Điều tra nạn buôn tinh tinh con toàn cầu

Thứ Năm, 04/01/2018, 19:07
Một mạng lưới bí mật của những tay buôn lậu động vật hoang dã chuyên bán những con Tinh Tinh con vừa bị hãng tin BBC News (Anh) phát hiện sau một năm tiến hành cuộc điều tra.

Những sinh vật bé nhỏ, tội nghiệp đã bị bắt sau đó đem bán làm thú cảnh. Cuộc điều tra đưa chân các điều tra viên của BBC News đến Tây Phi - cái rốn của hoạt động buôn lậu động vật hoang dã - và dẫn đến việc giải cứu một cá thể Tinh Tinh tròn một tuổi.

Tinh tinh kêu cứu

Trong một con phố đầy bụi bặm ở Abidjan, thành phố lớn nhất của xứ sở Bờ Biển Ngà, một con tinh tinh đang ré cái tiếng vẻ đầy khoái trá. Con Tinh Tinh bé xíu này đã bị tách ra khỏi đàn của chúng trong môi trường hoang dã, nó là nạn nhân của một chiến dịch buôn lậu tàn bạo và cũng đẫm mùi tiền, theo báo cáo từ chuyến điều tra kéo dài 12 tháng qua 6 quốc gia của hãng tin BBC News. Nhu cầu thú cảnh cho giới nhà giàu hay những người biểu diễn tại các sở thú thương mại đã đẩy mức giá của một con Tinh Tinh con vọt lên tới 12.500 USD hoặc có khi giá còn cao hơn.

Môi trường nuôi nhốt là nỗi sợ cực hình cho các con Tinh Tinh non, làm đe dọa dân số của loài này. Bọn săn trộm thú thường áp dụng chiến thuật kiểu cổ điển là bắn hạ càng nhiều Tinh Tinh trưởng thành trong cùng một gia đình để lấy được các con non, hành động tàn sát này chủ yếu để tránh cho các con Tinh Tinh lớn phản công, đồng thời xác các con Tinh Tinh trưởng thành sau đó bị đem đi bán làm thịt rừng. Để có được 1 con non, ít nhất 10 con Tinh Tinh lớn sẽ bị giết hại.

Đại tá Assoumou Assoumou, một chuyên gia về tội phạm hoang dã của lực lượng Cảnh sát Bờ Biển Ngà, lên tiếng giải thích: "Bọn săn trộm phân công nhau, người bắn cha, người bắn mẹ con Tinh Tinh. Một khi bị bắt giữ, những con thú non sẽ rơi vào một quy trình buôn lậu tinh vi từ bọn săn trộm trong các cánh rừng già cho đến giới trung gian - những người chuẩn bị giấy phép xuất khẩu giả mạo và giấy vận tải - và cuối cùng mới đến tay người mua.

Thú cảnh Tinh Tinh rất được ưa chuộng tại các quốc gia Vùng Vịnh, Đông Nam Á và Trung Quốc, người mua trả giá cao và các khoản phí bổ sung để tránh việc kiểm soát quốc tế. Nhưng khi Tinh Tinh lớn lên, nuôi chúng trong nhà cũng khá nhọc.

Ông Karl Ammann, một nhà động vật hoang dã người Thụy Sỹ cho rằng đó là một "loại nô lệ" và cảnh báo: "Tinh Tinh bị nhốt trong lồng và có thể bị giết khi mà chúng sống lâu hơn các loài thú cảnh khác. Không thể nào chấp nhận được". Theo một nguồn tin, con Tinh Tinh do BBC giải cứu là do một nhà báo khác mua với mức giá 300 Euro. Hoạt động giải cứu được dẫn đầu bởi Interpol và các thám tử tư Bờ Biển Ngà.

Sau vài tháng xây dựng mối quan hệ với các "đầu nậu" tại một số quốc gia, nhóm điều tra của phóng viên BBC News đã theo dấu vết của đám buôn lậu đến một ngôi nhà ở Abidjan. Trong vai những khách hàng tiềm năng, các phóng viên được biết có một con Tinh Tinh con bị nhốt tại ngôi nhà này, sau đó họ báo cho Interpol và cảnh sát địa phương. Khi cảnh sát tiến hành vụ đột kích, họ phát hiện trong phòng một con Tinh Tinh con.

Phát hiện này là một chỉ dấu quan trọng cho một hành trình tìm kiếm dài của các nhà chiến dịch động vật hoang dã. Theo Chương trình môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP) thì ước tính khoảng 3.000 loài khỉ lớn gồm đười ươi, khỉ đột và Tinh Tinh đã bị bắt từ thiên nhiên hoang dã do hoạt động buôn lậu. Khoảng 2/3 loài Tinh Tinh biến mất trong hoang dã. Ước tính chỉ còn không đầy 65.000 con Tinh Tinh và có thể ít hơn.

Mua giấy phép giả mạo

Việc mua bán các loài động thực vật hoang dã bị kiểm soát chặt chẽ theo hiệp định của CITES  (Công ước quốc tế về buôn bán các loài thực động vật gặp nguy cấp) nhằm mục đích bảo vệ tất cả các loài hoang dã đang gặp nguy cấp.

Tinh tinh con trong môi trường hoang dã.

Theo CITES, Tinh Tinh được cấp mức bảo vệ cao nhất (danh sách Phụ lục 1), và chỉ có thể được xuất khẩu theo một số lượng rất hạn chế. Ví dụ, Tinh Tinh phải được nuôi nhốt (chuyện này không xảy ra ở Tây Phi), và các tổ chức xuất nhập khẩu cần phải đăng ký giấy phép với CITES.

