Ám ảnh câu chuyện sở hữu súng đạn

Thứ Năm, 21/03/2019, 17:37
Xả súng tại nhà thờ Hồi giáo, phong toả toàn bộ khu vực xung quanh trung tâm thành phố Christchurch, phát hiện thủ phạm lên kế hoạch tàn sát nhiều người… là những gì mà người ta nhắc đến nhiều nhất trong gần 1 tuần qua, sau thảm sát kinh hoàng ở New Zealand. Và mặc dù Thủ tướng Jacinda Arden đã tuyên bố nội các đạt được sự thống nhất hoàn toàn trong vấn đề thắt chặt kiểm soát súng đạn, nỗi đau vẫn còn đó.

Những phát súng kinh hoàng

Gần một tuần sau vụ thảm sát bằng súng kinh hoàng ở thành phố Christchurd, ông Ramzan Ali (62 tuổi) vẫn bị hoảng loạn và đôi lúc còn bị mê sảng. Là người cuối cùng còn sống khi thoát khỏi nhà thờ Hồi giáo chiều 15-3, Ramzan Ali đã tận mắt chứng kiến toàn bộ vụ xả súng cũng như hình ảnh đồng bào Hồi giáo của ông bị bắn gục ngay bên cạnh.

Sheikh Muhammed Fahad, người cũng có mặt trong phòng cầu nguyện của đàn ông khi tay súng xông vào nói: “Ban đầu có hai, ba tiếng động nhưng chúng tôi lại không để ý. Rồi đến khi nhận thấy có gì đó không ổn, tôi đã lao tới góc nhà thờ, trườn qua một lỗ trống do cửa kính bị đập vỡ. Đúng lúc đó thì loạt súng được bắn hướng về phía trước căn phòng. Tôi vội chạy thật nhanh, được một đoạn thì nhớ ra vợ và quay lại tìm. May mắn là cô ấy vẫn an toàn nhưng đang quá bàng hoàng vì đã nhìn thấy mọi thứ”.

Vụ xả súng ở hai nhà thờ Hồi giáo tại thành phố Christchurch cướp đi sinh mạng của 49 người. Ảnh: AP.

Một nhân chứng giấu tên cũng cho Hãng CNN biết rằng anh đã cố gắng phá vỡ một cửa sổ kính bên trong nhà thờ Hồi giáo để tránh trở thành mục tiêu của các tay súng.

Cũng theo lời kể của các nhân chứng, có 7 lần ngắt quãng trong khoảng thời gian 5 phút nhà thờ Al Noor bị tấn công. Sau đó, thủ phạm lại xả súng bừa bãi ra ngoài đường và di chuyển đến nhà thờ Linwood cách Al Noor khoảng 6km và tiếp tục xả đạn vào những người đang cầu nguyện... Lúc chúng quay lại xe để thay vũ khí mới, một số người đã nhanh chân chạy thoát, một số khác dũng cảm tìm các vật dụng có thể đối phó với hung thủ.

Cũng có những người đã hy sinh cả tính mạng của mình để bảo vệ người khác. Husna Ahmad, 44 tuổi là một trong những người như vậy. Bà đã đưa một số phụ nữ và trẻ em trốn khỏi nhà thờ Al Noor khi tay súng bắt đầu tấn công. "Bà ấy mải cứu người khác mà quên mất bản thân", Farid Ahmad, chồng của Husna, kể lại trong tiếng nấc. Daoud Nabi, người đàn ông 71 tuổi tới từ Afghanistan đã gắn bó với mảnh đất New Zealand hơn 40 năm, cũng thiệt mạng sau khi đỡ đạn cho người khác…

Thông tin rùng mình về thủ phạm

Hãng tin ABCNews cho hay, trong “ngày đen tối 15-3”, 49 người đã thiệt mạng trong 2 vụ xả súng tại các nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch. Ban đầu, cảnh sát bắt giữ 4 kẻ tình nghi gồm 3 nam và 1 nữ nhưng sau đó đã thả một người vì xác nhận người này cầm súng định hỗ trợ cảnh sát tiêu diệt những kẻ sát nhân. Cảnh sát cũng đã phát hiện và vô hiệu hoá nhiều thiết bị nổ cải tiến được gắn trên các phương tiện như một phần của vụ tấn công.

Thủ tướng Jacinda Ardern tuyên bố vụ xả súng là “các cuộc tấn công khủng bố và là một trong những ngày đen tối nhất" của đất nước, đồng thời khẳng định thủ phạm "sẽ không có chốn nương thân ở New Zealand". Brenton Harrison Tarrant, nghi phạm chính của vụ xả súng đã bị dẫn giải tới toà án quận Christchurch hôm 16-1 và bị truy tố tội giết người cùng một loạt cáo buộc khác.

Hãng Reuters đưa tin, Brenton Harrison Tarrant năm nay 28 tuổi, là công dân Australia và từng đăng lên mạng nhiều tuyên bố mang tính thù hận người Hồi giáo cũng như cổ súy chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Hôm 16-3, tại toà án, tên này đã giữ im lặng từ đầu đến cuối và sẽ bị giam đến khi ra tòa lần tiếp theo dự kiến diễn ra vào ngày 6-4.

