Đấu giá tranh đắt đỏ - góc nhìn khác về "giá trị"

Thứ Ba, 09/03/2021, 21:42
Trên phương diện lịch sử, đối tượng thụ hưởng chính của hội họa là người giàu. Từ thời kỳ cổ đại đến nay, vẫn chủ yếu là người giàu mua tác phẩm hội họa và đồng thời, họ cũng chính là những người tài trợ cho các họa sỹ.

Dẫu hội họa đã trở nên phổ biến hơn trong đại chúng, nhưng khoảng cách giữa các tầng lớp xã hội trong việc thưởng thức bộ môn nghệ thuật này vẫn còn rất lớn. Hầu hết những tác phẩm hội họa quý giá nhất đều nằm trong bộ sưu tập cá nhân của các tỷ phú. Nguyên nhân là do giá bán tranh trên thị trường đấu giá đang tăng mạnh - kỷ lục hiện nay đang được giữ bởi bức “Salvator Mundi” của danh họa Leonardo da Vinci với giá bán 405,3 triệu USD.

Lời giải thích được đưa ra cho hiện tượng tranh đấu giá ngày càng tăng giá là: Các tác phẩm hội họa hiện được coi là một trong những kênh đầu tư vừa an toàn, vừa sinh lời. Nhiều triệu phú mua tranh chưa chắc vì giá trị nghệ thuật của tranh, mà bởi họ muốn để lại tác phẩm cho con cháu mình bán lại và nhận số lời gấp hai, ba lần số tiền bỏ ra ban đầu. Đây là một câu trả lời hoàn toàn chính xác, nhưng nó vẫn chưa đề cập đến một nguồn “động lực” chính thúc đẩy giá tranh trên thị trường thế giới ngày một không ngừng tăng. Đó chính là có sự tham gia vào thị trường này của giới tội phạm.

“Mặt tối” của hội họa

Kể từ thời kỳ Phục hưng, giới nhà giàu châu Âu đã có khái niệm lấy tranh vẽ làm của thừa kế. Họ thường đặt hàng các họa sỹ nổi tiếng vẽ cho mình một, hai bức tranh nhất định. Tuy vậy, không ai coi tác phẩm hội họa là thứ giữ của cả. Trừ trường hợp thật sự cần một khoản tiền lớn chi tiêu vào một việc đột xuất “không thể đừng” nào đó, còn không các gia đình chẳng bao giờ bán những bức tranh do tổ tiên của họ để lại làm “của để dành” cho con cháu.

Dường như mọi chuyện chỉ bắt đầu thay đổi trong Thế chiến thứ II. Phát xít Đức dùng vũ lực tịch thu hàng nghìn bức tranh quý giá từ các gia đình và viện bảo tàng. Một vài tác phẩm được các lãnh tụ đảng Quốc xã như Hermann Goring đưa vào bộ sưu tập riêng của mình, số còn lại được chở đến các khu mỏ, đường hầm trong núi ở Merkers, Altaussee và Siegen với mục đích lưu trữ. Để có tiền phục vụ cho bộ máy chiến tranh, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Đức Joseph Goebbels ra lệnh đem ra đấu giá các tác phẩm hội họa. Tranh được chở từ Đức sang nước Thuỵ Sỹ trung lập, rồi các nhà đấu giá sẽ tìm người mua.

Khi quân Đồng Minh đánh đổ phát xít Đức, họ kiểm tra lại các kho tranh và phát hiện ra có quá nhiều tác phẩm mỹ thuật trứ danh đã biến mất. Hoá ra một số sỹ quan, chính trị gia đã đoán trước thất bại của phe Trục (gồm phát xít Đức cùng Ý và Nhật) nên đã sớm lên kế hoạch chạy trốn cùng với những bức tranh giá trị nhất. Các chuyên gia hội họa, thám tử, điệp viên,… đã phải đi khắp Tây Âu và Nam Mỹ để truy tìm những đối tượng này để giành lại tranh. Sau hơn 80 năm truy tìm, đến nay vẫn còn nhiều tác phẩm hội họa vô giá hoàn toàn biến mất sau Thế chiến thứ II như bức “Người phụ nữ nude trên bãi biển” của Picasso và bộ bảy bức tranh màu nước của Matisse.

