Cựu Tổng thống Uzbekistan “dao sắc không gọt được chuôi”

Thứ Sáu, 06/10/2023, 09:13

Những ngày cuối tháng 9, cả châu Âu xôn xao vụ con gái của cựu Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov, Gulnara Karimova bị Văn phòng Tổng chưởng lý (OAG) của Thụy Sĩ truy tố về nhiều tội danh gồm: tham nhũng, rửa tiền, hối lộ và tham gia vào mạng lưới tội phạm.

Cuộc điều tra kéo dài hơn 10 năm

Gulnara Karimova năm nay 51 tuổi đã bị giam ở Tashkent từ năm 2014 với cáo buộc cướp hàng trăm triệu USD từ Uzbekistan và hối lộ một cách có hệ thống các giám đốc điều hành công ty và quan chức chính phủ trên khắp thế giới. Bà cũng bị cáo buộc đã rửa tiền bất chính thông qua một loạt công ty và tài khoản ngân hàng có trụ sở ở Thụy Sĩ. Mới đây, vào ngày 28/9, các công tố viên Thụy Sĩ đã đệ đơn kiện lên Tòa án Hình sự liên bang Thụy Sĩ ở Bellinzona nhằm vào Gulnara Karimova - người đã đi khắp thế giới trong nhiều năm với tư cách là một nhà ngoại giao Liên hợp quốc, được miễn truy tố, quảng bá các nhãn hiệu thời trang của mình và giao lưu với những người nổi tiếng.

Cựu Tổng thống Uzbekistan “dao sắc không gọt được chuôi” -0
Bà Gulnara Karimova từng là “Công chúa quyền lực nhất Uzbekistan”.

Các cáo buộc ban đầu về nghi ngờ liên quan đến hoạt động tội phạm của bà Gulnara Karimova đã được đệ trình vào năm 2012. OAG Thụy Sĩ sau đó đã mở một cuộc điều tra hình sự, dẫn đến việc tịch thu tài sản trị giá khoảng 780 triệu USD Thụy Sĩ. Mặc dù ban đầu Gulnara Karimova bị điều tra về tội rửa tiền, nhưng sau đó, cuộc điều tra đã mở rộng sang việc tham gia và hỗ trợ một tổ chức tội phạm có tên là “The Office”. Bản cáo trạng còn nêu rõ, Gulnara Karimova “đã phát triển và chỉ đạo tổ chức tội phạm có cấp bậc” từ năm 2001 đến năm 2013.

OAG Thụy Sĩ tin rằng, văn phòng hoạt động của “The Office” ở Thụy Sĩ được thành lập vào năm 2005 “để che giấu tiền có nguồn gốc từ các giao dịch tội phạm trong các tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ” và rằng “The Office đã tiến hành các hoạt động tội phạm như một doanh nghiệp chuyên nghiệp, tuân thủ các quy định bắt buộc và tuân thủ sự phân bổ nhiệm vụ nghiêm ngặt, đồng thời sử dụng bạo lực và đe dọa”.

Cựu Tổng thống Uzbekistan “dao sắc không gọt được chuôi” -0
Năm 2021, tờ Financial Times  từng đặt ra câu hỏi về hoạt động EY với Zeromax khi Công ty kiểm toán này đã giúp Zeromax có được các báo cáo giả về tình hình tài chính trong năm 2005, 2006 và 2007.

Sau khi kết thúc cuộc điều tra, OAG Thụy Sĩ đã đệ đơn cáo trạng lên Tòa án Hình sự liên bang (FCC) đối với Gulnara Karimova cũng như cựu giám đốc công ty con Uzebk của một công ty viễn thông đến từ Nga. Trong khi Gulnara Karimova bị buộc tội thành lập “The Office” và bắt đầu các hoạt động tội phạm của nó, thì cựu giám đốc này lại bị cáo buộc là “thành viên chủ chốt” của tổ chức, đặc biệt là các hoạt động tội phạm trong lĩnh vực viễn thông ở Uzbekistan.

Những cáo buộc mới chống lại Gulnara Karimova do OAG Thụy Sĩ đưa ra, được cho là đã diễn ra trong thời gian cha bà, ông Islam Karimov làm Tổng thống. Trong những năm này, Gulnara Karimova là một nhân vật nổi tiếng ở Uzbekistan. Bà điều hành một kênh truyền hình giải trí, phát hành album âm nhạc của riêng mình và từng phục vụ tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ), nơi đã cho bà quyền miễn trừ ngoại giao. Sau bản cáo trạng tham nhũng, giờ đây FCC có “trách nhiệm duy nhất” là cung cấp thêm thông tin khi vụ việc này tiếp tục được mở rộng điều tra. Bên cạnh bản cáo trạng, OAG Thụy Sĩ cũng yêu cầu tịch thu tài sản với tổng trị giá hơn 440 triệu USD liên quan đến hoạt động của “The Office”.

