Nữ ký giả gặp rắc rối với truyền hình thực tế

Thứ Tư, 17/04/2019, 15:14
Vụ án nổi cộm được công chúng vùng bán đảo Scandinave ở Bắc Âu đặc biệt lưu tâm trong thời gian gần đây, liên quan đến nữ ký giả nổi tiếng Lisabet Koelster, người phụ trách một chuyên mục rất "ăn khách" trên kênh DR1 của Đài Truyền hình Quốc gia Đan Mạch.

Đây là vụ án tiêu biểu lột tả sự chồng chéo giữa các quy chế cứng nhắc, với quyền lợi sát sườn của người dân.

Đầu năm 2014, L. Koelster trở thành người dẫn chương trình dành cho giới tiêu dùng quốc nội qua màn ảnh nhỏ. 

Tới giữa tháng 11 cùng năm, L. Koelster cho phát trên kênh DR1 một phóng sự về dầu làm sạch tóc có tác dụng chống gàu, đồng thời bóc trần những hợp chất cấu thành thứ dầu đó có thể gây tác hại tới sức khỏe của người sử dụng. Để chứng minh cho kết luận của mình, L. Koelster đã đổ 10ml thứ dầu gội nói trên vào bể nuôi cá cảnh tại gia, chỉ nội trong vài ngày sau, số cá thiệt mạng đã lên tới tỉ lệ cao "ngất ngưởng" là hơn 90%.

Nữ ký giả L. Koelster.

Mục đích của L. Koelster cùng nhóm cộng sự thực hiện chương trình, là nhằm cảnh báo công chúng cần hết sức thận trọng một khi buộc phải dùng đến dầu gội chống gàu chuyên dụng. 

Chương trình phóng sự cũng đề cập tới công trình nghiên cứu của giới khoa học ngay tại nước láng giềng Thụy Điển, các thí nghiệm tại đây cho thấy hợp chất kẽm trộn với khoáng thể pirit - thành phần chủ yếu giúp triệt tiêu gàu bám trên da đầu, cũng là thứ độc tố nguy hiểm tác động nghiêm trọng đến môi trường sống của nhiều loài thủy sản nước ngọt. Và rồi người dẫn chương trình dành cho giới tiêu dùng đã lặp lại dẫn chứng "gây sốc", khi rót một lượng dầu làm sạch gàu vào bể cá nhà mình…

Cá cảnh chết hàng loạt do nước trong bể nhiễm hóa chất gây hại.

Chương trình truyền hình độc đáo đã khiến ký giả L. Koelster trở nên nổi tiếng, thành quả mới khám phá đã tạo được phản ứng tức thì, chỉ sau vài ngày loại nước gội đầu đóng chai đặc trị chống gàu đã bị đình chỉ lưu thông trên thị trường Đan Mạch. Nhưng đồng thời nữ phóng viên gạo cội cũng vấp phải sự phản đối gay gắt từ giới bảo vệ động vật, nhất là những người làm việc trong ngành thú y. Họ cấp báo cảnh sát về hành vi của L. Koelste, đồng thời buộc tội người phóng viên cố tình hãm hại cá cảnh là vật nuôi tại gia gần gũi với con người.

Đơn kiện được gửi tới các cơ quan bảo vệ pháp luật ở thành phố Glostrup, nơi nữ công dân L. Koelster đang cư ngụ. Nhưng giới tư pháp địa phương lại chưa muốn đem trường hợp này ra xử ngay, hồ sơ bị "ngâm tôm" để mãi hơn 4 năm sau vụ việc mới được Viện Công tố Glostrup ra quyết định truy tố bị đơn.

Những lời buộc tội đã đề nghị phạt bị cáo L. Koelste số tiền là 22.400 krone tiền Đan Mạch (DKK), tương đương 3.000 euro chiểu theo 2 tội danh, gồm vi phạm luật bảo vệ động vật và thực hiện thí nghiệm trên loài vật một cách phi pháp. 

Còn người thụ lý hồ sơ của tòa án là thẩm phán Thomas Lohse, đã thẳng thắn trao đổi với báo giới rằng tuy ông đồng ý với quan điểm luận tội của bên công tố, nhưng bởi vụ án đã hết thời hạn câu lưu kéo dài 3 năm theo luật định, do vậy không thể mở phiên xử cho ngã ngũ được, huống hồ lại buộc đương sự nộp phạt…

Nhân sự kiện này, ông Tige Trier, luật sư riêng của L. Koelster đã lên tiếng bảo vệ thân chủ mình là người vô tội. Với tội danh mà nữ ký giả bị gán ghép, luật sư T. Trier liền lên tiếng phản bác: "Vậy sao người ta không quy tội giới chủ các cơ sở sản xuất cá hộp, bắt cá sống vào lò hấp cho chín nhừ mà vẫn… vô can(?!)". "Vụ án hãm hại cá cảnh có thể so sánh với trường hợp của một phóng viên, từng cố tình đem vũ khí lên máy bay chở khách hòng phê phán sự lơ là của lực lượng an ninh mà thôi - luật sư T. Trier lập luận - Các vụ rắc rối dạng này thường được giới tư pháp quốc tế đứng hẳn về phía bị đơn!".

Còn theo nhận định của  thẩm phán T. Lohse, thì lý do căn bản cấu thành tội phạm là bị cáo đã biết trước kết quả thí nghiệm, vậy mà vẫn tiến hành bất chấp sinh mạng của những giống vật nhỏ nhoi. Cuối cùng, thẩm phán T. Lohse đã chỉ đích danh thói quan liêu cố hữu trong các cơ quan công quyền tại Vương quốc Đan Mạch, đã khiến phiên tòa trì trệ chậm được mở, đồng nghĩa với việc quyền được giải trình tức thời của đương sự vô hình trung bị cản trở. Âu cũng là một bài học về tính thời sự cho các vụ án vốn được liệt vào dạng "trọng điểm".

Kim Dung (tổng hợp)
.
.