Việc làm của phát xít Đức đã “châm ngòi” cho cuộc chạy đua mua bán tranh trong thế giới ngầm ở hai bờ Đại Tây Dương. Thời hậu chiến, nhiều người còn không có gì mà cho vào miệng, chứ nói gì đến việc quan tâm tới hội họa.  Các tổ chức mafia tại Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã tranh thủ lợi dụng cơ hội trên để  “mua vét” các tác phẩm hội họa bằng tiền hay bằng vũ lực, cưỡng ép. Sau đó chúng sẽ chuyển số tranh này sang Thuỵ Sỹ hay sang Mỹ để bán lấy những đồng đô-la “sạch”. Đến khoảng những năm đầu của thập niên 50 của thế kỷ trước, việc mua bán tác phẩm hội họa để kiếm lời và rửa tiền đã trở thành một đường dây tội phạm có tổ chức chặt chẽ hơn bao giờ hết.

Một buổi đấu giá tranh tại Saudi Arabia.

Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ngay từ khi thành lập đã có quan hệ với nhiều băng đảng mafia ở New York, nhờ đó mà họ mới biết đến đường dây bí mật nói trên. Cũng vào thời điểm này, CIA cần “bơm tiền” vào Tây Âu để xây dựng mạng lưới tình báo và tổ chức các đối tượng phát - xít còn tự do thành những tổ chức chống Cộng. CIA buộc phải chuyển tiền trong bí mật, phần vì không muốn khiến các nước đồng minh như Pháp và Anh phản ứng tiêu cực, phần để tránh làm căng thẳng thêm tình hình tại biên giới Đông - Tây Đức. Vậy là những cá nhân, hoặc công ty bình phong sẽ mua tranh do các đối tượng mafia đem bán. Sau đó chúng sẽ chuyển tiền đến tay các đầu mối của CIA. Ước tính hơn có hơn 78 triệu USD đã qua đường này từ Mỹ đến Tây Âu.

Chiến tranh văn hoá luôn là một phương tiện ưa thích của CIA để tấn công khối các nước xã hội chủ nghĩa. Vào thập niên 1960, CIA nhận ra rằng, hầu hết các họa sỹ Liên Xô (cũ) đều sáng tác theo phong cách hiện thực xã hội chủ nghĩa. Tổ chức này bắt tay vào việc “bôi nhọ” nền hội họa hiện thực xã hội chủ nghĩa tại Liên Xô (cũ). Ngoài sử dụng các phương tiện tuyên truyền truyền thống, CIA còn nuôi mộng biến hội họa trừu tượng trái ngược hẳn với hội họa hiện thực xã hội chủ nghĩa trở thành phong cách thống trị trên thế giới. Hội họa trừu tượng luôn đề cao sự tự do trong sáng tạo. Bằng cách “đồng hoá” giá trị tốt đẹp đó với nước Mỹ, CIA mong muốn giành được một chiến thắng trên mặt trận tuyên truyền.

CIA sử dụng mạng lưới rửa tiền qua mua bán tranh để tạo ra một “cơn sốt ảo” đối với tranh trừu tượng. Công chúng châu Âu sẽ nhìn vào những tác phẩm trừu tượng liên tục phá kỷ lục trong đấu giá mà nghĩ: “Hoá ra phong cách trừu tượng mới là tinh hoa của hội họa thế giới?!”. Cộng với cả những lời ca ngợi, tâng bốc đến từ cả một bộ máy phê bình được CIA “nuôi dưỡng”, mọi người sẽ từ bỏ hiện thực xã hội chủ nghĩa mà đến với hội họa trừu tượng. Đến khi hành động của CIA được đưa ra ánh sáng thì mọi sự đã rồi. Những tác phẩm trừu tượng của Willem de Kooning, Mark Rothko, Joseph Pollock,… thống trị các phòng tranh với mức giá “trên trời”.