Cựu Tổng thống Uzbekistan “dao sắc không gọt được chuôi” -0
Bộ Tư pháp Uzebekistan cho biết, tổng tài sản của Gulnara Karimova ở Thụy Sĩ được hoàn trả lại cho nước này ước tính khoảng 686 triệu USD.

Vai trò của Zeromax

Theo tin từ tờ The Guardian, lần này, OAG cáo buộc Gulnara Karimova đứng đầu tổ chức tội phạm được gọi là “The Office”, bao gồm hàng chục cá nhân và hơn 100 công ty riêng biệt - tất cả đều có lợi ích kinh doanh rõ ràng là hợp pháp nhưng thực chất là hoạt động bí mật để che giấu số tiền bị đánh cắp và làm giàu cho các thành viên của tổ chức này. Trung tâm của “The Office” được cho là Công ty Zeromax của Thụy Sĩ. OAG Thụy Sĩ cho biết, Công ty Zeromax đã bị sụp đổ vào năm 2010 và là vụ phá sản lớn thứ hai từ trước đến nay tại Thụy Sĩ. Tuy nhiên, do luật công bố thông tin doanh nghiệp không rõ ràng ở Thụy Sĩ nên vụ việc của Công ty Zeromax ít thu hút được sự chú ý của dư luận trong hơn một thập kỷ.

Các tài liệu khác mà phóng viên tờ The Guardian có được thể hiện rõ, vào năm 2021, tờ Financial Times từng tiết lộ rằng, các chủ nợ của Công ty Zeromax có khoản nợ tầm 2,5 tỷ USD đã kiện Công ty kiểm toán EY vì công ty này đã ký vào các biên bản kiểm toán của Công ty Zeromax trong nhiều năm, bất chấp hoạt động rất bất thường của Zeromax. Hàng triệu USD đã được chi cho đồ trang sức, phương pháp điều trị y tế xa xỉ và tài sản dường như không liên quan đến các hoạt động chính thức của Zeromax với tư cách là công ty mẹ của các doanh nghiệp xây dựng và tài nguyên thiên nhiên ở Uzbekistan.

Cựu Tổng thống Uzbekistan “dao sắc không gọt được chuôi” -0
Ngày 16/8/2022, tại Bern (Thụy Sĩ), một thỏa thuận khung đã được ký giữa Thụy Sĩ và Uzbekistan với mục đích là mọi tài sản của Gulnara Karimova được trả lại “sẽ được sử dụng vì lợi ích của người dân Uzbekistan”.

Và bản cáo trạng mới nhất của OAG Thụy Sĩ nhằm chống lại Gulnara Karimova - người từng được mệnh danh là “Công chúa của Uzbekistan” vì lối sống xa hoa, cũng nêu rõ rằng, cuộc điều tra hình sự đối với một trong những ngân hàng tư nhân nổi tiếng nhất Thụy Sĩ, Lombard Odier, đang diễn ra và liên quan đến vụ án. Cụ thể, Gulnara Karimova đã sử dụng két an toàn tại Lombard Odier để cất giữ kim cương và các loại đá quý khác trị giá hàng triệu USD. Hơn 400 triệu USD tài sản lưu động trong các tài khoản đứng tên Gulnara Karimova tại ngân hàng Lombard Odier hiện đã bị OAG Thụy Sĩ phong tỏa. Công tố viên cũng cho biết, ngân hàng này đang bị điều tra “vì nghi ngờ không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong các giao dịch tài chính và làm trầm trọng thêm hoạt động rửa tiền”. Người phát ngôn của Lombard Odier cho biết, ngân hàng không bình luận về các cuộc điều tra đang diễn ra nhưng có thừa nhận rằng, đã hợp tác với các nhà điều tra kể từ năm 2012 trong vụ án liên quan đến Gulnara Karimova.

Những bản án mới

Thực tế, nhiều năm qua, Gulnara Karimova đã tránh bị điều tra ở Thụy Sĩ nhờ quyền miễn trừ ngoại giao được cấp khi đảm nhiệm các vai trò khác nhau tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva. Nhưng sau cái chết của cựu Tổng thống Islam Karimov, Gulnara Karimova đã mất đi sự bảo vệ chính trị mạnh mẽ của mình. Năm 2014, trong bối cảnh có sự thay đổi quyền lực chính trị ở Tashkent, bà bị quản thúc tại gia và năm 2017 bị kết tội tham ô ở Uzbekistan. Kể từ đó, Gulnara Karimova bị giam lỏng ở Tashkent.

