Cấp cứu nhanh bằng ứng dụng smartphone

Thứ Bảy, 28/04/2018, 08:06
Caitlin Dolkart và đối tác Maria Rabinovich hợp tác làm việc trong ngành y tế ở Nairobi - thủ đô Kenya - suốt nhiều năm trước khi cả hai bắt đầu xây dựng công ty chung mang tên Flare.

Caitlin Dolkart cho biết: "Chúng tôi nghĩ đến chuyện phải làm những gì trong một trường hợp cấp cứu?".  Đó là lý do thúc đẩy hai phụ nữ tạo ra nền tảng trực tuyến theo kiểu Uber giúp kết nối người dùng đến trạm phản ứng cấp cứu gần nhất khi cần thiết.

Những chiếc xe cấp cứu tư nhân được hiển thị trong hệ thống. Nhờ nền tảng của Caitlin và Maria Rabinovich mà vị trí của những chiếc xe được giám sát bởi bất cứ bệnh viện nào đăng ký với Flare.

Dịch vụ cấp cứu y tế và cứu hỏa

Nhiều người trong chúng ta đều biết những con số cấp cứu đơn giản như 911, 999 hay 112. Nhưng ở khắp châu Phi, việc gọi xe cấp cứu không hề dễ dàng như thế. Ví dụ như tại thủ đô Nairobi của Kenya có hơn 50 số khác nhau cung cấp dịch vụ cấp cứu. Do đó, việc tìm một con số thích hợp mất nhiều thời gian trong khi mạng sống nạn nhân đang bị đe dọa.

Đồng sáng lập Maria Rabinovich với nền tảng của Flare.

Thêm vào đó, nạn nhân còn phải cố chờ đợi đến 2 hay thậm chí 3 giờ để chiếc xe cấp cứu đến nơi. Patrick Kinyenje, nhân viên điều vận Bệnh viện Care ở Nairobi, cho biết: "Bên trong hệ thống, chúng tôi có nhiều công ty xe cấp cứu khác nhau thế nên tất cả tùy thuộc vào nguồn hợp tác".

Công ty Flare tập hợp lại mọi xe cấp cứu có thể được sử dụng trên bản đồ để giúp cho nhân viên điều vận giống như Patrick Kinyenje có thể chọn ra chiếc xe thích hợp nhất. Flare cũng tích hợp công cụ Google Maps để giúp tài xế xe cấp cứu tránh những cung đường kẹt xe. Caitlin Dolkart phát biểu: "Thời gian phản ứng mà chúng tôi ghi nhận cho thấy đã giảm từ 162 phút xuống còn khoảng 15 đến 20 phút".

Các bệnh viện sẽ phải chi trả phí đăng ký dịch vụ trong khi cá nhân có thể đăng ký trở thành thành viên hưởng dịch vụ với mức giá từ khoảng 15 USD/năm. Hội Chữ Thập Đỏ Kenya (RCK), trung tâm cấp cứu Amber Health ở Ấn Độ và Murgency ở Dubai cũng cung cấp dịch vụ tương tự. Nhưng, liệu loại hình dịch vụ như thế có hoạt động hiệu quả ở một đất nước mà 15 USD tương đương 3 tháng lương đối với nhiều người?

Hiện nay, Flare cũng đang tăng cường hợp tác với các công ty cứu hỏa tư nhân. Do điều kiện đường sá và tình trạng kẹt xe thường xuyên ở Nairobi, cho nên Bethuel Aliwa - giám đốc điều hành ICT Fire & Rescue, cơ sở huấn luyện và cung cấp dịch vụ cứu hỏa - cho rằng loại xe tải nhỏ thích hợp hơn cho công tác cấp cứu. Tuy nhiên, điểm yếu của loại xe cứu hỏa cỡ nhỏ là không chở được nhiều nước để dập lửa. Để giải quyết vấn đề, Flare lập bản đồ toàn bộ những vòi nước công cộng có trong thành phố và đưa tất cả lên nền tảng của công ty.

Ứng dụng smartphone

Giả sử đặt tình huống bạn bất ngờ bị tai nạn giao thông nghiêm trọng và tính mạng có thể bị đe dọa nếu không được cấp cứu kịp thời. Thời gian lúc này tính bằng giây. Và lại nếu tình huống tai nạn xảy ra trong khu vực hẻo lánh thì sao? May mắn là một công nghệ mang tính đột phá được phát triển ở Nam Phi sẽ giúp giải quyết vấn đề - thông tin về tình huống cần cấp cứu mà thậm chí không cần phải tác động đến một nút bấm.

Ứng dụng smartphone giúp người dùng trong trường hợp cấp cứu.

