Giấu tiền ở Mỹ dễ hơn Panama!
- Hợp tác điều tra chống trốn thuế trong vụ Hồ sơ Panama
- Lục soát trụ sở chính của Công ty luật Mossack Fonseca tại Panama
- Những cái bóng lớn phía sau Hồ sơ Panama
- "Hồ sơ Panama": Vết dầu sẽ lan tới đâu?
Đăng ký lập công ty bình phong dễ hơn làm thẻ thư viện
Một trong những điều đáng ngạc nhiên nhất trong vòng xoáy truyền thông mang tên “Hồ sơ Panama” suốt mấy ngày qua là có quá ít người Mỹ có tên trong danh sách khách hàng của Công ty luật Kossack Fonseca ở Panama. Cho đến nay, chỉ có hơn 200 người có địa chỉ ở Mỹ được nêu tên là khách hàng của Công ty Kossack Monseca, một con số nhỏ so với những quốc gia khác như Trung Quốc, Thụy Sĩ, Anh, Nga... Tại sao vậy?
Câu hỏi được giải đáp ngay rằng, ở Mỹ, việc đăng ký để tạo ra một công ty bình phong (dạng offshore) dễ hơn nhiều so với lập công ty offshore ở Panama, dễ hơn cả việc đăng ký làm... thẻ thư viện!
Shruti Shah - Phó Chủ tịch các chương trình và hoạt động tại tổ chức Transparency International cho rằng, việc tạo ra một công ty bình phong để che giấu tài sản quá dễ dàng khiến cho người ta nghĩ rằng tại sao phải cần đến những quốc gia như Panama làm chi cho rách việc?
Hiểu theo nghĩa rộng hơn, “thiên đường thuế” không chỉ là nơi để trốn thuế, né thuế (so với các quốc gia đánh thuế cao), mà còn là nơi che giấu những loại tài sản mà chủ nhân không muốn người khác biết mình có, nhất là với người dân trong nước mình. Không chỉ là cất giữ tài sản, kể cả các giao dịch thương mại của các công ty bình phong tại các “thiên đường thuế” này cũng an toàn hơn, tiết kiệm chi phí hơn và đương nhiên thuế thấp hơn nhiều quốc gia chính thống.
Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên chiến với các “thiên đường thuế” ngay từ khi lên nắm quyền năm 2009, nhưng hiện tại đang gặp khó khăn vì chính những “thiên đường thuế” ở nước mình. |
Từ lâu nay, thuật ngữ “thiên đường thuế” thường được truyền thông và giới chức chống trốn thuế trên thế giới mặc nhiên gán cho những quốc gia hay đảo quốc nhỏ, có chính sách ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp nước ngoài như Belize, Cayman Islands, British Virgin Islands, Jersey, Bermuda, và đang được chú ý nhất là Panama. Ít ai quan tâm một sự thật là các “thiên đường thuế” lý tưởng nhất, an toàn nhất thật ra không phải là những quốc gia vừa nêu, mà chính là những quốc gia giàu có nhất, rất quen thuộc với thế giới tài chính.
Đứng đầu là Thụy Sĩ, kế đến là Hồng Kông, Mỹ và Singapore - bốn quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng các “thiên đường thuế” tốt nhất năm 2015 của tổ chức Mạng lưới Công lý về Thuế (TJN), một tổ chức phi chính phủ chuyên theo dõi hoạt động trốn thuế, né thuế toàn cầu.
Đảo quốc Cayman Islands xếp thứ năm, còn Panama - quốc gia đang bị báo chí phương Tây bêu tên về vấn đề “thiên đường thuế” lại xếp sau Mỹ đến 10 bậc, hạng 13 thế giới, ngay phía sau là Marshall Islands, hạng 14. Điều đáng quan tâm nữa là, trong tốp 15 hạng đầu của TJN còn có cả Luxembourg (hạng 6), Đức (hạng 8), Ma Cao (hạng11), Nhật (hạng 12) và Anh (hạng 15).
Một biển quảng cáo mời gọi đến với “thiên đường thuế” Delaware. |
Hãy xem người Mỹ giúp nhà giàu che giấu tài sản như thế nào. Phó Chủ tịch Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) Shruti Shah cho biết, ở Mỹ khi làm thẻ thư viện đòi hỏi mang giấy tờ chứng minh địa chỉ nơi ở hiện tại của người chủ thẻ, nhưng nếu thành lập một công ty bình phong thì chẳng cần những thứ đó. Không bang nào của Mỹ đòi hỏi phải kê khai thông tin về người chủ thụ hưởng của công ty.
