Ma lực từ lợi nhuận buôn lậu ngà voi châu Phi

Thứ Ba, 15/11/2016, 10:00
Với đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam, ngà voi được sử dụng làm trang sức và nhiều vật liên quan đến tín ngưỡng, tập tục truyền thống riêng của các dân tộc, bộ tộc. Nhưng khi ngành du lịch phát triển, các loại trang sức, vật lưu niệm theo kinh tế thị trường len lỏi vào tận các buôn làng heo hút trên dãy Trường Sơn, nhiều sản phẩm chế tác từ ngà voi cũng theo đó mà tràn lan khắp mọi nơi...

Lượng voi rừng tự nhiên của Việt Nam không nhiều so với các nước lân cận như Lào, Myanma, Campuchia... Đến nay, các quốc gia có nhiều voi đang nỗ lực bằng nhiều cách để bảo tồn, bảo vệ đàn voi rừng, quyết liệt ngăn chặn và trừng phạt những kẻ trộm lén lút giết voi rừng để lấy ngà và đuôi, da, lông...

Nguồn cung dần trở nên cạn kiệt và khó khăn hơn nên giá các sản phẩm từ ngà voi tăng rất cao, hút ngà voi từ các quốc gia châu Phi liên tục đổ về Việt Nam. Một thực trạng đáng báo động.

Trung tướng Đồng Đại Lộc - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát cùng lãnh đạo Tổng Cục Hải quan kiểm tra vụ ngà voi nhập lậu trong ruột gỗ tại cảng Cát Lái - TP HCM. Ảnh: Trường Sơn.

Muôn kiểu nhập lậu ngà voi châu Phi

Những vụ nhập lậu ngà voi vào Việt Nam được Cơ quan hải quan phát hiện nhiều, số lượng lớn chỉ hơn một tháng qua tại cảng biển TP HCM. Ngà voi nguyên chiếc, ngà voi phân thành từng khúc, ngà voi dưới dạng sản phẩm mỹ nghệ thô, ngà voi cưa nhỏ...

Vào ngày 5-10-2016, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Diệu Tiên mở tờ khai hải quan số 101065330921/A11 nhập kinh doanh hàng hóa khai báo gồm 2 container mang số hiệu FCIU 2873903 và ECMU 1164264, tổng cộng 44.50 m3 (69 Pieces gỗ xoan đào - là hàng hóa không nằm trong danh mục cấm theo Công ước Cites), mới 100%, xuất xứ Mozambique. Do đó lô hàng trên được ưu tiên qua hệ thống phân luồng Vàng, không kiểm hàng, chỉ kiểm tra hồ sơ.

Ngày 6-10, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 phối hợp cùng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu (C74) - Bộ Công an kiểm tra 2 container hàng nhập khẩu gỗ xoan đào phát hiện trên 2 tấn ngà voi, thuộc danh mục cấm xuất nhập khẩu từ châu Phi vào Việt Nam qua cảng Cát Lái (TP HCM). Toàn bộ số ngà voi trên được giấu trong ruột 12 khối gỗ khoét rỗng, được xếp khít chặt và chèn kín bằng mùn cưa, bắt ốc vít kẹp cứng cẩn thận, sau đó gia cố như một khối gỗ bình thường, bằng mắt thường rất khó mà nhận biết.

Thủ đoạn rất tinh vi này đã được cơ quan chức năng soi chiếu phát hiện và thuê công nhân lần dò từng con ốc vít, mới bật nắp gỗ lên, phát hiện bên trong ruột là ngà voi. Tổng số lượng ngà voi nhập lậu gồm 569 khúc, trọng lượng 2.052 kg, với nhiều kích cỡ, chủng loại có xuất xứ từ các các quốc gia châu Phi như: Mozambique, Angola...

