Giải cứu những cô dâu trẻ em ở Ấn Độ

Thứ Hai, 25/06/2018, 14:28
Rajni Devi thích đến trường học và ôm ấp nhiều giấc mơ lớn. Nhưng, cũng giống như quá nhiều bé gái khác ở Ấn Độ: Rajni Devi có nguy cơ sớm trở thành cô dâu trong độ tuổi còn đi học.

Rajni chỉ mới 14 tuổi khi bị người mẹ ép lấy chồng song cô bé từ chối thẳng thừng. Rajni chưa sẵn sàng để làm mẹ quá sớm. Tuy nhiên, đối với một cô gái nhỏ ở vùng nông thôn Ấn Độ, Rajni không đơn giản chỉ nói “không” với hôn nhân.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), Ấn Độ có số cô dâu trẻ em cao nhất thế giới với khoảng 17 triệu trẻ em giữa độ tuổi 10 đến 19 bị ép buộc phải kết hôn sớm bất chấp luật cấm hôn nhân trẻ em ở nước này có hiệu lực từ năm 2006.

Đầu năm 2018, trong nỗ lực bảo vệ những cô dâu trẻ em, Tòa án Tối cao Ấn Độ quy định hành vi giao hợp với trẻ em gái vị thành niên sẽ bị ghép vào tội cưỡng dâm. Thế nhưng, bất chấp những quy định luật pháp, cảnh nghèo đói và mối lo ngại về an ninh cũng như những chuẩn mực văn hóa và xã hội Ấn Độ khiến cho các gia đình và cộng đồng nước này tiếp tục ép con gái kết hôn sớm.

Rajni Devi hiện đang lãnh đạo nhóm khoảng 20 cô gái tình nguyện.

Đó là lý do thúc đẩy Rajni Devi dũng cảm đấu tranh chống lại vấn đề này. Cuộc đấu tranh không hề dễ dàng. Rajni mất nhiều tuần để thuyết phục và đưa ra nhiều lập luận chống lại cha mẹ.

Mỗi ngày, Rajni cứ khăng khăng với cha mẹ rằng cô thà chết hơn là phải lấy chồng sớm. Cuối cùng, Rajni Devi đã chiến thắng trong cuộc đấu tranh với cha mẹ. Sau đó, Rajni Devi quyết định tiếp tục cuộc chiến của mình để giải cứu những cô gái khác nữa. Nhiều tháng sau đó, Rajni ngăn chặn thành công 5 cuộc hôn nhân trẻ em trong cộng đồng của mình ở ngôi làng Fateh Nagar thuộc bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ. Rajni dạy các cô gái nhỏ cách nói chuyện và thuyết phục cha mẹ để có thể tiếp tục con đường học vấn và thực hiện những giấc mơ của mình.

Rajni Devi (giữa) và cha mẹ.

Rajni Devi, nay đã 18 tuổi, giúp cả một thế hệ con gái trong ngôi làng của mình tiếp tục việc học và tránh bị kết hôn quá sớm. Nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi, Rajni được mọi người tôn trọng và hiện đang lãnh đạo một nhóm khoảng 20 cô gái đấu tranh chống hôn nhân trẻ em.

Shipra Jha, lãnh đạo tổ chức bảo vệ trẻ em gái chống kết hôn sớm “Girls Not Brides”, bình luận: “Tại những khu vực nghèo đói, các cô gái nhỏ và gia đình thường tin rằng hôn nhân chính là giải pháp đem lại sự an toàn trong tương lai”.

Hôn nhân trẻ em giúp bậc cha mẹ giảm bớt gánh nặng nuôi nấng, mua sắm quần áo và học phí. Ngoài ra, vấn đề cơ sở hạ tầng như là đường sá thiếu an ninh cũng là nguyên nhân thúc đẩy cha mẹ cho con gái còn nhỏ lấy chồng sớm. Ashok Dyalchand phân tích: nhiều ngôi làng vùng nông thôn không có trường học và bậc cha mẹ sợ con gái phải đi học xa trên những con đường nguy hiểm.

Rajni Devi cùng với các cô gái trong làng Fateh Nagar.

Ashok Dyalchand là giám đốc Viện Quản lý Y tế Pachod (IHMP), tổ chức phi chính phủ (NGO) điều hành nhiều chương trình giúp chấm dứt hôn nhân trẻ em ở Ấn Độ. Dyalchand cho rằng: “Nếu tại những ngôi làng đó có trường học, nếu như giao thông được bảo đảm an ninh… Tôi chắc chắn rằng rất nhiều bậc cha mẹ sẽ không để cho con gái phải kết hôn quá sớm như thế”.

Trong khi hôn nhân trẻ em thường được coi như là cách để bảo đảm sự ổn định tài chính và an toàn cho trẻ em gái, thực tế lại phức tạp hơn nhiều. Theo Dhuwarakha Sriram, chuyên gia bảo vệ trẻ em và thiếu niên tại UNICEF Ấn Độ, hôn nhân tuổi vị thành niên gây nhiều hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe sinh sản cũng như tinh thần, đồng thời làm phổ biến thêm tình trạng thất học nơi trẻ em gái. Đặc biệt nhất là hôn nhân trẻ em khiến cho các bé gái phải mang thai quá sớm gây nguy hiểm cho mẹ lẫn con.

Theo số liệu thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ tử vong nơi trẻ em sinh em bé là 50% cao hơn so với phụ nữ đã bước vào tuổi 20. Những biến chứng liên quan đến thai nghén là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 2 cho những bà mẹ tuổi từ 15 đến 19. Nhưng, giờ đây nhờ những nỗ lực của Rajni Devi mà mọi chuyện bắt đầu thay đổi, ít nhất là trong ngôi làng của cô.

Hàng ngày, nhóm thiếu nữ của Rajni Devi đạp xe đạp vượt quãng đường dài 64km để tìm đến các ngôi trường mà tuyên truyền về tác hại của hôn nhân trẻ em. Rajni Devi muốn thực hiện tốt giấc mơ của mình là chiến đấu giành công lý cho phụ nữ và trẻ em gái ở Ấn Độ. Rajni Devi cũng muốn trở thành sĩ quan cảnh sát và mở một trường học trong ngôi làng của mình.

An An (tổng hợp)
.
.