Dịch vụ an ninh tư nhân vươn ra toàn cầu

Thứ Ba, 25/04/2017, 09:25
Trước năm 2010, dịch vụ an ninh tư nhân tại Trung Quốc được xem là bất hợp pháp. Tuy nhiên, việc bành trướng ra nước ngoài của các công ty an ninh tư nhân Bắc Kinh lại cho ra đời một ngành công nghiệp bảo vệ giúp chăm sóc nhiều công ty và nhân viên nhà nước tại một số nơi nguy hiểm nhất trên thế giới.

Đêm 8-7-2016, không khí yên tĩnh của đường phố thủ đô Juba ở miền Nam Sudan bị nhiều tiếng súng phá nát do các phe phái chính trị không thi hành lệnh thỏa hiệp ngừng bắn. Điện thoại réo vang bên trong các văn phòng công ty an ninh tư nhân DeWe. Các công nhân dầu hỏa người Trung Quốc trong lúc hoảng loạn đã gọi vào một số khẩn cấp để báo rằng họ đang trong tình trạng nguy hiểm và xin ý kiến. Họ là công nhân thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, là khách hàng quan trọng của DeWe ở Nam Sudan.

Đối với ông Cương Vũ, từng là cựu sĩ quan an ninh, đã nghỉ hưu cách nay 5 năm và hiện là trưởng đại diện văn phòng tại Juba của DeWe, đây là lúc bắt đầu cuộc chạy ma-ra-tông suốt 50 giờ không ngủ khi ông và các đồng nghiệp thi hành một kế hoạch giải cứu. Các chủ thầu sớm nhận biết rằng, tòa nhà bị cháy nham nhở mà họ cho công nhân trú lại không còn an toàn nữa. Tính chung khoảng 350 người Trung Quốc bị kẹt tại 10 địa điểm khác nhau trong thủ đô được lệnh ngồi chờ cho đến khi sân bay có thể hoạt động lại bình thường.

Một số người di chuyển sâu vào trong các thùng container để tránh mảnh đạn pháo. Mãi đến ngày thứ tư sau chuỗi ngày bất ổn, khi chính phủ tuyên bố đã dẹp sạch các nhóm phiến loạn ra khỏi Juba, các công nhân bị mắc kẹt mới được đưa sang Nairobi, thủ đô của Kenya.

Chi tiết chiến dịch giải cứu năm 2016 mới được tiết lộ trên tờ The World Security Magazine, cho thấy ngành công nghiệp an ninh tư nhân còn mới mẻ của Trung Quốc đang có xu hướng ngày càng phát triển ở những vùng lãnh thổ còn nhiều xung đột. Ngày nay Trung Quốc khá mạnh bạo trong chính sách ngoại giao kinh doanh hầu giải quyết việc làm cho người dân thuộc nền kinh tế tăng trưởng quá nhanh và quá mạnh này.

Đôi khi cũng có một số công ty nhà nước tham gia vào những lĩnh vực mà các đồng nghiệp phương Tây tránh xa. Chẳng hạn nhiều công ty Trung Quốc sang tận Iraq để xây dựng các trạm cung ứng điện, hay xây dựng hệ thống viễn thông tận Syria, khai thác mỏ đồng ở Afghanistan và làm dịch vụ bơm dầu ở Nam Sudan. SIA Energy, một công ty tư vấn Bắc Kinh, ước tính các công ty lĩnh vực nhà nước Trung Quốc đã khai thác thành công 7 triệu tấn dầu/năm tại Nam Sudan và Iraq - những nơi mà các công ty khai thác dầu khí nước ngoài bỏ rơi từ lâu.

Công nhân Trung Quốc trên tàu chở quặng sắt đến Mauritania (thuộc Tây Phi).

Việc gia tăng sử dụng các dịch vụ an ninh tư nhân là một phần của xu hướng “Bắc Kinh tìm nhiều cách bảo vệ tài sản của họ ở nước ngoài”. Yue Gang, một sĩ quan Trung Quốc về hưu cho biết: “Nhu cầu bảo vệ an ninh ở nước ngoài là rất quan trọng. Quân đội chính quy rõ ràng là không thích hợp cho công việc này vì tiềm ẩn những vấn đề có thể ảnh hưởng đến các quan hệ ngoại giao”.