Pháp nhân đứng tên tờ khai nhập khẩu lô hàng trên là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Diệu Tiên, địa chỉ số 66/8 đường Tái Thiết, phường 11, quận Tân Bình, TP HCM (số ĐT: 098146359). Khi cơ quan chức năng kiểm tra, tại địa chỉ trên không hề có Công ty Diệu Tiên mà chỉ là một tiệm tạp hóa khoảng hơn 4m2. Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cấp giấy phép kinh doanh cho Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Diệu Tiên số 0113525421 ngày 9-11-2005 đứng tên Giám đốc doanh nghiệp là bà Võ Thị Hồng Diệu.

Tiếp đến, ngày 26-10 các cơ quan chức năng Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cục Cảnh sát phòng chống buôn lậu Bộ Công an lại kiểm tra và phát hiện tại cảng Cát Lái 2 container hàng quá cảnh chứa gần 1 tấn ngà voi. Với thủ đoạn cất giấu trong khối gỗ khoét rỗng ruột, sau đó đổ bột cao lanh trùm kín phủ lên, dán chặt bằng keo và phủ đất có màu như gỗ nhằm ngụy trang, đánh lừa máy soi chiếu, nhưng gần 1 tấn ngà voi nhập lậu đã bị phát hiện.

Một con voi rừng bị bắn chết tại Vườn Quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk).

Đây là một trong những lô hàng chứa ngà voi, vẩy tê tê cất giấu tinh vi trong ruột gỗ có xuất xứ từ Mozambique, của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Diệu Tiên nhập khẩu cùng một công ty khác tại tại TP HCM từng bị cơ quan chức năng phát hiện, tạm giữ.

Mới đây nhất, vào ngày 1-11-2016, Cục Hải quan TP đã phối hợp các lực lượng chức năng khám xét 2 container, phát hiện hơn nửa tấn ngà voi chứa trong ruột rỗng khối gỗ nhập về cảng Cát Lái ngày 31-10. Trên Manifest thể hiện xuất xứ gỗ từ Nigeria về cảng Bình Dương, người nhận là Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại, dịch vụ T.P thuộc tỉnh Bình Phước. Số ngà voi trên cũng được cất giấu với những thủ đoạn tinh vi như những vụ trên.

Như vậy, chỉ trong tháng 10 và ngày đầu tiên tháng 11, lực lượng Hải quan cảng Sài Gòn TP HCM và lực lượng C74 Bộ Công an đã liên tục phát hiện 4 vụ nhập lậu ngà voi từ châu Phi, có số lượng lớn, với tổng trị giá hàng trăm tỷ đồng.

Trước tình hình phức tạp về buôn lậu ngà voi, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Tổng Cục Hải quan, cơ quan Cảnh sát điều tra khẩn trương, tập trung điều tra làm rõ đường dây buôn lậu, đối tượng cầm đầu và các đồng phạm trong các vụ buôn lậu ngà voi để xử lý nghiêm trước pháp luật.

Đồng thời thể hiện tinh thần, đảm bảo việc thực hiện nghiêm các cam kết của Việt Nam trong thực thi các công ước quốc tế và các hiệp định đa phương, song phương về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm mà Việt Nam tham gia là thành viên.

Nước ta chính thức cấm buôn bán ngà voi từ năm 1992, sau khi tham gia Công ước CITES. Tháng 2/2014, Việt Nam cùng đại diện hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, các tổ chức liên chính phủ quốc tế đã tham dự Hội nghị London (Anh) về buôn bán trái phép động vật hoang dã nguy cấp do Chính phủ và Hoàng gia Anh tổ chức.

Tại hội nghị đã thông tin hơn 10.000 con voi bị giết hại lấy ngà. Và các tổ chức, nhóm chuyên nghiệp săn bắn biết rằng, voi châu Á nằm trong Phụ lục I của Công ước CITES bị cấm săn bắt triệt để, thì những kẻ săn trộm và đối tượng buôn lậu ngà voi chuyển hướng sang châu Phi vì theo Công ước CITES không phải bất kỳ loài voi châu Phi nào cũng nằm trong diện bị cấm sắn bắt. Vì châu Phi có một số quốc gia cho phép săn bắt một số loài voi để lấy ngà.

