Những nguy cơ từ “trào lưu” sử dụng thuốc lá điện tử

Thứ Ba, 05/07/2016, 16:50
Sau “cơn sốt” shisa, sử dụng thuốc lá điện tử (vape) thời gian gần đây “bùng nổ” tại Việt Nam. Nếu như ở nước ngoài, vape được kỳ vọng như một liệu pháp để cai và giảm các tác hại của thuốc lá, thì khi du nhập vào Việt Nam, vape đã bị biến tướng, trở thành một trào lưu thể hiện đẳng cấp, sự sành điệu của giới trẻ.

Đáng lo ngại hơn, chính thuốc lá điện tử lại gây nghiện không kém thuốc lá thông thường và  nguy cơ lạm dụng thuốc lá điện tử để pha chế, sử dụng các chất ma túy là điều có thể xảy ra...

Vape – thú chơi tốn kém

Chúng tôi có mặt tại một địa điểm kinh doanh thuốc lá điện tử trên phố Tô Hiến Thành (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thuộc “The Vape Club”. Mặc dù cách đó ít ngày, cơ sở 1 của “The Vape Club” tại số 5 Ngô Quyền (quận Hoàn Kiếm) vừa bị lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ số lượng lớn máy hút thuốc lá điện tử và hàng ngàn lọ tinh dầu không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, thế nhưng tại cơ sở này, việc kinh doanh mặt hàng đang được coi là bất hợp pháp này vẫn diễn ra bình thường.

Trong căn phòng giới thiệu và bán các sản phẩm vape được bài trí như một quán giải khát thu nhỏ, trên tường là giá trưng bày các loại máy hút thuốc lá điện tử, tinh dầu. Có một chiếc ghế sofa và một cái bàn nhỏ, đặt mấy chiếc cốc và bình nước trà. Sau khi mua hàng, khách có thể ngồi trên ghế sofa hoặc ghế quầy bar để hút thuốc  và trò chuyện cùng nhân viên.

Thuốc lá điện tử (vape) đang trở thành trào lưu thể hiện sự sành điệu của giới trẻ.

Vừa giới thiệu các loại máy hút thuốc lá điện tử cho khách, cô gái bán hàng còn khá trẻ, chừng mười tám đôi mươi, gương mặt xinh xắn toát lên vẻ cá tính và phong cách “dân chơi”, chốc lát  lại cầm chiếc máy lên rít một hơi rồi ngửa cổ, thổi làn khói đặc quánh lên trần nhà. Mấy cậu khách hàng mặt còn non choẹt  cũng đua nhau nhả khói. Gian phòng mờ mịt như đi trong sương mù.

Tôi hỏi cô gái bán hàng: “Em hút thế này có sợ nghiện không?”. Cô gái lắc đầu: “Em chỉ hút tinh dầu thường thôi. Tinh dầu ở đây có 2 loại: 1 loại không Nicotin và 1 loại có Nicotin, toàn là hàng Mỹ nhập khẩu hết, chỉ có Mỹ mới sản xuất được tinh dầu nên hoàn toàn yên tâm về chất lượng” (?!).

Thả làn khói trắng đục mờ ảo một cách điệu nghệ, thiếu nữ bán hàng giới thiệu cho tôi giá cả các sản phẩm đang được bày bán tại đây. Theo đó, máy hút thuốc lá điện tử được bán từ 1 đến trên 10 triệu/chiếc, tùy loại. “Nếu anh mới chơi thì dùng loại 2-3 triệu là được” – cô tư vấn. Loại sành điệu nhất hiện nay, theo cô gái bán hàng, là máy đúc bằng đồng nguyên khối, được quảng cáo là do Mỹ sản xuất, có giá từ 8 đến trên 10 triệu/chiếc.

Ngoài ra, khách có thể mua thêm phụ kiện lẻ như đầu lọc, loại “có mạ vàng” khoảng 800.000 đồng/chiếc. Tinh dầu có nhiều mùi khác nhau, chủ yếu là các mùi hoa quả, có giá khoảng 450.000 đồng/lọ 30ml.

Tinh dầu sử dụng trong thuốc lá điện tử có chứa nicotin là chất độc hại, gây nghiện cho người sử dụng.

Để thu hút khách hàng, The Vape Club có nhiều “chính sách” khuyến mại như khách được thay bông tẩm tinh dầu miễn phí và được phát thẻ thành viên, được giảm giá từ 5-12% tùy theo số tiền mua hàng được tích trong thẻ, bắt đầu được tính từ mốc trên 10 triệu đồng đến trên 60 triệu đồng.

