Chặn đà lây lan “tư tưởng khủng bố”

Thứ Năm, 20/09/2018, 12:39
Trong hơn chục năm qua, nhiều tổ chức khủng bố lớn được tổ chức quy mô, bài bản như Al-Qaeda, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng... đã và đang dần bị tiêu diệt, thu hẹp phạm vi hoạt động. Thế nhưng, cho dù nỗ lực thế nào, nếu không “triệt tận gốc” tư tưởng thánh chiến cực đoan, chủ nghĩa khủng bố diệt chỗ này, sẽ lại mọc chỗ khác.

Đặc biệt trong thời đại công nghệ thông tin, tư tưởng Hồi giáo cực đoan lại có điều kiện phát triển và lây lan với tốc độ chóng mặt.

Lan truyền nhờ "thế giới ảo"

Theo trang tin của Viện Nghiên cứu Chính trị quốc tế Italy (ISPI), các chiến binh quốc tế từ khắp các quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có cả các nước châu Âu, dưới danh nghĩa thánh chiến, đã trực tiếp tham gia chiến sự tại các khu vực nóng ở nước ngoài như Syria, Indonesia, Philippines, Afghanistan, Bosnia, Iraq... Câu hỏi đặt ra là tại sao ở những nước văn minh như châu Âu, tư tưởng Hồi giáo cực đoan vẫn có thể lan truyền một cách nhanh chóng như vậy?

Báo Le Figaro số ra gần đây trích dẫn một báo cáo của Viện nghiên cứu Montaigne (Pháp) trong đó khẳng định: Tư tưởng Hồi giáo cực đoan được lan truyền nhanh tới mức báo động chính là nhờ Internet và các mạng xã hội lớn.

Lấy ví dụ tại Pháp. Trong thời điểm khủng hoảng của các đảng phái chính trị và các lý tưởng, một ý thức hệ tại Pháp đã thu hút lượng tín đồ tăng đến 900% chỉ trong vòng chưa đầy 15 năm. Từ những năm 1990, các cơ quan tình báo đã nắm được con số vài trăm tín đồ Salafism, một nhánh cải cách của Hồi giáo. Và theo ước tính mới nhất, phong trào Hồi giáo Salafism đã quy tụ từ 30.000 đến 50.000 người trung thành. Các tín đồ Salafism kiểm soát ngày càng nhiều các hoạt động doanh nghiệp và xã hội ở thành thị cũng như ở nông thôn.

Các chuyên gia tại các cơ quan tình báo nhận định, tư tưởng Salafism ngày càng lan rộng. Theo báo cáo của Viện Montaigne, một trong những chìa khóa thành công của tư tưởng Hồi giáo cực đoan là việc sử dụng thành công "thế giới ảo". Các nhà truyền giáo dựa vào Internet và các mạng xã hội.

Hậu quả của tấn công khủng bố tại một khu vực ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Geographical Magazine.

Lấy một ví dụ khác ở Trung Đông. Nhiều cá nhân, nhất là ở Arab Saudi luôn tuyên truyền trên mạng xã hội những nguyên tắc theo đường lối cực đoan để trở thành một người Hồi giáo thực thụ và đều có số lượng "người theo dõi" ngang với chính trị gia hay ngôi sao nhạc pop. Sự hiện diện nổi bật của người Arab Saudi trong danh sách những ngôi sao Hồi giáo cực đoan trên Internet không gây ngạc nhiên.

Một ý thức hệ chính trị mới được tuyên truyền toàn diện, với những chủ đề về giải thích thế giới, trật tự xã hội và mối quan hệ đặc biệt với quyền lực. Mỗi cá nhân được tích hợp trong tổng hòa các mối quan hệ (giới tính, tài chính, nguyên tắc Hồi giáo...) nhằm hệ thống hóa toàn bộ sự tồn tại của mình.