Một người lính Mỹ xem những bức tranh lấy từ trong kho của Phát Xít Đức .

Không có nhiều hy vọng

Thị trường đấu giá tranh vẫn đang là một phương tiện rửa tiền của các đối tượng tội phạm quốc tế. Sau hơn 30 năm kể từ Liên Xô (cũ) sụp đổ, Interpol vẫn đang điều tra về “cơn sốt” mua tranh tại Đông Âu. Ngay khi bức tường Berlin sụp đổ, các ông trùm mafia châu Âu đã ra lệnh cho tay chân sang ngay các nước khối Vác-xa-va để mua tất cả mọi thứ: đất đai, xe cộ, nhà máy,… và tranh vẽ. Nhờ vào những loại tài sản này mà đã có hàng trăm triệu USD “đổi trắng thay đen”, chưa kể khoản chênh lệch mà các ông trùm mafia hưởng khi “mua rẻ, bán đắt”.

Số lượng những tác phẩm hội họa liên quan đến tội phạm có tổ chức nhiều đến mức ngay cả người mua tranh với mục đích lương thiện cũng bị liên luỵ. Dimitry Rybolovlev, “vua phân bón” Nga chính là một trong những triệu phú hậu Xôviết đầu tiên, mua bức tranh đầu tiên từ nhà môi giới Yves Bouvier người Thuỵ Sỹ vào năm 2003. Trong 12 năm sau đó, Dimitry là khách hàng “vip” và ước tính đã chi ra hơn 100 tỷ Rúp để mua tranh từ Yves. Vậy nhưng vào năm 2015, Dimitry đã kiện Yves ra toà án Thuỵ Sỹ. Interpol đã tìm đến Dimitry vì một bức tranh của ông. Đó là tác phẩm mang tên Wasserschlangen II do danh họa Gustav Klimt vẽ, trước đó từng thuộc sở hữu của một tay buôn lậu vũ khí người Pháp.

Nhà tỷ phú hoàn toàn không biết gì về nguồn gốc thật của bức tranh. Ông vẫn đinh ninh rằng, Yves đã mua bức tranh từ vợ chồng Christian và Cherise Moueix, một gia đình sản xuất rượu vang nổi tiếng ở Pháp, rồi bán lại cho mình. Sau cuộc kiểm tra, Interpol còn thông báo cho Dimitry: 38 bức tranh trong bộ sưu tập của ông đều bị đội giá gấp đôi so với giá trị thật trên thị trường, khiến nhà tỷ phú thiệt hại khoảng 1 tỷ USD. Vậy là Dimitry đem Yves ra toà kiện. Ông cũng kiện cả nhà đấu giá Sotheby nổi tiếng thế giới vì tội thông đồng với Yves và gây ảnh hưởng lên nhà giám định hội  họa bên thứ ba để người này đẩy giá các bức tranh ngay trước mặt Dimitry. Nếu toà án xử thắng cho Dimitry, ông có thể nhận được khoảng 380 triệu USD tiền bồi thường.

Ngày nay việc rửa tiền qua đấu giá tranh còn liên quan cả đến các thế lực địa - chính trị mang tầm quốc gia. Hai nước láng giềng Qatar và Saudi Arabia đã từ lâu có quan hệ đối địch. Họ tìm cách vượt mặt nhau trên mọi lĩnh vực, từ kinh tế đến quân sự. Hai quốc gia vùng Vịnh này cũng từ lâu vốn đã bị mang tiếng trên thế giới là “nhiều tiền nhưng thiếu văn hoá”. Vì lẽ, trước khi phát hiện ra dầu mỏ, phần đông người dân ở Qatar và Saudi Arabia đều là dân du mục. Vậy là hai đất nước bắt đầu thi nhau mua về những tác phẩm hội họa quý giá về trưng bày.

