Gia tộc tỷ phú tội phạm ở Guyana
Không khó để tìm thấy trên báo chí Guyana những bài viết ca ngợi nghị lực phi thường của tỷ phú Nazar Mohamed. Sinh ra trong một gia đình sơn tràng, ông Nazar đã lao động cả đời để tự kéo mình khỏi cảnh nghèo khó. Nay ở tuổi 70, Nazar Mohamed là một trong những người giàu nhất Guyana.
Công ty Mohamed's Enterprise của ông quản lý các mỏ vàng trên khắp Nam Mỹ. Chưa hết, Nazar còn được biết đến bởi những ngôi trường, bệnh viện được xây dựng hoàn toàn bằng tiền từ thiện của ông. Sau nhiều thập kỷ ở vị trí quyền lực, Nazar nhường chức giám đốc tập đoàn Mohamed’s Enterprise cho con trai mình là Azruddin Mohamed nhằm tập trung vào việc làm từ thiện. Những tưởng câu chuyện của Nazar Mohamed đã có cái kết đẹp, nhưng nó lại đang mở ra một trang mới mà ít ai ngờ đến.
Tội phạm đa quốc gia
Công luận phương Tây bắt đầu chú ý đến Mohamed’s Enterprise khi tập đoàn này ký kết hợp đồng cung cấp vật liệu xây dựng tổ hợp giếng dầu và cảng nước sâu ngoài khơi Guyana với “gã khổng lồ” dầu mỏ Exxon Mobil (Mỹ). Sau khi công trình khánh thành, uớc tính công suất khai thác tối đa của Exxon tại Guyana sẽ lên đến 380.000 thùng/ngày. Tổng trị giá hợp đồng xây dựng giếng dầu rơi vào 300 triệu USD, trong đó Exxon chi ra 45% vốn, phần còn lại phụ thuộc vào hai đối tác nước ngoài khác. Việc thi công sẽ do tập đoàn xây dựng hàng hải Jan De Nul (Bỉ) thực hiện.
Theo hãng tin Reuters, tình báo Mỹ đã từ lâu biết đến mối quan hệ “thân thiết” giữa cha con nhà Mohamed với nội các Guyana đương nhiệm. Nazar Mohamed là nhà tài trợ lớn của đảng Tiến bộ Nhân dân cầm quyền và từng được nhiều lần chụp ảnh khi đang trò chuyện thân mật với tổng thống Irfaan Ali. Không thể loại trừ khả năng Exxon mong muốn sử dụng Nazar Mohamed làm “cầu nối” giữa họ với chính phủ Guyana. Điều này trên lý thuyết không phạm pháp, nhưng vấn đề nằm ở chỗ hoạt động kinh doanh của cha con nhà Mohamed.
Phát ngôn viên Amanda Wozniak của Lực lượng Chống ma túy Mỹ (DEA) phát biểu trước báo chí: “DEA, Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Bộ An ninh Nội địa (DHS) đang hợp tác điều tra Mohamed’s Enterprise về các nghi ngờ khai thác vàng trái phép, buôn lậu vũ khí và ma túy; và và rửa tiền cho các cartel tội phạm Nam Mỹ... Chính phủ Mỹ đã từng lên tiếng cảnh báo Exxon Mobil không nên có quan hệ với Nazar Mohamed và Azruddin Mohamed, nhưng chưa từng nhận được bất kỳ hồi đáp nào từ Exxon”.
Báo Washington Post dẫn thông tin nội bộ của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết chính phủ nước này đang xem xét việc áp đặt lệnh cấm vận cha con nhà Mohamed. Nếu lệnh cấm vận được ban hành, Exxon sẽ buộc phải cắt đứt quan hệ với Mohamed’s Enterprise nếu như không muốn bị chính phủ trừng phạt. Dự án trị giá 300 triệu USD của họ đang bị đặt vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Đáp lại thông tin trên, người phát ngôn của Exxon chỉ nói ngắn gọn rằng: “Exxon tuân thủ bất kỳ luật pháp nào tại Mỹ và các nước sở tại... Nhà chức trách Guyana lẫn Mohamed’s Enterprise không hề nói với chúng tôi về cuộc điều tra. Nếu như họ đã phạm luật, Exxon hoàn toàn không có trách nhiệm liên đới”.
