Ẩn họa từ loại ma túy đội lốt thực phẩm, thuốc kích dục
Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) phối hợp với phòng cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (Công an TP Hà Nội) và Công an TP Hồ Chí Minh vừa triệt phá thành công một đường dây sản xuất, mua bán chất ma túy với số lượng “khủng”. Đáng chú ý, đường dây này được ngụy trang dưới vỏ bọc là sản phẩm đông y, tăng cường sinh lực nam giới, hoạt động trong một thời gian dài.
Ma túy đội lốt… thuốc đông y
Ngày 16-9-2022, Công an phường Mỹ Đình 2 tiếp nhận đơn trình báo của anh H.Q.C (SN 2001, thường trú tại tỉnh Thanh Hóa) về việc chiều cùng ngày bị nhóm đối tượng do Nguyễn Khoa Điềm (SN 1996, thường trú tại xã Nguyễn Huệ, thị trấn Đông Triều, Quảng Ninh) cầm đầu sử dụng hung khí đánh gây thương tích tại một căn chung cư mini trên đường Mỹ Đình (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm).
Tổ chức điều tra, Cơ quan công an xác định nhóm đàn em của Điềm gồm 7 nam thanh niên (SN 2004 đến 2007, đều trú tại Hà Nội) đã tham gia vụ cố ý gây thương tích trên, đồng thời còn có nhiều hành vi phạm tội khác như "Trộm cắp tài sản" và "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có". Cơ quan công an đã tiến hành tạm giữ hình sự nhóm trên.
Mở rộng điều tra vụ án, cơ quan điều tra phát hiện căn chung cư mini trên đang chứa chấp một ổ tội phạm về ma túy đặc biệt nguy hiểm. Cầm đầu ổ nhóm này là Nguyễn Khoa Điềm. Nhóm đối tượng trong đường dây của Điềm gồm Dương Văn Trường (SN 2001, thường trú tại Bắc Giang), Hà Quang Chính (SN 2001, thường trú tại Thanh Hóa), Lê Xuân Huy (SN 2001, thường trú ở Thanh Hóa), Nguyễn Thế Ngọc (SN 2001, thường trú tại Ninh Bình) và Hà Quang Hoàng (SN 2002, thường trú tại Thanh Hóa).
Tổ chức khám xét, Cơ quan công an thu giữ nhiều tang vật gồm gồm hơn 40 kg thảo mộc có chứa ma túy loại ADB - BUTINACA, 11 kg chất bột có chứa ma túy loại ADB - BUTINACA, 250 ống thuốc lá điện tử dạng Pod có chứa ma túy loại ADB - BUTINACA, 40 lít chất lỏng có chứa ma túy loại ADB - BUTINACA, 76 bao tải giấy bên trong có thảo mộc khô màu xanh dùng cho việc sản xuất ma túy tổng khối lượng 547,2 kg. Số này sẽ được ngụy trang thành thuốc Đông y và thuốc kích dục nam nhằm dễ dàng tiêu thụ ra thị trường, kiếm lời.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng thu giữ nhiều máy móc, trang thiết bị dùng cho việc chứa đựng, sản xuất, đóng gói ma túy bao như: máy ép, máy khuấy, đèn sấy, máy ép nhiệt, khay kim loại, chậu thùng nhựa, bình xịt, túi nilon, hộp bìa thùng giấy, cân điện tử...
Tại Cơ quan công an, Điềm khai nhận số ma túy trên được mua từ đối tượng có tài khoản Zalo "Minh Quân". Đối tượng này hiện đang trú tại TP Hồ Chí Minh. Công an TP Hà Nội nhanh chóng điều tra làm rõ đối tượng sử dụng nick Zalo “Minh Quân” có tên thật là Lê Đức Thịnh (SN 1994, thường trú tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) - một đầu mối quan trọng trong đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia.
Cơ quan điều tra làm rõ, từ ngày 5-8 đến ngày 9-9-2022, Thịnh đã chỉ đạo đàn em đóng gói chuyển hàng 8 lần qua bưu điện bán cho Nguyễn Khoa Điềm với tổng khối lượng là 19 kg “Tobaco” (sợi lá cây, thảo mộc sấy khô có chứa chất ma túy) với giá tổng cộng 120 triệu đồng. Các đối tượng dùng máy ép đóng thảo mộc tẩm ướp ma túy thành các túi, hộp ngụy trang thành các sản phẩm Đông y, thuốc tăng lực.
Ngoài ra, 4 đối tượng liên quan trong đường dây sản xuất, vận chuyển và mua bán trái phép chất ma túy của Điềm[1]Thịnh cũng được làm rõ. Nhóm này gồm Trần Công Danh (SN 1993), Võ Văn Mỹ (SN 1997), Phạm Quang Trung (SN 1993) và Nguyễn Ngọc Khánh (SN 1988) đều trú tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi song đã hoạt động tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh từ đầu năm 2022 đến nay.
Hiện, Cơ quan công an đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam các đối tượng có hành vi "Mua bán trái phép chất ma túy" đồng thời tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Chất ADB – BUTINACA nguy hiểm như thế nào?
Thời gian qua, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện nhiều vụ việc mua bán, sử dụng ma túy có chứa chất ADB - BUTINACA. Đây là chất gây nghiện, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng, song trước tháng 8-2022 chưa được đưa vào danh mục các chất ma túy.
Cuối tháng 5-2022, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (huyện Đông Anh, Hà Nội) tiếp nhận điều trị cho 5 bệnh nhân có triệu chứng lơ mơ, khó thở.
