Quốc hội Mỹ bác phủ quyết của Tổng thống:

Saudi Arabia đã bán đứng Mỹ trong vụ 11/9?

Thứ Ba, 04/10/2016, 14:11
Ngày 28-9, Quốc hội Mỹ đã biểu quyết vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống Barack Obama đối với dự luật Công lý chống hành động bảo trợ khủng bố (JASTA) - văn bản luật cho phép thân nhân và gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố 11-9-2001 khởi kiện Saudi Arabia (Arập Xêút). JASTA được thông qua là đòn giáng mạnh vào Tổng thống B.Obama và đồng minh thân cận của Mỹ trong thế giới Arập.

Lưỡng viện đồng lòng truất quyền phủ quyết của Tổng thống

Về nội dung cụ thể: Dự luật JASTA cho phép những người sống sót và gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố kiện các chính phủ nước ngoài tại Tòa án Liên bang Mỹ và đòi bồi thường nếu những chính phủ đó bị chứng minh phải chịu trách nhiệm trong các cuộc tấn công khủng bố trên đất Mỹ.

Dự luật JASTA đã được Thượng viện Mỹ thông qua hồi tháng 5 và Hạ viện phê chuẩn ngày 9/9 vừa qua. Ngày 23/9, Tổng thống B.Obama đã phủ quyết dự luật JASTA vì cho rằng dự luật này sẽ "gây phương hại cho các lợi ích quốc gia của Mỹ".

Cho dù Tổng thống Obama hết sức bảo vệ đồng minh của mình, dùng quyền tổng thống ngăn cản JASTA, tuy nhiên, trong hai cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện và Hạ viện diễn ra ngày 28-9 (giờ Mỹ), các nghị sĩ đã vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống.

Reuters dẫn nguồn tin chính thức từ Quốc hội Mỹ cho biết, với kết quả áp đảo gần như tuyệt đối (97 phiếu thuận và chỉ 1 phiếu chống), Thượng viện Mỹ đã có nhiều hơn đa số phiếu tối thiểu theo luật định để qua đó vô hiệu hóa quyết định phủ quyết dự luật JASTA của ông Obama.

Tổng thống B.Obama và Quốc vương Saudi Arabia Salman trong cuộc gặp năm 2015, tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia. Ảnh: independent.co.uk.

Đây cũng là lần đầu tiên Thượng viện Mỹ có đủ số phiếu cần thiết để vô hiệu hóa một quyết định phủ quyết trong hai nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama. Chỉ có duy nhất lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Harry Reid bỏ phiếu tán thành quyết định phủ quyết của Nhà Trắng. Đa số các thượng nghị sĩ Mỹ cho biết, họ không muốn bị đánh giá là "yếu đuối" trước những đối tượng bảo trợ khủng bố.

Tại cuộc bỏ phiếu diễn ra cùng ngày, với tỷ lệ áp đảo 338 phiếu thuận và 74 phiếu chống, vượt qua mức đa số 2/3 cần thiết theo luật định, Hạ viện Mỹ đã biểu quyết vô hiệu hóa quyết định phủ quyết dự luật JASTA của Tổng thống Obama, qua đó giúp JASTA chính thức trở thành luật.

"Bán đứng" đồng minh?

Tại sao lại có thể kiện Saudi Arabia? Trong vụ tấn công xảy ra ngày 11/9/2001,  vào Trung tâm Thương mại thế giới tại New York, 15 trong tổng số 19 tên khủng bố được xác định chính là người Saudi Arabia. Sau quá trình điều tra, các cơ quan tình báo và an ninh Mỹ đã kết luận có nhiều bằng chứng cho thấy Saudi Arabia có dính líu đến vụ khủng bố 11/9.

Tài liệu điều tra do Quốc hội Mỹ thực hiện năm 2002 liên quan đến vụ 11/9 vừa mới được công bố đầu tháng 8/2016 trên trang web của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, đã chứng minh, nhóm những kẻ thực hiện vụ tấn công khủng bố 11/9 ở Mỹ đã liên hệ và nhận được sự hỗ trợ của các nhân viên tình báo Saudi Arabia. Rất nhiều nhà hoạt động xã hội đã nhiều lần kêu gọi Chính phủ Mỹ giải mật tài liệu này.

Theo đó, tài liệu này trên thực tế có 29 trang chứ không phải 28 trang như thông tin được báo giới Mỹ công bố từ trước đến nay. Bản thân nhiều cựu thành viên của Ủy ban Điều tra vụ 11/9 cũng lên tiếng yêu cầu chính phủ của ông Obama công bố các trang tài liệu này bởi theo họ Saudi Arabia đã ủng hộ những kẻ tấn công khủng bố thuộc mạng lưới al-Qaeda.

Theo một quan chức tình báo Mỹ, trong tài liệu mới được FBI và CIA công bố này, những kẻ thực hiện vụ tấn công khủng bố 11/9 đã có liên hệ "mật thiết" với các nhân viên tình báo Saudi Arabia. Tài liệu còn chỉ rõ nhiều cá nhân trong 19 tên khủng bố thực hiện vụ 11/9 có liên quan đến Chính phủ Saudi Arabia cũng như có liên hệ với al-Qaeda và các nhóm khủng bố khác.

