Vụ trộm tranh 500 triệu USD được Netflix dựng thành phim

Chủ Nhật, 18/04/2021, 11:36
Khi vụ trộm 13 bức tranh, trong đó có 2 bức của 2 danh họa Rembrandt và Vermeer, diễn ra tại Bảo tàng Isabella Stewart Gardner ở Boston, Mỹ vào ngày 18-3-1993, các chuyên gia về hội họa đã nhận định đây là vụ trộm tranh lớn nhất lịch sử. 28 năm đã trôi qua, tổng giá trị các bức tranh đã lên tới 500 triệu USD và cho dù hàng loạt những giả thuyết và nghiên cứu về danh tính các thủ phạm, động cơ cùng cách thức gây án và tung tích những tác phẩm bị đánh mất… nhưng FBI vẫn chưa thể phá giải vụ án này.

Hiện Bảo tàng Gardner vẫn đang treo thưởng 10 triệu USD cho bất kì ai có thể cung cấp thông tin về vụ án. Ngày 7-4-2021, Netflix đã cho ra mắt một bộ phim tài liệu mang tên "Đây là một vụ trộm: Vụ đánh cắp tranh đắt đỏ nhất thế giới"...

Vụ đánh cắp táo tợn

Toàn bộ 16.000 bức tranh, tác phẩm điêu khắc và gốm trong Bảo tàng Gardner đều được sưu tầm bởi một người phụ nữ tên Isabella Stewart Gardner. Sau khi thừa hưởng khối tài sản khổng lồ từ người cha triệu phú năm 1891, bà cùng chồng là ông Jack Gardner - cũng là một triệu phú - bắt đầu lui tới Châu Âu, và mua về các bức điêu khắc, lọ hoa La Mã cổ, các bức tranh của danh họa Rembrandt. Sau khi nhận thấy bộ sưu tập của mình rất có giá trị, bà xây một viện bảo tàng mang tên mình với hy vọng nơi này sẽ góp phần "giáo dục và giải trí cho công chúng mãi mãi".

Những khung tranh để trống ở viện bảo tàng Gardner

Bà Isabella qua đời năm 1924, và do người con độc nhất của hai vợ chồng đã chẳng may qua đời khi còn trẻ, bà đã cho sung công toàn bộ viện bảo tàng. Tuy nhiên, không có sự bảo trợ tài chính của nữ triệu phú, Bảo tàng Gardner nhanh chóng suy tàn.

Tối 18-3-1993, hai tên trộm mặc trang phục cảnh sát đã lừa hai bảo vệ trực đêm trẻ tuổi là Rick Abath 23 tuổi và Randy Hestand 25 tuổi mở cửa cho chúng vào trong bảo tàng với lý do điều tra một vụ gây rối diễn ra bên trong. Hai bảo vệ không nghi ngờ gì vì ngày 18-3 là ngày lễ Thánh Patrick, vốn là "dịp" để người dân Boston tiệc tùng và gây gổ. Hai tên trộm nhanh chóng khống chế Rick và Randy, vô hiệu hoá các máy quay an ninh và gỡ những bức họa quý khỏi khung. Hai tên trộm rời đi lúc 2h45, còn hai người bảo vệ bị trói và bịt miệng bằng băng dính cho đến khi các bảo vệ khác đến đổi ca vào 8h15 sáng.

Hai tên trộm đã lấy đi những tác phẩm nghệ thuật đáng giá nhất được trưng bày ở bảo tàng: bức tranh vẽ cảnh biển duy nhất của danh họa Rembrandt "Bão trên biển Galilee", "Quý bà và quý ông mặc đồ đen" cũng của Rembrandt, một trong hơn 10 bức họa còn sót lại đến ngày nay của họa sĩ tài hoa nhất Hà Lan Johannes Vermeer "Buổi hoà nhạc". Ngoài ra, chúng còn trộm một bức tự họa của họa sĩ Rembrandt, 5 bản vẽ nháp của hoạ sĩ trường phái Ấn tượng người Pháp Edgar Degas, một bức tranh của họa sĩ Edouard Manet và khi chúng không thể gỡ được lá cờ của Hoàng đế Napoleon xuống, chúng lấy đi một chiếc lọ đồng cổ Trung Quốc.

