Vụ trộm văn vật ở Tử Cấm Thành

Thứ Tư, 29/04/2020, 12:52
Tử Cấm Thành vốn được cho là một trong những bảo tàng an toàn nhất thế giới. Hệ thống an ninh vô cùng nghiêm ngặt được cho là “Không có điểm mù giám sát cả trong lẫn ngoài”. Hàng ngày sau khi đóng cửa ít nhất có 1.600 thiết bị chống trộm, 3.700 thiết bị báo cháy nổ và hơn 400 camera giám sát hoạt động.

Bộ phận an ninh ở đây được gọi là “Nơi bảo vệ đệ nhất Kinh thành”. Tổng số nhân viên là 240 và còn có cả lực lượng cảnh sát phối hợp. Trong Tử Cấm Thành các khu vực riêng rẽ đều có hàng rào sắt, cửa sổ chấn song sắt; tủ sắt và tủ kính trong các phòng trưng bày đều là loại chống cháy nổ, và được định kỳ kiểm tra sửa chữa và bổ sung.

Theo quy định an ninh của Tử Cấm Thành, mỗi ngày sau khi hết giờ khách tham quan, các nhân viên phải kiểm đếm các hiện vật đang được trưng bày, sau đó đi kiểm tra tất cả các ngóc ngách rồi mới đóng cửa phòng lại.

Các biện pháp an ninh nghiêm ngặt và chặt chẽ như vậy lại bị một “tên trộm vô danh tiểu tốt” dễ dàng hóa giải. Người ta đã đặt nhiều câu hỏi về hệ thống an ninh ở Tử Cấm Thành: Làm thế nào tên trộm lại đột phá được hệ thống an ninh như ở Tử Cấm Thành? 

Lấy được hiện vật rồi làm thế nào mà hắn lại an toàn trở ra? Liệu có nội ứng không? Sự sơ hở trong công tác an ninh ai phải chịu trách nhiệm? Một loạt các câu hỏi trở thành chủ đề nóng trong giới truyền thông và công chúng.  

Tên trộm bị bắt sau hai ngày

Sáng ngày mùng 9 tháng 5 năm 2011, khi nhân viên mở cửa phòng trưng bày thì phát hiện các hiện vật ở trong tủ bị mất trộm nên vội thông báo ngay cho bộ phận an ninh.

Cảnh sát đã đến ngay hiện trường điều tra tại chỗ thấy rằng tên trộm đã phá cửa sổ chui vào trong phòng sau đó phá vỡ kính bảo vệ tủ và lấy đi các hiện vật trưng bày ở trong đó. 

Toàn cảnh Tử Cấm Thành.

Theo phía cảnh sát, tên trộm hành động đơn phương và là một tên trộm không chuyên nghiệp, hắn để lại rất nhiều dấu vết ở hiện trường, đặc biệt là nhiều dấu vân tay trên kính của tủ trưng bày. 

Khi cảnh sát đang tiến hành điều tra thì phía bảo vệ báo rằng khoảng 10 giờ 30 tối ngày mùng 8, nhân viên bảo vệ đi tuần phát hiện một người khả nghi đang đi trong khu vực Tử Cấm Thành. Bảo vệ hỏi thì người đó nói là đi du lịch bị lạc. Thừa lúc nhân viên bảo vệ gọi điện báo cấp trên, người đó đã dựa vào bóng đêm và các bụi cây chuồn mất. Sau đó phía bảo vệ đã cử hơn 20 nhân viên tiến hành tìm kiếm suốt cả đêm nhưng không thấy tung tích người đó đâu.

Phía bảo tàng đã tiến hành họp báo để thông báo về tình hình vụ trộm. Bảo tàng đã xác nhận số hiện vật bị đánh cắp gồm 9 đồ vật, những đồ vật này là đồ vật của nhà sưu tập tư nhân Phùng Diệu Huy 65 tuổi, một tỷ phú Hồng Kông đồng thời là một nhà sưu tập cổ vật. 

Phòng trưng bày, nơi bị mất trộm.

Ông đã sưu tầm cổ vật trong hơn 20 năm, chủ yếu là các đồ đồng, đồ sứ đời Minh - Thanh. Ông cho Tử Cấm Thành mượn 130 đồ vật để trưng bày gồm 19 bộ đồ gỗ quý đời Minh Thanh, và 111 bộ đồ hộp trang điểm bằng vàng và bạc được chế tác tinh xảo từ những năm 1930 đến 1980 theo kiểu phương Tây.

