Nạn mộ tặc lợi dụng thành tựu khảo cổ

Thứ Tư, 09/09/2020, 15:26
Trung Quốc có hàng ngàn hàng vạn ngôi mộ cổ, do tập tục táng đồ vật theo người chết nên những ngôi mộ cổ trở thành “kho báu” của những tên mộ tặc. Mặc dù luật pháp Trung Quốc xử rất nặng những tên mộ tặc nhưng nạn mộ tặc không hề giảm mà ngày càng nghiêm trọng hơn nguyên do là giá trị to lớn của những cổ vật táng trong mộ.

Theo số liệu công bố của Cục Văn vật quốc gia thì mỗi năm số mộ cổ bị mộ tặc có đến hàng ngàn mà thời gian trôi đi số mộ cổ bị mộ tặc không dừng ở đây. Trước mắt, chính sách khảo cổ của nhà nước là không cho phép chủ động khai quật mộ cổ, công tác khảo cổ chỉ là phối hợp với bên kiến thiết cơ bản, hoặc do mộ cổ bị mộ tặc mà phải tiến hành khai quật để giải cứu. Vì thế có câu nói “Mộ tặc đi, khảo cổ đến”, cũng là do cơ chế chính sách và khách quan tạo thành..

Các vụ mộ tặc xảy ra liên tiếp

Ngày 29 tháng 12 năm 2011, Công an thành phố Trường Sa tỉnh Hồ Nam nhận được báo cáo của Cục Di sản văn hóa rằng ngôi mộ Hán số 2 nằm trên núi Phong Bồng Lĩnh bị mộ tặc. Sau khi nhận được tin, Công an Trường Sa tổ chức lực lượng vội đến ngay hiện trường và phát hiện cạnh ngôi mộ cổ có một đường hầm rộng 1m sâu hơn 10m, xung quanh khu mộ rải rác có các mảnh gỗ quan tài và những thứ mà bọn mộ tặc bỏ lại như quần áo và vỏ lon nước uống. 

Cảnh sát Trường Sa đã nhanh chóng phá thành công vụ án mộ tặc này. Khi những tên tội phạm chuẩn bị ra tòa thì từ cuối năm 2011 đến tháng 2 năm 2012 lại xảy ra 12 vụ mộ tặc, có khoảng 20 ngôi mộ đã bị phá hoại trong các thời gian khác nhau và phạm vi án phát ở 4 tỉnh Hồ Nam, Sơn Đông, Giang Tây, Sơn Tây bao gồm 10 huyện, thị. Đây là những vụ án mộ tặc lớn nhất phát sinh trên toàn quốc cũng như trong tỉnh Hồ Nam từ khi nước Trung Quốc thành lập, trong các vụ án này có 53 tên tội phạm chủ yếu đã bị bắt giữ.

Khai quật một ngôi mộ cổ.

“Mộ tặc đi, khảo cổ đến”, “Mười mộ chín không” và “Thành quả khảo cổ là kim chỉ nam cho mộ tặc”... có thể nói những câu đánh giá này của người dân là sự tổng kết thẳng thắn nhất về sự quan hệ giữa khảo cổ và mộ tặc. Hơn 20 ngôi mộ cổ trong vụ án mộ tặc ở Trường Sa đều là điểm văn vật thuộc diện những phát hiện văn vật mới trong toàn quốc.

Khảo cổ và mộ tặc luôn có một sự đối lập và trong đục rõ ràng nhưng bây giờ lại bị người ta nói như kiểu vơ đũa cả nắm và điều này làm cho những người làm công tác khảo cổ không khỏi phiền lòng.

Những lời đồn đại này có thể được kiểm chứng bằng các sự kiện khảo cổ. Năm 2005 có 10 khám phá khảo cổ hàng đầu mới được phát hiện được công bố. Điều làm người ta phải giật mình là 5 di chỉ khảo cổ đó đã bị bọn mộ tặc “hỏi thăm” với những mức độ khác nhau trước khi các đội khảo cổ tiến vào. Năm 2006, trước khi di chỉ thôn Lương Đối tỉnh Thiểm Tây được chính thức khai quật thì nghe nói đã có rất nhiều mộ tặc từ Thiểm Tây, Sơn Tây, Hà Nam... chuẩn bị đến khu di chỉ này để “mở những vụ làm ăn lớn”.