Đây không phải lần đầu tiên cha con tỷ phú Mohamed bị Washington đặt vào “tầm ngắm”. Mohamed’s Enterprise từng bị Bộ Tài chính Mỹ điều tra vì có dấu hiệu vi phạm lệnh cấm vận áp đặt lên vàng Venezuela. Vàng được khai thác và chế biến tại Venezuela không được nhập khẩu vào Mỹ. Có thông tin cho biết Mohamed’s Enterprise đã sử dụng mạng lưới công ty con tại các quốc gia lân cận Venezuela nhằm che giấu nguồn gốc số vàng họ khai thác tại đất nước này với mục đích cuối cùng là đưa được vàng vào Mỹ và các nước đồng minh như Saudi Arabia.
Các mỏ vàng tại Venezuela, Colombia, Brazil và Guyana do Mohamed’s Enterprise sở hữu từng nhiều lần bị tố cáo vi phạm luật lao động và xâm phạm đến quyền lợi của người dân địa phương. Một thợ mỏ làm việc tại mỏ vàng của họ tại bang Minas Gerais, Brazil trả lời phóng viên nhật báo Folha: “Gia đình tôi đã 4 thế hệ làm phu vàng. Đến thời tôi thì mỏ vàng được Mohamed’s Enterprise mua lại. Nếu như chủ trước nợ lương tôi nhiều nhất cũng chỉ nửa năm, thì Mohamed nợ đến nay là hơn hai năm lương rồi. Họ còn thường xuyên bắt chúng tôi làm việc ngoài ca mà không có phụ cấp... Mohamed chặn lại một góc con sông gần mỏ để rửa quặng. Dân ở ngôi làng dưới hạ nguồn kêu ca rồi gửi đơn lên chính quyền, vậy là bảo vệ công ty vào làng đánh người và đập phá nhà cửa họ”.
Tại Colombia, cha con Mohamed bị cáo buộc tham gia rửa tiền, cung cấp vũ khí, và buôn lậu ma túy với Clan del Golfo, băng đảng ma túy lớn nhất Colombia hiện nay. Nhà báo Rafael Emiro Moreno, người vừa bị bọn tội phạm ám sát vào năm ngoái, từng viết: “Một nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của Clan del Golfo trong cuộc chiến giành địa bàn ở tỉnh Antioquia là có sẵn ngoại tệ và vũ khí nhập khẩu. Giữa lúc chính phủ Colombia thắt chặt kiểm soát biên giới địa lý lẫn tài chính hồi đầu thập niên 2010, Clan del Golfo vẫn có USD để hối lộ quan chức và súng ống Mỹ để đe dọa những ai không mua chuộc được. Khi đó người ta chỉ ngờ rằng Clan del Golfo đang dựa vào các băng đảng khác ở Medellín hay Bogotá để đổi cocaine lấy súng và tiền. Phải đến khi nhà chức trách phát hiện ra những dòng tiền “bẩn” qua lại giữa Colombia và Guyana thì họ mới bắt đầu nghi ngờ Mohamed’s Enterprise”.
Quyền lực và tội phạm
Tại thủ đô Georgetown của Guyana, gia đình Mohamed được xếp vào tầng lớp “tinh hoa”. Không khó để tìm ra ngôi biệt thự “tỷ đô” của Azruddin Mohamed tại quận Bel Air, Georgetown. Đằng sau bức tường cao hơn hai người đàn ông là bộ sưu tầm siêu xe nhập khẩu trị giá trăm triệu USD. Azruddin trở thành người nổi tiếng trên mạng xã hội Guyana nhờ liên tục đăng tải ảnh chụp bản thân trong những bộ trang phục hàng hiệu tạo dáng bên siêu xe lên trang Instagram cá nhân. Đôi khi anh ta còn xách súng trường để chụp ảnh nữa. Quả là hình ảnh ít người ngoài tưởng tượng đến khi biết rằng Azruddin đang là giám đốc của Mohamed’s Enterprise, thay thế cha mình hiện chỉ còn giữ chức chủ tịch.
Trái với ông con trai, Nazar Mohamed lại giữ lối sống “kín tiếng”. Chẳng mấy người biết tư dinh của nhà tỷ phú ở đâu. Cách chắc chắn nhất để gặp được ông ta là đến trụ sở của Mohamed’s Enterprise trên phố Lombard. Công ty đặt tại một tòa nhà bốn tầng có vẻ khiêm tốn. Điều duy nhất khiến người qua đường chú ý là bảo vệ có vũ trang đứng trước tòa nhà 24/7.
