Những thách thức của nạn buôn bán cô dâu ở châu Á

Thứ Ba, 03/03/2020, 12:45
Sana và hai phụ nữ trẻ Pakistan khác đã kết hôn với đàn ông Trung Quốc cho hay, họ phải chịu áp lực từ chính quyền khi không được phép chia sẻ câu chuyện đời mình.

Các quan chức chính phủ, những người đề nghị không nêu tên, cho rằng những câu chuyện như vậy có thể khiến người Pakistan thành kiến với Trung Quốc, trong khi hàng nghìn người Trung Quốc đang làm việc tại các dự án trị giá hàng tỉ USD là một phần trong kế hoạch phát triển vành đai và con đường mà Pakistan được hưởng lợi.

Theo một danh sách mà chính quyền Pakistan tổng hợp, 629 cô gái trẻ và phụ nữ từ khắp Pakistan đã bị bán làm cô dâu cho đàn ông Trung Quốc và đưa đến nước này, SCMP dẫn nguồn AP vào tháng 12 năm ngoái cho biết. Song những nỗ lực của các nhà điều tra chống lại các mạng lưới buôn người dường như đang suy yếu dần do lo ngại sẽ làm tổn hại mối quan hệ giữa Bắc Kinh với Pakistan.

Vào tháng 10 năm ngoái, một tòa án ở Faisalabad đã tha bổng 31 công dân Trung Quốc bị buộc tội liên quan đến buôn bán người trong vụ án lớn nhất từ trước đến thời điểm đó. Một số phụ nữ được cảnh sát thẩm vấn cuối cùng cũng từ chối làm nhân chứng sau khi bị đe dọa hoặc bị mua chuộc, AP đưa tin.

Phóng viên của This Week in Asia, thuộc SCMP đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Pakistan, Đại sứ quán tại Bắc Kinh và Tổng lãnh sự quán Pakistan tại Thượng Hải về vấn đề này, song chưa nhận được câu trả lời.

Không có lựa chọn nào khác

Heather Barr - Quyền Giám đốc của Ban Quyền Phụ nữ của Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) - cho hay, kể từ khi nhóm chuyên gia này nghiên cứu về nạn buôn bán phụ nữ sang Trung Quốc hơn 3 năm trước, các báo cáo đã chỉ ra rằng điều đó cũng xảy ra ở nhiều quốc gia khác và số lượng ngày càng tăng lên.

Một phụ nữ Việt Nam có con gái tuổi teen mất tích. Ảnh: AFP.

Theo bà Heather, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Nepal, Triều Tiên, Pakistan và Việt Nam đều trở thành "nguồn cung" cho việc buôn bán phụ nữ và trẻ em để bán sang Trung Quốc làm cô dâu. "Các quốc gia Châu Á khác nên theo dõi vấn đề này cẩn thận để không phải là nước tiếp theo trong danh sách này" - bà Heather nói.

Ở Trung Á, đã có báo cáo về những người phụ nữ Uzbekistan bị buộc phải lao động khổ sai và đối mặt với bạo lực gia đình sau khi họ tìm được chồng người Trung Quốc thông qua môi giới kết hôn. Hôn nhân với đàn ông Trung Quốc cũng gây ra tranh cãi ở Kazahkstan. Khoảng 6 năm trước, có một cuộc biểu tình nhỏ chống lại việc phụ nữ Kazakhstan kết hôn với đàn ông Trung Quốc. Một số người thậm chí còn kêu gọi cấm phụ nữ Kazakhstan kết hôn với đàn ông Trung Quốc. Vào tháng 9, người Kazakhstan cũng phản đối việc xây dựng các nhà máy cho người Trung Quốc.

Carla P. Freeman - Phó Giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Johns Hopkins và Mie Oba - Giáo sư tại Đại học Khoa học Tokyo cũng từng nói rằng, việc kết nối, thông thương khu vực càng lớn thì sẽ càng mở ra nhiều cơ hội cho tội phạm xuyên biên giới ở Châu Á. Liên Hợp Quốc ước tính rằng, thị trường bất hợp pháp của Đông Nam Á, bao gồm cả buôn bán người, thu được lợi nhuận bất hợp pháp 100 tỉ USD mỗi năm.