Năm 2009, việc khai quật khu mộ Tào Tháo hầu như các địa điểm đã có bàn tay của mộ tặc. Bằng chứng là bia đá và hòn đá gối đầu cũng thu được từ bọn mộ tặc. 

Năm 2004 di chỉ miếu Chu Công là điểm phát hiện khảo cổ mới nhất, đây là lần đầu tiên phát hiện và khai quật mộ táng cao cấp Tây Chu có 4 đường hầm mộ và chủ nhân có thể là Chu Công Đán, con trai của Chu Văn Vương. Sự phát hiện khai quật này có ý nghĩa vô cùng lớn để tìm hiểu sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của triều đại Tây Chu nhưng trước đó thì mộ tặc đã xâm nhập vào khoắng gần hết văn vật nên giá trị phát hiện giảm đi rất nhiều. 

Điều nực cười là công trình khảo cổ này lại giành được giải thưởng khảo cổ cao nhất “giải thưởng khảo cổ đồng ruộng”. Sự việc này không làm cho người ta khỏi chế giễu: “Phát hiện lớn nhất ở di chỉ miếu Chu Công là chai nước khoáng mà mộ tặc bỏ lại”. Từ hàng loạt những vụ việc này nên không có gì lạ khi người ta phải thốt lên: Vì sao khảo cổ lại cứ đi theo mộ tặc?

Một tình hình khác do phương tiện kỹ thuật để khảo cổ rất hạn chế nên đối với một số ngôi mộ táng có giá trị lớn khảo cổ không có đủ điều kiện để khai quật nên chỉ đành tạm thời giao cho nhân viên bảo vệ di sản. Do nhiều di sản ở những nơi đồng ruộng, rừng núi hoang vu nên công việc bảo vệ có rất nhiều sơ hở, đây là cơ hội tốt cho bọn mộ tặc.  

Nhiều kẽ hở trong quản lý di sản

Cục trưởng Cục Văn vật Trường Sa cho biết: “Văn vật khai quật chia thành 2 loại, chủ động khai quật và khai quật có tính giải cứu. Chủ động khai quật là căn cứ vào nhu cầu khoa học thường chỉ cho phép khai quật một phần ngôi mộ hoặc một phần di tích để nghiên cứu, còn khai quật có tính giải cứu là khai quật những ngôi mộ cổ đã bị mộ tặc hoặc những ngôi mội cổ được phát hiện trong các công trình xây dựng hay nằm trong khu quy hoạch phải di dời. Ngôi mộ Vương thất số 2 Phong Bồng Lĩnh Vọng Thành, ngôi mộ Hán ở Thiên Mã Sơn Nhạc Lộc và quần thể mộ cổ thời Chiến quốc ở Ninh Hương đều phải xin chỉ thị của Cục Văn vật quốc gia, điều này cũng tạo cơ hội cho bọn tội phạm”.

Một gian phòng trong khu mộ Lương Hiếu Vương lăng ở Sơn Đông.

Trước mắt, chính sách khảo cổ của Trung Quốc không cho phép chủ động khai quật, khảo cổ chỉ có thể phối hợp với bên kiến thiết cơ bản, cho nên “Khảo cổ đuổi theo mộ tặc” chính là do chính sách này, khách quan tạo thành.

Khảo cổ và mộ tặc có sự khởi nguồn nhất định. Mộ tặc có từ thời cổ đại và đến thời Hán thì xuất hiện rất nhiều cách để chống mộ tặc. Khảo cổ hiện đại cũng dùng xẻng Lạc Dương là công cụ của bọn mộ tặc để dùng trong công tác khảo cổ. 

Hiện nay những tên tội phạm mộ tặc đã áp dụng số lượng lớn các thiết bị khảo cổ chuyên nghiệp để tiến hành đào trộm mộ. 

Khu lăng mộ Võ Tắc Thiên ở Hàm Dương.