Những đồ vật bị mất trị giá khoảng 310 ngàn tệ.

Chỉ sau hai ngày điều tra, cảnh sát đã bắt được nghi phạm, hắn tên là Thạch Bá Khôi, người tỉnh Sơn Đông đến ở Bắc Kinh được 2 năm, với danh nghĩa là khách thăm bảo tàng, hắn đã trốn ở lại trong Tử Cấm Thành cho đến tối thì thực hiện vụ trộm. Cảnh sát phát hiện được hắn nhờ đối chiếu dấu vân tay để lại hiện trường. Hắn bị bắt giữ ở một quán internet, động cơ ăn cắp là thiếu tiền.

Từ trang web của Tử Cấm Thành

Thạch Bá Khôi, 27 tuổi, học hết lớp ba thì bỏ học. Hai năm trước đến Bắc Kinh làm thuê, hắn cao 1,58m nhưng chỉ có hơn 40 kg nên không làm được các công việc nặng nhọc.

Khi hắn lên mạng trong một quán internet, vô tình vào trang mạng của Tử Cấm Thành, thấy có rất nhiều đồ cổ và những bức tranh thư pháp rất đẹp. Từ hôm đó hắn đã nảy ra ý tưởng “Nếu lấy được những thứ này thì cả đời không phải lo đến tiền”.

9 đồ vật mà Thạch Bá Khôi đã lấy cắp ở Cố Cung.

Trước khi gây ra vụ trộm, Thạch Bá Khôi đã đến Tử Cấm Thành tham quan xem những thứ trưng bày có đẹp và tốt như ở đăng ở trên mạng không. Hắn không mua vé vào cửa mà chui qua lan can để vào. Sau khi vào Tử Cấm Thành, Thạch Bá Khôi luôn bám theo những hướng dẫn viên của các đoàn khách du lịch nghe họ thuyết minh nên hắn biết rằng rất nhiều đồ vật trong Tử Cấm Thành không phải đồ thật mà là đồ mô phỏng. Thạch Bá Khôi rất thất vọng nhưng hắn vẫn không bỏ ý định ăn trộm đồ vật ở đây. 

Ngày hôm sau, Thạch Bá Khôi lại trốn vé vào trong Tử Cấm Thành, hắn đến Trai Cung thì đúng lúc hướng dẫn viên giới thiệu với khách du lịch Hồng Kông rằng những thứ đang bày ở đây là vàng, bạc thật, rất có giá trị nên ý định lấy cắp đồ vật của hắn lại dấy lên mạnh mẽ.

Hôm đó trời bỗng nhiên đổ mưa, khi hết giờ hắn không trở ra mà nấp ở hành lang giữa phòng trưng bày và nhà ngang. Khi trời tối hẳn hắn ra khỏi chỗ nấp thì trong Tử Cấm Thành đã không còn khách nữa, hắn đến khu vực Trai Cung và lẻn vào một gian phòng. Không ngờ đây là phòng phân phối điện, hắn kéo cầu dao và làm mất hệ thống giám sát cảnh báo.

Đến khoảng 10 giờ đêm, hắn rời phòng phân phối điện đến phía sau Trai Cung phá cửa sổ chui vào bên trong nhưng ở giữa cửa sổ và gian phòng lại có một bức tường. Hắn dùng tay gõ thử thấy bức tường không được chắc lắm, khi hắn lấy chân đạp mạnh thì bức tường bị thủng một lỗ, tiếp đó hắn dùng tay cạy cho cái lỗ thủng to ra rồi chui vào bên trong.

Giữa cửa sổ và phòng trưng bày có một bức tường trang trí có khe rất hẹp nhưng do Thạch Bá Khôi người nhỏ bé nên hắn chui lọt. Sau khi chui được  vào phòng trưng bày, hắn lấy bật lửa soi và thấy những đồ vật trưng bày ở trong tủ sáng lấp lánh. 

Cung điện nhà Thanh bên trong Tử Cấm Thành. 

Thạch Bá Khôi tưởng là kính bảo vệ tủ rất dày nên hắn nhảy lên mặt tủ thấy cái nắp tủ có thể nâng lên được. Sau khi nâng cái nắp lên hắn thấy kính không dày lắm nên hắn chỉ đạp nhẹ kính bảo vệ đã vỡ và hắn chui cả người vào trong tủ. Thạch Bá Khôi đã lấy 9 đồ vật ở trong tủ; những thứ này thể tích đều không lớn, chỉ tương tự bao thuốc lá để dễ cất giấu.

