Ecofascism – mối đe dọa an ninh toàn cầu

Thứ Ba, 03/11/2020, 10:15
Tình trạng ấm lên trên toàn cầu đang đe dọa nhân loại, nền kinh tế dựa chủ yếu vào công nghiệp đang hủy diệt sự đa dạng của thiên nhiên, các tập đoàn kinh tế nắm giữ quá nhiều quyền lực, người da trắng cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến chủng tộc - đó chính là những quan điểm của Brenton Tarrant (thủ phạm vụ thảm sát tại một thánh đường ở New Zealand) và Patrick Crusius (một tên sát nhân hàng loạt khác tại Mỹ).

Nhưng chúng không phải là những cá nhân duy nhất ủng hộ những tư tưởng của một chủ nghĩa cực đoan về môi trường (Ecofascism), vốn đã trở thành một trào lưu lan truyền và phát triển rộng rãi trên mạng toàn cầu. Sự hoành hành của đại dịch COVID-19 dường như đang tạo thêm một xung lực mới cho phong trào này. 

Nhiều thành viên của phong trào còn vui mừng vì số nạn nhân thiệt mạng vì COVID-19 đang ngày một tăng vì theo chúng – giảm bớt số lượng cư dân trên trái đất sẽ giúp làm cho môi trường trong sạch hơn. Rõ ràng với sự truyền bá những tư tưởng và hành động cực đoan, Ecofascism đang dần trở thành một mối đe dọa hiện hữu đối với an ninh toàn cầu…

Một nhóm vũ trang cực đoan Ecofascism.

“Trái đất đang hồi phục: xu hướng ô nhiễm không khí đang giảm dần, nguồn nước trong sạch hơn, các động vật hoang dã đang quay trở lại. Coronavirus chính là một loại vaccine cho Trái đất. Còn chúng ta chính là những loại virus như vậy” – Thông điệp có nội dung trên được phổ biến trên Twitter vào cuối tháng 3-2020 vừa qua đã thu hút được gần 300 ngàn lượt thích và 71 ngàn lượt chia sẻ. 

Chưa kể hàng trăm phát ngôn với quan điểm tương tự nữa đã xuất hiện trên mạng cùng với không ít những hưởng ứng như trên. Ngoài tâm trạng “hào hứng” được đánh giá là một xu hướng mới trên mạng xã hội như vậy, còn xuất hiện nhiều tổ chức và phong trào kêu gọi phải giảm bớt đáng kể cư dân vì sự an toàn về sinh thái trên trái đất. Đại dịch COVID-19 được họ hồ hởi đánh giá là “một sự kiện thuận lợi” cho mục tiêu này.

Những kẻ khủng bố

Mới chỉ cách đây không quá lâu, thuật ngữ Ecofascism vẫn chỉ là những lời chỉ trích mang tính chung chung đối với những thành phần hoạt động đấu tranh vì sinh thái có tư tưởng cực đoan. Tuy nhiên, ý kiến của công luận đã thay đổi đáng kể vào tháng 3/2019, khi một công dân Australia có tên Brenton Tarrant tấn công vào một giáo đường tại Christchurch (New Zealand). 

Trước khi cho truyền hình trực tiếp hành vi xả súng vào hơn 50 con người tại đây, tên này còn gửi tới tòa soạn của 7 tờ báo lớn một bản tuyên ngôn dày 74 trang của mình, trong đó trình bày chi tiết về lý thuyết của “một cuộc thay thế vĩ đại” của chủng tộc da trắng, đồng thời gọi những người nhập cư là những kẻ đã xâm nhập vào vùng đất của người châu Âu. Tarrant công khai tự nhận mình là một thành viên theo tư tưởng Ecofascism, kêu gọi thành lập những khu vực tự trị về sắc tộc dành cho từng dân tộc.

Nhiều thành viên Ecofascism có quan điểm kì cục về đại dịch COVID-19.

Theo chân của Tarrant chỉ chưa đầy nửa năm sau là công dân Mỹ 21 tuổi Patrick Crusius. Trước khi tấn công vào siêu thị Walmart tại El Paso, tên này cũng công bố một bản tuyên ngôn của riêng mình. Với giọng điệu có phần chỉn chu hơn Tarrant, tên này tuyên bố xã hội nước Mỹ đang sản xuất và tiêu thụ quá nhiều sản phẩm làm ảnh hưởng đến môi trường. 

