“Cấy ghép đen” - nỗi ám ảnh của y học

Thứ Hai, 20/11/2023, 09:13

Trên thế giới, buôn bán nội tạng người là một trong những hoạt động kinh doanh được cho là có lợi nhuận cao nhất, ngang hàng với buôn bán ma túy, vũ khí và buôn người. Điều này là do số người có nhu cầu cấy ghép nội tạng lớn gấp nhiều lần số lượng nội tạng cung cấp thông qua các kênh chính thức. Và ở đâu có sự thiếu hụt, hoạt động phi pháp này sẽ xảy ra. Vì số tiền khổng lồ kiếm được nên có rất nhiều hoạt động phạm tội liên quan đến việc cấy ghép nội tạng.

Các chuyên gia y học cho rằng thị trường mua bán nội tạng bất hợp pháp cho mục đích cấy ghép - “cấy ghép đen” - đang tăng lên hàng năm. Có hàng triệu người trên khắp thế giới cần được cấy ghép nội tạng. Chỉ riêng ở Mỹ, mỗi năm có hơn 100 nghìn người cần ghép thận. Việc hiến tạng từ người thân và lấy từ người đã mất không đủ đáp ứng nhu cầu. Nhiều người mua đã quyết định “mua phụ tùng” con người bất chấp tất cả, kể cả theo con đường bất hợp pháp.

“Vì sao việc cấy ghép các cơ quan khác nhau, thường là thận, gan, phổi, tim lại có nhu cầu cao đến vậy? Bởi hiện vẫn chưa có giải pháp nào thay thế.  Công nghệ sử dụng tế bào gốc (y học tái tạo) chưa phát triển đầy đủ. Khoa học vẫn chưa có cách phát triển các cơ quan nội tạng mới… Trong khi đó, cấy ghép nội tạng từ người hiến tạng là cách hợp lý nhất để giải quyết vấn đề” - Giáo sư Dimitry Mikhel, chuyên gia về Nhân chủng học Y khoa Nga cho biết.

“Cấy ghép đen” - nỗi ám ảnh của y học -0
Một ca cấy ghép nội tạng.

Một “thị trường” sôi động…

Vì nhu cầu rất lớn mà nguồn lực pháp lý hạn chế đã biến việc “cấy ghép đen” thành một ngành kinh doanh phạm pháp có lợi nhuận cao. Tổ chức phi chính phủ Tài chính Toàn cầu ước tính, lợi nhuận hàng năm từ việc buôn bán nội tạng có thể lên tới 1,7 tỷ đôla. Theo tổ chức này, đã có hơn 12.000 ca ghép tạng có nguồn gốc bất hợp pháp xảy ra hàng năm, trong đó 8.000 ca là ghép thận. Tuy nhiên, các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong ngành cấy ghép cho biết con số thực tế là cao hơn nhiều.

Trên các nguồn mở, có thể tìm thấy thông tin về việc “định giá” cơ thể một người khỏe mạnh là hơn một triệu đôla. Người ta sẵn sàng trả 150-200 nghìn USD cho một lá phổi, 500 nghìn USD cho một lá gan, 300 nghìn USD -một quả thận, một quả tim là 100-150 nghìn USD, 1gram tủy - 20 nghìn USD... Không có mức giá thống nhất, tất cả phụ thuộc vào mức độ khẩn cấp của ca phẫu thuật và sự thỏa thuận của người bán và người nhận tạng.

Người bán tạng có thể nhận được mức giá cao nhất nếu ca phẫu thuật được thực hiện ở Mỹ, ở các nước EU hoặc Israel. Trong đa số các trường hợp khác, người bán thận có thể được trả 10-20 nghìn USD. Phần chi phí còn lại các bên trung gian khác sẽ nhận, vì việc cấy ghép bất hợp pháp là một mạng lưới hoàn chỉnh: tìm kiếm khách hàng, các môi giới khác nhau, quan chức và đại diện các cơ quan pháp luật, bác sĩ v.v…

Nhu cầu lớn nhất là nội tạng từ những người bán tạng châu Âu bởi những người giàu từ Mỹ, EU và các nước vùng Vịnh không muốn mua nội tạng từ Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia và một số nước khác. Vì thế mà một người nghèo ở Ấn Độ hoặc Bangladesh sẽ chỉ được nhận 700-1.400 USD cho quả thận của họ. Do có nhiều người sẵn sàng bán nội tạng của mình, Ấn Độ có tiếng là một “chợ nội tạng” thực sự.

“Cấy ghép đen” - nỗi ám ảnh của y học -0
Bác sĩ Abylai Donbai.