Qua khai thác, được biết các bệnh nhân sau khi ăn chocolate có tên là Chill Max khoảng 20 phút thì xuất hiện dấu hiệu bồn chồn, khó thở, sau đó bất tỉnh và được đưa đi bệnh viện cấp cứu. Công an huyện Đông Anh đã vào cuộc, gửi mẫu chocolate bệnh nhân đã ăn để trưng cầu giám định chất ma túy trong sản phẩm. Cơ quan giám định đã tìm thấy chất ADB - BUTINACA trong các viên chocolate.
Theo một lãnh đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP Hà Nội, trên địa bàn thành phố từng xuất hiện những loại ma túy dạng thanh chocolate có tên gọi "Cannabis choco[1]late". Về hình thức, chúng không khác gì thanh chocolate bán trên thị trường nhưng thực chất là hỗn hợp cần sa trộn lẫn bột cacao, trong đó thành phần chính là THC, CBN, CBD là chất được chiết xuất từ cây cần sa, gây ảo giác cho người sử dụng.
Bên trong những sản phẩm này có chứa chất ADB-BUTINACA gây rối loạn cảm xúc, lo lắng, căng thẳng, ảo giác rối loạn tâm thần và ý thức thoát ly thực tại. Mẫu viên chocolate như trên được đóng vào hộp giấy ghi nhãn hiệu Socola Chill Max và bán công khai trên các trang mạng xã hội.
Cuối tháng 7-2022, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một nữ bệnh nhân trong tình trạng hôn mê sâu, tụt huyết áp. Gia đình mang mẫu lọ dung dịch thuốc lá điện tử mà bệnh nhân này đã hút đến để các bác sĩ của Trung tâm Chống độc xác định độc chất. Kết quả xét nghiệm mẫu từ Viện Pháp y Quốc gia tìm thấy có chất cần sa tổng hợp ADB - BUTINACA trong lọ dung dịch. Như vậy, có thể xác định, bệnh nhân bị ngộ độc do chất cần sa tổng hợp có trong thuốc lá điện tử. Đây là loại ma túy thế hệ mới, rất nguy hiểm cho người sử dụng.
Chất ADB - BUTINACA có tác dụng gây ảo giác tương tự như các chất ma túy thuộc nhóm cần sa tổng hợp được tẩm vào các mẫu thảo mộc. Cuối tháng 8- 2022 chất này mới được đưa vào Danh mục II Phụ lục kèm theo Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ngày 25-8-2022 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất, có hiệu lực thi hành pháp luật từ ngày 25-8-2022.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, thời gian qua, trung tâm đã cấp cứu cho nhiều bệnh nhân ngộ độc do sử dụng ma túy dưới dạng thực phẩm như: Bánh, kẹo, nước giải khát...
Các loại ngộ độc tức thời có thể gặp như: Thần kinh bị lẫn lộn, hôn mê, co giật, rối loạn tâm thần, loạn nhịp tim, tăng huyết áp, tụt huyết áp, suy hô hấp...
Đặc biệt, với những người trẻ tuổi, nghiện ma túy sẽ làm giảm khả năng nhận thức và học tập, giảm quá trình hồi phục trí nhớ, giảm khả năng tập trung, giảm chức năng điều hành (giảm kiểm soát nhận thức và hành vi).
Núp bóng tinh vi dưới vỏ bọc của các loại đồ ăn, thức uống thông thường và biến đổi liên tục nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, ma túy tổng hợp được xem là kẻ giết người thầm lặng, khi bất kỳ ai cũng có thể vô tình bước vào con đường dẫn đến “cái chết trắng” mà không hề nhận ra.
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, thời gian qua, trên thế giới và Việt Nam xuất hiện loại ma túy núp bóng dưới hình thức thực phẩm chức năng có chứa chất ma túy. Theo đó, ma túy được các đối tượng pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống. Điều nguy hiểm là loại ma túy này ở một số nước trên thế giới không cấm và cho phép sản xuất với hàm lượng quy định có ghi trên bao bì sản phẩm và có cảnh báo người dùng. Do đó, đây là kẽ hở để các đối tượng lợi dụng, lén lút mang vào Việt Nam phát tán, sử dụng dẫn đến ngộ độc.
Một đặc điểm chung là các loại ma túy mẫu mới trên đều có hình thức, màu sắc bắt mắt, gây tò mò cao với nhóm trẻvị thành niên với tâm lý muốn thử nghiệm cảm giác lạ, muốn tự khẳng định bản thân và có xu hướng mạo hiểm trong khi chưa nhận thức được đầy đủ về tác hại mà các chất cấm gây ra. Đặc biệt, nguy hiểm hơn là trên một số diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội, nhiều đối tượng đã mở topic chia sẻ các trải nghiệm khi sử dụng các chất thức thần để cổ vũ, lôi kéo người sử dụng các loại ma túy dạng mới như "cỏ Mỹ" (thảo mộctẩm ướp hóa chất có tác dụng gây ảo giác như cần sa), "tem giấy" và "nấm thần". Những câu chuyện "trải nghiệm" được kể hấp dẫn như một chuyến du lịch khám phá...
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho biết, ma túy được pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống là thủ đoạn tinh vi của tội phạm nhằm qua mặt cơ quan chức năng để vận chuyển, mua bán trót lọt. Thôngthường, người vận chuyển, tàng trữ, mua bán loại này biết đó là ma túy, nhưng khi bị bắt thường che giấu, giả vờ không biết nhằm chối tội.
Trước tình hình trên, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy tiếp tục tăng cường cập nhật, theo dõi, thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến tội phạm về ma túy núp bóng các loại thực phẩm, đồ uống để thông báo, chỉ đạo, hướng dẫn công an các đơn vị, địa phương trên toàn quốc tuyên truyền tới nhân dân và kịp thời phát hiện, bắt giữ, điều tra, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.