Taliban mở mặt trận tuyên truyền trên các mạng xã hội
- Taliban khai thác bất hợp pháp mỏ đá da trời ở Afghanistan
- Taliban tấn công xe buýt chở du khách châu Âu và Mỹ
- Kabul lại rung chuyển bởi cuộc đấu súng kéo dài 6 tiếng với Taliban
Cảnh sát tôn giáo của Taliban đánh đập dã man những tài xế taxi dám nghe nhạc bằng máy cassette; radio cũng là thiết bị hiếm hoi ở Afghanistan của Taliban trong khi thủ lĩnh một mắt (Mullah Mohammed Omar) của bọn chúng không muốn xuất hiện trong những bức ảnh chụp. Nhưng khi thời cuộc thay đổi, mặt trận mới nhất của Taliban chính là những nền tảng mạng giao tiếp.
Sử dụng nền tảng mạng xã hội làm mặt trận tuyên truyền
Sau khi bị liên quân Mỹ lật đổ năm 2001, Taliban bắt đầu quan tâm đến công nghệ. Cũng giống như Al-Qaeda ở Iraq (tiền thân của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng - IS), Taliban quay phim những cuộc tấn công của chúng rồi đăng tải tràn lan trên Internet với hy vọng tìm kiếm những người ủng hộ giúp chúng phục hồi quyền lực đã mất.
Một người Taliban đang sử dụng smartphone. |
Mặc dù việc sử dụng công nghệ đã phát triển trong hơn 1 thập niên, song Taliban chỉ thật sự quan tâm đến mạng xã hội trong vài năm trở lại đây nhằm mục đích tuyên truyền và lôi kéo người ủng hộ. Cũng giống như các tổ chức khủng bố khác ở Trung Đông, Taliban sở hữu nhiều trang Facebook, các kênh ứng dụng nhắn tin miễn phí Telegram và tài khoản Twitter.
Taliban sử dụng các nền tảng xã hội phổ biến nhất - bao gồm Telegram, Twitter và WhatsApp - để thông tin đến những người theo dõi về những sự kiện cũng như cuộc chiến của chúng, thông qua 6 thứ tiếng: Arập, Anh, Pashto (của Afghanistan), Thổ Nhĩ Kỳ và Urdu (của Pakistan). Phòng trò chuyện (chatroom) trên trang WhatsApp bằng tiếng Pashto của Taliban (được cập nhật liên tục trong ngày) bao gồm hàng loạt số điện thoại di động từ Afghanistan, Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Iran, Kuwait, Pakistan và Arập Xêút.
Khi các nhà quản trị mạng xã hội chính thức cấm hoạt động những tài khoản liên quan đến khủng bố, Taliban cố gắng tái lập lại với những số điện thoại và tên người dùng mới hoàn toàn. Đồng thời, Taliban cũng cho thành lập hẳn một cơ quan truyền thông gọi là Al-Emarah (nghĩa là "tiểu vương quốc" theo tiếng Arập).
Theo kênh Telegram tiếng Anh của Taliban, Al-Emarah là "kênh chính thức của Tiểu Vương quốc Hồi giáo Afghanistan" chuyên cung cấp "những bản cập nhật tin tức, bài báo cũng như bản tuyên bố chữ ký của Zabihullah Mujahid - một trong 2 người phát ngôn nổi tiếng của Taliban - xuất hiện vào cuối những bản tuyên bố. Những thông tin cập nhật khác liên quan đến Ủy ban Văn hóa - "cơ quan chính quyền" bên trong "nhà nước đã chết" Tiểu Vương quốc Hồi giáo Afghanistan. Asad Afghan, thủ lĩnh Ban Truyền thông thuộc Ủy ban Văn hóa, chịu trách nhiệm về sự hiện diện của Taliban trên các nền tảng Telegram, Twitter và WhatsApp.
Qari Muhammad Yousuf Ahmadi, người phát ngôn thứ 2 của Taliban, nói chuyện với trang tin The Diplomat qua ứng dụng Viber: "Mạng xã hội cho phép chúng tôi dễ dàng tiếp xúc với những nhà báo nước ngoài và địa phương. Bằng cách đó, chúng tôi sẽ có lợi khi đăng tải những bài viết của chúng tôi".