Cần giải pháp hữu hiệu

Chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo đã thực sự trở thành mối nguy hiểm hiện hữu và dai dẳng không riêng ở châu lục nào. Liệu mối nguy hiểm đó có khả năng chấm dứt hay tiếp tục lan rộng? Thế giới cần có những phương tiện nào để đấu tranh chống khủng bố một cách hiệu quả? Đâu là những điểm yếu ở mỗi khu vực, châu lục hay từng quốc gia? Châu Âu, Đông Nam Á hay châu Phi có thể học tập được gì từ những hình mẫu trong cuộc chiến chống khủng bố?

Những câu hỏi này càng trở nên bức thiết khi lời tiên đoán khủng khiếp của những nhà nghiên cứu về Hồi giáo cực đoan đưa ra một dự báo u ám về cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trên phạm vi toàn thế giới.

Tạp chí The Washington Post đã phân tích luận điểm của nhà nghiên cứu Na Uy Thomas Hegghammer cho rằng, tình hình khủng bố ở châu Âu có xu hướng nghiêm trọng hơn trong tương lai. Nhận định này của ông dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có cuộc sống bấp bênh của một tỷ lệ lớn thanh niên Hồi giáo ở châu Âu, cũng như sự trở về của các chiến binh từ mặt trận Syria-Iraq và theo yêu cầu của các thủ lĩnh của IS, họ sẽ tìm cách hành động ngay tại nơi họ sinh sống, đặc biệt ở châu Âu, phương Tây.

Nhìn vào thực tế tại các chiến trường chống khủng bố chủ chốt, có thể thấy rõ, sớm hay muộn IS sẽ bị đánh bại. Nhưng một khi IS bị tiêu diệt, một phong trào khác chắc chắn sẽ xuất hiện và chúng ta không nên quên rằng al-Qaeda vẫn tồn tại... Do vậy, vấn đề không nằm ở các khía cạnh kinh tế-xã hội (cho dù chúng có tầm quan trọng), cũng không phải chủ nghĩa khủng bố hay tổ chức khủng bố, mà là "hệ tư tưởng".

Chẳng hạn thuyết Wahhabi, thuyết Salafi thánh chiến, nói gọn là thuyết Hồi giáo chinh phục và chính trị ngày càng khó bị đánh bại... Do đó, chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố không chỉ bằng vũ lực và quyết tâm, mà còn bằng trí tuệ.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giải quyết vấn đề này? Xin nêu ví dụ, kể từ khi ra đời vào năm 1948, Israel đã phải đối mặt với chiến tranh. Israel đã phải chống chọi với bắt cóc con tin, đánh bom, tấn công liều chết bằng dao hoặc bằng xe hơi từ nhiều thập niên. Điều gì khiến người Israel có khả năng thích ứng cao? Họ làm thế nào để có được thành công trong việc trấn áp những hoạt động đó?

Ngay từ thuở nhỏ, họ đã biết phản ứng ra sao khi bị tấn công hay đứng trước một tình huống khó khăn. Hầu hết người Israel đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự (3 năm đối với nam và 2 năm đối với nữ). Tiếp đó, trong suốt cuộc đời, họ trở thành những người lính dự bị trong thời gian ngắn hoặc dài.

Một số chuyên gia phương Tây cho rằng ngay cả lính dự bị của quân đội Israel cũng có trình độ quân sự tương đương với các lính nhảy dù của Pháp. Dù sao họ cũng hiểu rất rõ các loại vũ khí và biết cách sử dụng chúng.

Mặt khác, người Israel ứng dụng những thành tựu xuất sắc của họ trong lĩnh vực công nghệ vào cuộc chiến tồn tại ấy (máy quét chip nhận dạng, tin tặc, nghe lén điện thoại, kiểm soát dữ liệu máy tính và các phần mềm tin học cực kỳ tinh xảo...). Nhưng họ không bao giờ vì thế mà bỏ qua hoạt động tình báo con người. Hoạt động của Israel không ngừng tiến triển, đặc biệt dựa vào 3 lực lượng cảnh sát (chứ không đưa vào quân đội) luôn trong tình trạng báo động và các chỉ huy, sĩ quan là những người thông thạo tiếng Arab.