Trong tài liệu này, FBI và CIA đã báo cáo lên Ủy ban Điều tra của Quốc hội Mỹ rằng: "Họ đã nghiêm túc xem xét vấn đề Saudi Arabia nhưng chỉ nhận thấy mối liên hệ rất hạn chế của Chính phủ Saudi Arabia với các nhân tố khủng bố". Cũng theo quan chức giấu tên trên, "lỗ hổng này của các cơ quan tình báo Mỹ là không thể chấp nhận được", tài liệu nêu rõ và yêu cầu "các cơ quan tình báo Mỹ phải giải quyết vấn đề này càng nhanh càng tốt".

Ngay sau vụ 11/9, Chính phủ Mỹ bắt đầu tập trung điều tra sự liên hệ giữa Saudi Arabia và các nhóm khủng bố, bởi ban đầu Mỹ không tin đồng minh thân cận của mình lại "bán đứng" mình như vậy. Tất nhiên những cáo buộc từ Mỹ đã bị Chính phủ Saudi Arabia phủ nhận. Tuy nhiên, sau khi JASTA có hiệu lực và các thông tin được công khai, sự việc sẽ nhanh chóng được làm sáng tỏ.

Bởi, ngay từ đầu, chính  Zacarias Moussaoui, kẻ lên kế hoạch thực hiện vụ 11/9, đã khai báo với giới chức Mỹ rằng, các thành viên Hoàng gia Saudi Arabia đã cung cấp tiền cho al-Qaeda trước khi vụ tấn công khủng bố 11/9 diễn ra.

Thêm một bằng chứng nữa mới được công bố gần đây, trong cuộc phỏng vấn trên tờ Guardian hồi tháng 5, cựu ủy viên Ủy ban Điều tra của Quốc hội Mỹ vụ 11/9 John F. Lehman cho biết: "Có rất nhiều cá nhân tại Saudi Arabia đã ủng hộ những kẻ tấn công khủng bố và một vài người trong số này làm việc cho Chính phủ Saudi Arabia".

Về vấn đề liên hệ giữa các nhóm cực đoan và Arabia Saudia, báo cáo của Nghị viện châu Âu hồi 2013 cũng nêu rõ: "Saudi Arabia là nguồn cung cấp tài chính chủ yếu cho các nhóm nổi dậy và các tổ chức khủng bố từ những năm 70 của thế kỷ trước.

Các quốc gia như Saudi Arabia, Qatar, UAE và Kuwait hầu như không làm gì để ngăn chặn những kẻ tài trợ cung cấp tài chính cho các tổ chức khủng bố thông qua các tổ chức nhân đạo và tôn giáo".

Một chứng cứ khác chỉ ra: Trong một bản ghi nhớ mật của Bộ Ngoại giao Mỹ hồi năm 2009 được Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là bà Hillary Clinton ký cho thấy: "Các nhà tài trợ tại Saudi Arabia là nguồn cung cấp tài chính quan trọng nhất cho các tổ chức khủng bố Hồi giáo theo dòng Sunni trên toàn thế giới".

Trang WikiLeaks dẫn thông tin mà họ thu thập từ Chính phủ Mỹ tuyên bố thì khẳng định Saudi Arabia là nguồn cung cấp tài chính chủ yếu cho al-Qaeda, Taliban, Lashkar-e-Taiba và nhiều tổ chức khủng bố khác, số tiền được cho lên tới cả trăm tỷ USD, diễn ra trong nhiều năm. Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John O. Brennan, trong cuộc phỏng vấn gần đây với kênh truyền hình Al Arabiya, cũng trả lời rằng ông ủng hộ việc công bố nội dung 28 trang trên, "mọi người không nên xem chúng như là bằng chứng cho thấy sự đồng lõa của Saudi Arabia trong vụ 11/9".

Theo ông, các cuộc điều tra mà Mỹ tiến hành đã đi đến kết luận rằng vụ tấn công 11/9 là sản phẩm của tổ chức khủng bố al-Qaeda cũng như những thế lực khác cùng phe với al-Qaeda.

Bất chấp những hành động đó, Mỹ vẫn coi Saudi Arabia là đồng minh thân cận, chỉ trong vài năm qua, Chính phủ của Tổng thống Obama đã đạt được các thỏa thuận buôn bán vũ khí trị giá hơn 100 tỷ USD với Saudi Arabia.

JASTA: Lợi và hại

Động thái này được coi là một đòn "hiểm" ở thời điểm những ngày cuối cùng tại vị của Tổng thống Obama. Phát biểu ngày 28-9, Tổng thống Obama cho rằng, đây là một sai lầm, tạo ra một tiền lệ nguy hiểm và về cơ bản mang động cơ chính trị.