Ông Mikhel cho biết: “Khoa cấy ghép rất phát triển ở Ấn Độ. Chuỗi phòng khám Apollo Hospitals hàng đầu Ấn Độ rất nổi tiếng và được biết đến trên toàn thế giới. Chỉ riêng ở Delhi, một trong những bệnh viện lớn nhất thế giới đã thực hiện tới 30 ca cấy ghép mỗi ngày, chủ yếu là ghép thận. Không ai hỏi phòng khám lấy đâu ra nhiều nguồn để cấy ghép như vậy. Nguồn gốc là từ những người nghèo Ấn Độ. Họ bán một quả thận để giải quyết một số vấn đề hàng ngày, như chi phí đám cưới con gái họ. Đây là những hậu quả đáng buồn trong hệ thống y tế toàn cầu”.

Điều kỳ lạ là trong số các quốc gia dẫn đầu về cấy ghép nội tạng, Thổ Nhĩ Kỳ có khi vượt cả Israel, Đức và các nước khác. Đặc biệt, ở Thổ Nhĩ Kỳ, việc cấy ghép nội tạng rất thường được thực hiện khi nhiều cặp được phẫu thuật cùng lúc: người hiến và người nhận tạng. Việc cấy ghép như vậy giúp tránh phải chờ đợi lâu và giúp được rất nhiều người. Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu thế giới về ghép gan với hơn 97% ca phẫu thuật thành công.

Nếu trước đây các bộ phận nội tạng sau khi lấy ra được đặt trong nước lạnh (nước đá) trong quá trình vận chuyển thì bây giờ chúng được đặt trong một thiết bị đặc biệt và vẫn tiếp tục hoạt động ngay cả khi ở bên ngoài cơ thể con người: tim vẫn đập, gan vẫn tiết mật v.v… do trình độ phát triển của công nghệ hiện đại.

“Cấy ghép đen” - nỗi ám ảnh của y học -0
Người nghèo Ấn Độ với vết sẹo vì bán thận.

Những vùng trọng điểm hoạt động phi pháp

Ngày nay, ngoại trừ Iran, việc cấy ghép từ người hiến tạng không phải là họ hàng của người nhận đều bị cấm về mặt pháp lý. Còn tại hầu hết các quốc gia người nhận vẫn có thể nhận nội tạng mà họ cần từ người đã chết lâm sàng nếu khi còn sống người đó đã đồng ý.

Việc mua nội tạng bị cấm ở mọi nơi. Tuy nhiên, vì có hàng triệu người trên thế giới cần ghép nội tạng và người ta có thể phải chờ đợi nhiều năm để được phẫu thuật, nhiều bệnh nhân quyết định thực hiện bước triệt để - họ tìm người sẵn sàng bán nội tạng, hoặc họ câu kết với những kẻ tội phạm có thể “tìm được” nội tạng. Sau đó, họ dùng thủ đoạn để lách luật. Ví dụ, người bán và người nhận đi đến nước khác, dùng giấy tờ giả và khai báo là họ hàng để được ghép tạng.

Tìm kiếm những người hiến (bán) tạng ở đâu? Cách đáng tin cậy nhất là thông qua Internet. Thậm chí có thể tìm thấy một số trang web, trên đó người hiến và người nhận tạng đăng quảng cáo của họ rồi liên hệ trao đổi. Ở giai đoạn đầu, người hiến tạng cung cấp kết quả xét nghiệm, tiếp theo là qua bước test về khả năng tương thích. Nếu kết quả khả quan, “người bán” sẽ nhận được tiền mua vé (có thể là tiền đặt cọc) và đến quốc gia sẽ diễn ra cuộc phẫu thuật. Thông thường, đó là Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Uzbekisatan, Thái Lan, các nước Mỹ Latinh.

Giáo sư Mikhel giải thích “Các bộ phận của người hiến tạng chỉ “sống” bên ngoài cơ thể trong vài giờ và sẽ “chết” vì thiếu máu cục bộ do nhiệt. Để việc mua - bán nội tạng có thể thực hiện được, phải kết hợp hai yếu tố: có nền y học cấy ghép phát triển và sự điều tiết kém của một thị trường nghèo nàn về dịch vụ y tế. Cho đến gần đây, Bangladesh thực sự là thị trường buôn bán nội tạng. Tôi từng theo dõi tình hình ở đó 8 năm trước, tình huống lý tưởng để mua và bán nội tạng là: trình độ y học cao và dân số nghèo, thất nghiệp”.