Shin Bet, Cơ quan an ninh nội địa Israel, không chỉ tiến hành các hoạt động phản gián mà cũng còn chuyên trách tình báo công nghệ cao (nghe lén, giám sát các mạng xã hội...), cũng như tình báo con người (thâm nhập vào hàng ngũ đối phương, trục xuất những kẻ nguy hiểm về nước, lôi kéo chúng...). Israel còn có Cơ quan cảnh sát dân sự (Mishtara) chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh và trật tự công cộng. Lực lượng cảnh sát biên giới Israel (Magav) chịu trách nhiệm giám sát biên giới và đấu tranh chống xâm nhập bất hợp pháp.

Cuối cùng, một phần nền an ninh đất nước như các rạp chiếu phim, bãi tắm, phòng hòa nhạc, hộp đêm, trung tâm mua sắm, sân bay, nhà ga, khu dân cư... được khoán cho các công ty tư nhân với những nhân viên được trang bị vũ khí đảm nhiệm.

Hài hòa giữa tôn giáo, phát triển và quân sự

Một hình mẫu khác là Nga. Tại Nga, có gần 10.000 nhà thờ Hồi giáo. Đạo Hồi đã bén rễ từ gần 1.300 năm nay trong một số vùng, như Bắc Caucasus, vùng núi Ural và gần sông Volga. Hiện ở Nga có khoảng từ 20 đến 22 triệu người Hồi giáo trên tổng số 150 triệu dân (chiếm 15% dân số Nga). Chính nhờ sự gần gũi từ rất lâu đời với Hồi giáo mà người Nga có sự hiểu biết tường tận về tín ngưỡng này.

Nhiều người cho rằng "mô hình Kazan (thủ đô của Cộng hòa Tatarstan)" này là một điển hình của Hồi giáo hiện đại, tự do và được soi sáng bởi một truyền thống uyên bác. Cho đến hiện nay, người Hồi giáo ở Nga tuy không có quyền lực trung tâm nhưng vẫn tương đối có kỷ luật, lễ giáo và có tổ chức.

Đặc biệt, ở Nga tồn tại nhiều thể chế đại diện, chẳng hạn Hội đồng tâm linh Hồi giáo Nga - một trong những thể chế lớn và lâu đời nhất của Nga, được thành lập năm 1788 và là một cơ quan hành chính có thẩm quyền bổ nhiệm các giáo sĩ Hồi giáo và đảm bảo việc tuân thủ pháp luật Nga. Cơ quan này đã thay đổi qua nhiều thế kỷ và giảm tốc độ phát triển trong khu vực.

Lính đặc nhiệm Nga luyện tập chống khủng bố. Ảnh: Ministry of Defence of the Russian Federation.

Mặc dù vậy và thậm chí luôn nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền Nga, các tổ chức Hồi giáo khác nhau và các nhà chức trách tôn giáo của Nga vẫn tương đối trung thành với tổ quốc.

Dĩ nhiên, Nga phải đối mặt với những ảnh hưởng và bị gây mất ổn định ở các vùng ngoại vi (khu vực Caucasus, Trung Á) bởi các phong trào thánh chiến. Do đó, Nga đã phát triển một chính sách chủ quyền; ngăn cản các nguồn tài trợ hay ảnh hưởng phi pháp từ bên ngoài, đặc biệt từ các nước Vùng Vịnh, đều bị ngăn cấm. Vả lại, thuyết Wahhabi, thuyết Salafi và Tổ chức Anh em Hồi giáo cũng bị kiếm soát gắt gao ở Nga.

