Tác nghiệp tại trụ sở tổ chức chính trị quyền lực nhất thế giới:

Cảm nhận và ấn tượng

Thứ Ba, 17/11/2015, 21:15
Những ngày cuối tháng 9, tôi may mắn được tháp tùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại thành phố New York, Hoa Kỳ. Đây là Hội nghị nhằm thông qua Chương trình nghị sự đến năm 2030 về phát triển bền vững, với sự tham dự của 193 nước thành viên, trong đó có hơn 160 người đứng đầu nhà nước và chính phủ.

Với tôi, may mắn không chỉ là lần đầu tiên trong đời làm báo được tác nghiệp tại trụ sở LHQ, một tổ chức chính trị quyền lực nhất thế giới, mà còn bởi lẽ xét về tầm cỡ, quy mô của hội nghị như lần này thì phải 10 hoặc 15 năm nữa mới diễn ra.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Liêp Hiệp Quốc, tháng 9/2015.

An ninh siết chặt đến “ghê răng”

Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi chuyên cơ chở đoàn Việt Nam vừa hạ cánh xuống sân bay quốc tế John F. Kennedy là việc bố trí phương tiện đảm bảo an ninh thấy thật “ghê răng”. Trên bầu trời nơi chuyên cơ vừa đỗ, xuất hiện ngay một chiếc trực thăng của cảnh sát quần thảo. Phía sau chuyên cơ cách chừng hơn 100 mét, một cỗ xe màu đen lầm lũi với nhiều nòng súng đại liên như gã khổng lồ sẵn sàng nhả đạn vào kẻ lạ mặt nào dám xâm phạm gần chuyên cơ.

Khu vực cửa trước, cửa sau của máy bay có hơn chục xe đặc chủng của cảnh sát với hệ thống dàn đèn nháy lắp kín trên nóc, ở đầu và đuôi xe. Hơn chục chiếc xe chở đoàn Việt Nam rời phi trường về khách sạn gần khu vực trụ sở LHQ trong sự hộ tống rầm rộ của cảnh sát với còi hụ, đèn nháy làm náo động những khu phố đi qua. Và rồi những âm thanh và tín hiệu gấp gáp ấy chúng tôi liên tục bắt gặp trong những ngày ở New York. Trên những góc phố, ở những nơi công cộng, đâu đâu cũng thấy cảnh sát với súng ngắn, các băng đạn đeo lộ thiên và nhiều công cụ hỗ trợ khác.

Tôi ước tính có tới hàng chục nghìn cảnh sát được huy động để bảo vệ Hội nghị. Nhưng đó là những gì thấy được trên đường phố. Khi chúng tôi bắt đầu làm thủ tục để tác nghiệp tại phiên họp Đại hội đồng mới "thấm" việc phải qua các cửa ải về công tác an ninh.

Trước khi vào xin cấp thẻ tác nghiệp, anh Bùi Vũ Hiệp, Tham tán báo chí Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ phải đưa chúng tôi qua 5 lần kiểm tra của các chốt cảnh sát được trang bị đầy đủ vũ khí nào là tiểu liên, súng ngắn, dùi cui điện, khóa số 8... ở những góc đường tới khu vực trụ sở LHQ. Qua cổng tất cả đều vào phòng kiểm tra an ninh, và tại đây máy quay phim, máy ảnh của chúng tôi được dán giấy xác nhận đã kiểm tra mới được vào trung tâm báo chí, nơi làm việc của hàng trăm nhà báo đến từ các quốc gia trên thế giới.

Các phóng viên với phút nghỉ ngơi trên sàn nhà tại khu vực dành cho báo chí trong phòng họp lớn tại Liên Hiệp Quốc để chuẩn bị tác nghiệp.

Chưa hết, nhóm phóng viên Việt Nam để được tác nghiệp tại phòng họp Đại hội đồng (GA Hall) nơi Chủ tịch nước phát biểu còn phải đi lòng vòng chừng vài trăm mét. Và thêm một lần nữa phải đưa tất cả phương tiện, đồ dùng để soi, kiểm tra, rồi được đưa vào một phòng chờ mà ở đây không một chiếc bàn, chiếc ghế. Tôi thấy có tới vài chục nhà báo nam có, nữ có chắc là đến từ các nước châu Phi kẻ ngồi xổm, người ngồi bệt hay ngả ngốn... dưới sàn, tranh thủ nghỉ, hoặc mở laptop lướt mạng chờ được tác nghiệp trong phòng họp lớn. Từ đây người phụ trách báo chí của phiên họp dẫn nhóm phóng viên Việt Nam chúng tôi qua hai lần cửa nữa để đến khu vực có những cabin dành cho các nhà báo.

