Ứng dụng smartphone giúp chẩn đoán suy giảm thính lực

Thứ Tư, 22/03/2017, 08:15
Có một "bệnh dịch vô hình" đang lan rộng trên thế giới nhưng nó không hề lây nhiễm và thường không có triệu chứng bên ngoài. Đó là chứng bệnh mất khả năng nghe gây hậu quả nặng nề. Một ứng dụng smartphone ra đời đã tạo nên sự khác biệt lớn.

De Wet Swanepoel, giáo sư khoa thính học Đại học Pretoria ở Nam Phi, cho biết: "Mất khả năng nghe được coi là bệnh dịch vô hình bởi vì người ta không nhìn thấy nó hay biết ai đó mắc phải. Thậm chí cha mẹ có lẽ cũng không nhận thức được con cái họ bị mất khả năng nghe trước khi những giai đoạn phát triển trôi qua". Sự chậm trễ trong chẩn đoán có thể tác động tiêu cực đến thành tích học tập và cuộc sống của trẻ em.

Theo giáo sư Swanepoel, 1 trong 10 trẻ trên toàn cầu bị mất khả năng nghe. Vấn đề là không có đủ số chuyên gia thính học đi đến những vùng xa xôi hẻo lánh, vùng nông thôn để chẩn đoán bệnh.

Giáo sư De Wet Swanepoel.

Ứng dụng mang tên HearScreen - kết quả từ dự án nghiên cứu được lãnh đạo bởi giáo sư Swanepoel và Herman Myburgh ở Đại học Pretoria - cho phép phát hiện chứng mất khả năng nghe với smartphone và bộ tai nghe. Qua quá trình giám sát âm thanh, ứng dụng biến microphone của smartphone thành máy đo cấp độ âm thanh. Người chẩn đoán thính lực ngồi sau đối tượng được đeo tai nghe và sử dụng smartphone để gửi những tiếng bip với các cỡ âm lượng khác nhau vào tai người này.

Nếu đối tượng nghe được âm thanh thì giơ tay lên cho người chẩn đoán ngồi phía sau thấy được. Hoàn toàn  đơn giản, ứng dụng có thể thử nghiệm 2 tai trong vòng chưa đầy 60 giây trong khi hệ thống lại có giá rẻ hơn thiết bị chẩn đoán truyền thống đến 6 lần. Dữ liệu thu thập sẽ được đưa lên đám mây cho phép các chuyên gia phân tích từ xa. Ứng dụng HearScreen dễ sử dụng đối với tất cả mọi người mà không cần đến chuyên gia.

Người bình thường vẫn sử dụng được ứng dụng HearScreen.

Shannon Kruyt, nữ chuyên gia thính học ở HearInAfrica, tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc thính giác cho các trường học tại nhiều quốc gia châu Phi, bình luận: "Ứng dụng HearScreen hỗ trợ rất tốt cho công việc của tôi bởi vì phương pháp chẩn đoán bằng smartphone này dễ dàng triển khai ra cộng đồng mà không cần phải có mặt chuyên gia thính học. Thách thức lớn nhất mà chúng tôi đang đối mặt là thiếu đội ngũ chuyên gia thính học và bệnh dịch mất khả năng nghe đang bùng phát mạnh ở châu Phi".

Ứng dụng HearScreen được phê chuẩn bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID). Tiến sĩ Shelly Chasha, chuyên gia kỹ thuật về bệnh điếc và khả năng nghe của WHO, nhận định: "Các ứng dụng di động đóng vai trò rất hữu ích trong cảnh báo về khả năng nghe và hỗ trợ cho dịch vụ chăm sóc thính giác. Nhưng nếu ứng dụng di động đánh giá khả năng nghe không chính xác thì sẽ cho ra thông tin sai lạc cho người dùng và từ đó dẫn đến tai hại không ngờ".

Những tác giả của HearScreen tuyên bố ứng dụng đáp ứng tốt tiêu chuẩn ISO và có thể so sánh với thiết bị đo thính lực truyền thống.

Ứng dụng HearScreen.

Hiện nay có đến 259.000 ứng dụng y tế phục vụ cho người dùng trên toàn cầu - theo số liệu mới công bố của nhóm nghiên cứu Research2Guidance - cho phép chẩn đoán mọi vấn đề về tim cho đến hen và đái tháo đường. Ví dụ IBM và siêu máy tính Watson của công ty Mỹ sử dụng smartphone trang bị camera đặc biệt để chụp ảnh xác định ung thư da.

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cũng lo ngại về mối nguy hiểm của chẩn đoán sai và sự tự chữa trị không đúng cách nếu như ứng dụng di động chưa được chứng minh tính hiệu quả. Do đó, sự phê chuẩn từ tổ chức uy tín là rất quan trọng.

Hiện nay, các tổ chức quốc tế như WHO đang nỗ lực đánh giá chất lượng của hàng loạt ứng dụng di động sử dụng trong y tế. Ví dụ như ứng dụng xét nghiệm mắt mVT Service ở Mỹ được Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn. Ứng dụng được bác sĩ chỉ định sử dụng cho bệnh nhân cho phép giám sát thị lực ngay tại nhà.

Giám đốc tiếp thị George Mavro của mVT Service tuyên bố: "Mục tiêu của chúng tôi là giúp giảm bớt nguy cơ bị mù mắt bằng ứng dụng giám sát tích cực thị lực ngay tại nhà và nhanh chóng phát cảnh báo đến bác sĩ chuyên khoa khi phát hiện bất cứ sự thay đổi chức năng thị giác nào".

Di An (tổng hợp)
.
.