Hiện tại ở Nga, các giáo sĩ, các luật gia, nhà thần học, các học giả và tất cả các tổ chức tôn giáo như Đại học Hồi giáo Moscow, đã được huy động ở mức cao nhất nhằm ngăn chặn chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và khôi phục Hồi giáo truyền thống. Đồng thời, chính quyền và các nhà chức trách tôn giáo phối hợp chặt chẽ với nhau để dung hòa đạo Hồi và chủ nghĩa yêu nước.

Đặc biệt, năm 2015, Hội đồng giới luật Hồi giáo Nga đã đưa ra "học thuyết xã hội của các tín đồ Hồi giáo ở Nga", một tài liệu tuyên truyền yêu nước nhưng cũng xác định rõ vị trí và vai trò của những người Hồi giáo trong đời sống nước Nga, dựa trên luật Hồi giáo cũng như của luật pháp nước Nga.

Mặt khác, Hội đồng giới luật Hồi giáo Nga, Hội đồng tâm linh Hồi giáo Nga và Hội đồng tham vấn pháp lý Chechnya đã lên án IS như là "kẻ thù của tôn giáo" và tuyên bố rằng các thành viên của IS phải bị "đối xử, không phải như là các tín đồ Hồi giáo, mà như là các tội phạm".

Cơ quan an ninh nội địa Nga (FSB, trước đây là KGB) cũng như Cơ quan tình báo đối ngoại Nga (SVR) từ nhiều năm qua đã lao vào cuộc chiến quyết liệt chống chủ nghĩa khủng bố. Bởi Nga, cũng như các nước phương Tây, là một trong những mục tiêu của khủng bố. FSB ý thức rất rõ những rủi ro trong cuộc chiến này là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, dường như Nga được vũ trang tốt hơn các nền dân chủ phương Tây yếu đuối để chống lại kiểu tấn công này. Nhìn vào cuộc chiến ở Syria có thể thấy rõ sự so sánh này.

Tựu trung lại, cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan sẽ là một cuộc chiến lâu dài, khó khăn và đau thương. Pháp, Mỹ, châu Âu, châu Phi hay Nga và Israel... là những nước rất khác nhau. Như chúng ta đã thấy, người Đông Nam Á, người Pháp, người Nga và người Israel không có cùng cách nghĩ. Do vậy, không phải bất cứ điều gì cũng thích hợp để áp dụng, nhưng với những ý tưởng hay lẽ đương nhiên sẽ được tham khảo.

Cùng với các biện pháp mạnh tay, kinh nghiệm từ các quốc gia Đông Nam Á là chú trọng hành động để giải quyết gốc rễ của chủ nghĩa cực đoan, trong đó có nghèo đói, buôn bán ma túy, tội phạm và bất công xã hội. Bên cạnh đó là ngăn chặn dòng tài trợ khủng bố, tăng cường chia sẻ tình báo và ngăn chặn sự lan truyền của các nội dung trực tuyến có liên quan đến khủng bố.

Cuộc chiến này cũng cần sự vào cuộc của các trang mạng xã hội lớn như Facebook. Việc làm mới đây của trang mạng xã hội này khi dỡ bỏ hàng triệu nội dung cực đoan, tuyên truyền cho các tổ chức khủng bố như IS và al-Qaeda đã nhận được sự hoan nghênh của các chính phủ.

Các chuyên gia cho rằng, ngoài các biện pháp như đã phân tích ở trên, trong khi chưa thể dẹp bỏ hoàn toàn được các tư tưởng thánh chiến cực đoan, để giảm thiểu các tư tưởng cực đoan, quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền, giáo dục; giải quyết hài hòa các vấn đề kinh tế, xã hội... để mọi tầng lớp, lứa tuổi hiểu rõ tác hại, từ đó tự nguyện không ủng hộ tư tưởng cực đoan, làm cho tư tưởng này “chết ngay từ trong trứng nước”.

Hoa Vinh
.
.