Do không thể bắt mọi người thay đổi phong cách sống, hắn cần phải ra tay tiêu diệt. Đảng Dân chủ bị Crusius qui cho trách nhiệm hàng đầu về việc để cho quá nhiều người nhập cư vào nước Mỹ. Tên này khẳng định mục tiêu tấn công của hắn là những người gốc Mỹ Latinh. Hậu quả cuối cùng của hành vi thảm sát trên là 22 nạn nhân đã thiệt mạng. 

Phong trào Ecofascism trên thực tế chỉ là một nhánh trong cộng đồng những phần tử cực đoan trên mạng Internet tại phương Tây. Nhưng nó đã thu hút được sự chú ý đặc biệt sau khi những kẻ cực đoan tự xưng này gây ra hàng loạt những vụ khủng bố đình đám. 

Tên khủng bố Theodore Kaczynski.

Không lâu trước những vụ khủng bố hàng loạt trên, thần tượng của những kẻ theo phong trào này chính là tên khủng bố Theodore Kaczynski, còn nổi tiếng với cái tên Unabomber. Là nhà toán học tài năng, trở thành tiến sĩ khoa học ở tuổi 25, hắn đã nung nấu ý tưởng quay trở về với cuộc sống trước thời kỳ công nghiệp hóa. Kaczynski cho rằng, sự phát triển về công nghệ đòi hỏi phải tổ chức lại xã hội, tăng cường khả năng kiểm soát – tất cả chắc chắn sẽ dẫn tới sự tổn hại không thể tránh nổi đối với tự do của con người.

Sau khi rời bỏ cương vị giáo sư tại Đại học tổng hợp Berkeley, Kaczynski lui về sống ẩn dật một mình tại một túp lều trong rừng. Một thời gian sau, chính quyền lại cho triển khai xây dựng một tuyến đường ngay gần nơi hắn sinh sống – được cho là sự kiện cuối cùng khiến Kaczynski quyết tâm thực hiện những hành động cực đoan. Nhưng cũng có một giả thuyết về nguyên nhân khác được nêu ra là do hắn từng tham gia vào các thử nghiệm trong dự án “MK Ultra” do CIA tiến hành nhằm nghiên cứu tác động lên tâm lý con người.

Thế là từ năm 1978, Kaczynski bắt đầu gửi những quả bom tự chế theo đường bưu điện. Mục tiêu của hắn là các trường đại học và sân bay, cũng như những cá nhân được cho là ủng hộ cho “các hệ thống nhằm kiểm soát xã hội”. Hậu quả của những hành động này đã khiến 3 nạn nhân thiệt mạng và 23 người khác bị thương. 

Kaczynski đã lẩn tránh thành công sự truy nã của FBI trong suốt 17 năm – khiến việc tìm kiếm hắn ta trở thành chiến dịch tốn kém nhất của các cơ quan mật vụ trong nội bộ nước Mỹ. Cảnh sát chỉ có thể tìm ra là nhờ có sự hỗ trợ từ người anh ruột David của tên khủng bố, người đã nhận ra tư tưởng và phong cách viết thư của em mình trong bản tuyên ngôn được hắn yêu cầu công bố trên các tờ báo lớn nhất nước Mỹ. Cần nói thêm là những tư tưởng của Kaczynski đã tìm được một “đệ tử” nổi tiếng khác là Anders Breivik, kẻ vào năm 2011 là thủ phạm vụ khủng bố hàng loạt tại Na Uy. Giờ đây cả hai thầy trò nhà Kaczynski đều đang cùng phải chịu những bản án tù chung thân.

Truyền bá tư tưởng cực đoan trên mạng

Với sự phổ biến của Internet và mạng xã hội, những kẻ nặc danh sùng bái Unabomber lại có một công cụ hữu hiệu để tuyên truyền tư tưởng của mình. Chúng cho rằng, xã hội hiện đại đang làm hư hỏng con người: trái ngược với thiên nhiên và những vai trò xã hội truyền thống là hình mẫu của những cư dân theo trào lưu “siêu tiêu dùng” ở các thành phố, tình trạng đa văn hóa và các giá trị bình đẳng giới cấp tiến – tất cả không chỉ hủy hoại hình mẫu cuộc sống của các cư dân châu Âu mà còn phá hủy cả hệ sinh thái.

Quan điểm này thể hiện rõ nhất ở “Nguyên tắc xuồng cứu hộ” do chuyên gia sinh thái cực đoan người Phần Lan Pentti Linkola đưa ra. Thay cho các phương pháp ứng cứu hệ sinh thái toàn cầu, tư tưởng gia được nhiều thành viên Ecofascism sùng bái này lại đề xuất một loạt các giải pháp cực đoan như diệt chủng, thuyết ưu sinh (cải thiện cấu tạo gen của loài người) hay chủ nghĩa chuyên chế để đưa xã hội loài người trở về trước thời điểm công nghiệp hóa. 