Cảnh sát trưởng New Zealand Mike Bush cho biết đã có đủ bằng chứng cho thấy Brenton Harrison Tarrant trực tiếp gây ra cả 2 vụ tấn công tại 2 nhà thờ dưới sự hỗ trợ của 2 kẻ khác. 36 phút sau đó, cảnh sát mới tóm gọn cả 3 tên này.

An ninh được thắt chặt ở New Zealand.

Điều tra mở rộng, cảnh sát New Zealand phát hiện Brenton Harrison Tarrant có nhân thân khá phức tạp. Tên này từng tới một vài nước khác như Romania, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Hy Lạp. Riêng trong năm 2016, Brenton Harrison Tarrant tới Hy Lạp.

Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) nêu rõ, đầu năm 2016, nghi phạm quốc tịch Australia này đã từ Cairo (Ai Cập) đến Athens (Hy Lạp) rồi tới Bucharest (Romania) và quay lại Cairo. Chuyến đi thứ hai của Tarrant đến Hy Lạp là vào tháng 3-2016, lưu trú tại đây khoảng 15 ngày và di chuyển bằng xe buýt trong suốt nửa tháng đó.

Tháng 12-2016, Brenton Harrison Tarrant đã đặt chân tới Bosnia, Montenegro, Croatia và Serbia. Nhưng bước ngoặt trong tư tưởng cực đoan của Brenton Harrison Tarrant được cho là xuất hiện từ sau chuyến đi Pháp năm 2017.

Trong văn bản đăng lên mạng, tên này mô tả về chuyến đi đến Tây Âu vào năm 2017 đã "thay đổi hoàn toàn" quan điểm của mình về nhập cư, một trải nghiệm có vẻ như đã dẫn tới sự cực đoan hóa. Lần đó, Brenton Tarrant đi tới Pháp, Bồ Đào Nha và những nơi khác, và hết sức kinh hoàng trước một vụ tấn công bằng xe tải ở Stockholm khiến một bé gái thiệt mạng vào khoảng thời gian đó.

Sự giận dữ của Brenton Harrison Tarrant tăng lên khi hắn quan sát cuộc bầu cử Pháp năm 2017 và đặc biệt phản đối chính sách nhập cư vào Pháp, tuyên bố rằng có nhiều người nhập cư đến nỗi "người Pháp, chính bản thân họ chỉ là những người thiểu số". Tên này cũng nhắc tới những chuyến đi đến Iceland, New Zealand, Argentinavà Ukraine.

Tháng 10 năm ngoái, Brenton Harrison Tarrant đã tới Pakistan. Sau đó một tháng, tên này lại bay tới thủ đô Sofia của Bulgaria rồi lái xe tới Hungary. Công tố viên trưởng của Bulgaria, ông Sotir Tsatsarov cho biết Brenton Harrison Tarrant bay từ Dubai đến và ở khoảng 1 tuần tại đất nước vùng Balkan này.

Đông đảo người dân đến tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng.

Brenton Harrison Tarrant mang quốc tịch Australia và không phải là người cư trú dài hạn tại New Zealand và cũng không nằm trong danh sách bị theo dõi của cả New Zealand lẫn Australia. Hôm 18-3, cảnh sát Australia đã lục soát những ngôi nhà thuộc địa bàn thành phố Sandy Beach và Lawrence tại bang New South Wales, gần thị trấn Grafton là nơi tên này trải qua thời thơ ấu.

Bộ trưởng Nội vụ Australia Peter Dutton cho biết tên này chỉ ở Australia 45 ngày trong 3 năm qua. Trước khi tiến hành vụ xả súng, Brenton Harrison Tarrant đã công bố một bản tuyên bố chống người nhập cư dài 84 trang với lời lẽ phân biệt chủng tộc như gọi họ là “những kẻ xâm lược” và tình nguyện đứng lên để “đảm bảo tương lai cho những người da trắng khác không phản bội dòng máu".

Nghi phạm đồng thời cũng tự giới thiệu về bản thân rằng có một tuổi thơ bình thường, không hứng thú với học hành, đầu tư tiền ảo để lấy tiền đi du lịch. Tên này thậm chí còn gửi một email cho Thủ tướng New Zealand Jacinda Arden.