Cường, 30 tuổi, một “dân chơi” vape khoe với tôi, nếu như trước kia, mỗi ngày Cường dùng hết 1 bao thuốc lá thì từ khi chuyển sang Vape, cứ 3-4 ngày Cường đốt hết 1 lọ tinh dầu 30ml. Nhẩm tính sơ sơ, mỗi tháng một người dùng thường xuyên như Cường cũng phải bỏ ra từ 2-3 triệu đồng tiền mua tinh dầu. Chưa kể “dân chơi” sành điệu thì máy hút cũng phải “xịn”. Có người bỏ ra hàng trăm triệu đồng để sưu tập các loại máy hút như  một thú chơi của kẻ... có tiền.

Cường phẩy tay bảo tôi rằng, thời của shisa đã hết rồi. Dân chơi giờ lên sàn, lên bar là vape. Thường thì của ai người nấy dùng, không hút chung như shisa. Chưa kể giá tinh dầu để vape cũng đắt hơn nhiều so với tinh dầu của shisa. Tóm lại, phải có tiền thì mới sử dụng được thuốc lá điện tử. Và vì thế, vape bỗng nhiên trở thành “thước đo” thể hiện sự sành điệu của giới trẻ.

Ngoài những câu lạc bộ vape thì ở bất cứ quán cà phê – giải khát nào mà thanh niên hay tụ tập, thuốc lá điện tử đang là một thứ “mốt” được các nam thanh, nữ tú đua nhau sử dụng, tập tọe nhả khói nghệ thuật như những clip dạy nhả khói đăng tải trên mạng. Nhưng “trình” còn non nên rốt cuộc, các cô cậu đua nhau phì khói vào mặt nhau để thể hiện “đẳng cấp” mà không biết rằng hành vi này là rất mất lịch sự bởi vape cũng cần có văn hóa, đúng nơi, đúng chỗ.

Nguy cơ lạm dụng thuốc lá điện tử để pha chế, sử dụng ma túy

Theo lực lượng Chống buôn lậu Công an Hà Nội, qua đợt kiểm tra, xử lý việc kinh doanh thuốc lá điện tử trên địa bàn Hà Nội vừa qua cho thấy, tất cả các địa điểm bán hàng đều núp bóng quán cà phê, giải khát hoặc giấy phép hộ kinh doanh cá thể, treo biển câu lạc bộ “Vape”. Đây là những điểm thích hợp để khách hàng tụ tập, sử dụng thuốc lá điện tử. Đối với giới trẻ thì sự có mặt tại các địa điểm này là một cách “đánh dấu” đẳng cấp dân chơi, giống như lên sàn, đến các quán bar nổi tiếng.

Để thu hút khách hàng, các cửa hàng kinh doanh này còn thành lập các trang fanpage riêng trên mạng xã hội Facebook, thu hút hàng chục ngàn người tham gia. Đặc biệt, hình thành vô số trang Faceboook cá nhân bán các sản phẩm thuốc lá điện tử, được quảng cáo không gây hại cho sức khỏe, là thú chơi thức thời đã giúp rất nhiều người nghiện thuốc lá hàng chục năm “cai” thuốc thành công.

Thế nhưng, theo phân tích của Thượng tá Đinh Gia Quyết, Phó trưởng phòng Kỹ thuật hình sự - Công an TP Hà Nội thì suy nghĩ sử dụng thuốc lá điện tử để “cai” thuốc lá là sai lầm bởi tinh dầu để sử dụng thuốc lá điện tử là hỗn hợp nicotin lỏng, hương liệu và các chất phụ gia khác.

Trước hiện tượng sử dụng thuốc lá điện tử trở thành “trào lưu” của giới trẻ, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP Hà Nội đã chủ động thu thập các mẫu tinh dầu có bán trên thị trường để giám định.  Kết quả đều có lượng nicotin không kém gì so với thuốc lá thông thường. Do đó, sử dụng thuốc lá điện tử vẫn có hại, nếu dùng thường xuyên vẫn gây nghiện như thuốc lá.

Không chỉ gây độc hại cho chính người sử dụng, khói thuốc lá điện tử có chứa nicotin còn ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe của những người xung quanh khi hít phải hơi thuốc. Vì vậy, ở nhiều nước trên thế giới đã cấm sử dụng thuốc lá điện tử ở những nơi công cộng.