“Chúng tôi phát ngôn đại diện cho cây cối” - Một khẩu hiệu khác của các thành viên Ecofascism.

Quan điểm của nguyên tắc này tập trung ở chỗ, thay vì nhét đầy người vào chiếc xuồng cứu hộ duy nhất để tất cả cùng chết chìm, thì sẵn sàng loại bỏ những thành phần không cần thiết để bảo tồn sự sống cho những cá nhân ưu tú nhất. Thành phần cần loại bỏ được nhắc ở đây chủ yếu là những người nhập cư từ các quốc gia nghèo kém phát triển trên thế giới. Một trong những khẩu hiệu phổ biến được những kẻ theo quan điểm này tung hô là “Save the bees, not refugees” (Hãy cứu những chú ong, chứ không phải người tị nạn).

Các thành viên Ecofascism còn sùng bái một số tư tưởng của Đế chế thứ 3 từ thời phát xít Hitler. Đầu tiên phải kể đến là chương trình Lebensborn nằm gia tăng sự thuần khiết của chủng tộc Aryan. Lebensborn triển khai các giải pháp lựa chọn trên những vùng lãnh thổ bị phát xít Đức chiếm đóng những phụ nụ và trẻ em có bề ngoài phù hợp với chủng tộc Aryan. Tất cả nhằm mục đích “sản xuất” ra một thế hệ người Đức mới với những đặc điểm vượt trội về giống nòi, tạo một không gian sống hoàn hảo nhất cho những “hạt giống” này. Trong khi những “thành phần khiếm khuyết” còn lại cần phải được loại bỏ.

Mạng xã hội trên Internet hiện đang là một trong những kênh truyền bá thông tin hữu hiệu của các thành viên Ecofascism với lý do có thể nhanh chóng phổ biến đồng thời gần như không phải chịu sự kiểm duyệt. Điển hình như hiện nay, hàng ngàn thành viên Ecofascism đang công khai bày rỏ sự vui mừng về việc, nạn dịch COVID-19 đang làm thiệt mạng ngày càng nhiều những người không được xếp vào tầng lớp cư dân da trắng tại Mỹ. 

Chưa hết, chúng còn kêu gọi tổ chức những hoạt động khủng bố đa dạng – từ hình thức đơn giản như trồng cây trái phép, cho tới hoạt động phá hoại các hệ thống truyền tải điện và thậm chí cả việc tổ chức các hành động thảm sát. Tất nhiên trong số này còn có cả những công bố mang tính ôn hòa hơn nhiều: chẳng hạn như hướng dẫn cách tồn tại trong rừng, các kỹ thuật canh tác, tuyển tập văn học theo chủ đề (chủ yếu theo quan điểm cực đoan), phản đối giết mổ gia súc hàng loạt hay thậm chí cả tranh biếm họa – tất cả về cơ bản đều phủ nhận xã hội hiện đại, những ý tưởng và tiến bộ của xã hội loài người.

Tuy nhiên theo các nhà phân tích, nhiều luận điểm của những kẻ cực đoan trên về cơ bản đã lỗi thời. Chẳng hạn khi nói về tình trạng nhân khẩu thừa, chúng chỉ nêu ra luận điểm về “Malthusian trap” (Cạm bẫy Malthusian) – một khái niệm về tình trạng gia tăng dân số sẽ dẫn tới thiếu hụt nghiêm trọng các nguồn tài nguyên, vốn từ lâu đã không còn là vấn đề cấp thiết đối với các quốc gia phát triển. Mặt khác, chúng tái dựng các ý tưởng của nhà sinh thái học Garrett Hardin, vốn là người ủng hộ nhiệt thành cho thuyết ưu sinh học cùng với quan điểm tiêu cực cho rằng: không cần hỗ trợ các nước chưa phát triển, nếu dân cư tại đây đang chết vì đói thì đó là… chuyện cần phải như vậy. 

Với những nhận định trên, các thành viên của Ecofascism được đánh giá là khó có thể phát triển thành một phong trào sâu rộng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển và lan truyền những tư tưởng cực đoan như vậy trong cộng đồng nhiều quốc gia phát triển cũng như trên mạng Internet chắc chắn vẫn được coi là một mối đe dọa không hề nhỏ đối với an ninh toàn cầu.

Kim Lai (tổng hợp)
.
.