Mất cân bằng giới tính

Các nhà nhân khẩu học Trung Quốc đã đưa ra lời giải thích một phần của vấn đề trên. Hiện đàn ông Trung Quốc nhiều hơn phụ nữ từ 30-40 triệu người. Sự mất cân bằng về giới tính rõ rệt xuất phát từ chính sách một con được thực hiện từ năm 1979 đến 2015, cũng như từ tư tưởng trọng nam khinh nữ dẫn đến tỉ lệ phá thai cao nếu đó là thai nhi nữ.

Các đối tượng bị bắt giữ được cho là liên quan đến một nhóm buôn người dụ dỗ phụ nữ Pakistan kết hôn giả. Ảnh: AP.

Khoảng cách giới tính này trở nên rõ ràng hơn trong những năm gần đây. Và đàn ông Trung Quốc gặp khó khăn trong việc tìm vợ, từ đó thúc đẩy nhu cầu buôn bán phụ nữ từ nước ngoài vào nước này. Tới chừng nào mà nhu cầu này vẫn còn ở Trung Quốc do sự mất cân bằng giới tính và việc thách cưới của nhà gái vẫn khiến bao chàng trai nghèo ngậm ngùi, thì không thể dập tắt hoàn toàn nạn buôn người, theo ông Pichamon Yeophantong.

Những khó khăn về kinh tế cùng bất ổn về chính trị, xung đột vũ trang ở những nước mà các cô dâu bị buôn bán đều là những nguyên nhân tạo ra "mảnh đất màu mỡ" cho nạn nô lệ tình dục và cưỡng bức lao động.

Trong những năm gần đây, hàng nghìn cô gái và phụ nữ đã bị buôn bán từ Myanmar tới Trung Quốc. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2018 cho thấy, hơn 7.500 phụ nữ, chủ yếu đến từ bang Kachin và Shan, đã bị cưỡng ép kết hôn với đàn ông Trung Quốc trong 5 năm trước đó. Hầu hết họ cũng bị ép buộc sinh con.

Tuy nhiên, "không phải tất cả cô dâu đều là nạn nhân của buôn bán người. Nhiều người di cư để tìm kiếm cơ hội việc làm" - Ja Seng Ing, chuyên gia nghiên cứu độc lập có trụ sở ở Myanmar, cho biết thêm.

Chuyên gia này cho rằng, nhiều phụ nữ nhận thức được rủi ro, song họ cảm thấy không có lựa chọn nào tốt hơn. Không có giấy tờ hợp pháp, không thể tìm được việc làm, nhiều người chọn cách kết hôn ở Trung Quốc. Sau đó, họ bị ngược đãi và lao động như nô lệ trong gia đình chồng. "Cũng có trường hợp sinh con và sau đó lại bị bán cho một gia đình khác để tiếp tục sinh con" - ông Ing nói về các trường hợp mang thai hộ.

Pennapa Wuttimanop - điều phối viên dự án tại Tổ chức Alliance Anti Trafic của Thái Lan - nói rằng, mặc dù có những thách thức chung trên toàn khu vực, một số trường hợp phụ nữ bị đẩy vào cuộc hôn nhân cưỡng bức là do đặc thù ở từng nơi. Hầu hết phụ nữ Shan, từ Myanmar đến Trung Quốc vì họ tin rằng sẽ có việc làm ở đó. Những phụ nữ này nghèo, đã ly hôn hoặc bà mẹ đơn thân. Họ cũng mồ côi, thất nghiệp và không có họ hàng thân thích... Do đó, họ quyết định sang Trung Quốc (sau khi đã gặp môi giới).

Nary đến từ Campuchia, kết hôn với một người đàn ông Trung Quốc trong 6 năm. Ảnh: AFP.

Nhưng ở Lào, hầu hết các trường hợp là phụ nữ độc thân, nghèo khó. Một số cô gái thì nghỉ học để kết hôn tại Trung Quốc. Số lượng các cuộc hôn nhân cưỡng bức mà nhóm phi lợi nhuận của Wuttimanop đã xử lý ngày càng tăng kể từ năm 2017. Chỉ riêng năm 2019, họ đã "giải cứu" 52 người, trong đó 46 người đến từ Lào, 6 người từ Myanmar. 10 người vẫn còn ở độ tuổi vị thành niên.

