Nạn tham nhũng ở Trung Quốc đã giảm nhưng vẫn chưa biến mất
- Trung Quốc: Khởi động chiến dịch "Lưới trời 2017"
- Trung Quốc tiếp tục chống tham nhũng không khoan nhượng
- Lật lại những vụ án quan tham Trung Quốc ngã ngựa vì bóng hồng
Cuộc chiến chống tham nhũng đi vào chiều sâu, cho đến nay có thể tổng kết được một số bài học kinh nghiệm từ chỉnh đốn tác phong Đảng, xây dựng nền chính trị trong sạch cho tới đấu tranh chống tham nhũng, đồng thời hiểu rõ tư tưởng chiến lược chống tham nhũng của Trung Quốc trong thời kỳ mới nhằm xây dựng chính phủ trong sạch, ít tham nhũng thậm chí không tham nhũng.
"Lưới trời" khó thoát
Ngày 5-3-2017, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 khóa 12 Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã trình bày bản Báo cáo công tác Chính phủ. Trong phần những khuyết điểm còn tồn tại... quản lý nhà nước và hành pháp vẫn tồn tại các hiện tượng không chuẩn mực, không công bằng và văn minh, một số ít cán bộ bỏ bê công việc, đùn đẩy, vấn đề tham nhũng trong một số lĩnh vực vẫn xảy ra.
Ngày 21-3, phát biểu tại Hội nghị công tác liêm chính lần thứ 5 Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường nhấn mạnh mặc dù công tác xây dựng chính quyền trong sạch và đấu tranh chống tham nhũng trong năm 2016 đã đạt được những thành quả nổi bật, tuy nhiên một số địa phương, ban ngành và đơn vị vẫn chưa thực hiện nghiêm túc. "Nạn tham nhũng đã giảm nhưng vẫn chưa biến mất".
Cho dù cuộc chiến chống tham nhũng vẫn đang vô cùng quyết liệt và không ngoại trừ bất kỳ ai, lĩnh vực nào, cho dù đó là quan chức cấp cao, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, Bộ trưởng, tỉnh trưởng, doanh nhân giàu có cỡ nào… Song vẫn có "quan tham" sa lưới. Do vậy cuộc chiến không thể dừng lại.
Dương Tú Châu, cựu quan chức xây dựng Trung Quốc đã trở về nước đầu thú. Ảnh: Xinhua. |
Cụ thể, ngày 29-3, Toà án Nhân dân Trung cấp thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) đã đưa ra xét xử cựu Phó Chủ tịch Chính Hiệp kiêm Giám đốc Công an thành phố Thiên Tân, Vũ Trường Thuận vì các hành vi tham ô, đưa và nhận hối lộ, lạm dụng chức quyền và công quỹ.
Theo cáo trạng, Vũ Trường Thuận đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt 342 triệu Nhân dân tệ (khoảng 49,7 triệu USD) từ công quỹ thông qua các công ty nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp; nhận hối lộ, trực tiếp hoặc thông qua người thân, với tổng số tiền lên tới 84,4 triệu Nhân dân tệ (12,2 triệu USD); lạm chi công quỹ trên 101 triệu Nhân dân tệ (14,6 triệu USD). Đối tượng này còn đưa hối lộ hoặc ra lệnh cho các công ty nói trên đưa hối lộ cho cơ quan cảnh sát giao thông Thiên Tân và các quan chức chính quyền với tổng số tiền 10,57 triệu Nhân dân tệ (1,5 triệu USD).
Trong năm 2016, Trung Quốc đã tiến hành nhiều chiến dịch quy mô để bắt và xét xử nhiều tội phạm liên quan tới tham nhũng. Trong chiến dịch "Lưới trời" truy bắt tội phạm từ năm 2014-2016, các cơ quan bảo vệ pháp luật Trung Quốc đã bắt giữ 2.566 đối tượng đào tẩu sang hơn 90 nước và vùng lãnh thổ, đồng thời thu hồi 8,6 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 125 triệu USD).
Tân Hoa Xã dẫn thông báo ngày 25-3 của Bộ Công an Trung Quốc cho biết trong số những đối tượng này, có 1.283 đối tượng tự nguyện hồi hương hoặc được thuyết phục trở về nước. Cụ thể, có tổng cộng 410 đối tượng là đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc. Đến nay, có 39 nghi phạm trong số 100 đối tượng bị truy nã gắt gao nhất đã về nước. Chiến dịch này đã ngăn chặn hiệu quả các quan chức tham nhũng trốn ra nước ngoài, với số lượng giảm mạnh từ 101 đối tượng đào tẩu trong năm 2014 xuống còn 19 đối tượng trong năm ngoái.
