Neuralink và công nghệ cấy ghép não bộ

Thứ Hai, 20/03/2023, 21:21

Lúc này khi nhắc đến tỷ phú Mỹ Elon Musk, nhiều người chắc hẳn nghĩ đến những vấn đề đang “bủa vây” vị CEO của Twitter và Tesla. Vậy nhưng một công ty khác do Musk nắm quyền cũng đang đối mặt với khó khăn. Đó là Neuralink, công ty chuyên về nghiên cứu công nghệ cấy ghép chip vào não người.

Kể từ khi thành lập Neuralink vào năm 2016, tỷ phú Elon Musk đã nhiều lần tuyên bố công nghệ do công ty của ông đang phát triển sẽ “cách mạng hóa” ngành y tế. Vậy nhưng lúc này thành công của Neuralink nói riêng và công nghệ cấy ghép chip cho não chung đang bị đặt vào vòng nghi vấn.

Những nghi vấn

Hãng tin Reuters mới đây đã đăng tải một thông tin khiến nhiều người gây sốc: Sau sáu năm từ khi thành lập, Neuralink vẫn chưa xin được giấy phép hoạt động từ Cục Quản lý thực phẩm & dược phẩm Mỹ (FDA). Các nhân chứng - 7 cựu nhân viên của công ty - còn cho phóng viên Reuters biết về lý do đằng sau quyết định của FDA: Cơ quan này lo ngại về độ an toàn toàn của việc cấy ghép pin lithium vào não người và khả năng những vi mạch điện tự thay đổi vị trí từ phần này sang phần kia của não. Một câu hỏi lớn khác là liệu có thể phẫu thuật lấy chip ra khỏi não người mà không gây nguy hiểm đến bệnh nhân không.

giới quan sát đang thật sự nghi ngờ về khả năng của tỷ phú elon musk.jpg -0
Giới quan sát đang thật sự nghi ngờ về khả năng của tỷ phú Elon Musk.

“Tôi không nghĩ rằng Neuralink sẽ sớm xin được giấy phép. Vẫn còn quá nhiều nghi vấn về công nghệ cấy ghép chip chưa được trả lời.” Một trong số những cựu nhân viên bình phẩm về tuyên bố của Musk rằng Neuralink “đang tiến dần đến bước thí nghiệm trên người”.

Tiến sỹ Kid Ludwig, nguyên Giám đốc bộ phận nghiên cứu thần kinh tại Viện sức khỏe Hoa Kỳ, nhận xét: “Neuralink không có cả chiến lược lẫn kinh nghiệm để có thể sớm đưa công nghệ của họ ra thị trường... Việc bị FDA từ chối không có nghĩa là doanh nghiệp hoàn toàn vô vọng trong việc tìm kiếm giấy phép thử nghiệm trên người, nhưng chắc chắn quá trình xin phép sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều”.

Tỷ phú Elon Musk đặt rất nhiều hy vọng vào Neuralink. Ông tin rằng công ty sẽ sớm đưa ra thị trường một loại máy có thể “dệt” những vi mạch lên bề mặt não người nhằm làm thay vai trò của dây thần kinh. Bằng cách gửi đi các tín hiệu khác nhau tới vi mạch, bác sỹ có thể thay đổi quá trình vận hành của hệ thần kinh, hệ nội tiết, v.v... từ đó chữa được những bệnh như trầm cảm, tự kỷ, bại liệt. Xa hơn nữa, Neuralink sẽ giúp biến con người thành người máy, có thể dùng chính não mình như một cái máy tính.

một thí nghiệm được neuralink thực hiện với cá thể khỉ đã cấy ghép chip.jpg -0
Một thí nghiệm được Neuralink thực hiện với cá thể khỉ đã cấy ghép chip.

Elon Musk phát biểu trong một livestream: “Tôi có thể đang mang trong hộp sọ mình một con chip mà các bạn hoàn toàn không biết gì... Các bạn sẽ có thể lưu lại ký ức của mình để sau này xem lại... Tương lai sẽ còn lạ hơn chúng ta tưởng tượng”.

Tham vọng của Musk tuy vậy rất có thể là chính thứ khiến cho Neuralink khốn đốn. Theo các cựu nhân viên của công ty, họ thường xuyên được giao những mục tiêu không thể thực hiện được trong khoảng thời gian yêu cầu. Ban lãnh đạo Neuralink cũng tỏ thái độ bất hợp tác với các nhà chức trách. Tại những công ty y dược khác, nhà quản lý nhà nước được coi như thành viên tham gia quá trình phát triển sản phẩm nhằm đảm bảo sự an toàn cho bệnh nhân. Trái lại Musk đang điều hành Neuralink như Tesla, SpaceX, và Twitter: giữ bí mật tuyệt đối, và tập trung tất cả quyền lực vào tay CEO.