Ra khỏi phòng trưng bày, Thạch Bá Khôi định trốn ra bên ngoài bằng con đường chạy quanh bờ tường rồi trèo ra ngoài. Sau khi bò theo bức tường, hắn thấy bên ngoài có đường nhưng có điều là tường bao quanh Tử Cấm Thành rất cao (khoảng 8m) không thể nhảy xuống được. May mắn là thời gian này Tử Cấm Thành đang có công trình thi công nên hắn nhìn thấy có một cuộn dây cáp điện rất to và hắn đã cố định sợi cáp điện rồi tụt xuống bên ngoài.

Sau đó hắn cứ theo hướng cửa bắc mà đi. Trên đường hắn gặp một nhân viên bảo vệ. Khi bị người bảo vệ gọi hỏi hắn nói bừa là khách du lịch bị lạc vì mưa nên không ra được. Thừa lúc nhân viên bảo vệ gọi điện thoại báo cáo cấp trên, hắn đi vào một bụi cây trúc quẳng bỏ bớt hai món rồi chuồn vào trong màn đêm. Hai thứ này sau được bảo vệ tìm thấy nhưng đã bị biến dạng méo mó.

Thu hồi được 7 hiện vật

Mang theo những thứ lấy cắp được, Thạch Bá Khôi vào một quán internet và ngủ cho đến sáng rồi trở về chỗ gần cửa hàng thịt nướng mà hắn đã làm thuê. Hắn biết ở gần đấy có một nhà sưu tầm đồ cổ thu mua những đồ chế tác bằng kim loại, Thạch Bá Khôi muốn bán ngay số đồ lấy được để có tiền. Một ngày sau khi gây án hắn đến cửa hàng thu mua đồ cổ đưa ra những thứ đánh cắp được để bán nhưng chủ cửa hàng nói rằng những thứ đó không có giá lắm. Chủ quán bảo hắn mang ra những quầy bán vỉa hè mà bán.

Thạch Bá Khôi khi bị bắt.

Thạch Bá Khôi đi khỏi cửa hàng thu mua đồ cổ loanh quanh vài vòng trên phố nhưng không thấy có quầy bán hàng nào. Hắn càng nghĩ càng bực, mất bao nhiêu công sức mới lấy được thì lại không có giá trị, bán không ai mua, hắn bực tức vứt bỏ 2 món vào trong một thùng rác.

Trong 9 đồ vật mà Thạch Bá Khôi lấy cắp đã thu hồi được 7 món, còn 2 món hắn vứt vào thùng rác thì không thể tìm được.

Theo cảnh sát, năm 2008, Thạch Bá Khôi từng bị cảnh sát bắt vì mang theo vũ khí bất hợp pháp trong người. Hắn gây án ở trình độ thấp nên ở hiện trường để lại nhiều dấu vết nên công an rất nhanh đã tìm ra hắn.

Sau vụ án người ta bàn luận rất nhiều, vậy Thạch Bá Khôi là người như thế nào? Hắn gây án có nội ứng không?

Thạch Bá Khôi không phải là một tên trộm thần kỳ như mọi người nghĩ, tuy nhiên đây là lần đầu tiên hiện vật bị đánh cắp ra khỏi Tử Cấm Thành. Thạch Bá Khôi chỉ là một tên tội phạm phổ thông, không có kinh nghiệm trong việc lấy cắp các vật phẩm lớn, hắn chỉ nghĩ là sau khi lấy cắp được báu vật thì cả đời không phải lo gì về tiền nữa. Đây là ý nghĩ hết sức đơn giản đã thôi thúc hắn gây ra một vụ án lớn. Sau khi bị bắt nghe người ta nói hắn mới biết mình phạm tội nghiêm trọng, hắn không nghĩ rằng chỉ lấy mấy thứ nho nhỏ mà làm chấn động cả nước.

Nói về vụ án này nhiều người cho rằng có nội gián và Thạch Bá Khôi là một tên trộm cự phách… Nhiều người còn mô tả vụ án vô cùng thần bí, vụ án được sự quan tâm đặc biệt và được thêu dệt ly kỳ bởi vì địa điểm hắn gây án là Tử Cấm Thành.

Nguyễn Đình Thiêm (Theo “Xinhuanet.com”)
.
.