Mặc dù vậy, Công ước cũng đưa ra rất nhiều ràng buộc về giấy phép vận chuyển, giấy phép xuất nhập khẩu nên không dễ dàng có “con đường tơ lụa” cho loại ngà voi (được phép săn bắt) tại châu Phi có thể vượt biên vào các quốc gia trên thế giới nếu không phải buôn lậu, nhập lậu và vận chuyển lậu.

Ma lực đồng tiền từ ngà voi

Từ xa xưa, ngà voi và sừng tê giác là những món báu vật mang ý nghĩa thiêng liêng cao quý, tượng trưng cho sức mạnh và quyền lực. Theo quan niệm phương Đông, chỉ có các bậc vua chúa mới được dâng cống phẩm ngà voi, thường dân chỉ có thể nằm mơ và không được sử dụng. Trong các triều đại phong kiến, các quốc gia nhược tiểu, các nước và vùng lãnh thổ nhỏ bé đều có nghĩa vụ triều cống nước lớn bằng voi trắng, ngà voi, sừng tê, trân châu...

Với người Việt, từ thời đại Hùng Vương, hình ảnh hùng dũng, uy nghi về sức mạnh và uy phong của voi luôn gắn với những anh hùng, những ông hoàng, bà chúa. Bảo Đại là vị vua cuối cùng của lịch sử phong kiến đã từng nuôi đội tượng binh gồm 37 con voi đực tại Lạc Thiện, huyện Lắk, Đắk Lắk dùng để đi săn.

Trước năm 1975, tại Sài Gòn (TP HCM) có 2 câu chuyện đẫm đầy máu, nước mắt liên quan đến hai cặp ngà voi lớn nhất Việt Nam. Cặp ngà voi to lớn nhất, một chiếc dài 2,05m và một chiếc dài 1,8m chủ nhân là Dương Chấn Ky (40 tuổi), là chủ căn nhà cổ Bình Thủy hơn 140 tuổi, thuộc quận Bình Thủy, TP Cần Thơ hiện nay, mua những năm 1930 tại Sài Gòn, giá khoảng 4.000 đồng bạc Con Cò.

Sau đó chiến tranh, giặc giã tràn lan, cặp ngà voi được chôn giấu dưới bùn sình ở Phụng Hiệp, rồi chuyển lên gửi ở Sài Gòn và bị Bảy Viễn - thủ lĩnh Bình Xuyên cướp mang về rừng Sác, Vũng Tàu, treo tại sòng bạc Thái Bình Dương một thời gian. Sau chiến dịch Thoại Ngọc Hầu tiêu diệt Bảy Viễn, cặp ngà voi được mang về dinh Độc Lập và giờ đây đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử  Thảo Cầm Viên.

Cặp ngà voi thứ hai đặt tại phòng tiếp khách của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu mang lịch sử thấm đẫm máu dân tộc thiểu số vùng Hạ Lào và nhiều binh lính quân đội Sài Gòn cũ. Khoảng đầu năm 1971, binh lính tiểu đoàn 2, trung đoàn 54, sư đoàn 1 bộ binh VNCH đóng tại Thừa Thiên - Huế được lệnh hành quân khẩn cấp lên Khe Sanh qua Lao Bảo để tiến vào đất Lào.

Cặp ngà voi cỡ lớn trong Dinh Thống Nhất.

Trong lúc hành quân, lính VNCH phát hiện một đoàn khoảng 20 người dân tộc gồm cả già trẻ, phụ nữ... đang cùng voi di chuyển ngược lại, trong đó con voi đầu đàn có cặp ngà rất to, dài, bóng mượt. Viên sĩ quan chỉ huy liên lạc với thiếu tá Thọ, là bà con bên vợ tổng thống Thiệu về cặp ngà voi rất lớn nhưng người dân tộc không đồng ý bán. Thiếu tá Thọ ra lệnh bắn hạ cả đoàn người và voi để lấy cặp ngà làm quà tặng sinh nhật tổng thống.