Cho đến nay, thuốc lá điện tử chưa được đưa vào danh mục quản lý dẫn đến việc các loại thuốc lá điện tử trên thị trường không được kiểm soát chất lượng. Do đó, những thông tin được in trên nhãn các chai tinh dầu không được kiểm chứng. Người sử dụng thuốc lá điện tử nếu chỉ căn cứ vào những thông tin trên bao bì thì đều cho rằng thuốc lá điện tử là ưu việt bởi hàm lượng nicotin trên nhãn rất thấp so với thuốc lá.

Mặt khác, không có một dòng khuyến cáo nào về tác hại của thuốc lá điện tử được công bố kèm theo sản phẩm cũng khiến người sử dụng lầm tưởng rằng vape sẽ không gây nghiện.

Đại diện Đội Chống buôn lậu và buôn bán hàng cấm (PC46 – Công an Hà Nội) cho biết, khi bán hàng, các đối tượng đều quảng cáo thuốc lá điện tử và tinh dầu đi kèm là hàng “xịn”, được “xách tay” từ các nước châu Âu, Mỹ, Canada... nên giá cả cũng “trên trời”. Nhưng thực tế khi cơ quan chức năng kiểm tra, thu giữ, chủ kinh doanh đều khai nhận là hàng thu gom trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc.

Cũng theo Thượng tá Đinh Gia Quyết, do thuốc lá điện tử đang trở thành một “trào lưu”, được sử dụng rất nhiều trong các quán bar, karaoke... là những môi trường mà các đối tượng xấu thường lợi dụng để lôi kéo lớp trẻ sử dụng ma túy nên nguy cơ lạm dụng thiết bị thuốc lá điện tử để pha chế các loại ma túy dưới dạng tinh dầu rất dễ xảy ra, gây khó khăn cho cơ quan công an trong phát hiện và xử lý. Do đó, để phòng ngừa việc lạm dụng thuốc lá điện tử vào mục đích xấu, các cơ quan chức năng cần sớm đưa mặt hàng này vào danh mục quản lý để phục vụ việc kiểm tra, kiểm soát trên thị trường, làm cơ sở cho việc xử lý vi phạm.

Bên cạnh đó, nicotin trong thuốc lá điện tử là thành phần độc hại,  có tác động lên hệ thần kinh, tim mạch và gây nghiện nên thuốc lá điện tử cũng phải chịu sự điều chỉnh của các quy định đối với sản phẩm có nicotin tương tự như đối với thuốc lá.

Hà Nội: Thu giữ số lượng lớn thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc

Ngày  30-6, Thượng tá Thành Kiên Trung, Phó trưởng phòng PC46 Công an Hà Nội cho biết, thực hiện kế hoạch kiểm tra, xử lý việc kinh doanh  thuốc lá điện tử nhập lậu, từ ngày 21 đến 23-6-2016, Đội Chống buôn lậu và buôn bán hàng cấm – PC46 phối hợp các Đội Quản lý thị trường số 3 và số 7 – Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra 3 địa điểm kinh doanh thuốc lá điện tử tại Hà Nội, thu giữ hàng ngàn sản phẩm.

Công an và QLTT Hà Nội kiểm tra, thu giữ các sản phẩm thuốc lá điện tử kinh doanh không rõ nguồn gốc.

Cụ thể:

- Tại địa điểm kinh doanh “The Vape Club” tại số 5 Ngô Quyền (phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm) và kho cất giấu hàng tại 31 Vạn Kiếp (phường Chương Dương, quận Hai Bà Trưng), thu giữ 83 máy hút thuốc lá điện tử, 83 đầu hút và 1.198 lọ tinh dầu do nước ngoài sản xuất, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

- Tại địa điểm kinh doanh “Vape Pro” phố Đông Thái, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm và kho chứa tại  ngõ 210 Bạch Đằng (Hoàn Kiếm), thu giữ 400 lọ tinh dầu do nước ngoài sản xuất không có giấy tờ hợp pháp.

- Tại địa điểm “Pexiga”  (ngõ 97 đường Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa), thu giữ 25 máy hút thuốc lá điện tử, 40 đầu hút, 100 viên pin sạc và 600 lọ tinh dầu do nước ngoài sản xuất, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Toàn bộ số hàng trên đã được chuyển cho lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội để xử lý theo thẩm quyền.

Hương Vũ
.
.