Ở Mỹ, việc lập công ty bình phong là chuyện bình thường, không có gì gọi là bất hợp pháp, và các bang ở Mỹ thường tự hào về các chính sách thuận lợi cho kinh doanh. Mức độ dễ dãi khác nhau, nhưng bang Delaware được xem là một trường hợp đặc biệt, một “thiên đường thuế” lý tưởng thu hút hầu hết các doanh nghiệp ở Mỹ. Bang này thường tự hào khoe mình là “kinh đô lập nghiệp” của nước Mỹ.
Theo Cục Quản lý Doanh nghiệp bang này, hơn một triệu doanh nghiệp Mỹ đã chọn Delaware để đặt địa chỉ đăng ký kinh doanh, trong đó có hơn 50% của tất cả các công ty kinh doanh công cộng và hơn 64% công ty thuộc tốp Fortune 500. Người ta dự báo, sau vụ “Hồ sơ Panama”, số lượng công ty bình phong thành lập tại Mỹ có thể tăng vọt, bởi thay vì mang tiền đến Belize hay Panama hay Cayman Islands, các công ty và cá nhân có thể lựa chọn đến Mỹ vì cho rằng dịch vụ ở Mỹ tốt hơn.
Tổ chức Global Financial Integrity đánh giá: Do ở Mỹ vấn đề dùng công ty bình phong để né thuế không được đề cập nhiều như châu Âu hay những nơi khác, cho nên nhiều nhà giàu đang xem nơi đây là một nơi ẩn nấp an toàn.
“Chính sách pháp luật kinh doanh thông minh” tạo sân chơi cho những ai có “mưu đồ”
Dù hoạt động ở Panama, ở Mỹ, hay một quốc gia nào khác trong tốp đầu danh sách các “thiên đường thuế”, thì các công ty bình phong cũng đều giống nhau ở việc tạo thuận lợi cho những người giàu có che giấu tài sản của mình, bất luận đó là tài sản chân chính hay do phạm tội mà có. Công ty bình phong có nhiều cách sử dụng khác nhau. Chúng có thể được dùng để mua đất mà không cần tiết lộ tên họ người mua, và được dùng để che giấu tài sản. Nhưng những việc này không có nghĩa là toàn bộ hệ thống thuế của bang Delaware tạo ra “thiên đường thuế”.
Chẳng hạn, vào giữa thập kỷ đầu thế kỷ XXI, cựu nghị sĩ bang Louisiana William Jefferson lập ra 8 công ty bình phong khác nhau để che giấu hàng trăm ngàn USD tiền nhận hối lộ. Hay như “lái buôn thần chết” Viktor Bout có ít nhất 12 công ty bình phong được lập tại các bang Delaware, Texas và Florida nhằm che đậy hoạt động buôn lậu vũ khí của mình.
Các thống kê của giới quan sát cho biết, trị giá tài sản mà các nhà giàu trên thế giới mang đi giấu ở các “thiên đường thuế” là rất lớn, lên đến 21 nghìn tỉ USD. Gần đây, khi chính quyền trung ương Trung Quốc tiến hành chiến dịch bài trừ tham nhũng mang tên “đả hổ diệt ruồi”, người ta mới phát hiện ra rất nhiều quan tham của Trung Quốc đã mang tài sản bất chính đi giấu ở Mỹ.
Một số người, trong đó có nhiều doanh nhân, giới nghệ sĩ và bà con thân thích của các nhà lãnh đạo cấp cao mang tài sản đi giấu ở Panama, British Vrigin Islands và những “thiên đường thuế” nhỏ khác, nhưng không phải tất cả đều phạm pháp hay có điều gì mờ ám, mà hầu hết là muốn hưởng thuế suất ưu đãi hơn ở quê nhà mà thôi.
Ở Mỹ, ngoài bang Delaware còn có một số bang khác cũng hoạt động như một “thiên đường thuế” từ hàng chục năm qua, như Wyoming và Nevada, chuyên tạo thuận lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp lập ra các công ty bình phong nhằm che giấu tài sản. Cũng như những nơi khác được xem là “thiên đường thuế” trên thế giới, người ở Delaware không chịu nhận mình là “thiên đường thuế”, mà khẳng định rằng đó chỉ là vì Delaware có chính sách pháp luật kinh doanh “rất thông minh”.