Các công tố viên Thụy Sĩ tuyên bố, “The Office” do Gulnara Karimova điều hành, bắt đầu hoạt động ở Thụy Sĩ vào năm 2005 và sử dụng đất nước này trong thập kỷ tiếp theo để giúp tiêu thụ số tiền bị đánh cắp. Nguồn lợi nhuận ban đầu và chính của tổ chức này được cho là tiền hối lộ của các công ty viễn thông phương Tây để phát triển mạng lưới truyền thông của Uzbekistan vào đầu những năm 2000. Từ thời điểm đó, tổ chức đã phát triển tham vọng và phạm vi của mình.

Trong một bức điện ngoại giao bị rò rỉ từ năm 2010, Bộ Ngoại giao Mỹ từng gọi Gulnara Karimova là kẻ bắt nạt, “giành được hầu hết mọi hoạt động kinh doanh sinh lợi" ở Uzbekistan bằng cách khai thác quyền lực của cha. Năm 2012, Thụy Sĩ cho biết, họ đã phong tỏa khoảng 871,3 triệu USD liên quan đến thủ tục tố tụng hình sự chống lại Gulnara Karimova vì tội tham ô và phạm tội hình sự. Sau đó, Bộ Tư pháp Uzbekistan khẳng định, họ đang làm việc với chính quyền ở Thụy Sĩ, Mỹ, Pháp, Nga và một số quốc gia khác để trả lại tài sản của Gulnara Karimova mà họ cho là “kiếm được thông qua các hoạt động tội phạm”. Năm 2022, một thỏa thuận khung đã được ký giữa Thụy Sĩ và Uzbekistan với mục đích là mọi tài sản của Gulnara Karimova được trả lại “sẽ được sử dụng vì lợi ích của người dân Uzbekistan”.

Cựu Tổng thống Uzbekistan “dao sắc không gọt được chuôi” -0
Toàn cảnh khu biệt thự của Gulnara Karimova ở Cologny, Thụy Sĩ.

Trong một thời gian dài, các nhà điều tra hình sự ở Thụy Sĩ, Hoa Kỳ, Thụy Điển và Hà Lan đã liên kết Gulnara Karimova với một kế hoạch hối lộ lớn kéo dài nhiều năm, chủ yếu xoay quanh việc các công ty viễn thông nước ngoài giành được quyền tiếp cận thị trường Uzbekistan. Tháng 12/2017, tòa án Tashkent đã kết án Gulnara Karimova 10 năm tù, nhưng bản án sau đó được giảm xuống quản thúc tại gia trong 5 năm. Bà bị giam giữ vào tháng 3/2019 với cáo buộc vi phạm các điều khoản quản thúc tại gia.

Tháng 2/2020, Gulnara Karimova gửi một lá thư cho Tổng thống đương nhiệm Uzbekistan, đề nghị trả lại 686 triệu USD cho kho bạc Nhà nước để đổi lấy việc tòa án bác bỏ vụ kiện chống lại bà. Một tháng sau, bà nhận thêm bản án 13 năm tù sau khi bị kết tội tống tiền, rửa tiền và các tội danh khác. Hồi tháng 8 vừa qua, Văn phòng chống gian lận nghiêm trọng của Vương quốc Anh cho biết, họ đang nắm quyền kiểm soát 3 tài sản trị giá hơn 22,3 triệu USD thuộc sở hữu của Gulnara Karimova.

Luật sư Grégoire Mangeat, người có văn phòng luật tại Geneva (Thụy Sĩ) và là luật sư bào chữa cho Gulnara Karimova tuyên bố rằng, lần này, con gái của cựu Tổng thống Uzbekistan "phản đối mọi cáo buộc và sẽ đấu tranh để được trắng án". “Lý thuyết tổ chức tội phạm hoàn toàn bị tranh cãi. Nó đã được các công tố viên Thụy Sĩ lôi ra chỉ một năm trước, mười năm sau khi cuộc điều tra của họ bắt đầu. Thân chủ của chúng tôi Gulnara Karimova đã bị giam giữ tùy tiện trong gần mười năm. Không có dấu hiệu nào cho thấy rõ việc bà ấy sẽ phải ngồi tù ở Uzbekistan bao lâu nữa”, luật sư Grégoire Mangeat nói.

Chu Nguyễn
.
.