Xung quanh vụ sát hại một nhà hoạt động môi trường

Thứ Sáu, 18/03/2016, 15:30
Sáng sớm ngày 3-3-2016 ở thành phố La Esperanza, phía bắc thủ đô Tegucigalpa của Honduras, một nhóm người đàn ông đột nhập vào nhà của nhà hoạt động môi trường Berta Caceres rồi nã súng sát hại bà.

Caceres là đồng sáng lập kiêm điều phối viên Hội đồng Dân sự các phong trào người bản xứ và Nhân dân Honduras (COPINH), tổ chức được trao Giải Môi trường Goldman năm 2015. Nhà hoạt động môi trường Gustavo Castro Soto có mặt trong nhà của Caceres lúc xảy ra vụ ám sát nhưng may mắn thoát chết, vì vậy Castro được coi là nhân chứng duy nhất trong vụ án nhưng hiện đang bị giam giữ với lý do để thẩm vấn.

Tổ chức Ân xá Quốc tế cảnh báo Castro "đang gặp nguy hiểm" tính mạng. Hơn 200 nhóm nhân quyền cũng đang kêu gọi bảo vệ Castro và gia đình ông.

Berta Caceres.

"Khi muốn giết tôi, họ sẽ làm được điều đó!"

Hoạt động của Berta Caceres bao gồm nhiều vấn đề - quyền cho người bản địa, nữ quyền, quyền cho cộng đồng đồng tính LGBT và bảo vệ môi trường. Nhưng nổi bật nhất trong các hoạt động của Caceres là Agua Zarca, dự án đập thủy điện gây tranh cãi dự kiến xây dựng ngay trên phần đất của người bản địa Lenca. Berta Caceres từng nhận được nhiều tin nhắn đe dọa giết chết do phản ứng gay gắt của bà đối với dự án đập Agua Zarca.

Những hình thức đe dọa trở nên nghiêm trọng đến mức trong những tháng gần đây, Ủy ban Liên Mỹ về nhân quyền (IACHR) phải nhiều lần lên tiếng yêu cầu chính quyền Honduras có biện pháp bảo vệ Caceres.

Theo một số nguồn tin, Berta Caceres bị đe dọa bởi 3 chính khách địa phương, những người này hành động vì Desarrollos Energeticos, SA (DESA), một công ty năng lượng tư nhân đứng sau dự án đập Agua Zarca. Dự án Agua Zarca cũng nhận được tài trợ từ Ngân hàng Trung ương Mỹ vì Hội nhập Kinh tế (CABEI). Nhà thầu ban đầu được thuê để xây dựng đập là Sinohydro Group, một trong những tập đoàn kỹ thuật thủy điện lớn nhất thế giới. Nhưng cả hai Sinohydro và World Bank sau này đều rút lui khỏi dự án đập thủy điện.

Gia đình Atala với các thành viên liên quan đến nhiều vụ đầu tư kinh doanh mạo hiểm và ủng hộ cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Manuel Zelaya năm 2009 ở Honduras kiểm soát một phần DESA. Thành viên nổi tiếng nhất của gia đình Atala là tỷ phú Camilo Atala, chủ tịch Ngân hàng Banco Ficohsa.

Phản ứng trước yêu cầu bình luận về vụ sát hại Berta Caceres, ban giám đốc DESA cho biết họ không liên quan đến vụ án và vẫn chưa có bất cứ hoạt động xây dựng nào trong khi cuộc điều tra đang tiến hành. Từ năm 2012-2013, các thành viên cộng đồng người bản địa Lenca đã lập hàng rào người ngăn chặn việc xây dựng đập, trong khi COPINH tiến hành một chiến dịch trong nước và quốc tế tố cáo dự án đập thủy điện khổng lồ này gây tác hại đến môi trường và văn hóa. Đội nhân viên an ninh tư nhân của DESA và quân đội Honduras phải dùng vũ lực.

Berta Caceres phát biểu với hãng tin Al Jazeera hồi tháng 12-2013: "Quân đội lập một bản danh sách ám sát bao gồm 18 nhà hoạt động nhân quyền với tên tôi ở đầu bảng. Tôi hết sức cẩn thận, song vẫn cảm thấy nguy hiểm khi đang sống trong một đất nước mà tội ác hoàn toàn không có sự trừng phạt. Khi muốn giết tôi, họ sẽ làm được điều đó".

Những cuộc biểu tình đòi công lý cho Berta Caceres ở Honduras.

Năm 2015, tổ chức phi chính phủ Global Witness công bố Honduras là quốc gia cực kỳ nguy hiểm đối với những nhà hoạt động môi trường. David Wrathall, chuyên gia địa lý Đại học Liên Hiệp Quốc (cơ quan nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc được thành lập năm 1973 tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản), cho biết, trong thập niên qua, Trung Mỹ đã trở thành vùng đất thuận lợi cho hoạt động rửa tiền bẩn ma túy thông qua lĩnh vực nông nghiệp và các dự án phát triển như đập thủy điện. Trong quá khứ, các chủ đất, doanh nghiệp và chính khách sử dụng bạo lực để chống lại các nhà hoạt động bảo vệ môi trường. Hiện nay, họ có thêm nhiều hơn nữa những cuộc kinh doanh và giao dịch tài chính bất hợp pháp để che đậy.