Bà Wuttimanop nói rằng, điều này cũng do quan hệ kinh tế ngày càng rộng mở giữa Trung Quốc và khu vực sông Mekong mở rộng. Điều đó cũng dẫn đến lao động phổ thông và "cò" (những người môi giới) đến khu vực này ngày càng nhiều. Họ tìm kiếm phụ nữ ở các bản làng, đặc biệt là những người có kiến thức hạn chế và thuộc dân tộc thiểu số.

Samiya David - người phụ nữ Kitô giáo ở Pakistan - cho AP xem bức ảnh của cô với người chồng. Ảnh: AP.

Đồng thời, nhiều phụ nữ tin rằng kết hôn với đàn ông Trung Quốc thì sẽ có cuộc sống sung túc, bà Wuttimanop phân tích. Họ có suy nghĩ như vậy vì nhìn vào những người đàn ông Trung Quốc đến làm việc tại đất nước họ. Một số người là doanh nhân. Gia đình của những người phụ nữ này cho phép con gái kết hôn mà không hề gặp mặt người đàn ông Trung Quốc đó, thậm chí không cần bất cứ sự chuẩn bị nào.

Lỗ hổng trong luật pháp của các nước cũng khiến những người môi giới có thể dễ dàng "phù phép" giấy tờ. Trong nhiều trường hợp, trẻ vị thành niên được "hô biến" thành người lớn để có thể đến Trung Quốc kết hôn.

Sự phát triển của internet, đặc biệt là mạng xã hội, cũng góp phần tạo điều kiện cho nạn buôn người và lạm dụng tình dục gia tăng. Các phương tiện trực tuyến được sử dụng để dụ dỗ phụ nữ và bé gái, cũng như giúp sức cho các kênh trung chuyển, theo Yeophantong. Tình dục ảo (cybersex) cũng góp phần, khi các dịch vụ tình dục trực tuyến mang lại hàng tỉ USD.

Trở về và những "vết thương" khó lành

Việt Nam, quốc gia có đường biên giới rộng lớn với Trung Quốc, từ lâu cũng đã trở thành điểm nóng về nạn buôn bán phụ nữ sang Trung Quốc.

Một phụ nữ Việt Nam bị một đường dây buôn người lừa bán sang Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Skye Maconachie - đồng Giám đốc điều hành của Tổ chức phi lợi nhuận Blue Dragon Children - cho biết, họ đã làm việc với 130 người được giải cứu mỗi năm. Hầu hết những nạn nhân này nói rằng, họ phải chịu cuộc hôn nhân cưỡng bức hay làm gái mại dâm trong các nhà thổ ở Trung Quốc.

Phần lớn họ cũng biết ai là kẻ buôn bán. Đó là bạn trai, người họ hàng hay đôi khi là người mà họ quen trên mạng, lừa dối rằng sẽ có việc làm ở các nhà máy bên Trung Quốc. Họ đi với người mà mình tin tưởng, rồi sau đó mới biết bị lừa, bị giam hãm và lạm dụng.

Với những vụ như thế thì người trong độ tuổi từ 13-25 thường là mục tiêu chính. Một vài người có thể trốn thoát trong vài ngày hoặc tháng đầu tiên. Tuy nhiên, cũng có người 20 năm mới được giải cứu. Bởi vì các vấn đề như rào cản về ngôn ngữ, thiếu giấy tờ, không có điện thoại để liên lạc, nghĩa là họ không có phương tiện để tìm kiếm sự giúp đỡ. Ngay cả việc giải cứu cũng không đảm bảo sẽ mang lại cuộc sống như xưa cho họ. Nhiều người bị tâm thần sau khi trở về. Niềm tin của họ cũng sụp đổ.

Không ít trường hợp sau khi là nạn nhân của tội phạm buôn bán người, họ lại bị khinh rẻ, cộng đồng xa lánh, kỳ thị khi trở lại trên chính quê hương mình. Việc tái hòa nhập là một quá trình lâu dài, có thể mất nhiều năm. Và không ai chắc chắn rằng họ sẽ phục hồi hoàn toàn. Sana ở Pakistan đã được gia đình chấp nhận về lại nhà.

Hiện cô đã đoàn tụ với gia đình, bạn bè. Song những vết thương về tinh thần vẫn chưa lành, theo những cách mà thậm chí cô không thể hiểu được. Và cô khuyên người thân, bạn bè nên giữ khoảng cách với đàn ông Trung Quốc. "(Cuộc) Hôn nhân (đó) là một cơn ác mộng" - Sana nói.

Huyền Anh (Tổng hợp)
.
.