Khoảng 3.200 nhân viên Trung Quốc được các doanh nghiệp an ninh tư nhân có cơ sở ở nước ngoài nhận vào làm, theo ông Lưu Tân Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc phòng và an ninh hải ngoại Trung Quốc. Bắc Kinh cực kỳ thận trọng về ngành công nghiệp này, một phần là vì việc lạm dụng loại hình an ninh như vậy từng khiến những cuộc chiếm đóng Afghanistan và Iraq của Mỹ bị nhấn chìm trong khủng hoảng.

Năm 2010, các giám sát an ninh tư nhân tại một mỏ than của Trung Quốc ở Zambia đã nổ súng vào đám đông công nhân đòi tăng lương, khiến 11 người bị thương và kích động làn sóng chống Trung Quốc. 2 năm sau đó, một giám sát bị giết chết tại chỗ trong một cuộc tranh chấp về lương. Một quản lý công ty an ninh tư nhân xin giấu tên cho biết rằng, tất cả hợp đồng họ ký với các công ty nhà nước Trung Quốc đều cấm nhân viên mang vũ khí.

Các nguyên soái hải quân nước ngoài làm việc cho Hua Xin Zhong An, một công ty của Trung Quốc, theo những điều khoản hợp đồng đã ký có thể sử dụng hỏa lực mạnh như biện pháp phòng thủ chống hải tặc, trong khi bảo vệ hải quân Trung Quốc chỉ có thể bắn cảnh cáo mà thôi, trừ trường hợp tàu chiến của họ bị tấn công trực tiếp.

Ông Tao Dexi, một nhà thầu cho công ty an ninh tư nhân Dingtai Anyan International Security and Defense có các hợp đồng tại Iraq cho biết, không ai trong số các nhân viên những công ty mà ông quen biết được phép đeo súng. Theo ông, các công ty an ninh tư nhân Trung Quốc luôn tiến hành các nhiệm vụ an ninh thông qua các nhóm an ninh địa phương. Nếu gặp các tình huống quá khẩn cấp, lực lượng an ninh tư nhân Trung Quốc có thể mượn súng của các đồng nghiệp nước sở tại.

Sau vụ giải cứu công nhân khỏi khu vực bạo loạn ở Nam Sudan mùa hè năm qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khuyến cáo “nên cải thiện việc đánh giá các nguy cơ về an ninh, giám sát và cảnh báo sớm, xử lý các tình huống khẩn cấp cho các công ty tại những vùng lãnh thổ nguy hiểm”. Ông Tập kêu gọi có thêm nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ việc đầu tư tại các quốc gia nguy hiểm này. Hai tháng sau chỉ đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, bắt đầu có những sự khác biệt giữa các binh sĩ chính quy và các nhóm an ninh tư nhân.

DeWe tuyên bố các kế hoạch xây hai căn cứ an ninh ở Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi. Chúng là những cơ ngơi an ninh tư nhân đầu tiên được các công ty Trung Quốc sử dụng, báo hiệu sự hiện diện an ninh thường trực hơn. DeWe được một số cựu sĩ quan cảnh sát và quân đội thành lập năm 2011. Họ từng biết nhau khi làm chung công việc bảo vệ an ninh cho Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008. Kể từ năm 2013, 86.000 nhân viên dân sự Trung Quốc được đào tạo thành cận vệ an ninh tư nhân. DeWe hiện có 352 nhân viên Trung Quốc ở nước ngoài và 3.000 nhân viên an ninh làm việc trong nước.

Ngoài DeWe, còn có các công ty an ninh tư nhân khác như HXZA (bảo vệ an ninh cho các nhóm tàu biển lớn thứ hai Trung Quốc Cosco Holding and China Shipping Container Lines), Shandong Huawei, Dingtai Anyuan... cũng làm các dịch vụ tương tự.

Ngoài lợi thế về ngôn ngữ, tiền công trả cho họ cũng thấp đáng kể so với các đồng nghiệp nước ngoài. Như nhóm bảo vệ 12 người Trung Quốc chỉ phải thuê với giá khoảng 700 đến 1.000 USD/ngày, bằng chừng này chỉ thuê được 1 bảo vệ người Anh hay Mỹ. Nguyên tắc hàng đầu mà tất cả nhân viên an ninh tư nhân phải nhớ là họ phải tuân theo mọi luật lệ địa phương nơi họ làm việc, nếu không, họ có thể bị sa thải không cần lý do, và phải bồi thường tiền đào tạo ban đầu.

Lê Đào (theo The World Security Magazine)
.
.