Uy tín của cả Elon Musk lẫn Neuralink đã bị ảnh hưởng rất nhiều sau khi chính phủ Mỹ mở cuộc điều tra họ do các cáo buộc ngược đãi động vật. Theo thông tin do các nhà điều tra công bố, đã có 1.500 cá thể động vật chết trong các thử nghiệm của Neuralink, trong đó có có 280 con cừu. Các cựu nhân viên của Neuralink khai rằng vì họ luôn phải chịu áp lực về thời gian nên đã không tuân thủ đúng các quy trình trong phẫu thuật cấy ghép chip não cho động vật, từ đó khiến chúng thành tàn tật. Theo CNN, nhiều con khỉ sau khi được ghép chip lại liên tục nôn mửa, ngất xỉu, nhiễm khuẩn, v.v... Một con khỉ phát điên đến mức nhai nát ngón tay mình, còn một con khác liên tục đâm đầu vào thanh sắt chuồng nuôi. Chưa hết, Neuralink còn bị cáo buộc vận chuyển những con chip từng được cấy ghép mà không có bất kỳ thông báo gì với các nhà chức trách. Những con chip đó hoàn toàn có thể mang các loại vi khuẩn, virus độc lực cao gây bệnh cho người. Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Bộ Giao thông Mỹ đang đảm nhận việc điều tra Neuralink.

ông graham felstead, nạn nhân tàn tật được cấy ghép chip vào não đễ có thể đánh máy tính mà không dùng tay.jpg -0
Ông Graham Felstead, nạn nhân tàn tật được cấy ghép chip vào não đễ có thể đánh máy tính mà không dùng tay.

Elon Musk tuy thế không phải không có người ủng hộ. Ông Bob Nelsen, nhà sáng lập quỹ đầu tư ARCH Venture Partners và cổ đông của Neuralink, trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình CNBC: “Tôi luôn “đặt cửa” vào Elon Musk. Trong trường hợp Neuralink vấp váp phải cái gì, Musk là người có khả năng đưa công ty trở lại “quỹ đạo” an toàn... Musk đã có kinh nghiệm làm việc trong hai ngành có những quy định rất khắt khe về an toàn là sản xuất xe hơi và tên lửa”.

Thông tin nội bộ của những công ty tài chính phố Wall cho biết Neuralink hiện đang được định giá 1 tỷ USD, cao hơn hẳn các đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Mức giá này còn có thể tăng lên nếu như Neuralink hoàn thành được mục tiêu trước mắt của họ: tại một cuộc hội thảo hồi cuối năm ngoái, Phó giám đốc công nghệ Dongjin Seo của Neuralink tiết lộ rằng công ty đang tiến tới thử nghiệm công nghệ cấy ghép chip giúp người bị bại liệt đánh máy tính được mà không cần dùng tay, và giúp người mù “nhìn” được thế giới qua camera.

Cạnh tranh gay gắt

Neuralink không phải là doanh nghiệp duy nhất tham gia vào lĩnh vực cấy ghép chip vào não người. Ước tính tổng giá trị các cá thể tham gia lĩnh vực này trên toàn thế giới đang đạt mức 6 tỷ USD. Ông Kid Ludwig cho biết: “Các nhà khoa học bắt đầu nghiêm túc nghiên cứu việc cấy ghép chip não từ khoảng 40 năm trước. FDA từng cấp phép cho một số công ty làm thử nghiệm để chữa trị các bệnh như Parkinson, bại não hoặc động kinh. Quá trình làm thử nghiệm thường kéo dài rất, rất lâu, ví dụ như trong trường hợp của NeuroPace. Công ty này nghiên cứu sản xuất ra thiết bị cấy ghép giúp giảm nhẹ tác động của bệnh động kinh mãn tính. Phải đến năm 2013, tức là 16 năm sau khi NeuroPace thành lập thì họ mới được FDA cấp phép”.

Sản phẩm vi mạch của Neuralink được xếp vào nhóm thiết bị giao diện não-máy (gọi tắt trong tiếng Anh là BCI). Chưa có bất kỳ sản phẩm BCI nào được FDA cấp phép lưu hành trên thị trường. Ngay cả tác dụng của BCI trong việc điều trị bệnh thần kinh cũng đang bị nhiều vị chuyên gia nghi ngờ. Ngược lại, tác hại của BCI thật khó mà lường hết được. Vị cựu chuyên gia FDA Victor Krauthamer giải thích: “Bộ não là một thứ rất mỏng manh, mà chúng ta đang nói về việc ghép những mạch điện và điện cực vô cùng nhỏ vào đấy. Giả dụ bộ não có sự thay đổi vì tuổi già hay tai nạn thì rất có thể những bộ phận trên sẽ bị xáo trộn, từ đó gây ra biến chứng chảy máu não, nhiễm trùng, v.v...”

