Bát nháo công cụ hỗ trợ trên chợ mạng
Càng đến thời điểm cận Tết, tình trạng rao bán công cụ hỗ trợ như: súng, còng số 8, dùi cui điện... càng trở nên sôi động hơn bao giờ hết trên chợ mạng. Thật giả chưa rõ ra sao, nhưng rõ ràng hoạt động này tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, trật tự.
Mua bán công khai trên chợ mạng
Lợi dụng không gian mạng, nhiều đối tượng đã tạo những tài khoản mạng xã hội ẩn danh để đăng bán công cụ hỗ trợ như: Súng bắn đạn nhựa, súng bắn đạn bi, còng số 8, dùi cui điện... “Khách hàng” của loại hàng đặc biệt này cũng rất đa dạng. Có người mua chỉ với mục đích sưu tầm, phòng thân nhưng có người mua với mục đích phạm tội.
Không khó để tìm đến những thứ này, bởi không chỉ bán trên các mạng xã hội mà loại mặt hàng này còn được bán trên các website bán hàng và sàn thương mại điện tử. Những mặt hàng như kìm điện, roi sắt, còng số 8, dao, kiếm, súng bắn đạn bi sứt, thiết bị quân dụng... được rao bán với giá từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng tùy loại. Thậm chí, một số vũ khí nguy hiểm như súng bắn đạn bi sắt với giá chỉ hơn 5 triệu đồng, nhiều loại đao, mã tấu có giá từ 600.000 - 700.000 đồng. Những loại đồ chơi có xu hướng bạo lực như súng đồ chơi, gậy... là các mặt hàng cấm buôn bán (theo Quyết định số 88/2000/QĐ-BTM của Bộ Công thương) nhưng cũng được đăng bán công khai.
Trong vai một người có nhu cầu mua còng số 8, phóng viên đã để lại comment trên trang Còng số 8 “chính hãng” thì được trả lời, loại còng đang rao bán có giá 550 nghìn đồng. Ngoài ra, trên nhiều bài viết khác, giá còng số 8 được gắn công khai, dao động từ 500 đến dưới 1 triệu đồng.
Tương tự, khi vào trang Facebook “Súng bắn đạn bi sắt” hỏi giá, quản trị viên của trang đã nói rằng: “Để bảo mật thông tin khách hàng shop sẽ ẩn tất cả các bình luận, anh em có nhu cầu inbox để shop tư vấn nhé”. Tại trang Facebook “Súng bắn đạn bi sắt” không những đăng các bài viết rao bán những mẫu súng khác nhau mà còn đăng clip trực quan thử sức công phá của súng trong một căn phòng. “Mục tiêu” chính là những lon bia, chai lọ để trên bàn. Khi bắn, những “mục tiêu” này vỡ tan, nước bắn tung tóe, kèm với đó là lời giới thiệu: “Không cần cọc và cho khách kiểm thì còn gì phải sợ nữa anh em. Giao tận nhà, anh em kiểm tra ok mới thanh toán nhé, chất liệu kim loại bền bỉ”.
Trên trang web dungcutuve.org đăng bán rất nhiều loại công cụ hỗ trợ như: Dùi cui điện, đèn pin chích điện mini, đèn pin chích điện tự vệ nhập khẩu Mỹ, roi điện 3 khúc... Giá của các loại sản phẩm này dao động từ 390 nghìn đến 800 nghìn đồng kèm lời quảng cáo: “Dụng Cụ Tự Vệ MP cửa hàng chuyên cung cấp đồ tự vệ uy tín giá tốt tại thị trường Việt Nam hiện nay. Các dòng sản phẩm tại shop được nhập khẩu chính hãng bao gồm bình xịt hơi cay, còng số 8, côn nhị khúc, roi điện, súng điện, còi báo động, baton,... đa dạng mẫu mã và chủng loại”.
Lợi dụng sự đa dạng các loại hình mua bán trực tuyến, các đối tượng đã quảng cáo, mua bán trái phép công cụ hỗ trợ... Chỉ cần một số điện thoại để liên hệ giao dịch, hàng được giao qua dịch vụ chuyển phát và thanh toán bằng hình thức chuyển khoản hoặc thu tiền mặt khi nhận hàng. Các thông tin như địa chỉ người bán, số tài khoản nhận tiền... đều có thể được các đối tượng làm giả hoặc “đi thuê”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đa số nguồn hàng cung cấp cho các chủ shop đều từ một số nhóm đối tượng làm “tổng đại lý” nhập lậu với số lượng lớn vào Việt Nam qua cửa khẩu bằng đường mòn biên giới tiếp giáp với các nước Trung Quốc, Campuchia, Lào hoặc bằng dịch vụ vận chuyển quốc tế, mua qua bán lại trên các sàn thương mại điện tử lớn như Taobao express, Alibaba... các đối tượng lấy hàng từ các đường dây buôn lậu trái phép. Nguy hiểm hơn, một số đối tượng còn sử dụng các loại máy móc công nghệ cao để tự sao chép, sản xuất trái phép nhiều loại súng, đạn và “nâng cấp” từ súng ít sát thương lên súng gây sát thương cao. Có nhóm đối tượng còn tự chế tạo pháo để rao bán.
Hậu quả khôn lường
Mới đây, Công an tỉnh Bắc Giang đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Xuân Tiến (trú tại thị trấn Nhã Nam, Tân Yên, Bắc Giang) về hành vi chế tạo, mua bán súng săn quy mô lớn. Tại nơi ở của đối tượng Tiến, lực lượng chức năng đã thu giữ những clip quảng cáo, rao bán, dạy cách lắp ráp các loại súng hơi; 6 khẩu súng săn, gần 700 linh kiện lắp ráp súng và hơn 4.000 viên đạn chì.
