Afghanistan và “bóng ma” nội chiến
Dù đã kiểm soát Kabul từ tháng 8-2021, Taliban vẫn phải chật vật trong việc củng cố quyền lực và khẳng định vai trò của mình ở một đất nước đã tan nát sau cuộc chiến kéo dài suốt 30 năm. Hiện tại, “bóng ma” nội chiến lại lơ lửng trước mắt khi mà Taliban vừa phải đối phó với Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K), vừa tìm cách đánh bại những phong trào kháng chiến …
Những kẻ thù cũ, mới
Khi Taliban chiếm Kabul, nhiều sĩ quan, binh lính thuộc quân đội Chính phủ Tổng thống Ghani đã chạy đến thung lũng Panjshir để gia nhập Mặt trận kháng chiến quốc gia (NRF), do Ahmad Massoud lãnh đạo. Ahmad Massoud là con trai của Ahmad Shah Massoud, người cầm đầu Liên minh phương Bắc trong những năm 1980 và đã bị một nhóm Al-Qaeda giả làm phóng viên truyền hình ám sát chỉ 2 ngày trước khi xảy ra vụ khủng bố 11-9-2001 nhắm vào Tòa Tháp đôi, New York, Mỹ. Bên cạnh đó, một số quan chức Chính phủ Ghani cũng sang nước láng giềng Tajikistan, nơi cung cấp cho họ chỗ trú ẩn an toàn.
Là khu vực với địa hình đồi núi hiểm trở, thung lũng Panjshir, tỉnh Bazarak xem ra sẽ trở thành căn cứ lý tưởng cho một cuộc kháng chiến lâu dài. Vì thế gần như ngay lập tức, Ahmad Massoud tuyên bố không công nhận chính quyền Taliban. Trong những ngày đầu tiên hồi tháng 8-2021, các tay súng NRF đã đẩy lui những cuộc tấn công của Taliban vào Panjshir nhưng thật không may, chỉ hơn 1 tuần sau, Taliban đã chiếm được thung lũng.
Việc mất Panjshir là một đòn nặng nề giáng vào NRF nhưng Ahmad Massoud vẫn không bỏ cuộc. Cùng với cựu Phó tổng thống Afghanistan Amrullah Saleh, hai nhân vật này và một số thành viên khác trong Chính phủ Ghani nỗ lực xây dựng phong trào với quân số hiện nay ước lượng vào khoảng 15.000 người. Ali Maisam Nazary, phụ trách quan hệ đối ngoại của NRF cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi với trang tin Insight Politics: “Những tháng đầu tiên của cuộc kháng chiến, chúng tôi đã chiến đấu theo hình thức du kích bởi những hạn chế về nguồn lực, nhưng hiện tại, chúng tôi đã thay đổi chiến thuật. Điều này đã giúp NRF mở rộng vùng hoạt động từ 2 tỉnh ban đầu lên 12 tỉnh ở Afghanistan”.
Việc “thay đổi chiến thuật” theo lời Ali Maisam Nazary đã khiến các quan sát viên quốc tế về vấn đề Afghanistan ngầm hiểu rằng NRF bắt đầu nhận được những trợ giúp từ bên ngoài nhưng không ai khẳng định quốc gia nào đang chi viện cho NRF.
Caroline Rose, nhà phân tích cao cấp và là người đứng đầu chương trình Power Vacuums tại Viện New Lines, trụ sở đặt tại Washington D.C (chuyên về phân tích và đánh giá tình hình địa chính trị ở những điểm nóng trên thế giới), nói: “Những cuộc giao tranh gần đây giữa NRF và Taliban cho thấy đã có sự cải tiến rõ rệt về trang thiết bị”.
Nó được nghi ngờ là đến từ nước láng giềng Tajikistan, quốc gia duy nhất ở Trung Á công khai chống lại Taliban mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc sau khi Taliban kiểm soát Kabul, Chính phủ Tajikistan đã đề nghị Taliban cho phép người dân tộc Tajik, chiếm khoảng 26% dân số Afghanistan, tham gia bộ máy cầm quyền nhưng Taliban đã lạnh lùng từ chối.
Arif Rafiq, học giả tại Viện Trung Đông cho rằng: “Nếu cuộc chiến do NRF phát động nhằm lật đổ Taliban mà chỉ có mỗi Tajikistan đứng sau lưng thì cơ may chiến thắng là rất thấp, nếu không muốn nói là không thể…”. Thành công lớn nhất về mặt đối ngoại của NRF là ngày 1-11-2021, phong trào này được Bộ Tư pháp Mỹ cho phép mở một văn phòng liên lạc tại Washington D.C để thực hiện các nhiệm vụ vận động hành lang cho cuộc kháng chiến.
