IntelCenter phát triển công cụ nhận diện gương mặt khủng bố

Thứ Ba, 22/11/2016, 14:25
Hình ảnh màn hình máy tính đang chạy phần mềm "dò tìm gương mặt trong thời gian thực" thể hiện nét mặt của những khách tham quan được phân tích tại hội chợ triển lãm công nghệ toàn cầu CeBIT ở Hanover, ngày 6-3-2008.

Theo tiết lộ từ Ben Venzke, giám đốc điều hành Công ty tình báo tư nhân IntelCenter, công cụ mới kết hợp dữ liệu về phần tử khủng bố đã có với thuật toán nhận diện gương mặt được phát triển và giữ bí mật bởi công ty công nghệ sinh trắc học hàng đầu thế giới Morpho. Trong quá khứ, Morpho cũng từng đồng hành với Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) để phát triển những chương trình nhận diện gương mặt.

Hình ảnh màn hình máy tính đang chạy phần mềm "dò tìm gương mặt trong thời gian thực" thể hiện nét mặt của những khách tham quan được phân tích tại hội chợ triển lãm công nghệ toàn cầu CeBIT ở Hanover, ngày 6-3-2008.

IntelCenter được thành lập bởi Ben Venzke, người chỉ mới 16 tuổi đã điều hành doanh nghiệp săn lùng phần tử khủng bố trên khắp thế giới. Công ty - phục vụ cho nhóm khách hàng cơ quan chính quyền - chuyên trách theo dõi hàng loạt thông điệp trực tuyến, video, mạng xã hội, những cuộc khủng hoảng con tin và thông tin tuyên truyền do các nhóm khủng bố hay người ủng hộ chúng phát tán.

Công cụ mới được thiết kế trong 4 năm để "truy tìm gương mặt phần tử khủng bố nhanh và dễ dàng như sử dụng cỗ máy tìm kiếm Google", theo Venzke. Bất cứ ai từ cơ quan cảnh sát địa phương có ngân sách hạn hẹp cho đến lực lượng chuyên nghiệp phức tạp như FBI đều có thể sở hữu công cụ không đắt tiền này.

Quân đội Mỹ có bề dày lịch sử về sử dụng công nghệ sinh trắc học để nhận diện chiến binh cực đoan ở hải ngoại và có cả một lực lượng chuyên trách gọi là Cơ quan Sinh trắc học và Điều tra kỹ thuật số Quốc phòng (DFBA).

Phần lớn cơ sở dữ liệu về gương mặt người của FBI cũng được DFBA lưu giữ và trong đó chiếm số đông là người Mỹ gốc Phi - theo nghiên cứu do Trung tâm Quyền riêng tư & Công nghệ (CPT) thuộc Trường Luật Georgetown tiến hành hồi tháng 10-2016.

Hiện nay, giới hoạt động nhân quyền lo ngại sự dính líu sâu của khu vực công ty tư nhân trong nghiên cứu phát triển thuật toán và thành lập các cơ sở dữ liệu về gương mặt. Clare Garvie, nhà nghiên cứu ở CPT, cảnh báo công cụ nhận diện gương mặt mới của IntelCenter có nguy cơ phân biệt chủng tộc nếu mỗi cảnh sát đều được phép sử dụng nó trên đường phố.

Nhà nghiên cứu Clare Garvie và Ben Venzke.

Ben Venzke cho biết người dùng có thể đăng ký tham gia cuộc thử nghiệm miễn phí trên trang web của IntelCenter. Ví dụ, người dùng có thể thực hiện "tìm kiếm gương mặt" những người như là Mukhmad Turoshvili, chiến binh tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Công nghệ mới do IntelCenter và Morpho cùng hợp tác phát triển có lẽ sẽ là vấn đề đáng lo ngại. Những danh sách theo dõi của chính quyền - như là danh sách cấm bay - từng bị chỉ trích nặng nề do các cơ sở dữ liệu không tránh khỏi có những sai sót dẫn đến bắt giữ lầm người vô tội.

Hồi tháng 5-2016, Cơ quan Kiểm toán Chính phủ (GAO) lên tiếng chỉ trích FBI đã không thể bảo vệ được quyền riêng tư công dân với lý do là hệ thống nhận diện gương mặt của cơ quan (sử dụng thuật toán do Morpho phát triển và cung cấp) chỉ đạt độ chính xác 86% - điều đó có nghĩa là trong số 100 gương mặt thì có 14 người vô tội bị nhận diện không chính xác.

Ví dụ trường hợp Steve Talley bị nhận diện sai lầm là tên cướp ngân hàng do hình ảnh camera không rõ nét. Công nghệ còn tùy thuộc vào số lượng gương mặt chứa trong cơ sở dữ liệu cũng như chất lượng những bức ảnh được chụp như thế nào. Garvie cho rằng cơ sở dữ liệu càng nhỏ thì độ chính xác càng cao.

Trong buổi nói chuyện tại trụ sở tổ chức phi lợi nhuận nghiên cứu về chính sách toàn cầu RAND Corporation ở thành phố Santa Monica thuộc bang California (Mỹ), James Wayman - chuyên gia về công nghệ sinh trắc học Đại học bang San Jose - đánh giá hệ thống nhận diện gương mặt là công cụ cốt yếu để nhận diện các phần tử khủng bố và tội phạm, song nó vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Một số nhà khoa học, như là Anil Jain ở bang Michigan, đang nghiên cứu để hoàn thiện độ chính xác của kỹ thuật nhận diện gương mặt cho dù khi cảnh sát chỉ có trong tay một hình ảnh gương mặt mờ nhạt, méo mó để xác định nghi can. Anil Jain được FBI tài trợ để cải thiện những kỹ thuật xác định gương mặt từ những video kém chất lượng. Anil Jain cũng thừa nhận phần mềm nhận diện gương mặt thực ra chỉ cung cấp "hướng điều tra" cho cơ quan hành pháp hơn là một "sự thực không thể bàn cãi".

Duy Ân (tổng hợp)
.
.