Mọi người có quan niệm sai lầm rằng các ca phẫu thuật được thực hiện tại các phòng khám tư nhân, phòng y tế và các cơ sở khác. Trên thực tế, điều này là không thể vì phải cần nhiều thiết bị đặc biệt và hàng chục nhân viên y tế - bác sĩ phẫu thuật, nhân viên gây mê, hồi sức, đại diện phòng thí nghiệm, y tá. Thông thường, ca cấy ghép diễn ra tại những cơ sở đã từng hoạt động từ lâu và tất cả nhân viên y tế đều thạo việc.

Sau ca phẫu thuật, trong trường hợp may mắn nhất người hiến sẽ nhận được số tiền đã thỏa thuận và nếu không phát sinh biến chứng nào thì họ sẽ dần thích nghi với cuộc sống mới thiếu nội tạng. Trường hợp xấu nhất, khách hàng chỉ nhận được một phần số tiền đã thỏa thuận, trên cơ thể để lại một vết sẹo lớn, phát sinh các vấn đề về sức khỏe (và tinh thần), bị mất khả năng làm việc. Có cả trường hợp khách hàng không thể trở về quê hương-bị giết và nhiều nội tạng sẽ bị lấy đi.

Sau ca phẫu thuật, những người nghèo Ấn Độ và Bangladesh trở về nơi ở thiếu vệ sinh và vẫn phải làm việc, vì thế cuộc đời của những người nghèo như vậy rất ngắn ngủi. Thông thường, những người nghèo phải bán tạng do nợ nần, thiếu tiền chữa bệnh cho người thân hoặc luôn túng thiếu.

“Cấy ghép đen” - nỗi ám ảnh của y học -0
Bảo quản nội tạng để cấy ghép.

Hoạt động của các “chuyên gia cấy ghép đen”

Việc tìm kiếm người bán tạng, đàm phán v.v... là một quá trình lâu dài và tốn kém. Vấn đề hoàn toàn khác nếu người bán tạng là dân tị nạn, binh lính và cư dân từ các vùng có xung đột vũ trang. Người ta không cần trả tiền hay thuyết phục họ, sau khi phẫu thuật sẽ dễ che đậy dấu vết. Syria, Kosovo, Ukraine chưa phải là danh sách đầy đủ các quốc gia mà các “chuyên gia cấy ghép đen” kiếm được nhiều tiền. Cựu công tố viên của Tòa án La Hay, Carla del Ponte đã tìm thấy bằng chứng về các vụ giết người hàng loạt ở Kosovo đối với người Serbi, người Digan và những cư dân khác trong khu vực với mục đích lấy và bán nội tạng của họ. Điều đáng sợ nhất trong câu chuyện này là nạn nhân chết trong sự đau đớn khủng khiếp. Những kẻ tội phạm chưa từng bị trừng phạt.

Trong các khu vực có xung đột quân sự, việc “đánh cắp” nội tạng không phải là cá biệt - binh lính hoặc thường dân bị thương phải vào cơ sở y tế, tại đó nội tạng của họ bị đánh cắp trong khi nạn nhân đang được gây mê, sau đó các “bác sĩ” chỉ việc tuyên bố rằng họ buộc phải cắt bỏ chúng do chấn thương. Theo nhiều tổ chức nhân quyền, hàng chục nghìn người Lebanon đã trở thành nạn nhân của nạn “cấy ghép đen”.

Khó trừng phạt

Việc đưa những kẻ tổ chức kinh doanh phi pháp, các bác sĩ phẫu thuật và những kẻ liên quan “cấy ghép đen” khác ra trước công lý là điều rất khó khăn. Tội ác của họ khó được chứng minh - những người bán tạng hoặc biến mất hoặc không muốn đưa ra lời khai. Hoạt động kinh doanh như vậy lại được bao che bởi những người “bảo trợ cấp cao”.

Chỉ một số ít kẻ tội phạm bị trừng phạt. Năm 2019 cảnh sát Síp đã bắt giữ một nghi phạm người Israel liên quan đến hoạt động cấy ghép phi pháp, trong số đó có cả ở Kosovo. Síp đã từ chối yêu cầu dẫn độ giao nộp nghi phạm cho Nga theo yêu cầu của nước này và sau đó đã thả hắn. Cuối cùng hắn đã bị kết án tại Israel.

Năm 2019 bác sĩ trưởng bệnh viện một thành phố ở Kazakhstan là Abylai Donbai đã bị bắt vì là nghi phạm của hoạt động như trên. Một năm sau, ông ta được trả tự do và vẫn giữ chức vụ cũ.

Để chống lại việc “cấy ghép đen”, luật pháp quốc tế cần phải được hoàn thiện và phải thắt chặt các hình phạt đối với những kẻ tổ chức và tham gia hoạt động kinh doanh này.

Bích Nguyễn (Tổng hợp)
.
.