Kỳ thị chủng tộc tại Mỹ: Vết thương chưa bao giờ lành
- Xét xử vụ kỳ thị chủng tộc trong lực lượng Hải quân
- Kỳ thị chủng tộc tàn nhẫn, xót lòng trong thế giới chân dài
“Chúng tôi muốn lấy lại đất nước của chúng tôi!”
Hàng trăm người la lớn, đấm nhau, ném chai nước, và xịt hóa chất vào mặt nhau hôm 12-8, sau khi bạo động bùng nổ trong một cuộc tuần hành của một nhóm da trắng kỳ thị chủng tộc và những nhóm khác chống lại họ ở Charlottesville, Virginia. Trong lúc bạo động nổ ra, một thanh niên cực hữu lái một chiếc xe đâm thẳng vào đám đông người biểu tình chống kỳ thị chủng tộc, làm một phụ nữ thiệt mạng và rất nhiều người khác bị thương, trong đó có 5 người trong tình trạng nguy kịch. Hung thủ đã bị bắt giữ ngay tại chỗ.
Hãng tin Reuters ước tính có đến 30 người bị thương. Chính quyền thành phố đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong lúc cảnh sát tìm cách giải tán đám đông hàng trăm người tụ tập bên ngoài trường cao đẳng của thành phố.
Cảnh sát trưởng Al Thomas cho biết: “Tình hình diễn biến nghiêm trọng vì vậy chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc triển khai thêm nhân viên an ninh từ cơ quan cảnh sát và lực lượng vệ binh bang Virginia để giải tán đám đông và giúp người dân di chuyển an toàn trên các tuyến phố”.
Nguyên cớ hình thành cuộc tuần hành là những thành phần cực hữu phản đối quyết định của Hội đồng thành phố Charlottesville dỡ bỏ tượng của đại tướng Robert Edward Lee, người thống lĩnh quân đội Liên minh miền Nam thua trận trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ (1861-1865).
Hai phía kỳ thị và chống kỳ thị chủng tộc đụng độ nhau ở Charlottesville. |
Nhưng tướng Robert E.Lee là người biết nhận định cục diện vì khi Liên minh miền Nam buông súng đầu hàng trước quân miền Bắc, chính ông đã ra lời kêu gọi binh sĩ miền Nam còn tồn tại khắp Hoa Kỳ đừng ngoan cố tiến hành chiến tranh du kích phá hoại chính phủ miền Bắc cũng như kêu gọi tái thiết nền hòa bình cho Hoa Kỳ thời hậu nội chiến. Hành động cao đẹp của ông khiến những người miền Bắc cũng phải kính phục và ông được xem là một biểu tượng cao đẹp trong quân sử Hoa Kỳ.
Charlottesville, nằm trên rặng núi Blue Ridge Mountains, là một thành phố cấp tiến. Chuyện dời bức tượng là một cố gắng lớn của thành phố nhằm thay đổi lịch sử của Charlottesville trong con mắt của công chúng. Thành phố cũng đổi tên công viên Lee Park, nơi có bức tượng của ông Lee, thành Jackson Park, tên của ông Thomas “Stonewall” Jackson, một vị tướng khác của miền Nam trong thời kỳ Nội chiến.
Cho tới nay, tượng tướng Lee vẫn còn đó, vì tòa án ra phán quyết tạm thời không cho thành phố dời đi, sau khi có đơn kiện nói rằng, dời bức tượng là vi phạm luật tiểu bang trong việc quản trị các tượng đài.
Thống đốc bang Virginia Terry McAuliffe đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp, và cảnh sát chống bạo động được điều động xuống hiện trường để giải tán người biểu tình. Sau khi cuộc xô xát đã được dẹp yên, ông McAuliffe lên truyền hình kêu gọi: “Về nhà đi. Đừng bao giờ trở lại. Đây không phải là chỗ cho người kỳ thị chủng tộc”.
Tổng thống Donald Trump phát biểu: “Chúng tôi cực lực lên án sự biểu thị quá mức của lòng thù hận, lòng tin mù quáng và bạo lực của các bên”, đồng thời kêu gọi người dân Mỹ đoàn kết, bất kể màu da, tín ngưỡng, tôn giáo hay chính đảng. Vài giờ sau, trong một cuộc họp báo tại Bedminster, New Jersey, Tổng thống Trump chỉ trích “tất cả mọi phía” trong vụ bạo động này. Ông Trump cũng cho rằng, bạo động đã âm ỉ từ lâu tại Mỹ, “không phải tại Donald Trump, cũng không phải tại Barack Obama”.
Chuyện Tổng thống Trump chỉ trích “tất cả mọi phía” mà không nêu đích danh các nhóm kỳ thị chủng tộc bị các thượng nghị sĩ Cộng hòa chỉ trích, bao gồm các thượng nghị sĩ hàng đầu tại Thượng viện như Chuck Grassley (Iowa), Orrin Hatch (Utah), John McCain (Arizona), Rob Portman (Ohio), Cory Gardner (Colorado), và Marco Rubio (Florida), là nhà lãnh đạo Mỹ tránh nói đến các thành phần xấu gây ra bạo động. “Thưa ngài tổng thống, chúng ta phải gọi đúng tình trạng đó là tội ác”, nghị sĩ đảng Cộng hòa Cory Gardner viết trên Twitter.