Mặc dầu vậy, cuộc điều tra của BBC cho thấy rằng với dòng tiền dồi dào và các mối quan hệ mờ ám, đa phần việc buôn bán đã bị lách luật. 1 giấy phép xuất khẩu Tinh Tinh có giá thành 4.000 USD.

Trong vai trò người mua hàng cho khách hàng ở Thái Lan, nhóm phóng viên đã đặt chân đến Cairo (Ai Cập) nơi đây là trung tâm của nạn buôn lậu động vật. Chúng tôi đã bắt đầu các cuộc đàm phán với 2 nhà buôn thú cảnh là Mahmoud Khaled và Ramadan Abdelnaiem. Khaled hứa sẽ cung cấp các video phản ánh quá trình đưa hàng đến địa điểm mà khách hàng mong muốn.

 Trong khi nhóm phóng viên BBC yêu cầu Khaled trưng ra giấy phép Phụ lục 1 của CITES về việc cho phép xuất khẩu Tinh Tinh, thì Ramadan lại đánh bài trưng ra một giải pháp thay thế: giấy phép về những loài động vật ít gặp nguy cấp và giấu Tinh Tinh trong những con này.

Văn phòng phòng chống ma túy và động vật hoang dã (UNODC) tuyên bố về cái gọi là "rửa động vật hoang dã", khi bọn buôn lậu chuyên sử dụng giấy tờ giả mạo hoặc trộn lẫn các loài thú với nhau. Hai tuần sau đó, Khaled trưng ra giấy phép Phụ lục 1 nhưng tờ giấy đầy lỗi chính tả và nó được ký tá bởi giới chức chính phủ Jordan. Bước kế tiếp là việc thỏa thuận mua Tinh Tinh, nhưng tại thời điểm này Khaled có vẻ ngại tiếp xúc.

Không đạt được mục đích, nhóm phóng viên BBC quyết định đối mặt với bọn buôn lậu ở Tây Phi. Trong vai chủ một cửa hàng thú cảnh chuyên cung cấp cho các khách hàng giàu có ở Indonesia, họ đã tiếp xúc với một đầu nậu người Ghi-nê tên là Ibrahima Traore.

Khi câu chuyện đến hồi rôm rả, Traore mới bật mí rằng anh ta giữ các con Tinh Tinh con tại một nông trang ở Ghi-nê cũng như ở Liberia, Cộng hòa dân chủ Công-gô và Bờ Biển Ngà. Traore nói rằng mình có thể qua lọt các chốt kiểm soát quốc tế và có "nội bộ làm nội ứng".

Tổng thư ký của CITES, ông John Scanlon nói rằng ông không cảm thấy "sốc" bởi nạn làm giả giấy phép xuất khẩu Tinh Tinh con. Nói với hãng tin BBC News, ông John Scanlon khẳng định CITES đang đẩy mạnh việc áp dụng hệ thống giấy phép điện tử và giấy phép này rất khó làm giả".

Giải cứu và sinh kế lâu dài

Cuối cùng thì "đầu nậu" Ibrahima Traore cũng chịu tiếp cánh phóng viên và cả Interpol. Ibrahima Traore và người chú Mohamed bị cảnh sát bắt giữ, họ đang đối mặt với án buôn lậu thú hoang. Dữ liệu thu được từ điện thoại và laptop của Traore đã hé lộ một thông tin đắt giá về một mạng lưới buôn lậu linh trưởng mang tầm vóc quốc tế với phạm vi ở Châu Âu, Phi Châu, Châu Á và Trung Đông.

Tinh tinh con được cảnh sát Bờ Biển Ngà giải cứu.

CITES đã phát hiện trên laptop của Traore là nhiều tài liệu về các lần vận chuyển hàng tá các loài linh trưởng khác nhau cũng như các loài nguy cấp. Bằng chứng cũng cho thấy rằng anh trai của Traore là Aboubacar, cũng liên quan đến hàng loạt việc buôn lậu chim chóc quý hiếm bao gồm loài vẹt xám Phi Châu. Cha của Ibrahima Traore là Alhassane cũng dính líu. Tài khoản ngân hàng của Alhassane ở thủ đô Conakry của Ghi-nê chuyên dùng để thanh toán tiền đặt cọc.

Thám tử phụ trách Bờ Biển Ngà, Đại tá Assoumou Assoumou lên tiếng cảnh báo:  "Trong khoảng 10 hay 20 năm tới, chúng ta sẽ không có thêm Tinh Tinh nữa. Đó là lý do mà Interpol dành sự quan tâm. Cá nhân tôi thừa nhận sẽ chiến đấu chống lại thực trạng này".

Con Tinh Tinh sau khi được giải cứu đã được đem đến tòa nhà của Interpol ở Abidjan, sau đó giao cho các quan chức động vật hoang dã từ Bộ Nước và Rừng của Bờ Biển Ngà. TS Cleve Hicks từ Đại học Vác-sa-va (Ba Lan), một chuyên gia về hành vi Tinh Tinh, khẳng định rằng các con Tinh Tinh mồ côi ít nhiều cũng đã bị tổn thương khi "nhìn thấy mẹ chúng bị sát hại".

Ông Dan Bucknall từ tổ chức từ thiện động vật hoang dã Tusk, lạc quan nói: "Tinh tinh là loài động vật rất nhanh phục hồi. Trong tay các chuyên gia tận tâm, với sự chăm sóc tốt và sự giám sát chặt chẽ, chúng sẽ sống tốt và mạnh khỏe".

Nguyễn Thanh Hải (theo BBC NEWS)
.
.