Thông tin từ Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc (SSP) cho biết cơ quan này trong năm 2016 đã dẫn độ an toàn 44 nghi phạm thuộc diện đối tượng tội phạm có chức vụ lẩn trốn tại 19 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 15 người thuộc danh sách 100 đối tượng bị truy nã khẩn cấp của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol). Bên cạnh hoạt động truy bắt các đối tượng tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài, SPP còn thu hồi được 550 triệu Nhân dân tệ (79,55 triệu USD) tài sản phi pháp của các đối tượng này.
Theo một thông báo khác cùng ngày của Bộ Công an Trung Quốc, năm 2016, trong chiến dịch "Săn cáo", một phần của chiến dịch "Lưới trời", các lực lượng chống tham nhũng Trung Quốc đã bắt giữ 951 đối tượng tình nghi liên quan tới án kinh tế lẩn trốn tại 72 quốc gia và vùng lãnh thổ. Công an đã phối hợp với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc xử lý 380 ngân hàng "ngầm" có hành vi phạm tội, rửa tiền và đóng cửa hơn 500 ngân hàng loại này.
Trước đó, ngày 7-3, Văn phòng Công tác truy nã và thu hồi tài sản quốc tế thuộc Tổ điều phối chống tham nhũng trung ương Trung Quốc đã chính thức phát động chiến dịch "Lưới trời 2017" nhằm truy bắt các nghi phạm tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài và thu hồi tài sản phi pháp của các đối tượng này.
Cụ thể, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc sẽ phụ trách công tác truy tìm các đối tượng thuộc diện quan chức phạm pháp bỏ trốn ra nước ngoài và thu hồi tài sản phi pháp. Bộ Công an Trung Quốc sẽ triển khai chiến dịch "Săn cáo" để bắt giữ các nghi phạm đang lẩn trốn ở nước ngoài. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ phối hợp với Bộ Công an chặn đứng các hoạt động chuyển tiền phi pháp thông qua các công ty ở nước ngoài và các ngân hàng ngầm.
Chưa bao giờ các chiến dịch chống tham nhũng lại đạt được nhiều kết quả và quyết liệt, có hiệu quả như thời gian này. Ở trong nội địa, theo nguồn tin của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) cho biết chỉ tính riêng trong tháng 2-2017, các cơ quan chức năng nước này đã phát hiện 2.077 vụ vi phạm các quy định về tiết kiệm, chống lãng phí, xử lý 3.028 cán bộ, kỷ luật về Đảng và chính quyền đối với 2.057 trường hợp.
Trong các hình thức vi phạm, phân phát các khoản tiền thưởng và trợ cấp sai quy định chiếm số lượng nhiều nhất với 465 vụ, tiếp sau đó là nhận và tặng quà sai quy định với 438 vụ và bố trí sử dụng xe công sai mục đích là 398 vụ. Tính chung trong 2 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã phát hiện tổng cộng 4.885 vụ vi phạm các quy định về tiết kiệm chống lãng phí, xử lý 7.103 cán bộ, kỷ luật về Đảng và chính quyền đối với 5.046 trường hợp.
Cuộc chiến không có ngoại lệ
Viện Nghiên cứu Quốc sách ở Đài Loan (Trung Quốc) đã tổ chức tọa đàm "Công cuộc chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và sự phát triển của chính trường Trung Quốc". Phát biểu tại tọa đàm, nhiều đại biểu nhận định và thừa nhận, cuộc chiến chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phá vỡ các quy định bất thành văn như "pháp luật chừa Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị", "không truy cứu quan chức đã về hưu", "quân đội là vùng cấm trong chống tham nhũng".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao của Mỹ và LHQ trong hội nghị G20 có bàn tới chống tham nhũng trên toàn cầu. Ảnh: AP. |
Báo "Độc lập" (Nga), nhận định, cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc đang cho thấy dường như không một chức vụ hoặc cấp hàm nào là ngoại lệ, việc Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định lập án thẩm tra đối với Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, đã đưa cuộc chiến chống tham nhũng do Tổng Bí thư Tập Cận Bình phát động lên đỉnh cao mới.
Có thể nói kể từ đầu cuộc chiến chống tham nhũng do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng, trong nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc chưa có một nhân vật cấp cao nào tầm cỡ Chu Vĩnh Khang bị sa lưới. Do vậy, dư luận quốc tế nhìn nhận đây là một trong những vụ án lớn nhất trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, bởi trước Đại hội 18 Chu Vĩnh Khang từng được bầu vào Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan đầu não của Đảng Cộng sản Trung Quốc đồng thời đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Chính pháp Trung ương. Ở vị trí này, Chu Vĩnh Khang có ảnh hưởng đối với lực lượng công an, bảo vệ nội bộ và các cơ quan toà án.
