Binance “muôn hình vạn trạng” lách luật

Thứ Năm, 10/11/2022, 20:10

Những ai để tâm đến thị trường tài chính chắc không lạ gì với cái tên Binance. Chỉ trong vòng 5 năm gần đây, Binance đã leo lên chiếm vị trí sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất thế giới. Thắng lợi này tuy vậy cũng đem đến nỗi lo cho ban lãnh đạo Binance. Sàn giao dịch này càng lớn mạnh, nhà lập pháp các nước lại càng để tâm tới nó.

Mà điều thu hút nhiều người đến với crypto là giao dịch tiền ảo diễn ra mà không bị nhà cầm quyền kiểm soát. Binance từng phải rời trụ sở và hệ thống máy chủ từ Trung Quốc sang Malta khi Bắc Kinh thắt chặt các quy định về tiền ảo. Họ sẽ còn làm gì nữa để tránh khỏi việc bị kiểm soát bởi chính phủ các nước khác?

Đổi trắng thay đen

Nhà sáng lập và CEO Triệu Trường Bằng của Binance từ trước đến nay lúc nào cũng công khai rằng mình sẵn sàng hợp tác với nhà chức tránh nước sở tại. Một báo cáo mới được Bộ Tư pháp Mỹ công bố lại vẽ ra hình ảnh hoàn toàn trái ngược. Bộ Tư pháp Mỹ đã phỏng vấn 30 nhân viên cũ, cố vấn và đối tác; đồng thời rà soát hàng trăm nghìn bức thư điện tử có liên quan tới Binance. Kết luận họ đưa ra là Triệu Trường Bằng cùng ban lãnh đạo Binance đang thực hiện một chiến dịch quy mô lớn nhằm đánh lạc hướng các cơ quan luật pháp Mỹ.

Binance “muôn hình vạn trạng” lách luật -0
CEO Triệu Trường Bằng của Binance.

 Chi tiết kế hoạch trên được đề ra trong biên bản ghi nhớ có chữ ký của Triệu Trường Bằng. Bước đầu tiên của kế hoạch là thành lập một sàn giao dịch crypto mới mang tên Binance.US. Binance và Binance.US trên giấy tờ không có quan hệ với nhau. Tuy vậy, trên thực tế Triệu Trường Bằng điều hành mọi hoạt động của Binance.US. Các cấp dưới của vị CEO công khai gọi Binance.US là “công ty con”, là “bình phong” nhằm giảm sự chú ý của nhà chức trách Mỹ tới tập đoàn mẹ Binance.

Bộ Tư pháp Mỹ chỉ nhận ra trò “đổi trắng thay đen” này sau khi nhóm hacker Lazarus tấn công sàn giao dịch crypto Eterbase ở Slovakia để ăn trộm số tiền ảo trị giá 5,4 triệu USD. Chỉ vài tiếng sau vụ tấn công mạng xảy ra ra, nhóm hacker mở hàng chục tài khoản trên Binance để chuyển số tiền ảo thành tiền thật. Những hacker chỉ mất 9 phút để “rửa” khoản tiền “bẩn” 5,4 triệu USD. Họ sử dụng những tài khoản email đánh cắp được để mở ví điện tử trên Binance. Đáng lẽ ra hệ thống kiểm soát an ninh của Binance đã phải ngăn chặn được điều này.

Nhà sáng lập Robert Auxt trả lời tờ Washington Post trong sự tức giận: “Bất kỳ nhà đầu tư tiền ảo chân chính nào cũng tránh xa Binance vì những kẻ tội phạm sử dụng nền tảng này… Binance nói rằng do họ không yêu cầu chủ tài khoản cung cấp tên tuổi nên không thể nào truy được số tiền bị đánh cắp. Họ để cho lỗ hổng quy định này tồn tại nhiều năm liền mà chẳng chịu khắc phục. Công chúng hãy bắt đầu hỏi xem điều này là vô ý hay cố ý?”.

Binance “muôn hình vạn trạng” lách luật -0
Coinbase, Binance và các sàn tiền ảo khác đang ngày càng trở nên phổ biến ở những nước phương Tây.

Chính phủ Mỹ đã thuê công ty nghiên cứu tài chính crypto Chainalysis mở cuộc điều tra Binance. Theo kết quả mà Chainalysis thu thập được, kể từ khi Binance mở sàn giao dịch vào năm 2015, họ đã xử lý ít nhất 2,35 tỷ USD các giao dịch có liên quan đến hacker, lừa đảo tài chính, buôn bán ma túy. Chỉ trong năm 2020, con số này đã lên mức 770 triệu USD.