Gia đình Hoàng gia al Thani của Qatar hiện sở hữu ba trong số mười tác giả đắt giá nhất thế giới. Ấy là, bức “Les Femmes d’Alger” của Picasso; bức “Nafee Faa Ipoipo” của Gauguin, và bức “The Card Players” của Cézanne. Không kém cạnh, Hoàng tộc Saud ở Saudi Arabia đã mua bức “Salvator Mundi” đã nhắc đến ở trên vào năm 2017. Các tác phẩm này được trưng bày tại hàng loạt nhà triển lãm cũng đắt tiền tương đương ở hai thủ đô Doha (Qatar) và Riyadh (Saudi Arabia).

Chỉ mới gần đây thôi, thế giới mới có phen ngã ngửa khi biết mục đích ngầm của việc hai đất nước vùng Vịnh mua tranh. Đó là, cung cấp tiền bạc cho các nhóm phiến quân. Đã có rất nhiều tác phẩm hội họa từ Libya, Syria và Yemen được Ả-rập Xê-út và Qatar mua về, còn tiền mua tranh cuối cùng cũng rơi vào tay các nhóm phiến quân được hai nước này ủng hộ. Ngược lại, các nhóm phiến quân lại tăng cường cướp phá viện bảo tàng, thư viện,… tìm tranh quý để đem đi bán. Toàn bộ quy trình được che giấu dưới tiếng tăm của các nhà đấu giá quốc tế. Hiện nay “Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh”, một tổ chức mà cả Qatar và Saudi Arabia đều là thành viên, đang tranh cãi về việc nên phản ứng ra sao trước những phát hiện mới này.

Nhờ vào CIA mà các tác phẩm tranh trừu tượng đã lên ngôi.

Một loại hình tội phạm có liên quan đến rửa tiền là trốn thuế, và đấu giá tranh đang bị lợi dụng tràn lan vì mục đích trốn thuế. Chính phủ nhiều nước khuyến khích người dân đóng góp cho tầm hiểu biết văn hoá đại chúng qua việc đóng góp. Khi một cá nhân đóng góp cho viện bảo tàng, nhà trưng bày,…một tác phẩm nghệ thuật giá trị, người đó sẽ được miễn số tiền thuế tương ứng với giá trị tác phẩm.

Giới nhà giàu ở Mỹ và châu Âu lợi dụng chính sách nói trên bằng cách mua các tác phẩm của những họa sỹ thuộc tầm… vừa vừa. Sau đó họ sẽ bí mật thoả thuận với một nhà đánh giá hội họa độc lập để người này đưa ra giá trị thật cao cho tác phẩm trước khi chủ sở hữu bức tranh đem quyên góp nó cho viện bảo tàng. Vậy là các vị tỷ phú chỉ cần bỏ ra một khoản chi phí nhỏ mà được miễn biết bao nhiêu tiền thuế.

“Mặt tối” của ngành đấu giá tranh thế giới không phải là chuyện gì mới. Báo chí đã  tốn quá nhiều giấy mực về vấn đề này từ lâu rồi, vậy nhưng đến nay vẫn không có nhiều biến chuyển tích cực. Một mặt việc đấu giá tranh vẫn là một quy trình đóng kín, thiếu sự minh bạch nên không ai kiểm soát được.

Mặt khác những người làm ăn trên thị trường này toàn là giới nhà giàu. Họ có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình xây dựng, thực thi luật pháp tại đất nước của mình. Chắc chắn chỉ khi nào giới chức các quốc gia và tổ chức quốc tế lấy được đủ dũng khí chính trị để tiến hành “làm sạch” hoạt động đấu giá tranh, thị trường này sẽ còn là vỏ bọc cho các hoạt động bất hợp pháp.

Lê Công Vũ (Tổng hợp)
.
.