Tòa nhà Ugland House ở Cayman Islands, nơi đặt trụ sở Công ty luật Maples & Calder, giúp che giấu tài sản cho hơn 12.000 công dân Mỹ. |
Charles Elson, Giám đốc Trung tâm Quản lý Doanh nghiệp John L. Weinberg tại Đại học Delaware lập luận rằng, “có những công ty có vấn đề cũng đến Delaware hoạt động, nhưng đó không phải do hệ thống luật thuế ở Delaware. Nếu ai đó sử dụng doanh nghiệp tại đây vào những mục đích đen tối nào đó thì đó cũng không phải do lỗi của luật pháp kinh doanh của chúng tôi, mà là do cá nhân đó tạo ra”.
Việc người thì sáng, việc mình thì quáng!
Ngay sau khi “Hồ sơ Panama” được báo chí quốc tế đồng loạt công bố hôm 3-4, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phát biểu mạnh mẽ rằng: “Chúng ta cần phải đặt ra ngoài vòng pháp luật hoạt động tránh đóng thuế toàn cầu”. Có thể xem đây là sự thể hiện quyết tâm chính trị của các nhà lãnh đạo thế giới đối với vấn đề né thuế và trốn thuế trên thế giới. Nhưng từ quyết tâm chính trị này đến hành động cụ thể và hành động như thế nào lại không phải lúc nào làm cũng được, nhất là đối với những quốc gia mà lợi ích chính trị và lợi ích kinh tế đan xen vào nhau như Mỹ. Mỹ là quốc gia có hành động quyết liệt nhất đối với các “thiên đường thuế”.
Trước khi vụ “Hồ sơ Panama” bùng nổ, chính quyền của ông Obama đã rất quyết liệt yêu cầu các ngân hàng hải ngoại giao nộp thông tin về các tài sản đang giấu tại các ngân hàng này. Gần đây, Washington còn giành thắng lợi trước các ngân hàng Thụy Sĩ trong vấn đề bí mật thông tin khách hàng theo luật bí mật thông tin của Thụy Sĩ.
Nước Mỹ được cho là có luật pháp rất nghiêm minh trong vấn đề “thiên đường thuế”, nhưng đó là thứ luật pháp chống lại các “thiên đường thuế” hải ngoại nhằm ngăn chặn các cá nhân và công ty Mỹ mang tài sản ra nước ngoài. Từ khi lên nắm quyền vào năm 2009, Tổng thống Obama đã hứa quyết tâm bài trừ cho bằng được kỹ nghệ bình phong che giấu tài sản và trốn thuế.
Để thực hiện lời hứa đó, ông Obama đã ban hành Luật Tuân thủ Tài khoản thuế ở nước ngoài (FATCA) để kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp Mỹ ở nước ngoài, trong đó có các công ty bình phong trốn thuế. Đạo luật này có hiệu lực từ năm 2014, bắt buộc các ngân hàng và các công ty tài chính khác phải giao nộp thông tin về tài sản của các công dân Mỹ gửi ở nước ngoài.
Nếu các ngân hàng, công ty tài chính này từ chối việc giao nộp thông tin thì có thể phải đối mặt án phạt bằng hình thức áp thuế. Biện pháp này đã bị các quốc gia “thiên đường thuế” khác phản đối, vì cho rằng Washington đã đơn phương tạo ra “tiêu chuẩn vàng” mới cho việc chia sẻ thông tin đa quốc gia chống trốn thuế.
Đảo quốc Cayman Islands được xem là mục tiêu trong chương trình hành động của ông Obama, vì nơi đó có công ty luật Maples & Calder, đơn vị quản lý tài sản cho 12.000 công ty Mỹ trốn thuế. Tuy nhiên, điều trớ trêu là ngay tại Mỹ, những “thiên đường thuế” cũng đang làm điều tương tự như Cayman Islands. Đơn cử trường hợp địa chỉ số 1209 phố North Orange, Delaware, được sử dụng làm địa chỉ cho hơn 6.500 công ty.
Tổng thống Obama đang gặp khó trong việc buộc các “thiên đường thuế” ngay trong nước mình chấm dứt việc giúp cho các cá nhân nước ngoài che giấu tài sản bất minh, phạm pháp. Một khi thúc giục các nước mạnh tay dọn dẹp các “thiên đường thuế”, thì chính nước Mỹ phải tự tay dọn dẹp các “thiên đường thuế” ngay trong nhà mình.
Ông Obama và người kế nhiệm ông sẽ chẳng làm gì được đối với các “thiên đường thuế” ở Mỹ, vì mỗi nhóm lợi ích đều có đại diện trong Quốc hội, với nhiệm vụ bảo vệ tới cùng lợi ích của nhóm. Tổng thống Mỹ muốn thực hiện được mục tiêu chính trị của mình thì phải vận động cho được sự ủng hộ của các nghị sĩ đại diện cho các nhóm lợi ích đó.