Triệu Trường Bằng công khai lên Twitter chỉ trích báo cáo điều tra của Chainalysis và yêu cầu mở một cuộc kiểm toán độc lập. Tuy vậy, không lâu sau đó một nửa bộ phận thanh tra nội bộ của Binance.US bất ngờ từ chức, và công ty này cũng có tổng giám đốc mới. Binance.US quảng cáo việc “thay máu” này là một phần trong kế hoạch minh bạch hóa công ty. Những nhân viên cũ của Binance.US không cùng ý kiến đó.

Một cựu thành viên ban thanh tra của Binance.US nhận xét: “Ông chủ mới ra lệnh cho phòng quản lý khách hàng đẩy nhanh tốc độ xét duyệt khách hàng mở tài khoản mới. Không ít nhân viên và quản lý đã đưa ra ý kiến rằng như thế chỉ làm khó thêm quá trình chống rửa tiền, nhưng tân tổng giám đốc bỏ ngoài tai hết mọi lời cảnh báo”. Người này cũng cho biết nhiều thành viên bộ phận thanh tra từ chức do phải chịu áp lực từ cấp trên. Không loại trừ khả năng ban lãnh đạo Binance.US làm vậy như một cách “đá quả bóng trách nhiệm” xuống cho cấp dưới.

Trong khi Bộ Tư pháp Mỹ đang tiếp tục điều tra Binance, chính phủ một số quốc gia khác đã sớm có hành động. Trung Quốc, Anh, Ai Cập, Algeria, Bolivia và Colombia đã ra lệnh cấm Binance hoạt động tại nước mình. Trong khi đó Thái Lan, Indonesia, Nepal, Iraq và Bắc Macedonia quy định người dân có thể giao dịch trên Binance nhưng không được đổi crypto sang tiền thật. Trong bối cảnh sức hút của tiền ảo có phần suy yếu, các quy định ngặt nghèo trên lại càng đặt thêm áp lực lên Binance.

Binance “muôn hình vạn trạng” lách luật -0
Tiền ảo đang trở thành “món quà trời cho” đối với các tổ chức tội phạm quốc tế.

Mặt nạ

Tháng 8/2021, tờ New York Times cho đăng tải một bài điều tra về hai sàn tiền ảo Wallex và Sarmayex ở Iran. Hai công ty này qua Binance đã giao dịch số crypto trị giá 29 triệu USD trong khi Iran đang bị Mỹ cấm vận tài chính. Sau khi series phóng sự được đăng tải, đã có một nhóm hạ nghị sỹ Mỹ đệ đơn lên quốc hội yêu cầu điều tra và trừng phạt Binance.

Trước những cáo buộc, nghi ngờ và điều tra, Binance đang tìm mọi cách nhằm củng cố uy tín đang bị lung lay của mình. Một cách mà họ đang làm vậy là đầu tư vào truyền thông, trò chơi điện tử và bán lẻ, ba ngành nghề dễ gây dư luận tốt. Triệu Trường Bằng mới đây đã góp 500 triệu USD tiền vốn vào thương vụ tỷ phú Elon Musk mua lại mạng xã hội Twitter. Binance cũng từng thử mua lại tập đoàn truyền thông Forbes, chủ sở hữu tạp chí Forbes nổi tiếng, với giá 200 triệu USD. Chỉ sau khi dư luận và chính phủ Mỹ lên tiếng phản đối, tập đoàn Forbes mới chịu dừng thương vụ này.

Theo các thông tin nội bộ, người đứng đầu chiến dịch xây dựng lại uy tín cho Binance là Dịch Hà, đồng sáng lập và giám đốc bộ phận đầu tư mạo hiểm của tập đoàn. Trước khi Dịch Hà tham gia ngành tài chính, cô là người dẫn chương trình trên truyền hình. Dịch Hà và Triệu Trường Bằng là người yêu cũ từng có với nhau một đứa con trai. Dịch Hà đang sử dụng ngân sách 7,5 tỷ USD của bộ phận mình để đầu tư chiến lược vào các doanh nghiệp, tổ chức có khả năng giúp Binance lấy lại uy tín.

Tuy ban lãnh đạo Binance luôn khoe khoang rằng mình rất “thoáng” với nhân viên, nhưng các nhân viên Binance cho biết họ lúc nào cũng phải sống dưới sự kiểm soát của cấp trên. Một nhân viên giấu tên trả lời hãng tin Reuters: “Binance cũng thực hiện những biện pháp bảo mật giống các ngân hàng như sử dụng server email độc lập hay kiểm soát giao dịch hai bước. Nhưng họ còn đi xa hơn thế. Tất cả những máy tính trong một phòng đều được kết nối webcam với máy của trưởng phòng để sếp luôn luôn theo dõi được các nhân viên. Đôi khi ban thanh tra lại gọi ngẫu nhiên một người để tra hỏi về đồng nghiệp của họ. Không biết họ làm gì mà nhiều nữ nhân viên bị tra hỏi xong thì khóc lóc suốt”.

