Nam Phi: Bạo lực bùng phát và lan rộng khó kiểm soát

Thứ Năm, 08/10/2015, 12:10
Con số thống kê của Cảnh sát Nam Phi công bố vào đầu tháng 10 cho thấy 49 người bị giết chết mỗi ngày trên khắp đất nước này - tức 30 phút lại có một người bị sát hại. Con số được một chính khách giấu tên mô tả là “giống như một đất nước đang xảy ra chiến tranh”.

Trong những năm gần đây, bạo lực lan rộng ở Nam Phi chủ yếu chống du khách và người nhập cư. Tỷ lệ án mạng ở Nam Phi là 33/100.000 người, tức cao hơn 5 lần so với tỷ lệ trung bình trên toàn thế giới năm 2013 là 6,2/100.000 người.

Nam Phi được coi là giàu có hơn các quốc gia láng giềng như Mozambique và Zimbabwe, song những nơi này có tỷ lệ tội phạm thấp hơn. Tuy nhiên, Nam Phi lại nằm trong số những quốc gia bất bình đẳng nhất trên thế giới, với chủ nghĩa Apartheid đã tước đi các quyền của tuyệt đại đa số người da đen cho đến khi Nelson Mandela trở thành Tổng thống vào năm 1994.

Bất chấp sự ra đời của nền dân chủ, số liệu thống kê năm 2011 tiết lộ, thu nhập trung bình trong một năm của người da trắng vẫn cao hơn người da đen gấp 6 lần! Người da trắng bao giờ cũng xuất hiện nhiều trong phòng họp các công ty cũng như trong danh sách người giàu có ở Nam Phi. Sự tương phản rõ rệt giữa người giàu và người nghèo trong xã hội Nam Phi được mô tả là “apartheid thời hậu Apartheid”.

Biểu tình biến thành bạo lực ở Cape Town.

Tỷ lệ tội phạm cũng thể hiện rõ giữa những vùng ngoại ô thượng lưu và những khu dân cư lao động nghèo khổ thiếu điện, nước và vệ sinh. Vì thế nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực bùng phát và lan rộng ở Nam Phi không có gì khó hiểu.

Nhà báo Eusebius McKaiser bình luận: “Nguyên nhân bùng phát bạo lực chính là vì chúng ta không tiêu diệt được tận gốc vấn đề bất bình đẳng. Trong nhiều năm qua, chúng ta biết có sự tương quan rõ ràng giữa tội phạm bạo lực và tình trạng bất bình đẳng trong xã hội. Nghèo đói, thất nghiệp là một phần của sự hỗn loạn”.

Paulina Mabogale, 58 tuổi, sống ở khu ngoại ô Parkview, nơi mà những căn nhà đều được bảo vệ bởi các bức tường cao, hàng rào dây kẽm gai điện, cánh cửa và chắn song cửa sổ bằng sắt cũng như luôn có bảo vệ tuần tra liên tục suốt ngày đêm. Người dân nhận thông tin cảnh báo tội phạm qua email trong đó mô tả chi tiết những vụ án mạng xảy ra ở khu lân cận.

Người dân biểu tình chống tham nhũng ở Pretoria.

Giới lãnh đạo tôn giáo cũng bày tỏ mối lo ngại về số liệu thống kê của cảnh sát Nam Phi. Xola Skosana, mục sư nhà thờ Way of Life ở vùng Khayelitsha gần Cape Town, phát biểu: “Người ta không thể cứ mãi chèn ép những người dân khốn cùng quá lâu mà không bị phản ứng. Sự oán giận ở Nam Phi thật sự đã lên đến đỉnh điểm. Điều đó khiến cho con người tự oán hận bản thân mình, tự tha hóa bản thân”.

Paul Verryn, mục sư Hội Giám lý ở thành phố Johannesburg, nhận định: “Sự bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo đã trở nên không thể chịu đựng nổi và sự giận dữ trong các cộng đồng tăng theo cấp số nhân. Nhiều người bắt đầu cảm thấy họ không có gì để mất”.

Năm 2015, tình trạng trộm cướp xâm nhập nhà dân gia tăng đến 5,2% và nạn cướp bóc trên đường phố cũng tăng 9,7% so với năm 2014. Tính trung bình mỗi ngày có 203 vụ cướp xảy ra trên đường phố được cảnh sát ghi nhận. Hiện nay, nạn cướp ôtô tăng 14,2% trong khi những vụ cướp xảy ra nơi doanh nghiệp tăng gấp 4 lần so với năm 2004 - 2005.

Nạn tham nhũng trong hàng ngũ sĩ quan cảnh sát cao cấp cũng là một vấn đề cho Tổng thống Jacob Zuma và ngày càng có nhiều cuộc biểu tình phản đối nổ ra khắp các thành phố lớn của Nam Phi.

Bạo lực lan tràn trên đường phố ở Nam Phi.

Nhà bình luận chính trị Steven Friedman cho biết: “Người da trắng sống trong những vùng ngoại ô có thể bỏ tiền ra để mua an ninh cho bản thân trong khi người da đen không thể. Nếu chú ý quan sát những vùng ngoại ô ở Nam Phi, người ta dễ dàng nhận ra rằng lực lượng an ninh tư nhân còn quan trọng hơn cả cảnh sát. Bởi vì, cảnh sát chỉ được gọi đến như là phương sách cuối cùng”.

Margie Orford, nhà văn chuyên về tội phạm và nhà tù, giải thích: “Tôi nhớ có lần một tay anh chị nói các nghị sĩ không tuân thủ luật thì tại sao họ phải tuân thủ luật pháp. Chúng ta có hệ thống nhà tù hết sức khắc nghiệt biến những người bạo lực trở nên bạo lực hơn nữa. Thậm chí, các băng nhóm còn cai quản cả các nhà tù. Đó là những nơi sản sinh ra bạo lực trong khi đất nước có quá ít những chương trình phục hồi nhân phẩm. Khi bước ra khỏi nhà tù, con người trở nên bạo lực hơn lúc mới vào gấp 10 lần”.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.