Đội trưởng đội trinh sát hình sự Lý Anh Vĩ Cục Công an huyện Vọng Thành nói: “Trong thời gian hơn ba tháng liên tục gây án, điều đầu tiên là bọn mộ tặc phải xác định ngôi mộ đó có phải là mộ cổ không, chúng dùng máy dò kim loại để thăm dò và chọn vị trí đào đường hầm vào trong mộ. Khi gặp địa hình phức tạp, chúng sẽ dùng cả thuốc nổ để đào đường hầm. 

Từ phân tích vụ án phá được, cho thấy bọn phạm tội đều có tri thức chuyên nghiệp tương đối cao, như tên cầm đầu Lưu Thắng Lợi đã tốt nghiệp khoa Sử, từng tham gia bộ đội ở đơn vị không quân Hồ Nam. Sau khi chuyển ngành làm phó chủ nhiệm ban kế hoạch hóa gia đình một cơ quan ở Trường Sa. 

Bọn chúng không những có năng lực che giấu sự phát hiện của cảnh sát mà hình thành một mạng lưới tội phạm văn vật tương đối cố định. Bọn chúng sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc mạnh giống như nhân viên bảo vệ văn vật, dùng thiết bị định vị vệ tinh, thậm chí còn trang bị cả vũ khí để chống lại những người thực thi pháp luật”.

Một nhân viên bảo vệ di sản nói: “Bọn mộ tặc dùng chiến thuật du kích chiến linh hoạt, cơ động trái ngược với những hoạt động chậm chạp của bộ môn quản lý, cho nên phía bảo vệ văn vật tự nhiên không bắt kịp tốc độ của bọn mộ tặc….”.

Sau khi bị bắt, Lưu Thắng Lợi khai rằng khi đào trộm mộ Hán ở Thiên Mã Sơn có thời gian bọn chúng tập trung đông đến bốn năm mươi người, nhiều lần phải dùng đến thuốc nổ để đào đường hầm vào trong mộ.

Đang có nhiều kẽ hở trong việc an toàn quản lý và bảo tồn cơ sơ văn vật tại Trung Quốc

Một chuyên gia khảo cổ nói: “Không những mộ cổ mà các văn vật cổ  khác cũng tồn tại vấn đề này. Ý thức bảo vệ văn vật của toàn xã hội chưa tốt, các cơ quan nhà nước còn chưa coi trọng nên việc đầu tư nhân lực và vật lực quá ít, phương pháp quản lý bảo vệ không theo kịp sự phát triển của thời đại dẫn đến thiếu đi sự bảo vệ cơ bản nhất”.

Đồ vật táng trong một ngôi mộ cổ.

Theo thống kê chưa đầy đủ các ngôi mộ loại Vương Hầu cấp 1 có đến 90% bị mộ tặc, hiện tượng mộ tặc phổ biến tạo thành sự phá hoại rất lớn. Từ cuối những năm 80 đến đầu những  năm 90, nhà nước đã có những biện pháp cứng rắn đối với bọn mộ tặc như án phạt rất nặng, những tên cầm đầu thường là tử hình nhưng do các cổ vật có giá trị rất lớn nên tình hình không được cải thiện là mấy.

Trước mắt vẫn đang ở giai đoạn phát triển nên không thể  đưa tất cả các di sản văn hóa ở trong tự nhiên vào phạm vi giám sát, phòng chống tội phạm, điều này chỉ cho phép chúng tôi thực hiện một cách có chọn lọc công tác phòng chống và kiểm soát di tích văn hóa. Khu vực Nội Mông Cổ và một số nơi có mộ tặc hoạt động nhiều cho nên việc bảo vệ văn vật ở Nội Mông Cổ cần chú ý nhiều hơn đến những di chỉ ở ngoài thiên nhiên hoang dã.

Gần đây Cục Văn vật quốc gia đã liệt khu lăng mộ Tây Hán ở Trường Sa vào loại di sản trọng điểm cần được bảo vệ, đã chú trọng tới những di sản phân bố trên một diện tích rộng và ở những nơi xa xôi hẻo lánh, ngoài ra Cục Văn vật quốc gia đã phê chuẩn việc đặt các hệ thống giám sát an ninh bằng camera ở các khu di sản trọng điểm.

Nguyễn Đình Thiêm (Theo “Xinhuanet.com”)
.
.