Bức tranh "Bão trên biển Galilee" được vẽ bởi danh họa Rambrandt - món có giá trị nhất trong những gì bị đánh cắp

Khi hiến tặng bảo tàng cho thành phố Boston, bà Isabella đã nêu rõ điều kiện của mình trong di chúc, có lẽ là để bảo vệ đứa con tinh thần của mình khỏi những tay buôn, đó là không một ai được phép bán hoặc quyên góp các tác phẩm nghệ thuật, không được thêm bất kì một tác phẩm nào mới, và không được sắp xếp lại các bộ sưu tập, và nếu những điều khoản này bị vi phạm, tất cả mọi thứ, bao gồm cả mảnh đất nơi Bảo tàng Gardner được xây nên… sẽ được sang tên cho Trường Đại học Harvard. Những điều khoản nghiêm khắc này vô tình tạo một trở ngại lớn cho Ban giám đốc bảo tàng: họ không thể treo những bức tranh khác thay thế những bức bị đánh cắp, vậy nên họ đành phải treo những chiếc khung trống không - như một cách gợi nhắc tất cả về những báu vật đã mất. Nhiều năm trôi qua, và những chiếc khung này trở thành những "tác phẩm" thu hút khách tham quan nhất ở đây.

Với ông Anthony Amore, Giám đốc an ninh của Bảo tàng Gardner và là điều tra viên chính của vụ trộm, việc người tham quan quan tâm những khung tranh trống không hơn là những tác phẩm còn đó khiến ông lo ngại rằng sự khét tiếng của vụ trộm sẽ làm lu mờ giá trị thực sự của những báu vật bị đánh cắp. "Những bức tranh là tạo vật của hàng trăm năm trước, minh chứng cho một quá khứ không được lưu giữ trên những tấm ảnh. Chỉ với một tấm vé, mọi người có thể chứng kiến những nét cọ của danh họa Rembrandt, và giờ thì không được nữa. Hiện tại, chúng tôi không duy trì viện bảo tàng vì tiền, mà vì muốn chấm dứt bi kịch của những bức tranh mất tích".

Những giả thuyết được đưa ra trong ba thập niên

Ông Anthony điều tra vụ việc một cách chi tiết và toàn diện nhất có thể, vì ông tin rằng nếu mình trả lời mọi email mách nước và lần theo mọi dấu vết ông nhận được cho dù chúng nghe có xa vời đến mức nào, chắc chắn ông sẽ tìm được một điều gì đó. Ông Amore hiện vẫn đang cộng tác với đặc vụ FBI Geoff Kelly, người phụ trách chuyên án điều tra vụ trộm Gardner.

Giám đốc an ninh của bảo tàng Gardner, ông Anthony Amore

Ông Geoff là đặc vụ FBI mới nhất trong một loạt đặc vụ được giao điều tra vụ án kể từ năm 1981. Xuyên suốt 3 thập kỉ, FBI đã thực hiện hàng loạt chiến dịch điều tra ngầm từ thành phố Miami, Mỹ đến tận Nhật Bản xa xôi, và lần nào họ cũng ra về tay trắng. Ông Witman, một đặc vụ FBI đã nghỉ hưu, tin rằng đường dây buôn tranh ăn trộm của băng đảng Corsician tại Pháp mà ông từng thâm nhập dưới vỏ bọc một tên "cò" cổ vật vào năm 2006 thực sự sở hữu những bức tranh bị đánh cắp năm 1981. Tuy nhiên do đã nhiều năm trôi qua, ông không rõ chúng có còn giữ những báu vật đó không. Đáp lại đầu mối này, ông Anthony cho rằng những bức tranh không có ở Pháp.

Hiện tại, FBI đã đưa ra một giả thuyết mà ông Anthony khá tin tưởng, đó là các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp bởi hai tên tay sai cấp thấp trong một tổ chức tội phạm ở Boston. FBI từng tin rằng ông trùm Carmello Merlino đang giữ chúng vì trong một lần nghe lén năm 1998, các đặc vụ nghe thấy Merlino ba hoa rằng hắn biết những chiến lợi phẩm đang ở đâu. Tuy nhiên sau đó, khi bị bắt vì tội trộm cướp có vũ trang và bị FBI thẩm vấn, hắn không thể chỉ ra chỗ cất giấu tài sản của bảo tàng Gardner. Merlino bị kết án 47 năm tù, và đã chết năm 2005.

FBI cùng ông Anthony đã theo dấu hai ông trùm tại thành phố Maine, Mỹ năm 2003 và suýt nữa đã tìm được những thứ bị đánh cắp. Năm 2013, FBI đã gây sốc khi thông báo rằng họ đã biết danh tính của cả hai tên trộm, và cả 2 đều đã qua đời. Tính đến thời điểm hiện tại, những bức tranh có thể đang ở New England, Mỹ.