Cho đến nay, NRF không phải là lực lượng duy nhất thách thức Taliban mà còn có một số tổ chức khác nhưng phần lớn đều nhỏ lẻ, ít có khả năng mở rộng tầm ảnh hưởng. Franz Marty, thành viên thuộc Viện Các vấn đề toàn cầu, Thụy Sĩ, người đã làm việc ở Afghanistan hơn 7 năm và chỉ rời đi sau khi Taliban chiếm Kabul cho biết mục tiêu chung của tất cả các nhóm chống đối là lật đổ Taliban nhưng cách hoạt động của họ không có sự hợp tác chặt chẽ mà diễn ra theo kiểu “mạnh ai nấy làm”.
Điều này dẫn đến hoạt động của nhóm này vô hình trung phá vỡ kế hoạch của nhóm khác. Và mặc dù nó có thể gây ra một số khó khăn cho Taliban trong việc trong việc ổn định tình hình nhưng nó vẫn chưa phải là mối đe dọa lâu dài.
Một trong những tổ chức kháng chiến chống Taliban được xem là khá nổi bật, chỉ đứng sau NRF là tổ chức do Abdul Hamid Dadgar đứng đầu, ra đời tại tỉnh Baghlan. Chỉ khoảng 10 ngày sau khi xuất hiện, họ đã chiếm được các quận Andarab, Pul-e-Hesar và âDe Salah thuộc tỉnh này nhưng chỉ trong mấy tiếng đồng hồ, Taliban tổ chức phản công, tái chiếm Pul-e-Hesar. Hôm sau, đến lượt quận Andarab và De Salah lại thuộc về Taliban.
Cũng với mục tiêu lật đổ Taliban còn có một nhóm do Abdul Rashid Dostum và Atta Muhammad Nur lãnh đạo, được gọi là nhóm Dostum. Theo một số nguồn tin, nhóm này có khoảng 10.000 tay súng, dùng đất Uzbekistan làm căn cứ và tuyên bố sẵn sàng hợp tác với NRF.
Nguy cơ nội chiến
Với Taliban, việc chống lại NRF và các nhóm vũ trang khác chỉ là một phần trong bóng ma của cuộc nội chiến đang lơ lửng trên đầu. Mối quan tâm lớn nhất hiện nay của các nhà lãnh đạo Taliban chính là Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K), chi nhánh của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong bối cảnh sự hiện diện của NRF vẫn chỉ giới hạn ở Đông Bắc Afghanistan thì IS-K đang từng ngày mở rộng phạm vi hoạt động trên khắp đất nước. Những cuộc tấn công điên cuồng diễn ra ở thủ đô Kabul, ở các tỉnh Nangarhar, Kunar và gần đây là Balkh, Kunduz, đã cho thấy sức mạnh của IS-K ngày càng gia tăng.
Ông Franz Marty, thành viên thuộc Viện Các vấn đề toàn cầu, Thụy Sĩ, nhận định: “Chưa đầy một năm cầm quyền, Taliban dường như vẫn không có một chiến lược đúng đắn để ổn định đất nước, chưa kể họ còn ban hành những luật lệ quái đản như cấm trẻ em gái đi học, phụ nữ phải mang khăn choàng mạng kín mặt khi ra đường và phải có người nhà là đàn ông đi kèm, cũng như bị cấm làm việc trong một số ngành nghề, đã là động lực làm dấy lên sự bất mãn trong dân chúng. Đây là lần thứ hai Taliban cai trị Afghanistan. Nó diễn ra y hệt lần đầu tiên khi quân đội Liên Xô rút khỏi đất nước này hồi năm 1989: Hỗn loạn và tuyệt vọng”.
Theo một thống kê của Viện Nghiên cứu chiến tranh Mỹ (ISW), chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm nay, IS-K đã tổ chức 19 cuộc đánh phá ở Afghanistan. Gần đây nhất là hôm thứ sáu 29-4-2022, ngày cuối cùng của tháng lễ Ramadan, IS-K đã tấn công nhà thờ Hồi giáo dòng Shiite ở phía Tây Kabul ngay trong buổi cầu nguyện, giết chết 50 người.
Cũng trong ngày này, IS-K đánh bom hai tháp điện cao thế ở tỉnh Parwan khiến Kabul và vài tỉnh lân cận chìm trong bóng tối. Đến đêm 30-4, IS-K lại đánh bom 2 tháp điện cao thế khác ở phía Tây thủ đô Kabul làm 11 tỉnh của Afghanistan mất điện. Ngày 25-5, một vụ đánh bom nhằm vào một chiếc xe bus ở Mazar-i-Sharif, làm chết 9 người cùng hàng chục người khác bị thương…
Dù các quan chức cấp cao Taliban vẫn tuyên bố rằng: “IS-K không phải là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Các tiểu vương quốc Hồi giáo”, và: “Nếu chúng tôi giải quyết xong những vấn đề về kinh tế, tài chính, IS-K sẽ biến mất khỏi Afghanistan sau 15 ngày”. Nhưng những gì diễn ra cho thấy khả năng phục hồi và bành trướng của IS-K đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.
