Italia tuyên chiến với vấn nạn trốn thuế

Thứ Năm, 01/03/2018, 21:17
Ngay sau khi nhậm chức vào đầu tháng 12-2016, Thủ tướng P. Gentiloni đã coi cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống lại vấn nạn trốn thuế là ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới, trong khuôn khổ luật pháp cho phép kết hợp với sự đồng thuận của công luận.

Vào buổi tối ngày 20-2 vừa qua, các nhân viên vận sắc phục của Cơ quan Thuế vụ Italia (Equitalia) đột ngột xuất hiện tại nhà hàng Del Duca sang trọng trong khu Trastevere cổ kính của thủ đô Roma.

Nhưng họ đâu có gọi món ăn thượng hạng để thưởng thức mà tiến hành kiểm tra sổ sách kế toán cùng hóa đơn thu chi giữa đám thực khách đông đúc, rồi công việc chỉ được hoàn tất sau 3 giờ rà soát tỉ mỉ đến tờ biên lai cuối cùng.

Chủ nhân các loại xe siêu sang thường bị tình nghi khai man thuế.

Việc kiểm tra đột xuất các cơ sở ăn uống giải trí là một phần nằm trong chiến dịch chống lại vấn nạn trốn thuế, do người đứng đầu Chính phủ Italia là Thủ Tướng Paolo Gentiloni đích thân khởi xướng, hòng vực dậy nền kinh tế đất nước đang bị tác động từ cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu, cũng như củng cố lòng tin trong công chúng.

Chiến dịch tập trung thanh sát nhắm vào các cửa tiệm, khách sạn, nhà hàng và cơ sở giải trí ở tất cả các đô thị trên cả nước.

Ngoài ra nhân viên Equitalia còn được quyền chặn những chiếc xe đắt tiền đang chạy trên đường phố, yêu cầu tài xế xuất trình bản kê nộp thuế trong thời gian gần nhất cùng với giấy chứng nhận sở hữu động sản.

Kết quả trong 3 tháng gần đây, đã có 2.806 chủ nhân ô tô thuộc dòng xe siêu sang sau khi bị kiểm tra bất thình lình, đã không thể chứng minh mức thu nhập như trong tờ khai đóng thuế ngõ hầu đáp ứng việc mua xe đắt tiền. Những hình thức thanh kiểm bất thường được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, khiến giới chỉ trích ca thán rằng “Italia đã trở thành một nhà nước của... cảnh sát thuế”.

Người dân Roma biểu tình đòi chính phủ có hành động thiết thực chống khủng hoảng kinh tế.

Ngược lại, đa phần dân chúng đều nhận thức được vấn đề, rằng chính phủ đã cương quyết ra tay trấn áp những kẻ cố tình trốn thuế hoặc kê khai không đầy đủ. “Nhà hàng chúng tôi thường bị kiểm tra bởi các cơ quan chức năng khác nhau, từ vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý lao động đến bảo hiểm y tế... còn với Equitalia thì đây là lần đầu tiên”, bà Anna Leo chủ restaurant Del Duca cho biết.

Đồng thời bà A. Leo cũng bày tỏ sự ủng hộ các biện pháp mới của giới hữu trách. “Tôi cho rằng cơ quan Equitalia đã hành xử đúng luật, bởi mọi người trong chúng ta đều có nghĩa vụ phải nộp thuế đầy đủ - chủ nhà hàng A. Leo nhấn mạnh thêm - vả lại có quá nhiều người đã luồn lách hòng hưởng lợi từ những đóng góp của số đông, điều này thật không công bằng”.

Nhà chức trách Italia ước tính ngân sách thường niên bị mất khoảng 115 tỉ euro từ những kẻ trốn thuế. Còn theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia thì số tiền thất thu ngang với 1,75% Tổng thu nhập quốc dân hằng năm (GDP) của Italia, trong khi mức nợ công tương đương 120% GDP lên tới 2,09 nghìn tỉ euro.

Ngay sau khi nhậm chức vào đầu tháng 12-2016, Thủ tướng P. Gentiloni đã coi cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống lại vấn nạn trốn thuế là ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới, trong khuôn khổ luật pháp cho phép kết hợp với sự đồng thuận của công luận.

“Sự gian lận thuế ngày một tăng, không chỉ mang nét giả tạo đặc trưng mà còn là gánh nặng tiềm ẩn mối đe dọa cho xã hội”, Thượng tướng Giorgio Toschi - Cục trưởng Cục Cảnh sát Tài chính (GdF) trực thuộc Bộ Kinh tế và Tài chính Italia, đã chỉ rõ trong phiên họp mới đây của Ủy ban Ngân sách Quốc hội; đồng thời Tướng G. Toschi cho biết số tiền truy thu thuế trong năm 2017 vừa qua là 12 tỉ euro.

Riêng Thủ tướng P. Gentiloni đề nghị trong cuộc họp nói trên, rằng nên dùng tiền thu được từ những kẻ trốn thuế bù đắp cho việc cần thiết là giảm tỷ lệ đóng thuế của dân chúng nói chung, nhất là với các đối tượng nghiêm chỉnh nộp thuế đầy đủ xưa nay. Mặt khác giới hữu trách Italia cũng thiết lập đường dây điện thoại nóng, tạo điều kiện cho công dân phản ánh khi chưa nhận được thông báo thuế kịp thời.

Tuy nhiên cũng xuất hiện những mối nghi ngại về các cách thức tận thu thuế, thậm chí dễ trở thành mục tiêu của những cuộc săn lùng, trả thù, hay đơn giản hơn là từ sự ganh ghét. “Tôi hoàn toàn ủng hộ việc tuyên chiến với vấn nạn trốn thuế, đặc biệt là với các công ty đã làm ô danh tên tuổi Italia trước bạn bè quốc tế - doanh nhân Sergio Marchionne, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hãng Ferrari S.p.A chuyên sản xuất xe hơi thể thao thổ lộ.

Còn bà Andrea Nikoletto, Chủ tịch Câu lạc bộ Những người sở hữu xe Lamborghini toàn Italia thì bức xúc: “Một khi xe đã được đăng ký hợp pháp, không cần thiết phải kiểm tra chủ sở hữu làm gì. Trước khả năng bị nhân viên Equitalia dừng xe bất chợt, nhiều người chọn phương án không xuất hiện cùng siêu xe ngoài đường mà sử dụng phương tiện khác. Chuyện này ít nhiều mang hơi hướng của việc phân biệt đối xử thái quá.

Ví như chỉ nội trong một ngày tại tỉnh Trentino-Alto Adige cực bắc Italia, nhóm nhân viên Equitalia đã cho dừng hơn 100 chiếc xe siêu sang chạy ngang qua đây hướng về phía biên giới Áo”. Riêng cơ quan Equitalia luôn nhận được những sự phản kháng khác nhau, kể cả việc gửi bom thư qua đường bưu điện chứng tỏ cuộc chiến thật nan giải.

Theo kết quả do Viện Thăm dò dư luận Demopolis có trụ sở tại Roma mới công bố, có tới 80% số người Italia được hỏi bày tỏ sự hậu thuẫn chính sách bài trừ nạn trốn thuế của chính phủ, coi đó là biện pháp căn bản nhằm ổn định nền tài chính đất nước. “Tôi cho rằng tất cả mọi người Italia đều đồng thuận với sách lược của Thủ tướng P. Gentiloni, ngoại trừ những kẻ rắp tâm trốn thuế”, bà Rosana Vigevani 61 tuổi, một nhà giáo nghỉ hưu ở thành phố Milano khẳng định.

Thu Hường (theo la Repubblica)
.
.