Chưa hết, Neuralink dự định sẽ dùng pin nạp điện không dây để vận hành chip não. Dấu hỏi lớn nằm ở việc chuyện gì sẽ xảy ra khi pin hết tuổi thọ và ngừng hoạt động? Người bị cấy ghép sẽ bị ảnh hưởng ra sao? Việc lấy pin cũ ra và lắp pin mới vào sẽ diễn ra như thế nào? Đây là những vấn đề tác động trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng bệnh nhân, nhưng Neuralink vẫn chưa đưa ra được bất kỳ câu trả lời nào thỏa đáng.

Dường như Neuralink đang dần bị các đối thủ cạnh tranh bỏ lại đằng sau. Synchron là một dự án khởi nghiệp với mục tiêu tương tự như Neuralink và đã nhận được vốn đầu tư của hai tỷ phú Bill Gates và Jeff Bezos. Trái với Neuralink, Synchron đã nhận được sự cho phép của FDA và nhà chức trách một số quốc gia khác để thử nghiệm cấy ghép chip vào não người. Vào năm 2019, họ ghép chip cho bốn nạn nhân bị bại liệt. Cả bốn sau đó đã có để giao tiếp qua máy tính mà không cần dùng tay đánh bàn phím. Chỉ có đúng một bệnh nhân, ông Graham Felstead, mới mất vào năm 2021. Hiện nay Synchron đang trong quá trình theo dõi và hồi phục hai bệnh nhân khác người Mỹ mới được ghép chip.

vẫn còn quá nhiều nghi vấn về sự thành công của công nghệ cấy ghép chip vào não người.jpg -0
Vẫn còn quá nhiều nghi vấn về sự thành công của công nghệ cấy ghép chip vào não người.

Theo thông tin được hãng tin Reuters đăng tải, thiết kế của Neuralink không tỏ ra có sự nổi trội gì so với các đối thủ. Lãnh đạo Neuralink từng tuyên bố sẽ nghiên cứu thành công cách cấy ghép 16.000 điện cực lên não người, nhưng hiện nay họ mới chỉ cấy được 1.024 điện cực, bằng với Synchron và các công ty khác. Vậy thì lý do tại sao những công ty khác được FDA cấp phép, còn Neuralink không được? Vấn đề lại quay lại thái độ bất hợp tác của Neuralink. Bản thân FDA cũng đang rất quan tâm đến việc đưa BCI vào sử dụng. Họ lập ra quỹ BRAIN vào năm 2014 để tài trợ cho các công ty trong lĩnh vực này. Hiện nay ngân sách hằng năm của quỹ này rơi vào 680 triệu USD. Ngoài việc rót vốn, BRAIN còn chỉ định chuyên gia FDA đến giám sát doanh nghiệp và cố vấn cho họ về những vấn đề như tính hợp pháp của thí nghiệm hay làm cách nào để đáp ứng yêu cầu cấp phép của FDA. Neuralink ngay từ đầu đã bỏ lỡ cơ hội hợp tác với BRAIN. Trái lại, theo thông tin nội bộ của Neuralink rò rỉ ra ngoài, ban lãnh đạo công ty này thẳng thừng gọi FDA là “trở ngại cho sự phát triển của chúng ta”.

Nội bộ của Neuralink đang gặp nhiều trục trặc. Ngoài Musk ra còn có bảy nhà sáng lập khác đứng ra thành lập Neuralink. Đến năm 2022 thì năm người trong số đó đã rời khỏi công ty, mà đáng chú ý nhất là phó giáo sư giải phẫu não Benjamin Rapoport. Ông này sau đó đã lập ra công ty Precision Neuroscience để cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp cũ của mình. Để lấp đầy chỗ trống trong bộ máy nhân viên và quản lý, đồng thời vì mong muốn đem lại “làn gió mới” cho công cuộc nghiên cứu mà Elon Musk đã thuê rất nhiều cá nhân chưa đầy 30 tuổi. Sự thiếu kinh nghiệm trong bộ máy này khiến nhiều nhà quan sát không khỏi lo ngại về triển vọng thành công của Neuralink.

Tuy vậy rào cản lớn nhất đối với Neuralink và những doanh nghiệp khác trong ngành vào lúc này lại liên quan đến tài chính. Tiến sỹ thần kinh học Gene Civillico từng là cố vấn của FDA giải thích: “Nghiên cứu BCI hay bất kỳ thiết bị cấy ghép não nào khác là cả một quá trình dài lâu và phức tạp mà chưa chắc đã thành công. Thật khó để nghĩ rằng sẽ có nhiều nhà đầu tư tư nhân sẵn sàng mạo hiểm nguồn vốn của mình vào việc nghiên cứu cấy ghép chip vào não bộ trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay”.

Lê Công Vũ
.
.