Tại Cơ quan công an, Tiến khai nhận, đã tự quay các clip quảng cáo súng săn để đăng lên mạng xã hội. Linh kiện Tiến đặt mua trên mạng. Mỗi khẩu súng tùy loại, sau khi trừ đi công lắp và tiền linh kiện thì lãi từ 2-4 triệu đồng. Khách hàng cũng bán qua mạng nên không biết rõ họ ở đâu và cụ thể là ai. Trong vòng hơn 1 tháng, đối tượng này đã bán trót lọt gần chục khẩu súng hơi với giá từ hơn 4 triệu đến gần chục triệu đồng mỗi khẩu tùy loại. Phương thức vận chuyển hàng của Tiến là thông qua người quen, dịch vụ xe khách liên tỉnh hoặc các dịch vụ giao hàng công nghệ. Đối tượng không ghi địa chỉ người gửi hoặc khai báo không đúng loại hàng hóa nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Thượng úy Hà Anh Dũng, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bắc Giang cho rằng, một trong những nguyên nhân để tình trạng đăng rao tràn lan công cụ hỗ trợ trên mạng xã hội như hiện nay là sự hạn chế về mặt nhận thức của một bộ phận người sử dụng mạng xã hội. Có nhiều người đăng tải clip sử dụng công cụ hỗ trợ chỉ với mục đích khuếch trương bản thân, câu like, câu view. “Hiện tượng này cũng là xuất phát từ những đối tượng xấu có tư tưởng cực đoan, bạo lực, muốn sản xuất, đăng tải những nội dung này lên là để cổ xúy và lôi kéo những người khác tham gia vào các hoạt động bạo lực. Cơ quan chức năng cần vào cuộc, mạnh tay hơn nữa để tránh những hậu quả đáng tiếc” - Thượng úy Dũng cho biết thêm.
Mới đây, theo thông tin của Công an huyện Mường La (Sơn La), vào ngày 12/12, Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Mường La phối hợp với Công an xã Ngọc Chiến kiểm tra, phát hiện đối tượng K.A.P (sinh năm 2001, trú tại xã Ngọc Chiến) mua ống ngắm quang học, là chi tiết của vũ khí để lắp ráp thành súng hơi. Qua quá trình làm việc, P. khai nhận, vào khoảng tháng 10/2023 có lên mạng internet đặt mua ống ngắm quang học để về soi ong. Đến khoảng giữa tháng 10, K.A.P. nhận được hàng qua đường chuyển phát nhanh. Sau khi làm việc với tổ công tác, P. đã về nhà lấy ống ngắm quang học để giao nộp.
Sau đó 2 ngày, cũng tại xã Ngọc Chiến, Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phối hợp với Công an xã Ngọc Chiến kiểm tra, phát hiện Q.V.G (sinh năm 1982) có hành vi mua các linh kiện trên mạng về lắp súng hơi. Qua quá trình làm việc, G. khai nhận đã lên mạng internet tìm hiểu và tìm mua linh kiện về để lắp súng hơi. Ngày 15/11, Q.V.G nhận được hàng qua đường chuyển phát nhanh 1 ống ngắm quang học và các linh kiện dùng để tháo lắp, Q.V.G chưa nhận đủ các đơn hàng nên chưa kịp lắp thành khẩu súng thì đã bị Cơ quan công an phát hiện.
Chia sẻ về tình trạng này, Trung tá Lê Mùi, Trưởng Công an huyện Mường La, cho biết: Công an huyện đã tập trung lực lượng, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi mua bán vũ khí và công cụ hỗ trợ trên mạng xã hội. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành nhằm ngăn chặn, xử lý tình trạng rao bán vũ khí và công cụ hỗ trợ trên các trang mạng xã hội; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân để không thực hiện các hành vi mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ trên mạng xã hội... Hiện nay, theo quy định của pháp luật, đã có những chế tài xử lý hành vi tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ, linh kiện vũ khí nguy hiểm. Trong đó có cả xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự (tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả gây ra).
Trước tình hình phức tạp nêu trên, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương, nhất là Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao tập trung phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi rao bán vũ khí và công cụ hỗ trợ trên mạng xã hội.
Đồng thời, lực lượng Công an tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển phát bưu chính phát hiện các đối tượng mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ. Phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông internet ngăn chặn các hành vi đăng tải thông tin, bài viết, hình ảnh liên quan đến hoạt động mua bán, hướng dẫn chế tạo, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép.
- Điểm a, c, Khoản 5, Điều 10, Nghị định 167/2013 của Chính phủ quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội..., người nào có hành vi trao đổi, mua bán, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ sẽ bị phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng. Theo Điểm b, Khoản 6, Điều 10 của Nghị định trên, người vi phạm còn có thể bị tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng, buộc thu hồi tang vật vi phạm.
- Đối với xử lý hình sự, người nào có hành vi mua bán vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 306, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) cụ thể: "Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ" phạt tù 3 tháng - 2 năm; 1 - 5 năm tù giam nếu vi phạm có tổ chức, có số lượng lớn, mua bán qua biên giới hoặc gây thiệt hại lớn tài sản hoặc gây hậu quả chết người...
- Điểm e, Khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020 của Chính phủ quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội: Người vi phạm sẽ bị phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng về hành vi lợi dụng mạng xã hội để "Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm”.