vậy, tất cả các vi phạm của người tham gia giao thông bị xử lý đã giảm rõ rệt so với cùng kỳ nhưng ý thức tăng lên rõ rệt, đặc biệt là tai nạn giao thông đã giảm 3 tiêu chí. Điều này cũng đã chứng minh rõ rệt kết quả của thực hiện Nghị định 168 mang lại hạnh phúc, an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.

Tình trạng người điều khiển phương tiện vi phạm không chấp hành tín hiệu đèn giao thông (vượt đèn đỏ), vạch kẻ đường, đi trên vỉa hè, đi ngược chiều của đường một chiều… đã giảm rõ rệt (nhất là tại các đô thị lớn). Người tham gia giao thông đã tự giác chấp hành đèn tín hiệu giao thông kể cả khi không có lực lượng CSGT kiểm tra, kiểm soát, đã dần thay đổi về nhận thức, ý thức trách nhiệm của từng công dân khi tham gia giao thông, hình thành văn hóa khi tham gia giao thông, tạo hình ảnh giao thông, đô thị văn minh với bạn bè thế giới, được người dân đồng tình ủng hộ. Kết quả này đã đem lại hạnh phúc, bình an cho hàng trăm, hàng nghìn gia đình, bởi mỗi người đi không trở về thì gia đình họ sẽ mất mát rất lớn, xã hội cũng mất đi nguồn nhân lực để xây dựng đất nước.

Đặc biệt, khi ý thức chấp hành pháp luật về ATGT tăng lên, thì việc bị xử phạt cũng giảm đi. Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, quan điểm của lực lượng CSGT là nâng mức xử lý vi phạm hành chính để răn đe, giáo dục một bộ phận người tham gia giao thông có ý thức chấp hành chưa tốt. Đồng thời, khích lệ động viên và bảo vệ đại đa số người tham gia giao thông. Đã đến lúc phải thay đối những thói quen xấu khi tham gia giao thông vì nó làm méo mó hình ảnh văn minh đô thị, hình ảnh của đất nước khiến đối tác, du khách nước ngoài đánh giá thấp hoặc lo sợ khi đi ra đường, làm giảm nhu cầu đầu tư nước ngoài. Tai nạn đã cướp đi nhiều nhân lực quý giá của đất nước, gây hệ lụy khiến nhiều gia đình phải chăm lo người tai nạn khuyết tật, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Mỗi người tham gia giao thông chỉ cần hình thành thói quen chấp hành như: Tuân thủ tín hiệu đèn giao thông, không vượt ẩu, không lái xe khi đã uống rượu, bia... thì sẽ giảm tai nạn và luôn nhớ nhà là nơi để về.

cho xem ha.jpg -0
CSGT cho người điều khiển phương tiện giao thông xem hình ảnh vi phạm.
sd tb.jpg -1
Cán bộ CSGT sử dụng thiết bị kỹ thuật để phát hiện, xử lý vi phạm giao thông.

Đánh giá thực trạng và tác động của Nghị định 168 với tình hình ùn tắc giao thông thời điểm trước, lãnh đạo Cục CSGT cho biết, trong và sau cao điểm các dịp Tết, tình hình TTATGT địa bàn toàn quốc, nhất là các đô thị lớn luôn phức tạp, ùn tắc kéo dài, diện rộng diễn ra thường xuyên, phổ biến hơn không chỉ vào các khung giờ cao điểm mà còn vào các khung giờ khác trong ngày. Trong nhiều nguyên nhân được xác định, có thể đánh giá trọng tâm bởi 3 nguyên nhân sau: Do nhu cầu vận tải hàng hóa, đi lại, sắm sửa thời điểm cao điểm luôn cao, người dân có xu hướng sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, đặc biệt là ô tô tăng cao; hạ tầng giao thông qua nhiều năm được quan tâm, cải thiện, phát triển nhưng không thể theo kịp tốc độ gia tăng phương tiện cơ giới cá nhân; ý thức người tham gia giao thông còn kém, nhất là khi không có hoạt động của lực lượng CSGT.

Theo Đại tá Phạm Quang Huy, Nghị định 168 ban hành với nhiều hành vi tăng nặng mức xử phạt so với Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 100, nhất là đối với các hành vi “lấn làn”, “đè vạch”, “vượt đèn”, “lùi xe”, “đi ngược chiều”… đã tác động sâu sắc đến nhận thức, nâng cao đáng kể ý thức của người tham gia giao thông do tâm lý lo sợ bị xử phạt. Các cơ quan chức năng, lực lượng thực thi nhiệm vụ bảo đảm TTATGT đều xác định “mục tiêu không phải để tăng mức thu tiền phạt nộp ngân sách Nhà nước mà để quyết tâm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ của người tham gia giao thông”.

Tuy nhiên, đối với 3 nguyên nhân trên, Nghị định 168 mới chỉ cơ bản giải quyết được vấn đề về “Ý thức của người tham gia giao thông”, hai nguyên nhân còn lại, đặc biệt là “nguyên nhân về cơ sở hạ tầng giao thông chậm phát triển, thiếu đồng bộ” chưa thể giải quyết được ngay. Do vậy, ý thức người tham gia giao thông từ khi ban hành Nghị định 168 đến nay được nâng cao rõ rệt nhưng áp lực từ “lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn” và “hạ tầng giao thông chậm phát triển” vẫn là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc tiếp tục nghiêm trọng.

Để giải quyết tình hình ùn tắc giao thông trong thời gian tới, Cục CSGT đề nghị, tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm Nghị định 168 để hình thành thói quen chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ. Ngoài các giải pháp lớn về “Tổ chức, phát triển hạ tầng giao thông”, các cơ quan có chức năng khẩn trương hoàn thiện yêu cầu phát triển hạ tầng giao thông theo thẩm quyền, trong đó, tập trung rà soát, khắc phục, tổ chức các hệ thống báo hiệu đường bộ hợp lý: cắm bổ sung biển báo hướng dẫn; kẻ vạch phân chia làn đường, phần đường..., sửa chữa, khắc phục hệ thống đèn tín hiệu giao thông; tổ chức phân luồng giao thông tổng thể thành phố, đô thị lớn; tránh tình trạng “giải quyết chỗ này, phát sinh chỗ khác”; xử lý trật tự đô thị, lấn chiếm lòng, lề đường, trông giữ xe trái phép gây cản trở, ùn tắc giao thông…

Phương Thuỷ
.
.