Ứng dụng smartphone gọi là CrashDetech tự động giám sát hành trình của bạn với chức năng độc đáo - "Dò tìm xe thông minh". Nó có thể dò thấy một tai nạn đụng xe nghiêm trọng nhờ sử dụng bộ cảm biến gia tốc kế nằm trong điện thoại đo lường trọng lực của một tác động. Lúc đó, ứng dụng bắt đầu định vị chiếc xe của bạn và tự động gửi thông tin đến trung tâm cấp cứu gần nhất mà không cần người dùng tác động đến nút bấm nào cả.

Giám đốc điều hành ứng dụng Jaco Gerrits phân tích: "CrashDetech tự động dò thấy một tai nạn đụng xe và ngay lập tức biến smartphone của người dùng thành thiết bị cứu tinh".

Dĩ nhiên, tất cả còn tùy thuộc vào việc người dùng có ở trong khu vực tín hiệu wifi mạnh hay không. Hiện nay, những chiếc hộp telematics (hệ thống điện tử kết nối xe người dùng với mạng viễn thông) nằm trong xe có thể hoạt động như CrashDetech và Liên minh châu Âu (EU) đang có kế hoạch giới thiệu công nghệ gọi là "eCall" vào trong những chiếc ô tô từ tháng 4-2018.

Nhưng, với sự sử dụng smartphone phổ biến rộng rãi như hiện nay cho phép các công ty công nghệ cung cấp dịch vụ báo động cấp cứu dựa trên ứng dụng. Ví dụ, ứng dụng SOSmart của Chile gửi cảnh báo đến những điểm cấp cứu nằm trong danh sách được người dùng chọn lựa sẵn phòng trường hợp tai nạn xảy ra. Theo số liệu từ Liên Hiệp Quốc, mỗi năm trên thế giới có đến 1,3 triệu người chết và 50 triệu người bị thương do tai nạn giao thông. Mối nguy hiểm thậm chí còn lớn hơn tại các quốc gia đang phát triển - với 90% vụ thương vong xảy ra do tai nạn giao thông.

Mauritz Venter, nhà phân tích làm việc cho công ty nghiên cứu Frost & Sullivan đặt trụ sở tại thành phố San Antonio bang Texas (Mỹ), nhận định những ứng dụng di động như thế đang tăng nhanh và những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất là Ấn Độ và Nam Phi - những nơi mà tội phạm và an toàn giao thông kém rất phổ biến. Mauritz Venter đánh giá: "Tuy nhiên, điều quan trọng không kém là các nguồn có liên quan phải khả dụng để bảo đảm chức năng cấp cứu của ứng dụng điện thoại đạt hiệu quả trong những tình huống khẩn cấp. Ví dụ, khả năng kết nối di động cũng như tính chuyên nghiệp của trung tâm cấp cứu có thể phản ứng nhanh".

Nói cách khác, nếu người dùng gặp tai nạn tại khu vực không có tín hiệu wifi cũng như trung tâm cấp cứu thì ứng dụng trở nên vô dụng. Nhưng, bất chấp sự giới hạn tại các quốc gia mà khả năng kết nối wifi rất kém cũng như hệ thống y tế nghèo nàn, Mauritz Venter tin rằng các công ty bảo hiểm đang bắt đầu tích hợp những ứng dụng cấp cứu vào trong sản phẩm của họ.

Các hệ thống cảnh báo bằng smartphone cũng được sử dụng cho mục đích bảo vệ an ninh cá nhân. Ví dụ ở Ấn Độ, công ty cung cấp dịch vụ an ninh cá nhân One Touch Response (OTR) cho phép người dùng phát đi cảnh báo nguy hiểm đến bộ phận giám sát sự cố trong trung tâm kiểm soát của công ty. Sau đó, đội hỗ trợ phản ứng nhanh của OTR sẽ có mặt tại nơi người dùng gặp nguy hiểm chỉ trong vài phút.

Manoj Chandra, giám đốc điều hành ứng dụng OTR, đánh giá: "Trước tỷ lệ tội phạm và tai nạn giao thông tăng cao, phản ứng nhanh và chuyên nghiệp là vô cùng cần thiết. Hệ thống tiếp xúc "chỉ một nút bấm" của OTR - hoạt động tính phí trên các thiết bị di động nền tảng Android, iOS và Windows - tương tự như số khẩn cấp 911 ở Mỹ. Ứng dụng OTR cũng cung cấp dịch vụ "Track Me" cho phép bạn bè và gia đình theo dõi hành trình của người dùng và nhận được cảnh báo nếu có gì bất thường xảy ra; nó tương tự như dịch vụ bSafe ở Mỹ và WatchOverMe ở Malaysia.

OTR đã ký hợp đồng với 50.000 gia đình và con số đang tăng lên từng ngày. Arvind Khanna, người sáng lập OTR, cho biết nhu cầu cao về an ninh cá nhân và gia đình tại Ấn Độ giúp tạo nên thị trường trị giá 5 tỷ USD và đang phát triển ở mức 20%/năm.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.