Peter Bosshard, chuyên gia về đập thủy điện và tham nhũng ở tổ chức phi lợi nhuận International Rivers, nhận xét: "Cơ sở hạ tầng công cộng quy mô lớn là lĩnh vực nhiều tham nhũng nhất trong nền kinh tế toàn cầu, thậm chí còn hơn cả buôn bán vũ khí và dầu mỏ".

Bao giờ thực thi công lý?

Honduras là con đường vận chuyển cocaine trong nhiều năm qua, nhưng số lượng ma túy đi vào nước này tăng mạnh năm 2007 khi Mỹ ngăn chặn được con đường ma túy từ Nam Mỹ qua vùng Caribbea và Mexico.

Theo báo cáo mới đây của Bộ Ngoại giao Mỹ, khoảng 90% cocaine hướng đến Mỹ qua đường Trung Mỹ và Mexico; và vùng Tam giác Bắc (bao gồm Guatemala, Honduras và El Salvador) có tỷ lệ giết người cao nhất thế giới. Tình hình càng tồi tệ hơn nữa sau vụ đảo chính năm 2009 lật đổ Tổng thống Manuel Zelaya ở Honduras. Trước khi đảo chính xảy ra, chính quyền Tổng thống Zelaya đã ngăn chặn thành công nhiều dự án đập thủy điện gây tác hại cho môi trường nhưng sau khi chính quyền mới lên thay ngay lập tức cho phép triển khai hàng loạt các dự án từng gây tranh cãi.

Tháng 6 2010, tổng cộng có đến 40 hợp đồng xây dựng đập thủy điện được chính quyền mới của Tổng thống Juan Orlando Hernandez phê chuẩn. Tổ chức COPINH trong các năm qua đã đòi lại được những vùng đất của tổ tiên. Hình thức đấu tranh tích cực và dũng cảm của họ đã làm trì hoãn hay ngăn chặn được những dự án đập thủy điện, xẻ gỗ và khai thác mỏ. Nói một cách khác, COPINH đã "ngăn không cho những vùng đất đai thiêng liêng và quý giá bị cưỡng đoạt và phá hoại".

Gia đình Berta Caceres tin chắc rằng một số người liên quan đến dự án Agua Zarca đã ra lệnh thủ tiêu bà. Người thân của Berta Caceres chỉ đích danh DESA, các nhà tài trợ cho Agua Zarca và chính quyền Honduras đã không bảo vệ bà. Tuy nhiên, ngày 3-3-2016, ban lãnh đạo dự án Agua Zarca tuyên bố họ không liên quan đến vụ án mạng: "Agua Zarca thẳng thắn khẳng định rằng không hề liên quan trực tiếp hay gián tiếp giữa dự án và vụ việc đáng tiếc đã cướp đi mạng sống của một lãnh đạo người bản địa".

Hàng ngàn người dự đám tang của Berta Caceres ở Honduras.

Hiện thời, Bộ Tư pháp Honduras chỉ tuyên bố cuộc điều tra đang diễn ra trong bí mật! Trong khi đó, chị gái của nạn nhân là Agustina Flores nói rõ: "Chúng tôi không muốn các nhà điều tra Honduras nhúng tay vào". 2 ngày sau vụ án mạng, trong một bức thư đọc tại tang lễ của Berta Caceres, Thượng nghị sĩ Mỹ Patrick Leahy đòi tiến hành một cuộc điều tra "độc lập và toàn diện" đồng thời nêu rõ "con sông Rio Blanco và vùng đất mà Berta Caceres đã dành trọn cả đời để bảo vệ cần được tiếp tục bảo vệ. Dự án đập thủy điện Agua Zarca cần phải hủy bỏ".

Theo Annie Bird, nhà hoạt động ở cùng với gia đình của Berta Caceres ở La Esperanza, tiến trình điều tra của chính quyền Honduras vô cùng rắc rối. Nhà hoạt động Gustavo Castro sống sót trong vụ ám sát và ban lãnh đạo COPINH "đang bị thẩm vấn căng thẳng" mà không hề có mặt các luật sư bảo vệ. Annie Bird khẳng định "không hề có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền đang điều tra đối với DESA hay đội nhân viên an ninh của DESA".

Trước khi bị chính quyền giam giữ, Gustavo Castro, nhân chứng duy nhất của vụ án mạng, gửi một bức thư cho báo chí với nội dung cho biết hiện trường vụ án đã bị chính quyền phá hủy mọi dấu vết. Ban đầu, Gustavo Castro được phép rời khỏi Honduras, song khi ông ra sân bay ở thủ đô Tegucigalpa thì giới chức bắt giam ông lại với lập luận rằng, họ cần đưa Gustavo Castro trở lại hiện trường vụ án để thẩm vấn.

Ngày 7-3-2016, Gustavo Castro được thông tin là ông sẽ bị giam giữ trong ít nhất 30 ngày. Gustavo Castro viết trong bức thư ngỏ: "Tôi chứng kiến Berta chết trong tay tôi. Và tôi cũng chứng kiến trái tim của chị nằm trong mỗi cuộc đấu tranh của COPINH".

Duy Minh (tổng hợp)
.
.