Máu đổ đỏ cả một vạt rừng, khi quân lính khiêng được cặp ngà voi trên vai cũng là lúc cả bọn lọt vào vòng vây phục kích của quân giải phóng. Cặp ngà voi phải nhờ đến trực thăng, nhảy dù cứu viện sau hơn 1 ngày đêm giao tranh ác liệt, số binh lính của tiểu đoàn VNCH chỉ còn khoảng 2/5 đại đội, tất cả đều tan tác tả tơi...

Các sản phẩm từ ngà voi ngày nay nhan nhản trên thị trường thật giả lẫn lộn, nhưng chủ yếu mang ý nghĩa về phong thủy, tâm linh nhiều hơn là trang sức. Ngà voi rao bán đầy trên mạng Internet và tất cả các khu chợ, khu du lịch, giao hàng tận nhà... Các chế phẩm từ ngà voi được loan truyền có tác dụng thần kỳ để chống gió độc, xua đuổi tà ma, chữa bệnh tê thấp và các bệnh nan y...

Từ những tin đồn ảo tưởng này, giá một cặp ngà voi ngày nay có thể lên tới 50.000 đến 100.000 USD tùy vào tuổi cặp ngà. Một anh bạn “đại gia” sở hữu một chiếc nhẫn ngà voi đã khoe có giá hơn 500 USD mua tại nước ngoài. Phải chăng đây chính là câu trả lời cho câu hỏi vì sao xuất hiện ngày càng nhiều nhóm người săn bắn voi rừng, số lượng đàn voi giảm dần từng ngày.

Theo cơ quan thực thi Công ước CITES Vietnam, trong khoảng 20 năm qua, số lượng đàn voi hoang dã của châu Á và Việt Nam đã giảm nghiêm trọng do nạn săn bắn lấy ngà. Từ khoảng 1.500-2.000 con vào thập niên 1980, đến nay Việt Nam chỉ còn khoảng 70 đến 130 cá thể voi, trong đó có 51 con voi đang được thuần nuôi tại các buôn làng ở Đắk Lắk.

Nền kinh tế phát triển, số người giàu trong xã hội tăng nhanh, do đó việc thực hiện tham vọng sở hữu cặp ngà voi và các vật dụng, trang sức bằng ngà voi để thể hiện quyền uy, sự giàu có đang trở thành mốt của những người giàu có. Do đó, thị trường đã phát sinh quy luật cung - cầu dẫn đến những đường dây buôn lậu ngà voi xuyên lục địa như hiện nay.

Giá 1 kg ngà voi những năm 2009 chỉ khoảng 800 đến 1.000 USD thì nay đã lên 3.000 USD và có nơi đến 5000 - 7000 USD. Do đó, 51 con voi thuần hóa nuôi dưỡng tại bản Đôn, Đắk Lắk vẫn không thể an toàn khi chúng trong tầm ngắm của những kẻ săn trộm voi, chặt đuôi voi lấy lông, lấy ngà voi...

Theo Vụ Bảo tồn thiên nhiên, từ năm 2009 đến nay đã có 18 con voi bị kẻ trộm bắn chết lấy ngà. Trong năm 2011 tại vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An) có 2 con voi bị giết. Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai) có 9 con voi bị bắn và tỉnh Đắk Lắk đã có 7 con voi bị bắn lấy ngà trong những năm gần đây. Khi mà lợi nhuận cao từ ngà voi và các vật liên quan đến voi mang lại đang leo thang giá trên thị trường, thì voi sẽ còn bị sát hại và ngà voi nhập lậu vẫn còn tiếp tục tái diễn.

Hoàng Châu
.
.