Colombia: Mạnh tay trừng trị tội phạm dùng acid tấn công phụ nữ

Chủ Nhật, 28/02/2016, 15:35
Ngày 18-1-2016, Tổng thống Juan Manuel Santos đã ký luật mới lấp đầy một lỗ hổng pháp lý tạo điều kiện cho những kẻ tấn công không bị luật pháp trừng phạt sau khi phạm tội ác. Căn cứ theo số liệu thống kê chính thức, số nạn nhân của acid là 628 phụ nữ song các nhà hoạt động nhân quyền tin rằng con số thật sự còn cao hơn nhiều.

Theo luật mới được ban hành, bất cứ ai sử dụng bất kỳ loại "tác nhân hóa học" nào gây tổn hại thể xác cho người khác sẽ bị trừng phạt với bản án tù đến 12 năm. Nếu nạn nhân bị biến dạng cơ thể vĩnh viễn, bản án sẽ tăng đến 50 năm! Làn sóng tấn công bằng acid ở Colombia được coi là tương đối bất thường ở Mỹ Latinh - nơi trước nay rất hiếm xảy ra những vụ phạm tội như thế - mặc dù tỷ lệ bạo lực chống phụ nữ trong khu vực là rất cao. Thủ phạm thường là nam giới, còn nạn nhân tuyệt đại đa số là phụ nữ.

Acid là hóa chất dùng để phạm tội phổ biến ở Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, và Uganda. Nhưng quốc gia được ghi nhận loại tội phạm sử dụng acid tràn lan gây sự chú ý của dư luận quốc tế là Pakistan, nơi đã xảy ra ít nhất 160 vụ tấn công vào năm 2014 và số vụ tương đương vào 4 tháng đầu năm 2015! Con số các vụ tấn công bằng acid xảy ra mỗi năm ở Colombia vào khoảng 100 vụ, So sánh về dân số, Colombia có khoảng 48 triệu người, còn Pakistan là 199 triệu.

Tổng thống Juan Manuel Santos bày tỏ xúc cảm sau khi ký luật mới: "Đằng sau nỗi đau đớn tột cùng của nạn nhân sau khi bị acid hủy hoại cơ thể, chúng ta có thể nhìn thấy sức mạnh bên trong tâm hồn và trái tim của những nạn nhân đã giành được chiến thắng". Trước đây, luật pháp Colombia coi những vụ tấn công bằng acid chỉ gây "thương tổn cá nhân" hơn là loại tội phạm bạo lực cố ý cho nên thủ phạm chỉ nhận bản án tù nhẹ. Trên thực tế, nhiều hung thủ tàn ác vẫn không hề bị đưa ra tòa.

Tổng thống Juan Manuel Santos.

Trong khi đó, chính quyền Colombia vẫn chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về nạn nhân và nhiều phụ nữ thậm chí không báo cáo với nhà chức trách về những thương tổn cơ thể sau khi bị tấn công bằng acid khiến cho người ta không thể biết chính xác mức độ kinh khủng thật sự của loại tội phạm này lớn đến thế nào.

Năm 1996, Gina Potes được coi là phụ nữ nạn nhân đầu tiên của acid ở Colombia. Gina Potes hiện nay quản lý một quỹ giúp đỡ các nạn nhân của acid mang tên "Reconstruyendo Rostros" (tiếng Tây Ban Nha nghĩa là: "Tái dựng gương mặt"). Gina Potes, 39 tuổi, trò chuyện với báo chí: "Quỹ đã hoạt động trong thời gian dài. Chúng tôi rất vui mừng khi luật mới được ban hành. Cuối cùng, chính quyền đã có biện pháp quyết liệt đối với loại tội phạm này".

Mặc dù vậy, Gina Potes cũng mong muốn có thêm nhiều biện pháp nữa, kêu gọi chính quyền cung cấp dịch vụ chữa trị y khoa miễn phí cho các nạn nhân của acid đồng thời hỗ trợ họ gây dựng lại cuộc sống. Gina Potes bày tỏ: "Có quá nhiều nạn nhân cô đơn và dễ bị tấn công. Họ thậm chí không có tiền để điều trị y khoa. Và dĩ nhiên là luật pháp cũng không có hiệu lực hồi tố thế cho nên công lý không được trả lại cho những nạn nhân bị hủy hoại cuộc sống".

Cô Maria Cuervo, một nạn nhân của acid.

Các chuyên gia tin rằng gốc rễ vấn đề tội phạm tấn công acid ở Colombia nằm ở nền văn hóa coi thường phụ nữ và tỷ lệ bạo lực tăng cao sau cuộc nội chiến kéo dài nửa thế kỷ giữa chính quyền và lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) giết chết hơn 200.000 người ở quốc gia này. Một dấu ấn lịch sử rõ ràng về nền văn hóa gia trưởng ở Colombia là phụ nữ không có quyền bầu cử cho đến năm 1954. Gina Potes cho biết 87% số nạn nhân bị tấn công acid ở Colombia là phụ nữ trong khi 90% hung thủ là nam giới.

Bà nói rằng: "Thông thường, một số người thân trong gia đình nạn nhân - có thể là chồng, cha hay con cái họ - không thể chấp nhận bị ruồng bỏ. Thái độ là 'Nếu tôi không có cô thì không ai khác được phép có cô'". Nhưng không chỉ có những người đàn ông bị phụ bạc ra tay tấn công bằng acid. Trong một vụ án gây chú ý dư luận năm 2013, một công nhân xây dựng đã tạt acid vào nữ thanh tra Elizaberth Ruales, 38 tuổi, sau khi người này phê phán về sự thiếu an toàn lao động. Acid đã tàn phá gương mặt, cổ, hai cánh tay và chân của Ruales. Hung thủ sau đó chỉ bị tuyên án 18 tháng tù vì quan tòa cho rằng hắn "không là mối đe dọa cho xã hội"!

Hiện nay bản án khoan dung như thế sẽ không tồn tại nữa sau khi Tổng thống Santos ký ban hành luật mới nghiêm khắc hơn đối với loại tội phạm này. Mặc dù biện pháp trừng phạt loại tội phạm này đã quyết liệt hơn nhiều song Gina Potes cũng như những nhà hoạt động nhân quyền khác cho rằng vấn đề mấu chốt là phải thay đổi thái độ đối xử với phụ nữ ở Colombia.

Diên San (tổng hợp)
.
.