Nhiều người cho rằng, Tổng thống Mỹ phải có trách nhiệm trong việc không lên án tình trạng cực đoan ủng hộ người da trắng. Tổng thống Mỹ thường có những quan điểm dứt khoát, nhưng lần này thì ông lại đánh đồng mọi phía. Theo giới quan sát, Tổng thống Trump bị lâm vào tình thế tế nhị vì các thành phần cực hữu là giới đã ủng hộ ông trong cuộc bầu cử.
Quả thực là không ai biết bên nào đã bắt đầu gây bạo động trước, hay có những hành động khiêu khích đầu tiên, nhưng chắc chắn là có rất nhiều cử tri của ông Trump trong số những kẻ cực hữu hơn là những người chống kỳ thị, mà những người này lại là nạn nhân chính trong những vụ bạo động.
Trong số các nhóm người da trắng kỳ thị chủng tộc (cực hữu) trên, có nhóm tân quốc xã All-Right, thành viên phong trào kỳ thị người da đen Ku Klux Klan (KKK hay còn gọi là 3K). Có mặt tại cuộc tuần hành, ông David Duke, cựu lãnh đạo nhóm 3K cho biết, cuộc tuần hành của những người thuộc nhóm All-Right là để “hoàn thành viễn kiến về nước Mỹ của Tổng thống Donald Trump”.
Bạo động ở Charlottesville (Mỹ) ngày 12-8. |
“Chúng tôi quyết tâm lấy lại đất nước của chúng tôi”, ông Duke nói, và gọi đây là “thời khắc quan trọng”. Ông tiếp: “Chúng tôi đang hoàn thành các lời hứa của Tổng thống Trump. Đó là điều chúng tôi tin. Đó là vì sao chúng tôi bỏ phiếu cho ông Trump, bởi vì ông nói rằng ông sẽ lấy đất nước này lại cho chúng tôi”.
Thị trưởng Charlottesville, Michael Signer nói trên CNN rằng ông cảm thấy ghê tởm khi những người da trắng cực đoan đến thành phố này. Bộ Tư pháp Mỹ ngày 14-8 đã mở một cuộc điều tra dân quyền liên quan đến vụ tông xe làm chết một người ở thành phố Charlottesville.
Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions nói: “Bạo lực và những người thiệt mạng ở Charlottesville đánh vào chính diện của luật pháp và công lý Mỹ. Khi những hành động như vậy phát sinh từ sự cực đoan và thù hằn chủng tộc, chúng phản bội những giá trị cốt lõi của chúng ta và không thể nào được dung thứ”.
Che lấp vết rạn nứt bằng cách tôn vinh những giá trị tự do, bình đẳng
Như vậy cho đến nay, cuộc bạo động mới vì sắc tộc ở Mỹ đã tạm lắng trên đường phố nhưng lại nóng trên các phương tiện truyền thông. Các nhà bình luận chính trị Pháp nhận xét: vấn đề này đeo bám ông Trump không chỉ ngày một ngày hai mà sẽ còn suốt nhiệm kỳ tổng thống của ông bởi lẽ vấn đề sắc tộc chưa bao giờ được giải quyết dứt điểm tại Mỹ từ nhiều năm qua.
Trước khi diễn ra vụ ở Charlottesville, nước Mỹ cũng từng chứng kiến làn sóng biểu tình lớn tại nhiều thành phố và kéo dài nhiều ngày liên quan tới sự đối xử của những cảnh sát da trắng với người Mỹ gốc Phi.
Soi vào lịch sử, từ gần một thế kỷ nay, Mỹ luôn vẫn phải đối mặt với những vụ bạo động mang màu sắc kỳ thị chủng tộc. Có thể kể ra một số mốc thời gian như Charlotte, Bắc Carolina, tháng 9-2016; Ferguson, Missouri, tháng 8-2014; lùi xa hơn một chút, Cincinnati, Ohio, tháng 4-2001; Miami, Florida, tháng 5-1980... Trong hàng loạt những cuộc bạo động này, giới nghiên cứu lịch sử chú ý nhất tới cuộc nổi dậy của người da đen ở Chicago, Illinois, vào tháng 7-1919.
Sự kiện này được coi là lần đầu tiên, người da đen dùng bạo lực đáp trả bạo lực. Cuộc nổi dậy dẫn đến bạo loạn ở Chicago kéo dài 13 ngày, làm 38 người chết, trong đó 23 người da đen và 15 người da trắng, hơn 500 người thương. Điều đáng nói là bạo loạn năm 1919 không dẫn đến những thay đổi đặc biệt nào ở Chicago.