Ngày 28/9/2016, trong một bức thư gửi tới lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số tại Thượng viện Mỹ, Tổng thống Obama nhấn mạnh, việc thực thi luật trên sẽ làm xói mòn các quy tắc về miễn trừ của một quốc gia. Ông tuyên bố đồng cảm sâu sắc với gia đình các nạn nhân vụ 11/9/2001, nhưng JASTA sẽ "gây phương hại cho các lợi ích quốc gia của Mỹ" khi các công dân Mỹ phải đối mặt với các vụ kiện dân sự liên quan tới các phái bộ quân sự ở nước ngoài.

Ngoài ra, Tổng thống B.Obama cũng chỉ trích một số nghị sĩ thừa nhận rằng họ bỏ phiếu về dự luật này, song không hiểu nội dung văn bản này.

Trong khi đó, Thư ký Báo chí của Nhà Trắng Josh Earnest cho rằng, việc Thượng viện Mỹ bỏ phiếu vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống Obama là "điều khó hiểu nhất" của cơ quan lập pháp này trong nhiều thập kỷ qua. Ông cho rằng, nhiều Thượng nghị sĩ sẽ phải hối hận và chịu trách nhiệm về hành động này.

Một khu vực tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố 11/9. Ảnh: chinadaily.com.cn.

Giới quan sát nhận định, việc JASTA chính thức trở thành luật sẽ khiến quan hệ đồng minh thân cận giữa Mỹ và Saudi Arabia trở nên căng thẳng, tạo tiền lệ cho các nước khác ban hành điều luật tương tự. Khi đó, quân đội Mỹ, nhân viên tình báo, ngoại giao và công vụ Mỹ có thể bị khởi kiện ở nước ngoài. Đồng thời, tài sản của Chính phủ Mỹ ở nước ngoài cũng có nguy cơ bị tịch thu.

Trước đó, ngày 23/9, Tổng thống Obama vẫn bảo lưu quan điểm dù "có sự đồng cảm sâu sắc" với gia đình các nạn nhân vụ 11/9, song cho rằng dự luật JASTA sẽ "gây phương hại cho các lợi ích quốc gia của Mỹ". Nếu dự luật được ban hành, quan hệ đồng minh thân cận giữa Mỹ và Saudi Arabia có nguy cơ leo thang căng thẳng. Làm cho quan hệ đồng minh Mỹ - Saudi Arabia đứng trước thách thức mới.

Quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Saudi Arabia được thiết lập ngay sau khi Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc. Trái với mối quan hệ thường xuyên căng thẳng hoặc lên bổng xuống trầm với nhiều quốc gia Arập khác, Mỹ và Saudi Arabia đã trải qua tình bạn kéo dài gần 7 thập niên suôn sẻ và êm ả.

Saudi Arabia luôn là đồng minh thân cận, là điểm tựa giúp Mỹ thực hiện các chính sách đối ngoại của mình ở Trung Đông. Không chỉ là quốc gia cung cấp dầu lửa ổn định và lớn thứ hai của Mỹ, Saudi Arabia còn là đối tác nhập khẩu vũ khí hàng đầu của Mỹ.

Đặc biệt, năm 2010, Chính phủ Mỹ đã thông qua các hợp đồng cung cấp vũ khí trị giá tới hơn 86 tỷ USD cho Saudi Arabia, trong đó có hạm đội máy bay chiến đấu F-15, máy bay lên thẳng chiến đấu Apache, tên lửa Patriot cùng các vũ khí hiện đại khác.

Tuy nhiên, quan hệ đồng minh giữa hai nước bắt đầu trở nên căng thẳng kể từ năm 2011, do bất đồng về cách giải quyết những bất ổn ở các nước Trung Đông và Bắc Phi như Iran, Syria, Ai Cập... Thêm vào đó, sau nhiều năm "làm ngơ", tháng 4-2016, Quốc hội Mỹ bắt đầu xem xét dự luật cho phép công dân nước này kiện Chính phủ Saudi Arabia vì cáo buộc dính líu đến sự kiện khủng bố 11-9.

Trước những căng thẳng, lãnh đạo hai nước đã thực hiện các chuyến thăm lẫn nhau nhằm hàn gắn những rạn nứt trong quan hệ giữa hai đồng minh thân thiết, như chuyến thăm Saudi Arabia của Tổng thống Mỹ Obama (tháng 3/2014, tháng 4/2016) và chuyến thăm Mỹ của Quốc vương Saudi Arabia Salman (tháng 9-2015).

Các chuyên gia phân tích nhận định, dù còn không ít bất đồng, song với những ràng buộc lợi ích không thể tách rời, Mỹ không thể để mất mối quan hệ với đồng minh Saudi Arabia. Bởi hai nước vẫn đang bị ràng buộc bởi mối liên kết đồng minh quân sự và thương mại chặt chẽ lâu năm. Mỹ vẫn cần tận dụng sức mạnh ngoại giao của Saudi Arabia và hơn cả Washington cần phải đảm bảo nguồn cung cấp dầu lớn nhất thế giới luôn ổn định.

Đặc biệt, đối với cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông, Mỹ cần Saudi Arabia với vai trò của người đứng đầu liên minh Arập - quốc gia có sức mạnh nhất trong khu vực để ủng hộ cho mục tiêu chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria.

Nguyễn Hòa
.
.