Binance “muôn hình vạn trạng” lách luật -0
Trụ sở Bộ Tư pháp Mỹ.

Một mối lo khác của nhiều nhà lập pháp là tầm ảnh hưởng của Binance với một số quốc gia. Trước khi Anh ra lệnh cấm Binance hoạt động tại nước mình, họ có mở một cuộc điều tra có sự cộng tác của chính quyền Malta và quần đảo Cayman. Theo luật chống khủng bố và rửa tiền của Anh, các sàn giao dịch tiền ảo phải đăng ký và chịu sự giám sát của Bộ Tài chính. Các sàn giao dịch bắt đầu hoạt động tại Anh trước tháng 1/2018 sẽ được cho thêm một năm nhằm sắp xếp lại tổ chức của mình trước khi buộc phải đi đăng ký.

Binance cho biết họ nằm trong nhóm được hưởng thời hạn một năm. Nhưng các nhà điều tra Anh phát hiện ra bằng chứng mà Binance đưa ra đã bị làm giả. Một số quan chức Cayman đã sử dụng quyền hạn của mình để bí mật sửa chữa và đóng dấu hồ sơ giả liên quan đến Binance. Chính quyền quần đảo Cayman đang tiếp tục cuộc điều tra 5 quan chức có liên quan đến vụ scandal này. Tuy vậy, nhà chức trách Cayman cũng đã từ chối đưa ra bất kỳ biện pháp trừng phạt Binance. Theo nhiều nhà phân tích, không thể chối từ khả năng Cayman không muốn làm mất lòng một tập đoàn lớn đang thực hiện nhiều hoạt động tại quần đảo này.

Hãng tin Reuters mới đây đã thu được một số email, tin nhắn trao đổi giữa ban lãnh đạo Binance và Harry Châu, giám đốc một công ty tiền ảo Mỹ từng nhận tiền đầu tư từ Binance. Trong thư ban lãnh đạo Binance nhờ Harry Châu tư vấn cho việc làm cách nào để tránh được sự giám sát của Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC). Harry Châu khuyên họ thành lập một công ty độc lập tại Mỹ. Công ty này sẽ chỉ có quy mô tầm chung và trao đổi một số loại tiền ảo nhất định, không trao đổi sản phẩm phái sinh. Người dùng tại Mỹ sẽ chỉ được giao dịch qua công ty này. SEC sẽ ít quan tâm hơn đến một công ty nhỏ như vậy.

Harry Châu còn đề xuất cách Binance “đối xử” với các khách hàng hạng sang có nhu cầu giao dịch lớn: Công ty sẽ hướng dụng họ sử dụng hệ thống mạng riêng VPN nhằm che dấu địa chỉ IP của khách hàng, sau đó mới cho phép họ giao dịch trên sàn Binance chính. Việc này sẽ đặt cả khách hàng lẫn Binance ra khỏi quyền hạn pháp lý của SEC. Mặt khác, thay vì nộp lợi nhuận về tập đoàn mẹ, công ty con tại Mỹ sẽ “biến hóa” khoản tiền kiếm được thành chi phí chuyển nhượng quyền được sử dụng thương hiệu Binance. Đây là cách mà nhiều tập đoàn đa quốc gia thường làm để trốn thuế nước sở tại.

Điều đáng ngạc nhiên nhất là khi Binance thực hiện kế hoạch của Harry Châu, công ty “ma” mà họ lập ra không phải là Binance.US. Doanh nghiệp thay mặt Binance thực hiện giao dịch tại Mỹ là BAM Trading Services đăng ký hoạt động tại bang Delaware. Giám đốc Catherine Coley của BAM trực tiếp báo cáo với Triệu Trường Bằng và hội đồng quản trị Binance.US.

Đứng trước những bằng chứng trên, Binance sẽ làm gì? Mới đây công ty này tổ chức một bữa tiệc mừng 5 năm thành lập tại vườn bách thảo Paris. Triệu Trường Bằng đứng lên phát biểu và được khán giả hỏi về việc các nhà đầu tư và sàn tiền ảo nên làm gì trong bối cảnh thị trường crypto xuống dốc. Vị CEO trả lời: “Điều các bạn nên làm là cúi thấp đầu, tránh mọi sự chú ý không cần thiết và chuẩn bị nguồn lực cho “cơn bùng nổ” tiếp theo của tiền ảo”.

Lê Công Vũ   (Tổng hợp)
.
.