Thậm chí, tình hình sau Thế chiến I rất khó khăn và khốc liệt đối với người da đen tại Mỹ, nhất là tại Chicago. Những cuộc nổi dậy sau này cũng cho kết cục tương tự.
Cuộc bạo loạn ở thành phố Charlottesville một lần nữa cho thấy, ẩn sau bức tranh đa sắc của một nước Mỹ phồn vinh, một xã hội phát triển hàng đầu thế giới và luôn tự hào với những giá trị của bình đẳng và dân chủ là xung đột gay gắt giữa các hệ phái tư tưởng dân tộc, xung đột sắc tộc vẫn âm ỉ tồn tại, chỉ cần có cơ hội là bùng phát thành những vụ xô xát đầy bạo lực. Trên hết, nó biểu hiện cho một thực tế rất đáng quan ngại ở Mỹ: Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc (racism) vẫn tồn tại trong xã hội. Mà tệ hại hơn, chủ thuyết đó hiện đang trên đà trỗi dậy.
Theo một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Luật người nghèo miền Nam Mỹ (SPLC), một tổ chức phi lợi nhuận chuyên theo dõi các nhóm cực đoan, số lượng các nhóm người có tổ chức với tư tưởng chống người Hồi giáo trên nước Mỹ đã tăng lên gần gấp 3 lần, từ 34 lên tới hơn 100 tổ chức chỉ riêng trong năm 2016, hơn 900 tổ chức có quan điểm thù ghét đang hoạt động trên khắp nước Mỹ - bao gồm các nhóm phát xít mới, các tổ chức phân biệt người da màu và người Hồi giáo.
Nguy hiểm hơn, số lượng các tổ chức thù ghét ở Mỹ gia tăng trong bối cảnh xuất hiện thêm hàng loạt các website ẩn danh mang tư tưởng tương tự. Một trong những ví dụ điển hình là trang Daily Stormer, một website mang tư tưởng phát xít mới trong đó ban quản trị website này khuyến khích các thành viên công kích các đối thủ chính trị chống lại họ.
Việc nhiều tổ chức có tư tưởng thù địch và phân biệt chủng tộc chuyển hướng hoạt động lên không gian mạng đã khiến cho giới phân tích khó có thể đưa ra kết quả chính xác về sự gia tăng tư tưởng thù hận ở nước Mỹ.
Hai phía kỳ thị và chống kỳ thị chủng tộc đụng độ nhau ở Charlottesville. |
Bản báo cáo về năm 2016 cũng chỉ ra rằng, có sự tăng nhẹ về số lượng các tổ chức cực đoan của người da màu trên đất Mỹ từ 113 lên 180 tổ chức sau khoảng thời gian tăng đột biến (59%) trong năm 2015. Vụ sát hại 5 sĩ quan cảnh sát ở Dallas mà thủ phạm là một tay súng đã từng ủng hộ các nhóm phân biệt chủng tộc trên Facebook đã khiến các tổ chức kiểu này thu hút thêm sự chú ý của dư luận.
Báo cáo cho hay, các nhóm phân biệt chủng tộc kiểu này thường tỏ ra thù ghét người da trắng, người Do Thái và cộng đồng người đồng tính, và không nên bị nhầm lẫn với các tổ chức vì nhân quyền khác như Black Lives Matter - đòi sự công bằng cho người da màu và chống bạo lực. Sau hàng chục năm gần như biến mất khỏi đời sống xã hội Mỹ, các tổ chức phân biệt chủng tộc hay thù hằn đã bất ngờ tái sinh, biến thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận trong năm 2016, khi các thành viên của tổ chức 3K và phát xít mới tham gia tuần hành chung trong một số sự kiện.
Theo các nhà hoạt động xã hội, “cực hữu” hay “quan điểm bảo thủ” chỉ là thứ danh xưng để hợp pháp hóa và công khai việc những người đứng đầu lực lượng này thật ra đang rao giảng về “vị trí thượng đẳng của người da trắng” (white supremacist) - đây cũng chính là giá trị chung của tổ chức khủng bố người da đen 3K khét tiếng hình thành sau thời kỳ nội chiến Nam - Bắc Mỹ và những kẻ tin vào chủ thuyết phát xít thượng đẳng (Nazism).
Nguyên nhân sâu xa của các vụ bạo động sắc tộc không phải chỉ vì mất an ninh, tội phạm gia tăng, mà là triệu chứng của một xã hội bị rạn nứt thậm chí chia rẽ mà chưa một chính quyền nào ở Mỹ có thể giải quyết được tận gốc rễ. Có chăng chỉ là họ tìm cách xóa nhòa những vết nứt đó, chôn chúng thật sâu bằng cách tôn vinh những giá trị tự do, bình đẳng nhưng tinh thần kỳ thị chủng tộc ở Mỹ cả với người da đen lẫn da trắng chưa bao giờ “chết”, chúng chỉ “ngủ” và có thể thức dậy bất cứ lúc nào nếu có nhân tố đánh thức.