Ở Trung Quốc, việc các quan chức tham nhũng bị xử lý rất được mọi người chú ý, càng quan chức cấp cao bị xử lý thì tác động đối với xã hội càng lớn. Với ý nghĩa trên, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phá vỡ các quy tắc bất thành văn tồn tại từ nhiều năm nay, tiến hành điều tra đối với Chu Vĩnh Khang.
Chính phủ Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục tiến hành điều tra và xét xử các vụ án tham nhũng đối với cả "ruồi" (các công chức cấp thấp) và "hổ" (các quan chức cấp cao) trong bộ máy Nhà nước. Một cách nhìn khác để thấy được những kết quả mà chiến dịch chống tham nhũng do ông Tập Cận Bình phát động đã đạt được là giá thành của các mặt hàng xa xỉ sụt giảm. Trước khi chiến dịch chống tham nhũng diễn ra, các cửa hàng kinh doanh xa xỉ phẩm như đồng hồ Thụy Sĩ, rượu cognac Pháp, đồ trang sức và túi xách hiệu Gucci... đều kinh doanh rất tốt, nay công việc kinh doanh của các hãng này trở nên ảm đạm hơn nhiều.
Mặc dù chiến dịch chống tham nhũng do ông Tập Cận Bình phát động đã đạt được những kết quả bước đầu, giúp ông tạo dựng được hình ảnh đẹp trước công chúng Trung Quốc, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn trước mắt. Việc có duy trì được chiến dịch này hay không có ý nghĩa sống còn đối với vận mệnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc, lòng tin của nhân dân đối với chính quyền Trung ương.
Ít tham nhũng, dân được lợi
Theo báo "Liên hợp Buổi sáng" (Singapore), kể từ khi Trung Quốc quyết định mở cuộc chiến chống tham nhũng và tạo ra phản ứng dây chuyền, cuộc chiến chống tham nhũng được xây dựng trên một nền tảng quần chúng vững chắc và đang có những kết quả rất khả quan. Trung Quốc đặc biệt dựa vào sự tố giác của quần chúng nhân dân để phòng chống tham nhũng.
Trong trường hợp Trung Quốc, những vụ án tham nhũng của quan chức cấp cao bị phát hiện gần đây phần lớn đều do người dân hoặc báo chí đưa ra ánh sáng. Việc sử dụng truyền thông và công luận để theo dõi và trợ giúp cho các nỗ lực chống tham nhũng sẽ mang lại nhiều lợi ích, trong đó quan trọng nhất là những vụ tham nhũng bị người dân tố cáo sẽ không bị coi là do động cơ chính trị, và điều đó sẽ càng làm tăng uy tín của chính quyền.
Kể từ khi "tám quy định" được đưa ra năm 2012, các hoạt động ăn uống vui chơi giải trí và mua sắm cao cấp bị giáng một đòn mạnh mẽ. Cuộc chiến chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình xem ra là một "cơn đau" tạm thời đối với sự tăng trưởng kinh tế và sự ổn định tâm lý của các quan chức. Người dân Trung Quốc nhìn nhận như thế nào về cuộc chiến chống tham nhũng đang diễn ra? Một cuộc khảo sát được tờ "Thời báo New York" tiến hành gần đây đã chỉ ra rằng hầu hết những người được hỏi ý kiến đều cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng có thể tiết kiệm được tiền cho người dân.
Trước kia, người dân khi phải giải quyết công việc liên quan đến văn bản giấy tờ, xin cho con đi học, khám chữa bệnh… hầu như đều phải có quà cáp, thậm chí phải chi ra những khoản tiền lớn mới có thể giải quyết được công việc của mình. Trong khi đó, rất nhiều doanh nghiệp cũng được lợi từ cuộc chiến chống tham nhũng. Môi trường đầu tư minh bạch, công khai, toàn diện và lành mạnh có lợi cho cạnh tranh bình đẳng của tất cả các doanh nghiệp, tạo ra sự đổi mới và duy trì tăng trưởng bền vững.
Các số liệu điều tra mang tính hệ thống cho thấy nhận thức của người dân đối với cuộc chiến chống tham nhũng đã có sự thay đổi đáng kể. Nhận thức của doanh nghiệp hay người dân về cuộc chiến chống tham nhũng đều tăng lên rõ rệt. Họ rất ủng hộ và đánh giá cao cuộc chiến chống tham nhũng mà chính phủ nước này tiến hành.
Có thể thấy, cuộc chiến "đả hổ diệt ruồi" không phải là càng đánh càng loạn, mà thực sự nó đã định hình lại nhận thức của quần chúng về quyết tâm chống tham nhũng của chính phủ. Nhiều tờ báo của Anh đã bình luận: Có thể nói, Trung Quốc là ví dụ ấn tượng nhất về một bức tranh chống tham nhũng đa thay đổi; nỗ lực chống tham nhũng ở nước này cũng đã được đẩy lên cao và điều đó sẽ càng làm tăng uy tín của chính quyền.