Chiến binh có mối quan hệ phức tạp với các nhà báo - thường bắt cóc họ song cũng thường lợi dụng họ để tuyên truyền đến nhiều người hơn. Sau mỗi cuộc tấn công và đánh bom liều chết, Taliban luôn đăng tải thông tin lên mạng xã hội. Rất hiếm trường hợp như 2 người phát ngôn nổi tiếng của Taliban là Mujahid và Ahmadi chấp nhận những cuộc phỏng vấn kéo dài của phóng viên báo chí nước ngoài.
Trong cuộc phỏng vấn của một tờ báo tiếng Arập tên là Asharq al-Awsat đặt trụ sở tại thủ đô London nước Anh, người phát ngôn Ahmadi của Taliban giải thích về tầm quan trọng của các nền tảng mạng xã hội đối với nhóm chiến binh. Ahmadi khoe khoang: "Tôi sử dụng nhiều máy tính và có tài khoản trên Facebook, Twitter và YouTube" đồng thời mô tả mục tiêu của chiến binh là "chiếm cho được tâm trí và con tim của đông đảo quần chúng" trong cuộc chiến ở Afghanistan - một trong những cuộc nội chiến kéo dài nhất thế giới.
Lợi dụng mạng xã hội để thu phục lòng người
Các kênh Telegram bằng tiếng Pashto và Persian - hai ngôn ngữ chính thức ở Afghanistan - có 4.336 người theo dõi (tính đến đầu tháng 9). Kênh tiếng Thổ Nhĩ Kỳ có ít người theo dõi hơn - chỉ 349 người.
Taliban ở Afghanistan. |
Để so sánh: quân số chiến binh Taliban năm 2014 là khoảng 60.000 người. Những con số này cho thấy Taliban thật ra vẫn chưa hưởng được lợi ích gì từ mạng xã hội. IS sử dụng mạng xã hội để chiêu mộ hàng ngàn người nước ngoài không là người Arập đồng thời củng cố tính hợp pháp của "Nhà nước Hồi giáo toàn cầu" bên trong thế giới Hồi giáo.
Trong khi đó, Taliban chỉ có tham vọng tái lập quyền cai trị Afghanistan - đất nước có đến 31% dân số mù chữ và sự tiếp cận với công nghệ hiện đại (máy tính và smartphone) là không đáng kể. Quan hệ quần chúng cũng là thảm họa cho Taliban khi mà số người dân ủng hộ chúng đã sụt giảm mạnh từ 56% năm 2009 xuống còn 29% năm 2011.
Do đó, Taliban gần như không có hy vọng khôi phục "Tiểu Vương quốc Hồi giáo Afghanistan" bất chấp có lợi dụng tối đa các nền tảng xã hội để thu phục lòng người. Tuy nhiên, Taliban - nổi tiếng với sự kiên nhẫn - vẫn cố gắng dựa vào mạng xã hội như là "quyền lực mềm" để đạt được 2 mục đích dài hạn.
Thứ nhất, Taliban tự coi mình là một chính quyền đang lưu vong hay "nhà nước bên trong nhà nước" tồn tại thông qua cơ quan truyền thông Al-Emarah. Thứ 2, phương tiện truyền thông Al-Emarah của Taliban mở rộng tuyên truyền hướng đến độc giả trong cả hai thế giới Hồi giáo và phương Tây có thể giúp đẩy quân đội nước ngoài ra khỏi lãnh thổ Afghanistan khi mà cuộc viễn chinh của họ không còn được nhiều người dân nước này ủng hộ nữa.
Bill Roggio, chủ bút trang web tin tức Mỹ The Long War Journal (TLWJ), đánh giá rằng Taliban đang kiểm soát một phần năm lãnh thổ Afghanistan và cố gắng gây ảnh hưởng đến một nửa số dân nước này. Cùng với một số chiến thắng mới đây ở Lashkar Gah (thuộc tỉnh Helmand miền nam Afghanistan) và thành phố Kunduz (miền bắc Afghanistan), sự hiện diện của Taliban trên mạng xã hội đã tái khẳng định tính hợp pháp cũng như sự sống kéo dài của chúng.
Tuy nhiên, mạng xã hội cũng gây bất lợi cho Taliban. Một mặt, smartphone mang đến cơ hội cho các phi đội máy bay vũ trang không người lái (drone) của Mỹ trên bầu trời Afghanistan lẫn Pakistan giám sát các thành viên Taliban để tiêu diệt.
Mặt khác, các phần mềm ứng dụng được mã hóa đầu cuối như Telegram, Viber và WhatsApp khiến cho chiến dịch gián điệp chiến binh của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) trở nên khó khăn hơn.