Giới doanh nghiệp Venezuela lao đao vì mafia tống tiền

Thứ Tư, 15/06/2016, 20:55
Alejandro Martinez, 40 tuổi, chủ doanh nghiệp Discapaland, không thể đến nhà máy sản xuất của ông từ 5 tháng qua do lo sợ bị mafia giết chết hay bắt cóc. Martinez có nhà máy tại khu vực được xem là mất an ninh nhất tại thủ đô Caracas của Venezuela, nơi một băng nhóm mafia vũ trang đòi “thuế” đối với mỗi doanh nghiệp làm ăn trong địa phận do chúng kiểm soát nếu không muốn bị tấn công.

Với tình hình nền kinh tế đất nước tiếp tục lâm vào cảnh suy thoái tồi tệ nhất trong hơn 70 năm qua, Martinez khẳng định ông không có tiền để nộp cho mafia.

Discapaland của Alejandro Martinez là doanh ngiệp duy nhất ở Venezuela chuyên thiết kế những sản phẩm phục vụ người tàn tật. Tháng 12-2015 là lần cuối cùng Martinez đi đến nhà máy Discapaland và ông không còn khả năng đối phó với sự đe dọa của nhóm mafia tự xưng là “unionist”. Sau khi nhìn thấy một bạn gái doanh nhân bị bắt cóc vì không trả tiền bảo kê (nhưng chị được thả ra không bị thương tích nhờ gia đình chấp thuận nộp tiền chuộc mạng), Martinez lo sợ một ngày nào đó ông cũng bị bọn chúng bắt cóc.

Martinez kể: “Tôi chịu đựng sự khủng bố tâm lý hằng ngày. Do sợ mình sẽ là nạn nhân kế tiếp cho nên tôi không dám đến nơi làm việc”. Trong 5 tháng qua, Martinez và 2 nhân viên của ông sống được nhờ bán một số sản phẩm dự trữ từ trước đó. Bản thân Martinez phải sử dụng xe lăn do bị liệt sau tai nạn khi chơi lướt sóng lúc 20 tuổi.

Với tỷ lệ thất nghiệp ở Venezuela hiện nay là 17%, những người tàn tật như Martinez rất khó kiếm tiền. Venezuela là quốc gia có nền kinh tế thảm hại hàng thứ 4 trên thế giới – theo báo cáo năm 2016 của Ngân hàng Thế giới (WB). Cho dù không bị mafia đe dọa tống tiền, doanh nhân ở Venezuela cũng rất chật vật khi phải điều hành một công ty kinh doanh.

Siêu thị Venezuela khan hiếm mặt hàng thực phẩm tươi sống.

Theo WB, điều hành một doanh nghiệp ở Syria còn dễ hơn ở Venezuela. Theo báo cáo của WB, Venezuela không là nơi dễ chịu để thành lập công ty khởi nghiệp và nước này cũng không bảo vệ được nhà đầu tư cũng như hoạt động xuất và nhập khẩu. Đối với các doanh nghiệp nhỏ như Discapaland của Martinez, nền kinh tế suy thoái tác động đến họ là vô cùng lớn.

Tại nhà máy sản xuất bia cỡ nhỏ Coronarias ở Caracas, 3 người bạn đồng sáng lập – Juan Manuel Torres, Daniel Dimas và Rafael Rojas (tất cả đều 24 tuổi) - đành phải buôn lậu nguyên liệu sản xuất gồm hạt lúa mạch và hoa bia vào Venezuela mới có thể tồn tại. Juan Torres phân trần: “Chúng tôi giấu nguyên liệu trong hành lý mỗi khi đi ra nước ngoài. Đó có lẽ là cách duy nhất để chúng tôi tiếp tục sản xuất bia”.

Người dân Venezuela xếp hàng dài chờ mua thực phẩm trong siêu thị.

Cả 3 người bạn - thành lập công ty bia từ năm 2013 - thừa nhận họ cũng cần mua USD trên thị trường đen. Song bất chấp mọi nỗ lực để tồn tại, họ cũng chỉ có thể sản xuất 1.000 lít bia trong một tháng tại một căn nhà ở phía đông thủ đô Caracas. Từ năm 2010, khoảng 1,5 triệu người Venezuela (chiếm khoảng 6% dân số) đã rời khỏi đất nước do kinh tế suy thoái.

Song cũng có nhiều doanh nhân trẻ tuổi chấp nhận ở lại quê hương để cố gắng cải thiện tình hình. Ba anh em Alejandro (17 tuổi), Enrique (24 tuổi)  và Carlos Maduro (30 tuổi) chính là những doanh nhân can đảm như thế.  Họ điều hành Rapikito - mạng lưới 4 siêu thị nhỏ được thành lập năm 2012 nhờ khoản tiền tiết kiệm được trong thời gian làm DJ cùng với một khoản vay ngân hàng. Do nguồn cung cấp thực phẩm - gồm bánh mì, rau hay thịt tươi sống - trở nên khan hiếm cho nên các siêu thị của họ kinh doanh rất ế ẩm.

Alejandro Martinez (bên phải).

Để chống chọi, Rapikito tập trung kinh doanh các mặt hàng khác như khoai tây chiên giòn, kẹo, rượu và thức uống không cồn. Alejandro Maduro cho biết tỷ lệ lạm phát cao ngất ngưởng khiến cho việc kiểm soát giá cả vô cùng khó khăn dẫn đến lợi nhuận bị ảnh hưởng mạnh. Nhưng, Alejandro nhấn mạnh: “Nếu chúng tôi rời bỏ đất nước thì những gì sẽ xảy ra?”.

Đối với doanh nghiệp Discapaland chuyên thiết kế sản phẩm cho người tàn tật của mình, Alejandro Martinez tiết lộ ông có kế hoạch mở một nhà máy mới ở một khu vực khác an ninh hơn trong thủ đô Caracas. Ông phát biểu với báo chí: “Chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn nữa để có các sản phẩm Made in Venezuela”.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.