Bản phác họa chân dung hai hung thủ

Ông Geoff vẫn giữ vững giả thuyết của mình: ông trùm Boston Whitey Bulger đã tặng những bức tranh cho Quân đội Cộng hoà Ireland Lâm thời (IRA) - một tổ chức bán quân sự với mục đích chấm dứt sự cai trị của Anh ở Bắc Ireland, và IRA đúng là có từng dính líu đến một số vụ buôn lậu cổ vật. Sau khi Bulger bị bắt mà tài sản của bảo tàng vẫn chưa được tìm thấy, ông Geoff lập luận 2 tên trộm không làm theo lệnh của IRA nhưng vẫn có liên quan đến tổ chức này vì chúng gây án vào ngày lễ Thánh Patrick - một ngày lễ quan trọng của người dân Ireland. Thêm vào đó, đúng là IRA từng ăn trộm các tác phẩm nghệ thuật, nhưng chúng chỉ trộm những bảo tàng trong nước, ví dụ như Bảo tàng Russborough ở Ireland - nơi đã từng bị IRA trộm 4 lần liền. Ông Anthony cũng chỉ ra ở Châu Âu có khá nhiều tác phẩm của danh họa Rembrandt, vậy nên IRA không việc gì phải bay sang tận Mỹ gây án.

Giả thuyết của ông Geoff được thanh tra Charles Hill - thành viên của ban chuyên án từng tìm lại được bức họa "Tiếng hét" năm 1994 - ủng hộ. Ông Charles khẳng định tên xã hội đen Martin Foley, ông chủ công ty đòi nợ khét tiếng Viper, vốn có quan hệ mật thiết với kẻ từng ăn trộm tranh của Bảo tàng Rossborough, đã "dắt mối" cho hai thủ phạm bán những món đồ của Bảo tàng Gardner, chính vì vậy Martin biết những bức tranh đang ở đâu.

Hiện tại, Martin Foley đang bị Cục Hình sự Tài sản Ireland kiện vì nợ 830.000 USD tiền thuế và Charles thuyết phục hắn rằng, hắn sẽ được thưởng 10 triệu USD, thừa đủ trả nợ, nếu hắn chịu khai ra tất cả. Tuy nhiên ông Charles nghĩ Martin sợ bị cả FBI lẫn Ireland truy tố vì tội tàng trữ đồ gian.

Có một giả thuyết khác về những kẻ đứng đằng sau vụ trộm, đó là chính hai nhân viên bảo vệ đã dàn cảnh để gây án. Nhà sử học người Hà Lan Arthur Brand, người được mệnh danh là Indiana Jones đời thực, phản đối lập luận này và tin rằng hai nhân viên bảo vệ không liên quan đến vụ án.

Nỗ lực phá giải vụ án vào năm 2021

Hiện Bảo tàng Gardner đang đóng cửa do dịch bệnh, nhưng ông Anthony vẫn đi làm mỗi ngày, liên hệ với tất cả những người cung cấp thông tin về vụ án. Đã nhiều năm trôi qua, nhiều nhân chứng đã qua đời, nhưng ông Anthony vẫn kiên nhẫn bổ sung những phát hiện mới và đọc lại hàng chục nghìn trang bằng chứng của FBI cung cấp. Người đàn ông này tin rằng câu trả lời nhất định phải nằm ở đâu đó.

Cựu luật sư Martin Leppo, cho dù không tìm kiếm những bức tranh, nhưng vẫn không thể nào ngừng đeo đuổi vụ án, một phần là do vẫn có rất nhiều người liên hệ với ông mỗi ngày. Dĩ nhiên, ông Martin cũng gặp phải nhiều kẻ mạo danh. Ví dụ như năm 2019, một người phụ nữ đòi gặp ông và khăng khăng cha của cô ta liên quan đến vụ án, và cô ta biết những bức tranh đang ở đâu. Thế nhưng khi ông Martin đòi xem tranh, cô ta lại lẩn mất.

"Vài ngày trước có người gọi điện cho tôi để mời tôi đến Ảrập vì anh ta có đầu mối về vị trí của những món đồ bị đánh cắp, và tôi bảo anh ta bao giờ tìm được thì gọi lại cho tôi", ông nói.

Huyền Thi
.
.