Phóng viên Reuters từng đến trụ sở của Mohamed’s Enterprise để phỏng vấn Nazar Mohamed. Vị tỷ phú ngồi dưới tấm ảnh chân dung tổng thống Guyana Irfaan mà tuyên bố: “Tôi bị người Mỹ điều tra một thời gian rồi. Mọi lời cáo buộc của họ đều vô căn cứ. Tôi chỉ là nạn nhân bị nghi oan mà thôi”.
Azruddin Mohamed có cách phản ứng quyết liệt hơn cha mình. Hồi tháng 2 vừa qua, một chiếc xe thể thao Ferrari được Azruddin nhập về từ Mỹ bất ngờ bị giới chức nước này chặn lại ở cảng. Chiếc xe chỉ được cho xuất cảng sau khi luật sư của Azruddin xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc phương tiện. Xe đã về đến nơi nhưng Azruddin vẫn lên mạng xã hội chửi bới giới chức Mỹ và các đối thủ cạnh tranh “vu oan giá họa” cho cha con họ. Không biết vì lý do gì mà vị giám đốc cũng “vạch áo cho người xem lưng”, nói ra hết những cáo buộc đang được chính phủ Mỹ điều tra: “Buôn lậu ma túy, ám sát, mua bán súng trái phép, rửa tiền, cung cấp tài chính cho khủng bố, và mua bán vàng trái phép”.
Ngoài cha con Mohamed, dư luận đang đổ dồn sự chú ý vào Alistair Routedge, giám đốc khu vực Guyana của Exxon. Tờ Washington Post tiết lộ đại diện của chính phủ Mỹ từng ba lần gặp trực tiếp Alistair vào cuối năm 2021, đầu năm 2022 nhằm cảnh báo tập đoàn dầu mỏ Mỹ về những hành vi phạm pháp của nhà Mohamed. Exxon sau đó vẫn ký kết hợp đồng với Mohamed’s Enterprise. Cho đến nay cả Alistair và Exxon đều từ chối bình luận về sự việc này với báo chí, nhưng không loại trừ khả năng vị giám đốc sẽ sớm bị đưa vào diện điều tra.
Exxon đặt hy vọng vào Guyana sẽ là nơi khai thác dầu lớn nhất của họ sau Mỹ. Giếng dầu do Mohamed’s Enterprise xây dựng chỉ là một trong số nhiều dự án tại Guyana mà Exxon đã lên kế hoạch khởi công trong vòng 10 năm tới. Khi tất cả các dự án này được hoàn thành, dự tính sản lượng dầu thô khai thác được tại Guyana sẽ lên đến 1,2 triệu thùng/ngày, cao hơn cả một số nước thuộc nhóm OPEC.
Chính phủ Guyana đang bị đặt vào thế bí. Đặt sang một bên mối quan hệ thân thiết giữa Nazar Mohamed và đảng cầm quyền, Guyana rất cần các nguồn đầu tư nước ngoài vào ngành dầu mỏ nước này. Sau khi Exxon phát hiện trữ lượng dầu lớn ở ngay ngoài khơi Georgetown (ước tính lên đến 11 tỷ thùng dầu thô), tập đoàn này đã hứa sẽ dành ra 45 tỷ USD để đầu tư vào việc phát triển dầu khí Guyana. Tiền chưa thấy, nhưng chỉ cần có thông tin này thôi là bộ mặt kinh tế của Guyana đã thay đổi. Từ chỗ là một trong các quốc gia nghèo nhất Nam Mỹ, ngày nay Guyana đã hiện đại hóa được mạng lưới cơ sở hạ tầng, giáo dục và y tế của họ nhờ những nguồn đầu tư nước ngoài “đi tắt đón đầu” cơ hội kinh tế từ ngành dầu khí của họ. Chỉ riêng khoản 12,5% lợi nhuận khai thác dầu tại Guyana được Exxon nộp vào ngân khố nhà nước này cũng đã giúp họ giảm đáng kể các khoản nợ nước ngoài. Georgetown không muốn làm mất lòng đối tác Exxon, nhưng cũng không thể để vụ án cha con Mohamed làm ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế Guyana - Mỹ.
Người phát ngôn phủ tổng thống Guyana mới đây đã tuyên bố: “Tổng thống Ali không hề được thông báo về việc cha con Mohamed bị điều tra... Nazar Mohamed và Azruddin Mohamed chưa hề sử dụng quyền lực hay ảnh hưởng chính trị của mình để tác động vào quá trình hợp tác giữa Georgetown và Exxon. Guyana sẽ chấp nhận mọi phán quyết của phía Mỹ nếu như họ chứng minh được các hành động bất hợp pháp của cha con Mohamed”.