Đứng trong các cabin, chúng tôi có thể quan sát, chụp ảnh, ghi hình thuận lợi nhất những gì diễn ra tại hội trường. Lại thêm thời gian chờ đợi đến lượt Đoàn Việt Nam phát biểu. Và chúng tôi tất cả lại đánh bệt dưới sàn cho đỡ mỏi. Thời gian chúng tôi tác nghiệp ở đây chỉ chừng 15 phút nhưng phải trải qua sự kiểm tra an ninh nhiều vòng nghiêm ngặt và chờ đợi... Song tất cả đều vui vì ai cũng chụp được tấm hình đẹp khi Chủ tịch Trương Tấn Sang phát biểu và cả ảnh của chính mình đang tác nghiệp tại đây.

Ấn tượng về những bài phát biểu

Thời gian diễn ra phiên họp thượng đỉnh lần này chỉ có 4 ngày, nhưng có tới hơn 60 người đứng đầu các nhà nước và chính phủ sẽ phát biểu trước Đại hội đồng. Vậy ai là người đứng ra xếp lịch cho các nguyên thủ phát biểu? Và vị trí các đoàn ngồi trong hội trường được sắp xếp thế nào? Tìm hiểu tôi mới biết, nguyên thủ các quốc gia đến đây không phân biệt quốc gia lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, tất cả đều phải bốc thăm cho vị trí ngồi và thứ tự phát biểu.

Anh Bùi Vũ Hiệp rất phấn khích nói với chúng tôi: “Không hiểu lần này Việt Nam mình may mắn thế nào mà có được chỗ ngồi gần trung tâm phía trên hội trường và được phát biểu thứ 15, tức là ngay ngày đầu tiên diễn ra hội nghị”. Cánh báo chí chúng tôi đùa rằng, không phải may, mà vị thế Việt Nam đang lên và vận nước đang đến rồi... Anh Hiệp cho biết có phiên họp, những đoàn  bốc thăm phát biểu cuối, trong hội trường thường rất vắng!

Trở lại với những phát biểu của các nguyên thủ, để đảm bảo thời gian Ban tổ chức quy định, mỗi người chỉ được đọc bài diễn văn dài không quá 5 phút. Ngay sau khi ngồi trong cabin, tôi nhìn đồng hồ theo dõi, 4 vị phát biểu trước Chủ tịch nước ta đều “vi phạm”. Có vị nói tới 10 phút. Còn Chủ tịch nước ta, cả màn chào hỏi và cám ơn khi kết thúc hết hơn 7 phút.

Bài phát biểu hết sức ngắn gọn, nhưng trong đó gửi đi rất nhiều thông điệp rõ ràng, dễ hiểu. Chủ tịch nêu bật các thách thức lớn đang đe dọa hòa bình, an ninh và phát triển bền vững, nhất là nghèo đói, dịch bệnh, bất công xã hội, cạn kiệt tài nguyên, suy thoái môi trường, xung đột, khủng hoảng, tình trạng bạo lực, bất ổn, căng thẳng gia tăng...

Tác giả cùng cảnh sát bảo vệ Hội nghị Thượng đỉnh Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc với đầy đủ vũ khí.

Trong cả chuyến đi tháp tùng, theo dõi cánh báo chí chúng tôi nhận ra rằng, trong 4 ngày ở Hoa Kỳ, Chủ tịch nước với rất nhiều cuộc họp, tiếp xúc và có nhiều bài phát biểu, nhưng đều rất ngắn. Từ dự Đối thoại doanh nghiệp Việt – Mỹ về tác động của Hiệp định TPP đối với Việt Nam và quan hệ thương mại  Việt – Mỹ; Hội nghị về Tổ chức và Phát triển nông nghiệp bền vững; gặp gỡ thân mật bà con Việt kiều, lưu học sinh, sinh viên cùng bạn bè Mỹ; Hội nghị lãnh đạo toàn cầu về bình đẳng giới tại LHQ; Đối thoại chính sách tại Hội nghị châu Á... và ... đều hết sức ngắn gọn, nhưng trong đó chuyển tải nhiều thông tin và thông điệp lớn.

Tôi lưu trong máy tính cá nhân tất cả bài phát biểu của Chủ tịch nước và của một số người đứng đầu các nhà nước, chính phủ khác do Trung tâm Báo chí quốc tế Hội nghị Thượng đỉnh lần này gửi tới hộp thư điện tử của mình. Thỉnh thoảng tôi mở ra đọc và thầm nghĩ, trong nghề báo, nhất là trong việc xử lý thông tin đăng báo, mong thường nhận được những bài phát biểu, bài viết như vậy.

Trường Minh
.
.