Ông Deborah Lyon, đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hiệp quốc tại Afghanistan đã phát biểu với các thành viên trong Hội đồng Bảo an: “Trước đây, khi quân đội Mỹ và đồng minh còn hiện diện ở Afghanistan, IS-K chỉ giới hạn ở một vài khu vực nhưng hiện nay, nó như có mặt ở hầu hết các tỉnh và ngày càng hoạt động mạnh mẽ”.
Người hoạch định chính sách của Bộ Quốc phòng Mỹ là ông Colin Kahl trong buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ cũng cho biết: “Có thể thấy hiện nay IS-K đang nắm quyền chủ động trong cuộc chiến, đặc biệt nhắm vào các quan chức cấp cao của Taliban. Việc giết chết Hamdullah Mokhlis, người đứng đầu bộ phận an ninh Kabul đồng thời là chỉ huy đơn vị đặc nhiệm Badri của Taliban đã là một minh chứng cụ thể rằng ngay cả thành trì của Taliban cũng dễ bị tấn công”. Có lẽ vì thế nên các quan chức tình báo cao cấp của Taliban ở Kabul cũng phải thừa nhận rằng một khu vực ở tỉnh Nangarhar đã trở thành “vùng cấm địa” đối với họ.
Để trả đũa, Taliban tiến hành những chiến dịch bạo lực. Vẫn theo ISW, họ đã “làm biến mất” khoảng 1.500 người chỉ riêng ở tỉnh Nangarhar. Gần đây, Taliban tiếp tục triển khai thêm 1.000 tay súng đến các làng mạc, thị trấn trong khu vực. Hàng trăm thành viên hoặc những người ủng hộ IS-K, thậm chí là cả những người bị nghi ngờ có cảm tình với IS-K đã bị sát hại và nhiều thi thể, một số bị chặt đầu, vứt trên đường phố như một lời cảnh báo.
Nó tàn khốc đến mức trong số những người bị Taliban giết lại là những người chống IS-K. Những động thái ấy vô hình trung đã tác động tích cực cho IS-K trong việc chiêu mộ thêm lực lượng và hầu như rất ít bằng chứng cho thấy việc giết chóc bừa bãi của Taliban làm suy giảm cường độ tấn công của IS-K.
9 tháng sau ngày Taliban chiếm Kabul, ngoài việc đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo bao gồm nạn đói, cạn kiệt nhiều nguồn vật tư cho y tế, nông nghiệp, sản xuất thương mại, rà phá bom mìn…, Taliban không còn tiền để trả cho quân đội và các lực lượng an ninh trong lúc IS-K công bố phần thưởng 300 USD cho bất cứ ai gia nhập tổ chức này. Và mặc dù có những rò rỉ cho rằng Mỹ vẫn âm thầm chia sẻ thông tin tình báo về IS-K cho Taliban thông qua những máy bay trinh sát không người lái, xuất hiện trên vùng trời Afghanistan mỗi ngày, nhưng xem ra Taliban không đủ sức để xử lý những thông tin đó bằng cách tổ chức những cuộc hành quân bình định.
Các báo cáo đáng tin cậy cho thấy, ở nhiều khu vực đã xuất hiện những nhóm IS-K công khai tuyển mộ chiến binh Taliban, các cựu thành viên của Cơ quan Tình báo Afghanistan dưới thời Tổng thống Ashraf Ghani, hiện vẫn đang lẩn trốn vì sợ Taliban trả thù và ngay cả với những chiến binh dày dạn kinh nghiệm thuộc Lực lượng đặc nhiệm Badri cũng là đối tượng để IS-K nhắm đến. Chưa hết, IS-K còn thu hút các thực thể thánh chiến khác, bao gồm cả Tehrik-i-Taliban Pakistan (TTP), hay còn được gọi là Taliban Pakistan. Nếu thành công, nó sẽ cho phép IS-K mở rộnghoạt động của mình ở Pakistan.
Theo một số nhà phân tích thuộc các cơ quan tình báo Anh, Mỹ, Pháp…, là những nước đã đưa quân tham chiến ở Afghanistan suốt 20 năm, vẫn chưa quá muộn để Taliban thay đổi đường lối cai trị cực đoan nhằm đạt được sự hậu thuẫn của quốc tế trong việc đánh bại IS-K, cũng như tìm được giải pháp hòa bình với các nhóm kháng chiến trước khi “bóng ma” nội chiến trở thành hiện thực…