Hãng CNN đưa tin, email được gửi vào hộp thư chung của văn phòng Thủ tướng chỉ vài phút trước vụ tấn công và Thủ tướng Jacinda Ardern chưa mở ra xem. Lật lại hồ sơ, cảnh sát New Zealand cũng xác nhận là Brenton Harrison Tarrant không có tiền sử phạm tội nhưng trong bản tuyên ngôn lại từng kêu gọi ám sát Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cùng Thị trưởng London Sadiq Khan và tấn công Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ, Brenton Harrison Tarrant từng tới đây một vài lần và ở lại khá lâu. Cảnh sát ngờ tên này đã đến Thổ Nhĩ Kỳ "để tiến hành một vụ tấn công khủng bố hoặc một vụ ám sát. Brenton Harrison Tarrant được xác định đến Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian từ 17 đến 20-3-2016, trước cuộc đảo chính bị thất bại xảy ra ngày 15-7-2016, rồi trở lại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 13-9-2016, sau đó rời đi ngày 25-10-2016 (lưu trú 43 ngày). Cơ quan tình báo MI5 của Anh thì đang điều tra khả năng Tarrant có liên kết với nhóm phân biệt chủng tộc ở Anh.

Nỗ lực muộn màng

Đáng chú ý là Brenton Harrison Tarrant đã quay trực tiếp cảnh nã đạn vào các nạn nhân để đưa lên Facebook và đoạn phim này sau đó đã bị phát tán rộng rãi trên các mạng xã hội khác như Twitter, Youtube, WhatsApp và Instagram bất chấp cảnh báo của các nhà chức trách.

Khi tên này livestream cảnh thực hiện vụ tấn công, một bài hát mang tính dân tộc chủ nghĩa của người Serbia cũng được phát trong xe hơi của hắn. Những video này lại tồn tại trên cả 5 nền tảng mạng xã hội này đến 10 tiếng đồng hồ sau vụ tấn công.

Hiện Google, Facebook, Twitter và YouTube thông báo đã tháo gỡ đoạn phim này nhưng nhiều câu hỏi cũng được đặt ra về việc các mạng xã hội kiểm soát thế nào với những thông tin cực đoan, kích động. Theo cố vấn cao cấp Dự án chống cực đoan của New Zealand Lucinda Creighton, vụ tấn công đã được phát trực tiếp trên Facebook đến 17 phút trước khi bị ngăn chặn.

Nghi phạm chính Brenton Harrison Tarrant lạnh lùng, tàn nhẫn đến mức livestream vụ xả súng trên Facebook.

“Những kẻ cực đoan sẽ luôn tìm cách để lợi dụng các công cụ truyền thông để truyền bá tư tưởng thù ghét và bạo lực. Các nền tảng mạng xã hội không thể ngăn chặn điều này, tuy nhiên vẫn còn có thể làm nhiều hơn để những nội dung như vậy không còn chỗ đứng và lan rộng”, Lucinda Creighton cho biết. Bộ Nội vụ New Zealand tuyên bố bất kỳ ai đăng tải video này trên mạng đều có thể đã vi phạm luật pháp.

Trong một diễn biến khác, nhà chức trách New Zealand khẳng định đã xác định được hung khí của vụ xả súng. Brenton Harrison Tarrant được cấp giấy phép sở hữu súng từ tháng 11-2017 và bắt đầu mua các khẩu súng một cách hợp pháp qua mạng Internet một tháng sau đó.

Chủ một cửa hàng súng đã xác nhận Brenton Harrison Tarrant đặt mua 4 khẩu súng và đạn theo đúng quy định pháp luật New Zealand. Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nói: "Trong khi việc điều tra về giấy phép sở hữu súng và việc mua súng của Tarrant được tiến hành, tôi có thể khẳng định một điều rằng luật súng đạn của chúng tôi sẽ thay đổi”.

Vài giờ trước phát biểu này của Thủ tướng, trang web đấu giá trực tuyến lớn nhất của New Zealand, TradeMe, đã cấm các loại súng bán tự động và các phụ kiện kèm theo, thể hiện sự ủng hộ đối với những quyết tâm của chính phủ. Và sau cuộc họp nội các sáng 18-3, bà Jacinda Ardern tuyên bố nội các đã đạt được sự thống nhất hoàn toàn trong vấn đề thắt chặt luật kiểm soát súng đạn nhưng cần thêm thời gian (chậm nhất là 25-3) để thảo luận chi tiết về vấn đề này. Nhiều khả năng, New Zealand sẽ hạn chế một số loại vũ khí như súng trường bán tự động giống khẩu AR-15 được Brenton Harrison Tarrant dùng trong vụ tấn công đẫm máu.

Được biết, New Zealand là một trong những quốc gia có luật súng đạn thoáng nhất ngoài Mỹ. Những nỗ lực thay đổi luật sở hữu súng đã được các quan chức New Zealand đưa ra vào các năm 2005, 2012 và 2017 song đều thất bại. Luật pháp New Zealand quy định bất cứ ai trên 16 tuổi đều có thể xin giấy phép sử dụng súng có hiệu lực 10 năm và không bắt buộc tất cả các loại súng phải được đăng ký sử dụng.

Quy định này khiến Chính phủ New Zealand không biết chính xác có bao nhiêu khẩu súng đang lưu hành hợp pháp và bất hợp pháp. Cảnh sát New Zealand ước tính có tổng cộng khoảng 1,5 triệu khẩu súng ở nước này, đồng nghĩa với việc cứ 3 người dân lại có một khẩu súng.

Ngọc Khuê (tổng hợp)
.
.